- Theo Helino | 02/08/2019 03:00 PM
22 năm trước, bộ phim bom tấn "Titanic" (1997) của đạo diễn gạo cội người Canada James Cameron đã làm chao đảo các phòng vé toàn cầu, khiến triệu triệu con tim khán giả thế giới phải thổn thức. Siêu phẩm này không chỉ thành công vang dội về doanh thu (là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tính đến năm 2009) mà còn nhận được nhiều lời khen nức nở từ giới phê bình điện ảnh(1).
Từ lối diễn xuất vô cùng quyến rũ của cặp nhân vật chính Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, đến kỹ xảo điêu luyện cộng với lối kể chuyện cuốn hút đầy tài nghệ của James Cameron, "Titanic" hiện lên như một bản anh hùng ca bi tráng, trở thành một trong những 'tác phẩm lộng lẫy nhất của Hollywood'.
Nói về siêu phẩm điện ảnh đắt giá nhất thế kỷ 20, BBC không tiếc lời mà rằng: Vụ đắm tàu RMS Titanic năm 1912 không còn quá xa lạ trong lịch sử, tuy nhiên, quy mô và tang thương của tấn bi kịch này vẫn vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Cảm hứng từ sự kiện có thật, nếu bộ phim 'Titanic' có thể khiến bạn 'chết lặng' trên ghế suốt 3 tiếng đồng hồ thì bạn đã hoàn toàn cảm nhận được một phần lịch sử có thật từ kỳ quan giải trí ấn tượng của đạo diễn người Canada."
Tạo hình con tàu Titanic trên phim ảnh. Ảnh: Internet
Còn một bí mật nữa ít người biết xoay quanh con tàu huyền thoại này: Hơn 10 năm trước khi siêu phẩm "Titanic" đến với khán giả, người có công khơi gợi cảm hứng cho đạo diễn James Cameron không ai khác chính là Robert Ballard , nhà hải dương học làm việc cho Hải quân Mỹ thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991).
Năm 1985, chuyên gia khảo cổ hàng hải người Mỹ tuyên bố: Tìm thấy xác 'con tàu không thể chìm' Titanic dưới đáy đại dương sau hơn 7 thập kỷ ngủ vùi ở nơi hoang lạnh, khiến công chúng thế giới một lần nữa 'dậy sóng'.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với National Geographic, nhà hải dương học Robert Ballard thuộc Đại học Rhode Island (Mỹ) cho biết: Xác tàu Titanic được tìm thấy năm 1985 nhưng mãi đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, câu chuyện về hành trình tìm kiếm xác tàu huyền thoại này mới được tường tỏ.
"Hải quân Mỹ cuối cùng cũng cho phép thông tin về Titanic đến với công chúng", nhờ thế, National Geographic có dịp cung cấp câu chuyện phía sau phát hiện hàng hải chấn động thế kỷ 20 này.
Năm 1982, giáo sư Robert Ballard đề xuất với Hải quân Mỹ về một khoản tài trợ nhằm phát triển công nghệ robot lặn tìm kiếm xác tàu đắm dưới đáy đại dương.
Ronald Thunman, khi đó là Phó Chỉ huy các chiến dịch hải quân cho chiến tranh tàu ngầm, nói với giáo sư Robert rằng giới quân đội Mỹ rất có hứng thú đến công nghệ này, nhưng với mục đích tiên quyết là tìm hiểu rõ thực hư về số phận hai tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Mỹ là U.S.S.Thresher và U.S.S. Scorpion bị chìm trong thập niên 1960.
Nói về thảm họa chìm tàu ngầm U.S.S.Thresher (SSN-593): Ngày 10/4/1963, khi đang lặn thử nghiệm cách Boston (bang Massachusetts) 350km về phía đông, tàu ngầm này gặp sự cố kỹ thuật và chìm sâu dưới đáy biển. Vụ việc khiến toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 129 người thiệt mạng. U.S.S.Thresher là tàu ngầm nguyên tử đầu tiên trên thế giới bị chìm, đồng thời là thảm họa chìm tàu ngầm tang thương nhất lịch sử quân sự thế giới.
Còn với 'Bọ Cạp' USS Scorpion (SSN-589): Hải quân Mỹ tiếp tục nhận 'tin đau buồn' khi tàu ngầm nguyên tử thuộc lớp tấn công hạt nhân Skipjack USS Scorpion gặp nạn ngày 5/6/1968. Cũng do sự cố kỹ thuật USS Scorpion bị chìm khiến toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 99 người tử nạn. Sau hàng loạt điều tra, tìm kiếm, phần còn lại của Bọ Cạp được cho là chìm ở đáy đại dương thuộc Bắc Đại Tây Dương.
Vì sở hữu công nghệ có thể tiếp cận và chụp ảnh tàu chìm, giáo sư Robert Ballard đã đồng ý với Hải quân Mỹ, không quên nói về dự định tìm kiếm xác tàu Titanic chìm năm 1912 của mình nếu như ông hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm U.S.S.Thresher và U.S.S. Scorpion trước thời hạn.
Robert Ballard báo cáo kế hoạch tìm kiếm Titanic xen giữa sứ mệnh tìm kiếm 2 xác tàu ngầm nguyên tử bị đắm của Hải quân Mỹ với Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Lehman.
"Hải quân Mỹ tất nhiên không mong đợi tôi tìm thấy Titanic, vì nếu điều đó xảy ra, họ buộc phải công khai, vô hình chung khơi gợi lại ít nhiều đau thương từ hai sự cố chìm tàu ngầm nguyên tử của họ cách đây nhiều thập kỷ." - Robert Ballard cho biết.
U.S.S.Thresher và U.S.S. Scorpion ngủ vùi ở độ sâu từ 3.000 mét đến 4.600 mét thuộc vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Quân đội Mỹ muốn biết số phận của các lò phản ứng hạt nhân trên tàu nhằm xác định mức độ an toàn môi trường biển, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý vật liệu hạt nhân bổ sung trong lòng đại dương.
Không những thế, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh vẫn còn chưa kết thúc, Mỹ muốn tìm kiếm xem có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết rằng U.S.S. Scorpion đã bị Liên Xô bắn hạ hay không.
Dữ liệu hình ảnh và kỹ thuật của chuyên gia khảo cổ hàng hải Robert Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân an toàn dưới đáy đại dương, và không có tác động đến môi trường, Phó Chỉ huy các chiến dịch hải quân cho chiến tranh tàu ngầm Ronald Thunman cho hay.
Dữ liệu cũng cho thấy U.S.S.Thresher có khả năng bị chìm sau sự cố đường ống dẫn (dẫn đến sập điện hạt nhân) khiến tàu ngưng hoạt động và bị chìm. Thông tin xoay quanh U.S.S. Scorpion ít chắc chắn hơn. Có thể do chiếc pin điện khổng lồ trên tàu nổ khiến cho nước tràn vào đã làm cho Bọ Cạp bị đánh chìm. Phần đuôi tàu bị nổ tung, phần còn lại chìm xuống ở độ sâu nhất định dưới đáy biển lạnh.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng tàu bị tấn công bởi một loại vũ khí bên ngoài nào đó khiến tàu bị hư hỏng nặng. Như vậy, có thể bác bỏ giả thuyết Liên Xô phóng ngư lôi tấn công tàu U.S.S. Scorpion nhằm mục đích trả thù." - Ronald Thunman trả lời phỏng vấn về sau, không quên nói rằng: "Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và tôi không còn ở trong quân đội nữa."
Trong hành trình tìm kiếm hai xác tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Mỹ, giáo sư Robert Ballard thu được bài học đắt giá về tác động của dòng hải lưu đối với các mảnh vỡ khi chìm: Dòng hải lưu đã mang theo những mảnh vỡ từ những con tàu xuống biển và tạo thành chuỗi mảnh vỡ dài dưới đáy biển.
Chỉ còn 12 ngày dư lại sau sứ mệnh mà Hải quân Mỹ giao cho, Robert Ballard nhanh chóng bắt tay vào việc tìm kiếm xác tàu Titanic khổng lồ. Ông suy đoán rằng, con tàu bị gãy làm đôi và để lại mảnh vỡ rơi rớt trong quá trình chìm xuống đáy đại dương. Với suy đoán này, Robert Ballard quyết định không tìm kiếm thân tàu Titanic, thay vào đó ông rà quét đáy biển để tìm các mảnh vỡ (có thể trải rộng hàng km), từ đó tìm thân tàu sau.
"Đội của tôi bám vào giả thuyết này để truy tìm manh mối về con tàu khổng lồ ở Đại Tây Dương rộng lớn. Thật bất ngờ, quyết định 'một mất-một còn' này đã mang đến may mắn cho chúng tôi."
Nhờ ý tưởng đột phá này, dưới sự hỗ trợ của công nghệ sóng âm và robot lặn hiện đại, xác con tàu huyền thoại 'không thể chìm' một thời đã xuất hiện từ đáy vực sâu thẳm. Giữa bốn bề lạnh giá, Titanic 'trỗi dậy' như một phần lịch sử bi tráng sau 73 năm ngủ vùi dưới đáy Bắc Đại Tây Dương.
Đối với Robert Ballard, tìm thấy con tàu Titanic huyền thoại mang đến cho ông những xúc cảm buồn vui lẫn lộn. Vui vì kết quả lao động nghiêm túc của cả đội được đền đáp, những khó khăn phải đối mặt sau chuỗi thất bại của các đội tìm kiếm trước đó cũng không quật ngã được ý chí của toàn đội...
Nhưng ông cũng buồn vì hình ảnh xác tàu nơi nấm mồ lạnh lẽo gợi nhắc về ngày đau thương 14/4/1912 khi một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại diễn ra.
Ông 'thấy' hình ảnh con tàu khổng lồ vỡ đôi, 'thấy' những hình thù ma quái của những chiếc xuồng cứu sinh, 'nghe' được tiếng la hét vì hoảng loạn của hàng ngàn người, 'nghe' được cả sự chết chóc tuyệt vọng của những con người chìm mãi dưới dòng nước băng lạnh lẽo...
Phần còn lại của con tàu huyền thoại Titanic. Ảnh: National Geographic
Sau phát hiện chấn động của Robert Ballard về tàu Titanic năm 1985, hàng loạt trang báo nổi tiếng thế giới đều đưa tin trên trang nhất.
Với mục đích bảo vệ phần còn lại của con tàu huyền thoại, Robert Ballard một mực phản đối nỗ lực trục vớt con tàu cũng như cổ vật của nó, từ chối mọi yêu cầu về tọa độ của xác con tàu. Tất cả những gì mà người ta biết cho đến nay là Titanic hiện đang 'ngủ yên' ở độ sâu 4000 mét ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
'Đó là một nơi hoàn toàn yên tĩnh và thanh bình - một nơi thích hợp tuyệt đối cho phần còn lại của thảm kịch hàng hải lớn nhất thể kỷ 20 được yên nghỉ. Titanic cần được tôn trọng. Mãi mãi là thế.' Lời của người tìm ra Titanic huyền thoại.
Chú thích:
(1) "Titanic" (1997) nhận được 'mưa giải thưởng':
- Giải Quả cầu vàng: Ở 4 hạng mục, gồm: Phim chính kịch hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất, và Ca khúc trong phim hay nhất (Ca khúc My Heart Will Go On của nữ danh ca người Canada Celine Dion).
- Giải Oscar: Giành được 11 giải (trong tổng 14 đề cử), gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, Biên tập phim xuất sắc nhất, Thiết kế phục trang xuất sắc nhất, Âm thanh xuất sắc nhất, Biên tập hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất, Ca khúc trong phim hay nhất.
Cùng nhiều giải thưởng khác của Mỹ và quốc tế.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, History.com