- Theo Helino | 30/12/2018 09:00 PM
Năm 2018 đã đánh dấu thêm một "mùa vàng" cho màn ảnh rộng với sự ra mắt của hàng loạt tựa phim bom tấn với tổng doanh thu lên tới 10 tỉ USD. Tuy nhiên điểm nhấn chính của Hollywood trong năm qua lại là sự tôn vinh các nhóm thiểu số với thành công của những Black Panther, Crazy Rich Asians hay sự lớn mạnh của phong trào #MeToo.
1. Nữ quyền lên ngôi, người da màu lên tiếng
Cũng tại đây, Oprah Winfrey đã có bài phát biểu lịch sử hướng tới một ngày "không ai phải nói "Tôi cũng thế!" lần nào nữa".
Tại Oscar 2018 không chỉ có thông điệp của #MeToo được xướng lên mà còn cả chiến dịch Time's Up! Ba nạn nhân của "yêu râu xanh" Harvey Weinstein là Ashley Judd, Annabella Sciorra và Salma Hayek cùng có mặt trên sân khấu, vạch trần những góc xấu xí nhất của Hollywood. Chủ nhân của chiếc tượng vàng hạng mục Nữ chính xuất sắc Frances McDormand đã cùng đứng đó với cả khán phòng, trong niềm hy vọng không còn một ai bị bỏ lại, rằng tất cả hãy cùng kể câu chuyện của mình.
Điện ảnh 2018 cũng không bỏ rơi người phụ nữ khi hàng loạt tác phẩm khai thác các góc cạnh nhân vật nữ từ bà mẹ (A Quiet Place, Mamma Mia! Here We Go Again), goá phụ (Widows), đả nữ (Tomb Raider) hay thậm chí là sát nhân (A Simple Favor).
Những goá phụ bất hạnh và mạnh mẽ trong "Widows"
Năm 2018 cũng là một năm vinh quang đối với cộng đồng làm phim da màu khi hai đại diện thành công nhất là Black Panther và Crazy Rich Asians trở thành những hiện tượng phòng vé, góp phần thay đổi cái nhìn của Hollywood. Nếu như Black Panther là tiếng nói mạnh mẽ của người da đen trong một tác phẩm siêu anh hùng in đậm dấu ấn văn hoá châu Phi, thì Crazy Rich Asians lại được lòng khán giả Âu Mỹ khi thay đổi quan niệm về người gốc Á trên màn ảnh.
Trước đây, người ta chỉ biết tới người gốc Á đại diện cho những nhân vật mọt sách, cổ hủ, lạc hậu thì nay khán giả Tây phương được chứng kiến một cuộc sống xa xỉ của người châu Á khác xa với những gì họ tưởng tượng.
"Crazy Rich Asians" góp phần thay đổi góc nhìn của Tây phương về người châu Á.
2. Siêu anh hùng tiếp tục thống trị màn ảnh rộng
Cơn sốt mang tên siêu anh hùng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại phòng vé. Năm 2018 có tới gần chục tựa phim siêu anh hùng lớn đổ bộ tại rạp, trong đó phải kể tới siêu bom tấn Avengers: Infinity War phá vỡ gần như mọi kỷ lục và thu về hơn 2 tỉ USD trên toàn cầu. Cùng với đó là những phim riêng của Sony, Marvel, DC lần lượt chia nhau chiếm cứ các tháng trong năm, thu hút lượng khán giả khổng lồ cho thấy thời hoàng kim của những siêu anh hùng vẫn chưa chấm dứt.
Deadpool 2 thì trở thành phần phim hài hậu truyện 18+ có doanh thu cao nhất mọi thời đại với hơn 700 triệu USD, Black Panther thì cán mốc 1 tỉ đô đầy hoành tráng. Bom tấn siêu anh hùng của nhà DC Aquaman kể từ khi ra mắt vào tháng 12 đã nhanh chóng trở thành phim riêng siêu anh hùng có doanh thu cao nhất tại Việt Nam từ trước tới nay. Tất nhiên, không thể không nhắc tới bất ngờ mang tên Venom khi đại thắng phòng vé thu về ngót nghét hơn 850 triệu USD dù chịu khen chê lẫn lộn từ giới phê bình.
Ngay cả địa hạt phim hoạt hình siêu anh hùng cũng là sân chơi cho hai tác phẩm The Incredibles 2 và Spider-Man: Into the Spider-Verse toả sáng. Gia Đình Siêu Nhân 2 đã có sự tái xuất ngoạn mục sau hơn một thập kỷ vắng bóng. Trong khi đó, câu chuyện về Người Nhện nay trở nên mới mẻ khi Sony quyết định trao cho siêu anh hùng này "danh phận" mới là cậu bé da màu Miles Morales.
3. Một năm ăn nên làm ra của Netflix
Tính tới quý 3 năm 2018 dịch vụ truyền hình này đã có tới hơn 131 triệu người dùng với doanh thu lên tới 4 tỉ USD, tổng giá trị của hãng tính tới tháng 10 năm 2018 là 131 tỉ USD. Netflix còn 2 năm để vẫy vùng như cái tên độc quyền của dịch vụ truyền hình trực tuyến trước khi các ông lớn khác như Disney hay Apple nhảy vào cuộc chơi.
Trong năm qua Netflix đã không ngừng bổ sung một lượng lớn đầu phim vào kho phim của mình, mặt khác phát triển hàng loạt series và phim gốc với chất lượng mà nhiều studio Hollywood phải "chống mắt lên mà nhìn". Chỉ riêng trong năm 2018, hãng này đã cho ra hàng loạt phim gốc thành công như The Haunting of Hill House , To All the Boys I've Loved Before, Roma (ứng cử viên lớn của Oscar cho phim nước ngoài) hay The Ballad of Buster Scruggs, hợp tác cùng nhiều nhà làm phim đình đám như Alfonso Cuarón hay anh em nhà Coen.
Ở hạng mục truyền hình chỉ trong năm 2018, Netflix đã "vơ vét" được hơn 112 giải Emmy – cắt đứt mạch thống trị kéo dài 17 năm của đài HBO . Tại các sự kiện điện ảnh lớn như Oscar hay Quả Cầu Vàng, dịch vụ này cũng đã nhòm ngó tới các hạng mục giải thưởng, không che giấu mục tiêu trở thành một ông lớn thống trị cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình, vô hình trung làm mờ đi ranh giới giữa hai thể loại này.
4. Những cái tên vạ miệng vì mạng xã hội và cuộc khủng hoảng MC của Oscar
2018 cũng chứng kiến sự ra đi của đạo diễn James Gunn khỏi chiếc ghế chỉ đạo cho Guardians of the Galaxy Vol. 3, đẩy bộ phim vào tương lai mờ mịt khi tài năng này bị "đào mộ" những bài đăng có ý xúc phạm người đồng tính và đùa cợt về cưỡng bức trên Twitter từ gần 10 năm trước.
Những lời xin lỗi đã không giúp Gunn thoát khỏi bản án đuổi việc của Disney, dẫn tới việc đạo diễn này đầu quân cho DC. Quyết định của Disney đã dấy lên làn sóng tranh cãi bao trùm mạng xã hội, khi dàn diễn viên của Guardians of the Galaxy cùng fan đã khẩn thiết mong muốn Nhà Chuột rút lại quyết định này nhưng không ăn thua.
Một trường hợp tương tự đã diễn ra vào dịp cuối năm khi danh hài Kevin Hart cũng bị phơi bày những tweet kỳ thị người đồng tính ngay sau khi anh công bố việc mình sẽ trở thành MC chính cho Oscar 2019. Dù chúng đều là những bài đăng cũ từ 7 năm về trước nhưng điều này vẫn gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng LGBT, khiến Viện Hàn Lâm ra tối hậu thư yêu cầu Hart xin lỗi công khai nếu không sẽ loại anh khỏi vị trí dẫn chương trình. Kevin Hart đã từ chối, sau đó tự rút khỏi vai trò MC và… xin lỗi tất cả.
Mọi thứ diễn ra chỉ trong 2 ngày chóng vánh, khiến cộng đồng vừa bàng hoàng vừa bối rối.
Việc Oscar thông báo MC vào thời điểm này đã là muộn so với thông lệ hằng năm, nay lại thêm "sao quả tạ" Kevin Hart khiến Viện Hàn Lâm càng thêm đau đầu. Đúng là dẫn chương trình Oscar giờ đây là công việc mà chẳng ai muốn làm bởi bạn sẽ bị soi mói vào đời tư cả chục năm về trước và thậm chí sự nghiệp có thể đổ bể nếu người ta tìm ra thứ gì đó.
Phương án mà ban tổ chức đang suy tính? Không cần MC chính luôn! Rất có thể Oscar năm sau chúng ta sẽ được chứng kiến một đêm trao giải vắng bóng dẫn chương trình chính mà chỉ là màn tung hứng của những người công bố giải – đủ ngắn để không xúc phạm bất cứ ai.