Toàn tập lịch sử Game of Thrones: Chủng tộc người Dothraki

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/06/2016 0:00 AM

Trong phần này của loạt bài “Toàn tập lịch sử Game of Thrones”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về lối sống, phong tục của chủng tộc người Dothraki.

Dothraki là một chủng tộc chiến binh du mục tại Essos, lục địa nằm ở phía đông của Westeros, bên kia Biển Hẹp. Họ sinh sống ở một vùng đồng bằng trung tâm của Essos, được biết đến với tên gọi Dothraki Sea (Biển Dothraki) Những chiến binh Dothraki thường được gọi là “chúa ngựa”, hay “kẻ gào thét” bởi âm thanh dữ dội mà họ tạo ra khi xung trận. Chủng tộc này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với loài ngựa, đến mức người ta vẫn thường nói rằng người Dothraki sinh ra, chiến đấu, và chết đi trên lưng ngựa. Trong phần này của loạt bài “Toàn tập lịch sử Game of Thrones”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về lối sống, phong tục của chủng tộc này:

Xã hội

Người Dothraki quét sạch phần lớn những đồng bằng trung tâm của lục địa Essos, cướp bóc, tàn phá các chủng tộc khác để chiếm đất đai và của cải. Đối với họ, ngựa chính là “linh vật” biểu tượng, ngay cả tên trong ngôn ngữ riêng của họ cũng bắt nguồn từ loài động vật này, “Dothraki” theo nghĩa đen chính là “người cưỡi ngựa”. Những cậu bé Dothraki học bắn cung trên lưng ngựa khi mới chỉ 4 tuổi. Thậm chí người thủ lĩnh của bộ tộc, nếu như do ốm hoặc bị thương mà không thể cưỡi ngựa cũng sẽ bị bỏ lại.

Chủng tộc Dothraki được phân chia thành nhiều bộ lạc không tên được gọi là – khalasar, được dẫn dắt bởi một tù trưởng duy nhất – khal. Những khalasar tung hoành vùng Biển Dothraki, liên tục di chuyển để tìm vùng đồng bằng và mục tiêu cướp bóc mới. Họ thường xuyên tấn công những khu vực lân cận, như Lhazar ở phía đông nam và Free Cities ở phía Tây. Người Dothraki nuôi sống mình bằng cách lấy đi những gì họ cần, bao gồm nhu yếu phẩm, của cải đắt tiền, và những tù binh để phục vụ họ như nô lệ. Đối với chủng tộc này, muốn được tôn trọng, bạn phải có sức mạnh, đủ để chống lại họ, trong khi đó những nô lệ đầu hàng sẽ chỉ đáng bị khinh thường. Người Dothraki thường không mấy quan tâm đến lực lượng bộ binh (ngoại trì đạo quân Unsullied tinh nhuệ).

Vũ khí truyền thống của người Dothraki là những thanh gươm hình lưỡi liềm với cái tên arakhs, bên cạnh đó họ cũng được trang bị dao găm, roi, các loại bẫy hoặc những cây cung uốn ngược với kích thước lớn để tạo ra lực bắn cực mạnh và cự ly rất xa, có thể ngắm bắn từ trên lưng ngựa. Họ rất “kì thị” áo giáp, vì cho rằng tốc độ và sự tự do khi di chuyển là những yếu tố quan trọng hơn khi chiến đấu. Những chiến binh Dothraki có tục lệ nuôi tóc dài và bện lại thành bím, chỉ khi họ bị đánh bại, bím tóc mới bị cắt đi để tất cả mọi người thấy nỗi hổ thẹn đó. Vì vậy, những chiến binh dũng mãnh nhất có bím tóc rất dài, như Khal Drogo tóc chạm tới tận eo, đồng nghĩa với việc anh ta chưa từng bị đánh bại bao giờ.

Giống như những kỵ binh hạng nhẹ, họ có lối tấn công thần tốc và chí mạng, nhưng lại dễ thất thế khi đối mặt với cung thủ; trên mặt đất, các chiến binh Dothraki cũng kém hiệu quả hơn so với bộ binh hạng nặng mang áo giáp mặc cho ưu thế tốc độ của mình. Tuy nhiên, rất hiếm khi họ rời khỏi lưng ngựa để chiến đấu, trừ khi là đấu tay đôi, vậy nên vẫn duy trì được lợi thế của mình trong trận chiến.

Thành phố Dothraki duy nhất có tên là Vaes Dothrak, nằm ở xa xôi phía đông bắc vùng Biển Dothraki, được trị vì bởi Dosh Khaleen, những góa phụ cao tuổi thông thái, trước đây từng là vợ của các Khal. Toàn bộ hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa của người Dothraki (cùng trong bộ tộc Dothraki với nhau, hoặc với những thương nhân Essos khác) đều được diễn ra ở khu chợ trong thành phố, mọi nghi lễ linh thiêng cũng được tiến hành tại đây. Rút vũ khí hoặc làm đổ máu bị nghiêm cấm bên trong Vaes Dothrak – mặc dù vậy, cũng có những lỗ hổng xung quanh đạo luật này. Giả dụ nếu như có một cuộc hành hình bắt buộc phải diễn ra, thì nạn nhân có thể “ra đi” theo phương pháp nào đó không làm đổ máu (như treo cổ hoặc hỏa thiêu).

Người Dothraki rất “sợ” nước biển muốn mặn, bởi lẽ ngựa của họ không thể uống được chúng. Trong ngôn ngữ của họ, từ “đại dương” mang nghĩa đen là “nước độc”. Cũng vì thế mà họ không bao giờ lên thuyền để băng qua đại dương. Vậy nên người Westeros không coi Dothraki là một mối nguy hiểm, do nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ băng qua Biển Hẹp để xâm chiếm lục địa này. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trên phim, Drogo đã từng sẵn sàng lên đường tấn công Bảy Vương Quốc sau khi nổi trận lôi đình trước âm mưu ám sát Daenerys. Những người còn lại trong khalasar của Daenerys (khoảng 100 người Dothraki) cũng đã trung thành đi theo khaleesi của mình qua Vịnh Nô Lệ tới Astapor, và do không quen ra khơi nên nhiều người đã mắc bệnh.

Kinh tế

Người Dothraki vẫn được cho là “không tin vào tiền bạc”, thay vào đó họ lấy những gì mình muốn qua việc cướp bóc (sau đó nô dịch những tù binh của mình). Hai nguồn tài nguyên duy nhất mà họ có trên những cánh đồng ở vùng Biển Dothraki là hàng vạn dặm cỏ xanh liên tiếp nhau cùng với vô số con ngựa. Vì con người không thể ăn được cỏ, nên thức ăn chính của người Dothraki là thịt ngựa và sữa ngựa lên men.

Những vật liệu hay tài sản sản quý giá mà họ có được là từ việc cướp bóc những quốc gia lân cận như Free Cities, Slaver’Bay, hay Lhazar, thậm chí có thể là cướp hàng “secondhand” từ những bộ lạc Dothraki khác. Người Dothraki không tham gia vào các hoạt động đổi chác tài nguyên, mà chỉ đề cao những món quà như vật cống của những bộ tộc khác để bày tỏ sự tôn trọng. Từ xa xưa, những người dân ở Free Cities đã quyết định rằng sẽ cống nạp cho người Dothraki một lượng lớn vàng, vật liệu và nô lệ thay vì cố gắng chống lại họ, bởi như vậy còn đỡ “tốn kém” hơn.

Mặc dù vậy, họ vẫn có thể bị tấn công và cướp bóc như thường nếu như người Dothraki cho rằng đồ cống nạp không xứng đáng, hoặc đơn giản là để … tập luyện. Người Dothraki sẽ không đáp lại những “món quà” này ngay lập tức theo truyền thống “quid pro quo”. Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ giữ lời hứa của mình và đáp lại bằng “món quà” khác, dù họ chỉ làm vậy khi nào thấy thuận tiện về thời gian.

Song cũng có những thứ mà các bộ tộc Dothraki không thể có được thông qua cướp bóc trực tiếp như trang bị và vũ khí mới. Ở khoản này thì họ đành phải “đổi chác” bằng cách “tặng” nô lệ mà mình bắt được để lấy sản phẩm hoàn thiện từ Free Cities hoặc Slaver’Bay.

Tôn giáo

Từ vị trí quan trọng của loài ngựa trong văn hóa của họ, không có gì ngạc nhiên khi vị thần mà người Dothraki thờ phụng có tên là Great Stallion (Ngựa Giống Vĩ Đại). Những lão bà Dosh khaleen là người đứng đầu những vùng đất của người Dothraki. Tôn giáo của họ cũng bài trừ những tà thuật của “ma thuật máu”. Vì vậy, “maegi” (các nữ phù thủy luyện tập “ma thuật máu”) luôn bị ghê tởm và căm ghét bởi người Dothraki.

Ngôn ngữ

Người Dothraki có ngôn ngữ riêng của mình, khác hoàn toàn so với tiếng bản địa ở Westeros. Trong đó không hề có từ “cảm ơn” trong ngôn ngữ của họ.

Một số thuật ngữ quan trọng của người Dothraki:

- Dosh khaleen – hội đồng lão bà. Góa phụ của những khal đã qua đời, nắm quyền cai trị thành phố Dothraki Vaes Dothrak. Họ là những người phụ nữ thông thái nhất, đứng đầu tôn giáo Dothraki.

- Dothraki – nghĩa đen là “người đàn ông cưỡi ngựa”. Chỉ có một người Dothraki cưỡi ngựa gọi là Dothrak, còn Dothraki là số nhiều.

- Khal – Tộc trưởng Dothraki

- Khaleesi – Vợ của Khal

- Khalasar – Một bộ lạc hoặc thị tộc Dothraki, được dẫn dắt bởi khal

- Ko – Kos là những người thay thế cho khal, chỉ huy một nhánh nhỏ của khalasar. Khi khal chết, ko có thể cố gắng trở thành khal mới, hoặc tách những tùy tùng của mình ra thành một khalasar mới có quy mô nhỏ hơn.

- Dotharkhqoyi – nghĩa đen là “Chiến binh Máu” – người mang lời thề dùng tính mạng của mình để phục vụ khal. Khal và những “Chiến binh Máu” của mình gọi nhau là Qoy Qoyi (“Máu của máu ta”).

- Me nem nesa – “Điều mà ai cũng biết.”