- Theo Nhịp Sống Việt | 13/03/2020 04:50 PM
Dịch bệnh Covid-19 đã lây lan đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Với tốc độ lan nhanh của bệnh mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 là đại dịch.
Trong bối cảnh này, có một số thông tin cho rằng: việc để dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại Châu Âu mục đích là tạo ra miễn dịch cộng đồng, khi có miễn dịch cộng đồng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ không còn và dịch từ từ hết.
Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh và PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định, tin đồn này là vô cùng nguy hiểm.
Dưới đây là giải đáp cặn kẽ của các chuyên gia về cơ chế tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Bác sĩ Trường Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I cho hay, miễn dịch cộng đồng là hình thức tạo bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm. Khi tỷ lệ mắc bệnh cao trong cộng đồng với một loại virus, vi khuẩn, thì dịch sẽ dừng lại.
Miễn dịch có thể có được thông qua sau khi hồi phục từ một lây nhiễm tự nhiên, hay bằng cách nhân tạo - điển hình là việc tiêm chủng vắc-xin.
Như vậy, miễn dịch cộng đồng sẽ được tạo ra khi càng nhiều người mắc bệnh sẽ có miễn dịch, và bệnh sẽ dừng lại không có người mắc.
"Tuy nhiên, muốn có được miễn dịch cộng đồng thì số người nhiễm bệnh sẽ rất lớn. Nghĩa là số người mắc bệnh gần như ở tất cả mọi người. Nếu chủ động làm miễn dịch cộng đồng nhanh bằng cách để lây nhiễm tự nhiên sẽ rất nguy hiểm, và phải trả giá rất lớn bằng tính mạng của con người.
Khi đó số lượng người mắc bệnh sẽ là rất lớn. Ở một số nhóm cơ địa đặc biệt như người già, miễn dịch kém, bệnh lý nền… nếu mắc bệnh sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh quá nhiều thì chúng ta sẽ không có thời gian chạy để cứu người nặng.
Ví dụ đơn giản, 10 người mắc bệnh có 4 người già, nhưng nếu nhân số người mắc lên 1000 người thì sẽ có 400 người già mắc. Khi đó nhóm người này không đủ sức khỏe để tạo miễn dịch và có thể tử vong", bác sĩ Khanh nói.
Virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) với nhiều triệu chứng khác nhau từ nặng tới nhẹ. Cho đến nay, loại virus này được đánh giá có khả năng lây lan cực kỳ mạnh khi tiếp xúc gần.
Bác sĩ Khanh cho hay: "Miễn dịch cộng đồng có thể tạo từ từ để đảm bảo an toàn, không có người tử vong.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang thực hiện biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Số ca mắc mới xuất hiện ít và số ca người già mắc bệnh cũng ít chúng ta sẽ có thời gian để cứu chữa cho bệnh nhân.
Sớm muộn chúng ta cũng sẽ có miễn dịch cộng đồng với loại virus này. Tuy nhiên, làm cho nó lây nhiễm càng chậm sẽ càng tốt.
Việc chúng ta cần phải làm là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, làm việc một cách quyết liệt hơn, không được lơ là. Dịch bệnh có thể kéo dài nhưng, kéo dài tới đâu chúng ta cũng phải theo sát tới đó không thể để dịch bùng phát trên diện rộng".
PGS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên cục Trưởng cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, về nguyên tắc khi nhiễm virus bệnh nếu khỏi bệnh sẽ có miễn dịch một cách tự nhiên. Như vậy khi càng nhiều người nhiễm bệnh thì số lượng người miễn dịch sẽ rộng lớn và đây cũng là cách để xóa sổ dịch bệnh.
Miễn dịch cộng đồng chỉ được thực hiện những bệnh có tính lây truyền cao, có nghĩa là các bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác.
Ngăn chặn dịch là các tốt nhất Việt Nam đang thực hiện.
"Tôi không đồng ý việc tạo ra miễn dịch cộng đồng tự nhiên bằng con đường lây nhiễm bệnh. Vì nếu miễn dịch cộng đồng cao thì cũng sẽ có số lượng người phải tử vong không lường trước được. Ở đây là tính mạng của con người nên không thể đánh đổi", GS. Huy Nga nói.
Theo wikipedia thuật ngữ miễn dịch cộng đồng lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1923. Nó đã được công nhận là một hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên vào những năm 1930 khi miễn dịch cộng đồng được ghi nhận sau khi một số lượng đáng kể trẻ em trở nên miễn dịch với bệnh sởi, số ca nhiễm mới đã giảm tạm thời, bao gồm cả trong nhóm trẻ em dễ mắc bệnh.
Tiêm chủng đại trà để tạo ra miễn dịch bầy đàn từ đó đã trở nên phổ biến và đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Việc phản đối chủng ngừa đã gây ra một thử thách cho miễn dịch cộng đồng, làm cho các bệnh có thể phòng ngừa được tồn tại hoặc quay lại các cộng đồng có tỷ lệ tiêm phòng không đạt số lượng.