- Theo Helino | 26/05/2018 09:47 PM
Trong cộng đồng game Hàn Quốc, có một thực tế là việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của các game thủ chuyên nghiệp luôn là một đề tài hot bởi bất cứ người đàn ông Hàn Quốc nào cũng đều có nghĩa vụ phục vụ trong quân đội kể cả người của công chúng hay nhân vật có vị thế xã hội cao. Hầu hết các game thủ chuyên nghiệp Hàn Quốc đều có xu hướng trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bởi họ chủ yếu đạt đỉnh cao phong độ trong khoảng lứa tuổi 20, việc phục vụ trong quân đội trong 2 năm có thể làm hỏng sự nghiệp game thủ của họ.
Lưu ý: Phần lớn các nam thanh niên Hàn Quốc đều lựa chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự khoảng trong – ngoài 20 tuổi.
Trong một số trường hợp, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (Ministry of National Denfense - MND) có thể miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho những người có sự thể hiện vượt trội trong các sự kiện thể thao quốc tế. Một ví dụ cho việc miễn trừ này là những vận động viên giành được huy chương vàng (HCV) trong Asian Games. Đó là lý do tại sao rất nhiều người hâm mộ đặc biệt quan tâm khi eSports được trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại Asian Games 2018, được tổ chức ở hai thành thố Palembang và Jakarta của Indonesia vào cuối tháng 8 sắp tới. Không chỉ người hâm mộ mà bản thân Faker cũng từng thừa nhận anh hy vọng được miễn trừ thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu như đạt được HCV trong giai đấu sắp tới.
Khi thông tin eSports lần đầu tiên trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại Asian Games 2018, khả năng miễn trừ nghĩa vụ quân sự không phải tâm điểm chú ý của người hâm mộ Hàn Quốc. Bởi lúc đó, thậm chí mọi người còn không chắc chắn liệu eSports Hàn Quốc có cơ hội tham gia sự kiện này hay không do sự hiểu lầm giữa Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA) và Ủy ban Thể thao & Olympic Hàn Quốc (KSOC). Hiện tại, Hội đồng Thể thao Daejeon (DSC) đã đứng lên trợ giúp cho KeSPA, và tấm vé tham gia đã không còn là vấn đề nữa. Do đó, tâm điểm chú ý đương nhiên được chuyển hướng tới việc liệu một tấm HCV có thể miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho các tuyển thủ hay không.
Vào hồi tháng 4 KSOC có tuyên bố: “Dù là giải đấu chính thức hay giải đấu trình diễn, việc nhận HCV trong Thế vận hội châu Á có thể dẫn đến khả năng được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, chưa có cuộc thảo luận cụ thể nào liên quan tới eSports. Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này sau”. Điều này có nghĩa là quyết định sẽ tùy thuộc vào MND bởi họ chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan tới nghĩa vụ quân sự.
Trong ngày 25 tháng 5 vừa qua, MND đã bày tỏ lập trường của mình về vấn đề này: “Không có quy dịnh rõ ràng về việc liệu một giải đấu trình diễn có nên được miễn trừ nghĩa vụ quân sự hay không. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi đã đi đến kết luận rằng trong Thế vận hội châu Á sắp tới, eSports sẽ không liên quan đến miễn trừ nghĩa vụ quân sự hay tiền lương hàng tháng, thậm chí là cả hai”.
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã gọi điện cho KSOC hỏi ý kiến về quyết định trên và nhận được câu trả lời: “Miễn trừ nghĩa vụ quân sự và tiền lương hàng tháng không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Nó thuộc về MND và Quỹ Xúc tiến Thể thao Hàn Quốc (KSPO). Dường như cả hai tổ chức này đã quyết định không cấp bất kỳ quyền lợi nào (miễn trừ quân sự và tiền lương) cho các game thủ giành được huy chương”.
Điều này có nghĩa là những tuyển thủ giành được huy chương trong bộ môn eSports tại Asian Games 2018 sắp tới sẽ không được miễn trừ nghĩa vụ quân sự cũng như không được trợ cấp lương hàng tháng. Nhiều người dự đoán rằng phải đợi tới khi eSports trở thành một giải đấu chính thức trong Asian Games 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc thì các game thủ chuyên nghiệp mới nhận được cơ hội miễn trừ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hiện tại, các game thủ chuyên nghiệp nổi tiếng Hàn Quốc đang có dấu hiệu khá tiêu cực với việc tham gia Asian Games 2018 lần này do tiền thưởng quá thấp và giờ còn không được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Các game thủ cũng như thành viên ban huấn luyện đội tuyển bắt đầu tin rằng việc “trình diễn” tại Asian Games sẽ là một điểm trừ cho đội.