Toàn bộ drama Facebook Gaming Creator, OTA Network và VNG PUBG Mobile hay câu chuyện sự tôn trọng đối tác

Santa  - Theo Helino | 17/06/2019 02:37 AM

Cuối tuần qua cộng đồng game Việt lại dậy sóng với drama không đáng có giữa Facebook Gaming và nhà phát hành lớn nhất thị trường Việt Nam VNG.

Tóm tắt sự việc

Tranh cãi xảy ra xung quanh giải giao hữu PUBG Mobile, theo thông cáo chính thức được tổ chức bởi Facebook Gaming Creator và "bảo trợ truyền thông" bởi OTA Network. Sự kiện sử dụng tựa game "PUBG Mobile Quốc Tế" là sản phẩm được vận hành bởi Tencent và được livestream (phát trực tiếp "trên kênh của thuộc OTA Network").

Trên thực tế, Facebook cũng như Facebook Gaming Creator hiện chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Điều này được khẳng định bởi Facebook hồi cuối năm ngoái và danh sách các quốc gia đặt văn phòng của Facebook hiện chưa có Việt Nam. OTA Network là đơn vị được Facebook Gaming ủy quyền để thực hiện các hoạt động xây dựng cộng đồng creator ở Việt Nam.

Vấn đề phát sinh ở chỗ VNG là đơn vị đã mua bản quyền, bao gồm quyền phát hành và quyền sở hữu bản quyền tại thị trường Việt Nam và được cấp phép sản phẩm từ đầu năm. Theo phía VNG, họ hoàn toàn KHÔNG ĐƯỢC thông báo tổ chức giải PUBG Mobile từ cả Facebook và OTA Network. Ngay khi tiếp nhận thông tin, VNG đã gửi phản hồi đến Facebook, các cơ quan quản lý, báo chí và Tencent để khẳng định vấn đề này.

Từ phía OTA Network, họ cho rằng sự kiện này không phải là "giải đấu" và "nguồn tin cho rằng OTA Network và Facebook Gaming đang là đơn vị đứng ra tổ chức giải đấu này một cách trái phép là hoàn toàn sai sự thật" vì đây là sự kiện: "không có Ban tổ chức, không có các hoạt động tập trung tuyển thủ thi đấu chuyên nghiệp, bình luận. Họ thi đấu tại phiên bản quốc tế do Tencent phát hành và chỉ phát livestream trên fanpage cá nhân của các bạn streamer".

Toàn bộ drama Facebook Gaming Creator, OTA Network và VNG PUBG Mobile hay câu chuyện sự tôn trọng đối tác - Ảnh 2.

Theo thông báo từ đầu của OTA Network có vẻ như họ đã từng xem đây là giải đấu.

Bên cạnh các thông cáo chính thức thì trên tài khoản mạng xã hội của một nhân sự cao cấp của OTA Network, ngay thời điểm xảy ra sự việc đã có những phản ứng được cho là liên quan đến rắc rối lần này. Theo đó, nhân sự này cho rằng: đây là hoạt động có lợi cho VNG và không hiểu vì đâu VNG phản ứng.

Toàn bộ drama Facebook Gaming Creator, OTA Network và VNG PUBG Mobile hay câu chuyện sự tôn trọng đối tác - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình Facebook một nhân sự từ OTA.

Nhìn thấu bản chất sự việc và chuyện ai đúng ai sai?

Thứ nhất, về mặt pháp luật, hoạt động của Facebook và OTA Network là vi phạm rõ ràng pháp luật cũng như quyền sở hữu không tranh cãi về bản quyền của PUBG Mobile tại Việt Nam.

Để được tổ chức một sự kiện bất kỳ tại Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đơn vị tổ chức ít nhất phải đạt 2 điều kiện:

- Giấy phép tổ chức sự kiện từ các cơ quan có thẩm quyền.

- Sự đồng ý của các cơ quan sở hữu nội dung sử dụng trong sự kiện.

Tuy vậy, theo điều 25, luật sở hữu trí tuệ 2005 (chi tiết tại đây), được sửa đổi bổ sung vào năm 2009 (chi tiết tại đây), quy định một số trường hợp được sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép.

Từ các thông tin được đưa ra bởi đại diện OTA Network, có thể đơn vị này dựa vào điểm e, Điều 25 để khẳng định mình không sai:

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là hoạt động tổ chức biểu diễn này có thu tiền thông qua hệ thống của Facebook bằng cách donate sao cho các kênh stream với giá trung bình khoảng 10.000VND.

Do đó, lập luận "sự kiện phi lợi nhuận" từ đại diện OTA rõ ràng là không hợp lý. Ngoài lợi ích trực tiếp từ tiền đóng góp của game thủ thì các bên tham gia thu được những lợi ích rõ ràng sau:

- Thương hiệu và độ phủ cho thương hiệu của cả nền tảng Facebook Gaming lẫn OTA Network (thực tế OTA nhấn mạnh vai trò của họ tại hoạt động truyền thông cho sự kiện).

- Cơ hội nhận được tài trợ từ các nhãn hàng.

Toàn bộ drama Facebook Gaming Creator, OTA Network và VNG PUBG Mobile hay câu chuyện sự tôn trọng đối tác - Ảnh 5.

Quảng bá của sự kiện nhấn rất rõ vai trò của OTA. Ảnh: Facebook OTA Network.

Cũng phải làm rõ rằng, việc sử dụng "phiên bản quốc tế" từ Tencent cho hoạt động cũng không thể tránh khỏi lỗi vi phạm bản quyền bởi VNG "sở hữu toàn quyền hình ảnh của PUGB Mobile tại Việt Nam". Điều này đã được thông báo rõ ràng bởi VNG và Tencent hồi đầu năm nay cũng như khẳng định qua hành động khóa tất cả các tài khoản tham gia hoạt động từ Tencent.

Hành động của OTA Network còn làm vi phạm của họ thêm trầm trọng bởi họ quảng bá cho sản phẩm thay thế trực tiếp sản phẩm được sở hữu của VNG tại Việt Nam. Theo thông lệ và các thỏa thuận thường gặp trong ngành game thì khi một sản phẩm được phát hành riêng cho thị trường quốc gia nào đó thì truy cập từ quốc gia đó vào phiên bản Quốc Tế sẽ bị chặn.

Thậm chí, nếu thực hiện nghiêm túc thì bất cứ game thủ nào từ quốc gia đó sẽ bị ban khi cố gắng tham gia phiên bản quốc tế. Không chỉ PUBG Mobile mà tất cả các game quốc tế phát hành phiên bản Việt Nam đều như vậy.

Lập luận "việc lựa chọn chơi tựa game gì, giao lưu với ai, chơi vào thời điểm nào hoàn toàn là quyền cơ bản của một game thủ" dành cho trường hợp này là không chính xác và vi phạm cơ bản luật sở hữu trí tuệ. Việc game thủ chơi game và giao lưu với bạn bè (sử dụng cho mục đích cá nhân) khác hoàn toàn dùng sản phẩm để quảng bá cho hoạt động kinh doanh của Facebook Gaming và OTA (sử dụng vì mục đích kinh doanh).

Tại sao VNG lại bắt buộc phải can thiệp

Có một luồng ý kiến từ game thủ và bóng gió từ nhân sự của OTA Network, đây là "hoạt động có lợi" cho VNG và PUBG Mobile. Thoạt nhìn, có vẻ là như vậy nhưng nếu suy xét một cách đầy đủ thì có rất nhiều rủi ro mà VNG phải đối mặt.

Thứ nhất, VNG là đơn vị sở hữu bản quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hoạt động của PUBG Mobile tại Việt Nam, trước cả đơn vị sở hữu (Tencent) và các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể hiểu khi game phát sinh bất cứ vấn đề không mong muốn nào thì người chịu trách nhiệm cao nhất sẽ là VNG.

Cụ thể, trong hoạt động này nếu không xin phép các cơ quan quản lý thì VNG sẽ bên chịu phạt từ các cơ quan quản lý.

Về phía cạnh kinh doanh, nếu sự kiện có vấn đề hoặc trục trặc thì khả năng VNG bị phạt hợp đồng thậm chí cắt hoàn toàn quyền phát hành từ phía Tencent là có thể xảy ra cho dù vấn đề không do họ. Một ví dụ rất gần cho vấn đề này là nhà đài VTVcab đã bị cắt bản quyền Champion League vì không kiểm soát được các kênh phát lậu.

Thứ hai, việc phát hành game bắn súng ở Việt Nam là cực kỳ nhạy cảm. Chỉ cần một phát ngôn sai trong quá trình phát trực tiếp cũng có thể khiến game bị rút giấy phép ở Việt Nam. Trên thực tế, các NPH rất ít tổ chức hoạt động cho các game bắn súng chủ yếu vì lý do này.

Nguyên nhân và kịch bản sắp tới cho sự việc

Về phía VNG, cái sai của họ là phát hiện ra hoạt động này quá chậm và đưa ra lời cảnh báo không đủ sức nặng và kịp thời để phía Facebook Gaming và OTA Network có thể dừng lại.

Về phía các game thủ, rõ ràng họ không đúng khi đã tham gia một sự kiện không được cấp phép. Tất nhiên, rất khó để trách các game thủ vốn không có nhiều hiểu biết về luật pháp.

Tuy nhiên sai sót rõ ràng nằm ở phái Facebook Gaming và OTA Network khi hành động vi phạm bản quyền của họ là rất dễ chứng minh và nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc nền tảng này gia nhập thị trường Việt Nam. Chắc chắn, Facebook là bên chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu sự việc này đi quá xa. Đây rõ ràng là một hành động có phần liều lĩnh hoặc quá thiếu hiểu biết từ đối tác của Facebook Gaming.

Kịch bản tốt nhất cho tất cả các bên có lẽ sẽ là một thỏa thuận để chấm dứt vấn đề cũng như các hoạt động kiện cáo sẽ phát sinh sau này, trước khi các cơ quan quản lý vào cuộc.

Tất nhiên, các kịch bản này chỉ xảy ra nếu bên vi phạm chịu thẳng thắn thừa nhận sai sót của mình. Rất tiếc, căn cứ theo phản ứng của OTA trong thời gian gần đây có vẻ như họ không muốn thừa nhận vấn đề này. Nếu làm đến cùng, không loại trừ kịch bản xấu nhất Facebook Gaming và các hoạt động của OTA sẽ bị cấm hoặc chịu phạt rất nặng tại Việt Nam?

Và kịch bản này sẽ như thế nào? Các cơ quan quản lý có cách nào để phạt Facebook không khi họ không có trụ sở tại Việt Nam? Câu trả lời là có và chúng tôi sẽ gửi tới các bạn trong bài viết sau.

Đôi lời nhắn gửi

Về tình cảm, chúng tôi rất mong muốn OTA và Facebook Gaming thành công qua đó góp phần vào sự phát triển của ngành game Việt và giúp game thủ có đời sống tốt hơn. Để có được điều đó, theo như thông cáo của OTA, chúng ta cần sự chuyên nghiệp. Và sự chuyên nghiệp sẽ xuất phát từ hành động tôn trọng các đối tác trên thị trường và pháp luật.