Tổng giá trị thị trường game toàn cầu sẽ đạt 99,6 tỷ USD năm 2016

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/04/2016 0:00 AM

Theo báo cáo về thị trường game toàn cầu mới nhất của Newzoo, tổng doanh thu năm 2016 sẽ đạt mức 99,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2015.

Theo báo cáo về thị trường game toàn cầu mới nhất của Newzoo, tổng doanh thu năm 2016 sẽ đạt mức 99,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên mảng game mobile chiếm nhiều thị phần hơn game PC với tỷ lệ tăng trưởng trên toàn thế giới là 21,3%, đạt 36,9 tỷ USD. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục là trung tâm của ngành công nghiệp tỷ đô này, chiếm tới 47% thị phần. Không có gì đáng ngạc nhiên vì chỉ riêng Trung Quốc thôi cũng đã chiếm tới ¼ doanh thu game toàn cầu. Theo dự đoán của Newzoo, thị trường game toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức CARG +6,6% cho tới năm 2019, chạm mức 118,6 tỷ USD, trong đó mobile sẽ đóng góp 52,5 tỷ USD doanh thu.

Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 47% thị trường toàn cầu, doanh thu game mobile tại Trung Quốc cán mức 10 tỷ USD

Trong năm nay, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thu về mức doanh thu “khủng” – 46,6 tỷ USD, tương đương 47% doanh thu game toàn cầu. Con số này phản ánh tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (YoY) +10,7%. Trung Quốc chiếm ½ doanh thu khu vực, đạt con số kỷ lục 24,4 tỷ USD để củng cố vị trí cường quốc game số 1 thế giới, vượt qua Mỹ với mức doanh thu ước tính là 23,5 tỷ USD. Thị trường PC tại Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu chững lại với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu giảm đáng kể - chỉ còn +4% so với +16% vào năm ngoái.

Lý do chính là bởi sự ảnh hưởng của mảng game mobile, đặc biệt là các game “core” mới xuất hiện trên nền tảng này đang rất thành công, chiếm thị phần của PC. Game mobile tại Trung Quốc phát triển còn nhanh hơn dự tính, nhiều khả năng sẽ cán mức 10 tỷ USD trong năm nay, tăng tới 41% so với năm 2015 (7,1 tỷ USD). Với đà này, Trung Quốc chắc chắn sẽ giữ vững vị trí số 1 ngành game trong tương lai gần, dự đoán sẽ đạt mức 28,9 tỷ USD doanh thu vào năm 2019.

Bắc Mỹ là khu vực lớn thứ hai trên bản đồ game thế giới với doanh thu ước tính 25,4 tỷ USD năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng YoY +4,1%. Động cơ phát triển chính vẫn là mảng mobile, trong khi console vẫn duy trì doanh thu ổn định trong giai đoạn kỹ thuật số hóa. Khu vực Tây Âu có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn một chút (+4,4%), chủ yếu bởi đây là khu vực tiếp nhận game mobile “chậm chạp” hơn. Trong khi đó, Đông Âu đã vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng năm ngoái với mức tăng trưởng tương đối cao là +7,3%.

Sau khi phải hứng chịu giai đoạn thoái trào kinh tế và rớt tỷ giá vừa qua, khu vực Mỹ Latinh đang cho thấy dấu hiệu hồi sinh trở lại, với tỷ lệ tăng trưởng YoY ấn tượng +20,1%, đạt tổng doanh thu 4,1 tỷ USD. Game mobile tại khu vực này cũng là “đầu tàu” phát triển, từ 900 triệu USD năm ngoái nay đã lên tới 1,4 tỷ USD. Nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường khác đã thống kê số liệu doanh thu cao hơn nhiều tại khu vực này, mặc dù có cộng đồng gamer mobile khổng lồ - hơn 190 triệu người, nhưng phải khẳng định mức chi trung bình của người chơi tại Mỹ Latinh vẫn là tương đối thấp.

Game mobile đạt tổng doanh thu 37 tỷ USD, mặc dù tablet có mức tăng trưởng thấp hơn dự tính

Đầu năm 2012, Newzoo bắt đầu phân loại game theo dạng màn hình thay vì kiểu truyền thống, với dự đoán rằng mỗi loại màn hình sẽ chiếm khoảng 25% thị phần cùng với thời gian mà người tiêu dùng dành cho mỗi loại có thể nói là tương đối chính xác cho tới thời điểm hiện nay, ngoại trừ hạng mục Màn hình Nổi. Có hai yếu tố dẫn tới điều này: Một là sự suy giảm nhanh chóng của doanh thu console tay cầm. Hai là sự phổ biến của smartphone màn hình lớn tương thích với các game mobile chất lượng cao đã “lấn sân” thị phần của tablet, khiến doanh thu mảng game này thấp hơn dự tính ban đầu.

Màn hình Máy tính vẫn đang dẫn đầu với doanh thu gần 32 tỷ USD, đa số tới từ các game PC/MMO (mid) core, trong khi các webgame casual tiếp tục bị “thất sủng”. Ngay sát phía sau là Màn hình Giải trí (TV/Console) với doanh thu 29,0 tỷ USD. Màn hình Cá nhân (Smartphone) là hạng mục tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ YoY +23,7%, nhiều khả năng sẽ vươn lên dẫn đầu vào năm 2018. Màn hình Nổi (Tablet & Console cầm tay) đứng ở vị trí cuối cùng với doanh thu 11,6 tỷ USD, dự tính đây sẽ lại là một năm “bết bát” với game console cầm tay (-24,1% doanh thu).

VR không phải là dạng màn hình thứ 5; doanh thu đổ vào mảng Game PC, Console, Mobile

Đáng chú ý, Newzoo dự đoán rằng phần mềm game từ VR vẫn sẽ duy trì doanh thu cận biên trong tương lai gần và thay thế phần lớn mức chi vào console, PC và mobile. Khi phần cứng VR được phân bố rộng rãi, doanh thu phần mềm game sẽ được tự động chuyển vào doanh thu hiện tại của mảng PC, TV/Console. Về lâu dài, VR và AR sẽ thay đổi cách giao tiếp và tương tác với sản phẩm của người tiêu dùng. Còn trong thời gian ngắn hạn đến trung bình, Newzoo dự đoán phần lớn doanh thu của VR sẽ đến từ phần cứng, dịch vụ theo dõi và phát sóng trực tiếp.

Động cơ tăng trưởng chính của ngành game: Tích hợp game với các phương tiện giải trí tổng hợp

Theo những báo cáo gần đây của Newzoo, ngành công nghiệp game đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực nhờ vào sự kết hợp với những mô hình kinh tế khác. Nổi bật nhất chính là sự kết hợp của game và video trên quy mô toàn cầu, với hạt nhân trung tâm eSports. Xu hướng này đang biến game trở thành một loại hình giải trí tổng hợp, mở ra nhiều hướng tiếp cận người tiêu dùng và các nguồn doanh thu bổ sung. Đây là một tin tốt lành với ngành công nghiệp game, vốn đang đi vào thời kỳ “hoàng kim” với sự bùng nổ của mảng mobile.

9 cách "thần bí" mà video game giúp bạn trở thành người tốt hơn