Tổng quan làng game Việt: Game Online đang dần mất chỗ đứng

Mặt Trứng  - Theo Helino | 29/06/2019 11:59 PM

Nhìn lại chặng đường phát triển của thị trường game Việt: thị hiếu người chơi quyết định tất cả

Có thể nói thời hoàng kim của Game Online Việt đã qua từ lâu. Cụ thể, đó là khoảng 15 năm về trước, thời điểm mà những siêu phẩm kiếm hiệp như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ hay sau này là Kiếm Thế vẫn còn là những đứa con tinh thần không thể tách rời đối với đa phần các game thủ. Lúc bấy giờ, thuật ngữ eSports vẫn còn là một thứ gì đó quá xa lạ và gần như chẳng được ai nhắc tới mà nếu khiên cưỡng lắm thì cũng chỉ có thể liệt kê ra một vài cái tên như DOTA 1, Counter Strike hay thậm chí là AOE.

Game Online xuống dốc

Thế nhưng theo thời gian, thị trường đã có những biến động rõ rệt. Sau khi những tựa game đình đám như Võ Lâm Truyền Kỳ, và sau này là Kiếm Thế sụp đổ, làng Game Online Việt gần như không còn sản sinh ra bất kỳ một tựa game cày cuốc nào đủ sức nặng để sánh vai với những bậc tiền bối như trước. Nhiều người có thể cho rằng vẫn còn đó một Thiên Long Bát Bộ bền bỉ cùng năm tháng đấy thôi, nhưng nếu nhìn kỹ, đó chỉ là chút ánh sáng hiếm hoi, chưa kể tựa game này cũng đã dần phai nhạt khi lượng người chơi giảm sút và cộng đồng ngày càng bé lại cũng như chẳng còn được nhắc tới nhiều như trước.

Tổng quan làng game Việt: Game Online đang dần mất chỗ đứng - Ảnh 1.

VLTK từng là tựa game hàng đầu của Việt Nam, nhưng rồi cũng tới lúc sụp đổ

Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự xuống dốc không phanh của làng Game Online Việt, nhưng tựu chung lại, nguyên nhân chủ yếu vẫn tới từ thị hiếu của người dùng cũng như sự buông lỏng và tập trung vào lợi nhuận của nhà phát hành. Nhớ thời xưa, những món đồ hiếm trong các tựa game này thật sự được coi là trân bảo, thậm chí có tiền cũng chưa chắc đã mua được thì sau đó, hắng tá các sự kiện mọc ra nhan nhản, với mục đích duy nhất là thu hút thêm tiền nạp từ phía cộng đồng game thủ. Và khi bạn có thể dễ dàng bỏ tiền ra để sở hữu những trang bị hiếm ấy, game đã không còn nhiều thú vị và mục đích cày kéo như trước.

Esports lên ngôi

Một trong những lý do khiến cho game thủ Việt không còn mặn mà với Game Online cũng bắt nguồn từ thói quen của họ đã thay đổi. Không thể phủ nhận rằng trong cái thời đại mà streamer đang phát triển như bây giờ, số lượng game thủ ưa thích việc xem người khác chơi thay vì tự trải nghiệm xuất hiện ngày một nhiều. Và đương nhiên, chẳng ai thích xem một tựa game mà ở đó, nhân vật chỉ cắm auto ngồi cày cấp cả. Đó cũng là lý do mà eSports đang lên ngôi trong bối cảnh thị trường hiện tại.

Tổng quan làng game Việt: Game Online đang dần mất chỗ đứng - Ảnh 2.

LMHT ra mắt quá đúng thời điểm và tiếp nhận bước chuyển giao khi dòng game kiếm hiệp suy tàn

Cũng phải nói thêm rằng, khi mà DOTA 1 sập xệ, AOE có phần lỗi thời và các tựa game online đang bão hòa thì việc Garena việt hóa League of Legends và biến nó thành LMHT ở Việt Nam đã hội tụ đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Không mất quá nhiều thời gian để LMHT trở nên phổ biến và tính tới nay vẫn đang sở hữu lượng người chơi đông nhất thị trường Việt Nam

Rồi sau đó là những DOTA 2 cũng dần tạo được sự ảnh hưởng. Đặc điểm chung của eSports thì trái ngược hoàn toàn với game online, và đương nhiên đã tạo được hiệu ứng từ phía game thủ. Không cần nạp tiền để tăng tiến sức mạnh, bạn hoàn toàn có thể thi đấu sòng phẳng với đối thủ chỉ bằng kỹ năng, Cộng thêm việc dễ xem, dễ chấp nhận và trải ngiệm, Esports dần dần thay thế Game Online và trở thành món ăn chính cho thế hệ game thủ lúc bấy giờ.

Cho tới thời của game sinh tồn

Tuy nhiên, thị hiếu của game thủ luôn thay đổi theo thời gian, và sự nổi lên của các tựa game sinh tồn trong khoảng một năm trở lại đây là minh chứng rõ ràng nhất. Và nếu nói về dòng Battle Royale, chắc chắn PUBG phải là cái tên số 1.

Tổng quan làng game Việt: Game Online đang dần mất chỗ đứng - Ảnh 3.

Khi nhắc tới dòng game sinh tồn, PUBG chắc chắn là cái tên số một

Không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam, tựa game này đã thiết lập vô số kỷ lục cũng như trở thành trò chơi thịnh hành nhất ngay khi được ra mắt vào cuối năm 2017, dù phát hành theo dạng trả phí. Thậm chí chẳng quá khi nói, với những yếu tố bất ngờ, căng thẳng và diễn biến khó lường, PUBG đã mang lại cơn gió mới, và là nền tảng cho sự phát triển của ngành streamer Việt tới được như thời điểm hiện tại.

Cần dẫn chứng ư, hãy cứ nhìn vào các tên tuổi streamer của Việt Nam thì biết. Trước khi được biết tới nhiều nhờ stream PUBG, mấy ai từng nghe tới cái tên Độ Mixi, trừ một phần cộng đồng trong làng CS:GO. Đó còn là cả những RIP 113, Rambo hay Refund Gaming – những người đã hưởng lợi trực tiếp từ PUBG và vươn tới thành công nhờ chính tựa game này.

Tổng quan làng game Việt: Game Online đang dần mất chỗ đứng - Ảnh 4.

Nếu không có PUBG, làng streamer Việt đã chẳng thể phát triển được như hiện nay

Dù không thể phủ nhận rằng PUBG đang ngày một xuống cấp, nhưng tại thị trường Việt Nam, nó, cùng với LMHT vẫn đang là những cái tên thống trị về thị phần. Còn nếu bạn muốn bàn về tại sao PUBG xuống cấp tới vậy trên toàn thế giới nhưng vẫn là số một ở Việt Nam ư, câu trả lời cũng rất đơn giản, đó là do thói quen và thị hiếu của người hâm mộ thôi. Những Fortnite, Apex Legends có thể được coi là siêu phẩm ở nước ngoài, nhưng chẳng mảy may có cơ hội đặt chân vào thị trường Việt Nam khi mà cộng đồng PUBG vẫn còn quá vững chãi, cũng như game thủ Việt cảm thấy chưa tới lúc phải thay đổi món ăn tinh thần vốn dĩ đã quá thân quen này của mình.