- Theo Trí Thức Trẻ | 06/08/2016 0:00 AM
Nếu bạn yêu thích và thường xuyên xem anime, dù ít hay nhiều cũng sẽ biết mỗi show đều có thể loại chính làm trung tâm, và thường đan xen yếu tố từ vài thể loại cùng lúc. Các thể loại của anime cũng rất rất nhiều – kể ra sẽ có nào hành động, tình cảm, kinh dị …. Vì vậy, để nắm bắt được toàn bộ những thể loại của anime (con số bất tận) không hề dễ dàng đối với một người mới, khiến cho việc tìm một anime hợp ý xem cho tùy tâm trạng, cảm hứng và sở thích còn khó hơn nữa. Do đó, danh sách những thể loại anime phổ biến với đầy đủ định nghĩa cơ bản sau đây sẽ rất hữu ích cho việc này:
HÀNH ĐỘNG
Anime thể loại hành động thường bao gồm những pha hành động căng thẳng cấp độ cao, đánh đấm chém giết từ phạm vi nhỏ đến lớn đủ cả. Nó đủ để khiến bạn nhấp nhổm không yên, kích thích cao độ như chính bản thân mình cũng đang ở trong phim và không thể yên chân yên tay muốn làm vài cú đấm. Những cảnh chiến đấu được xử lý với hình ảnh mô cùng mượt mà, kèm theo những yếu tố tiếp cận người xem sát sao làm cho nồng độ adrenaline tăng vọt đầy phấn khích.
Ví dụ: Fullmetal Alchemist: Brotherhood, Kill la Kill, Attack on Titan
PHIÊU LƯU
Cái tên của thể loại cũng đã nói lên nội dung của mình với việc ngao du khắp nơi và đảm nhận những chuyến phiêu lưu đến một nơi cụ thể hoặc vòng quanh thế giới, đôi khi còn nhảy sang cả một thế giới hoặc không gian đa chiều khác. Nhân vật chính sẽ không bao giờ ở yên một chỗ mà luôn di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau với một mục tiêu xác định như: truy tìm kho báu, thám hiểm vùng đất mới, tiêu diệt một kẻ thủ ác hoặc giải cứu thế giới v.v. Thể loại này khá rộng và linh động đủ để kéo dài ra nhiều tập hoặc kết hợp với nhiều thể loại anime khác.
Ví dụ: One Piece, Fairy Tail, Hunter X Hunter
HÀI
Phim hài thì tất nhiên được làm ra để gây cười. Nếu không thể gây cười hoặc ít ra cũng phải làm người ta cười khúc khích thì phim thất bại luôn. Nhưng đồng thời, khiếu hài hước cũng còn tùy thuộc vào tính cách của mỗi người. Thể loại hài sẽ có những cảnh buồn cười, lời thoại kiểu ngu ngốc, hài hước hay thậm chí cả hành động gây cười nữa.
Ví dụ: Gintama, Nichijou, Haven’t You Heard? I’m Sakamoto
MA QUỶ
Khởi điểm chỉ như một đề tài, thể loại này đã vươn lên với sự ưa thích của người xem với những nhân vật ma quỷ hoặc những yếu tố liên quan. Khái niệm này không chỉ bao gồm những nhân vật chỉ là ma quỷ, mà còn phát triển ra những thực thể khác như quái vật, quái thú, hồn ma và những loại quỷ quái khác. Nó không chỉ thuộc về thể loại kinh dị, mà có thể được pha trộn rất tốt với những thể loại khác. Bằng chứng chính là sự phổ biến và ngày càng gia tăng của số lượng anime của thể loại này.
Ví dụ: Hataraku Maou-Sama, InuYasha, Chrono Crusade
TÌNH CẢM
Kích thích cảm xúc và lấy nước mắt của khán giả không gì giỏi bằng phim tình cảm. Anime tình cảm có xu hướng cho người xem cảm nhận y như chính nhân vật trong phim, dù chỉ là một chút cảm giác nho nhỏ hay ào ào cảm xúc, mục tiêu chính là liên kết và chạm đến tâm hồn của người xem. Nếu anime đó thành công, đó chắc chắn là một anime khiến người ta rơi nước mắt.
Ví dụ: Anohana: The Flower We Saw That Day, Clannad, You Lie in April
ECCHI
Từ “ecchi” có nguồn gốc từ âm “H” trong từ “henta”, có nghĩa “biến thái” trong tiếng Nhật. Dù vậy, thể loại này cũng chỉ thường được chấp nhận như một hạng mục có những tình huống ám chỉ những hành động mờ ám và nhiều cảnh nóng nhưng ở mức nhẹ đủ để phần đông khán giả có thể xem được. Các anime ecchi đang phát triển kinh khủng khi mà càng lúc càng nhiều tựa phim mới được ra mắt mỗi mùa và trở thành xu hướng được yêu thích. Thường thường, ecchi cũng sẽ bắt cặp với yếu tố hài bởi vì đây là một cặp bài trùng tuyệt vời hỗ trợ lẫn nhau để giúp cho bộ phim không vượt qua ranh giới và chìm sâu vào trong những yếu tố bậy bạ hơn nữa.
Ví dụ: High School DxD, To Love-Ru, Prison School
GIẢ TƯỞNG (FANTASY)
Anime dòng này chủ yếu đối mặt với thế giới giả tưởng và những sự kiện/địa điểm siêu thực. Phần lớn thời gian bối cảnh sẽ được đặt ở thế giới ma thuật nơi các nhân vật sẽ bắt đầu một chuyến phiêu lưu hoặc đôi khi được triệu hồi đến từ thế giới thực. Ma thuật sẽ là thành phần chính trong thể loại này, cùng vô vàn những yếu tố huyền bí khác phục vụ như những khuôn khối để xây dựng nên câu truyện. Khi xem một anime với không khí và bối cảnh hết sức rực rỡ và mộng ảo khiến cho người xem đắm chìm và mê hoặc, người ta sẽ biết ngay đây chính là anime giả tưởng.
Ví dụ: No Game No Life, Nanatsu no Taizai, Akame ga Kill!
TRÒ CHƠI
Hạng mục này xoay quanh chủ đề ý tưởng và cách chơi game rất nhiều, có thể là trò chơi thẻ bài, cờ bàn, giải đố hay kể cả thực tế ảo. Miễn là về trò chơi có thể chơi được, dù thuộc thể loại nào cũng sẽ thuộc về hạng mục này. Đôi khi những bộ phim được dựa trên nội dung trò chơi điện tử cũng sẽ được tính luôn vào thể loại này.
Ví dụ: Yu-Gi-Oh!, Sword Art Online, Phi Brain: Puzzle of God
HAREM
Đặc điểm của thể loại này không bao giờ có thể bị nhầm lẫn: một nhân vật nam bị vây quanh bởi rất nhiều nhân vật nữ và thường xuyên bị đẩy vào những tình huống khó xử. Nhiều hơn hai cô gái giành giật tranh cướp một chàng trai và điển hình là trong những thời điểm hài hước hay có khi cả lãng mạn. Nhưng cũng có trường hợp là harem chẳng có yếu tố lãng mạn nào mà người ta chỉ tạo ra những tình huống như vậy để gây cười cho vui thôi.
Ví dụ: Date A Live, The World God Only Knows, Boku wa Tomodachi ga Sukunai
HENTAI
“Hentai” trong tiếng Nhật dịch ra nghĩa đen là “biến thái”, lãnh địa của thế giới người lớn trong anime thường xuyên có cảnh khỏa thân với nội dung vô cùng chân thực 18+. Không như ecchi, dòng phim này tập trung vào những cảnh nóng một cách chi tiết nhiều hơn là cốt truyện và cao trào phim, vậy nên các show như thế này thường chỉ rất ngắn và nội dung cũng chẳng có gì.
LỊCH SỬ
Xoay quanh những sự kiện, bối cảnh lịch sử và những khoảng thời gian cổ xưa, những anime này hay được đặt vào bối cảnh Nhật Bản cổ đại và thời kỳ chế độ phong kiến. Những bối cảnh khác như thời kỳ Trung Cổ cũng có tồn tại nhưng tương đối hiếm. Thi thoảng, miễn sao thời điểm hoặc bối cảnh và có khi cả những yếu tố cổ xưa và thuộc về thời kỳ trước, anime đó cũng sẽ được xếp vào thể loại lịch sử.
Ví dụ: Rurouni Kenshin, Fushigi Yugi, Junketsu no Maria
KINH DỊ
Không khó để nhìn ra một bộ phim anime kinh dị, nếu có những hồn ma, quái vật, máu me và ghê rợn thì không thể lệch đi đâu được nữa. Như một xu hướng chung, những cảnh bạo lực và đẫm máu đã trở thành đặc điểm nhận dạng cho thể loại này. Nhưng yếu tố quan trọng nhất tất nhiên vẫn phải là khả năng dọa nạt và khiến cho bạn cảm thấy ghê sợ kinh khủng nhất.
Ví dụ: Corpse Party: Tortured Souls, Another, Theater of Darkness
JOSEI
Josei (nữ tính) là một từ để phân chia độ tuổi nữ giới ở Nhật Bản và cũng được coi là một thể loại anime dành cho nữ giới trưởng thành hơn. Thể loại này đặc biệt hướng đến đối tượng người xem từ 18 – 40 tuổi. Với độ tuổi như vậy, anime thể loại này thường chín chắn người lớn hơn với những tình cảm lãng mạn thực tế hơn chứ không mơ mộng và lý tưởng hóa đối tượng cho lứa tuổi teen.
Ví dụ: Nana, Paradise Kiss, Kuragehime
TRẺ EM
Rất nhiều người nói anime chỉ dành cho trẻ em, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Sự thật là số lượng anime dành riêng cho trẻ em thì không nhiều, nó là một thể loại hoàn toàn riêng biệt với đặc điểm ôn hòa, nhẹ nhàng và ý nghĩa – hoàn toàn phù hợp cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Ví dụ: Pokémon, Machine Robo Rescue, Doraemon
MA THUẬT
Tính chất của thể loại này về tổng thể là những thứ liên quan đến ma thuật như thần chú và bùa ngải, bao gồm cả những nguồn sức mạnh ma thuật, thực thể ban những điều ước và cả những trò ảo thuật. Một trong những chủ đề nổi tiếng nhất chính là “magical girls”, phổ biến đến mức có thể tự tách ra thành một dòng anime mới trong tương lai. Nói tóm lại, thể loại ma thuật sẽ có rất nhiều phép thuật và tất cả những lực lượng phép thuật.
Ví dụ: Puella Magi Madoka Magica, Magical Doremi, Magi: Labyrinth of Magic
VÕ THUẬT
Võ thuật đóng một vai trò lớn trong mỗi anime có cảnh đánh đấm hoặc chiến đấu. Từ cận chiến tay không, đấu kiếm, bắn súng hay chiến đấu với vũ khí – sẽ luôn có yếu tố võ thuật xuyên suốt quá trình này. Nhưng cũng có những anime chỉ đơn giản làm về võ thuật thôi, có rất nhiều những anime như vậy tập trung nhiều vào cận chiến tay không và chiến đấu kỹ thuật.
Ví dụ: Hajime no Ippo, History’s Strongest Disciple, Dragon Ball
MECHA
Mecha là viết tắt của từ mechanical (máy móc), trong trường hợp này là những cỗ máy hoặc robot. Một anime mecha sẽ không bao giờ thiếu vắng robot hay những bộ giáp máy/cỗ máy chiến đấu bởi nó là yếu tố quan trọng nhất. Và trong khi tiếng tăm của thể loại lên như diều gặp gió mỗi ngày, một công thức chuẩn mực vẫn luôn được sử dụng để phát triển cốt truyện. Xu hướng thường thấy là mecha sẽ kết hợp với thể loại quân sự, khoa học viễn tưởng và cả hành động.
Ví dụ: Mobile Suit Gundam, Tengen Toppa Gurren Lagann, Code Geass
Theo Reelrundown
Top 10 anime mà fan Nhật bản luôn muốn xem trong mùa hè