Tìm ra các bằng chứng cho thấy Hệ Mặt trời có hành tinh thứ Mười

Nguyễn Tuấn Tài  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/06/2017 01:27 PM

Có vẻ như hành tinh thứ Chín đã có thêm bạn đồng hành.

Trong năm ngoái, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California đã đề xuất rằng có thể thật sự có một hành tinh thứ Chín trong Hệ Mặt trời (do trước đây giới khoa học chỉ công nhận có 8 hành tinh). Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng hành tinh thứ Chín này có khối lượng nặng hơn gấp 10 lần Trái Đất và nó nằm ẩn bên trong một khu vực xa xôi của Hệ Mặt trời – vượt xa quỹ đạo của sao Diêm Vương.

Sau khi khám phá trên được công bố, hàng loạt những khám phá tương tự đã được thực hiện liên quan đến việc tìm ra những hành tinh lùn mới. Ví dụ như nằm cách Mặt Trời 13,7 tỷ km là hành tinh lùn 2014 UZ224, đường kính của nó khoảng 530 km, phải mất khoảng 1.100 năm Trái Đất để hoàn thành quỹ đạo của nó.

Và như vậy, “góc nhỏ” của chúng ta trong vũ trụ rộng lớn bỗng trở nên tấp nập hơn cả. Nhưng có vẻ như còn nhiều bất ngờ hơn nữa vẫn đang chờ đợi chúng ta ở rìa của Hệ Mặt trời.

Hai nhà nghiên cứu Kathryn Volk và Renu Malhotra tại Đại học Arizona đã nhận thấy một vài chuyển động kỳ lạ trong vành đai Kuiper... họ tin rằng những chuyển động này có thể là minh chứng cho sự tồn tại của một hành tinh thứ Mười trong Hệ Mặt trời.

Giải thích một chút: Những vật thể trong vành đai Kuiper nằm đủ xa so với những thiên thể chính của Hệ Mặt trời, vì vậy mà trọng lượng của các hành tinh lớn gần như không ảnh hưởng đến chúng. Tuy nhiên, sự chuyển động của “những người anh em” này vẫn có thể được dự đoán, nhờ vào các cuộc khảo sát bầu trời và hàng loạt các công nghệ tiên tiến.


Các cuộc khảo sát bầu trời và hàng loạt các công nghệ tiên tiến hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện thêm những hành tinh mới.

Các cuộc khảo sát bầu trời và hàng loạt các công nghệ tiên tiến hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện thêm những hành tinh mới.

Đáng chú ý, nếu các dự đoán này không khớp với nhau, có thể còn có thêm những hành tinh khác (không chỉ riêng hành tinh thứ Mười), chúng nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta và trọng lực của chúng có thể đang tác động đến chuyển động của các vật thể trong vành đại Kuiper.

Nó ở khá gần Trái Đất

Việc tìm kiếm hành tinh thứ Chín đã làm các nhà khoa học tin rằng nó có quỹ đạo xoay quanh Mặt Trời ở khoảng cách 700 AU (AU là đơn vị thiên văn, 1AU xấp xỉ 150 triệu km).

Nhưng Volk và Malhotra tin rằng hành tinh thứ Mười có thể ở gần hơn rất nhiều, bởi quỹ đạo của các vật thể thuộc vành đai Kuiper nằm cách không quá 50 AU so với Mặt Trời. Họ cũng cho rằng hành tinh này có kích thước tương đương với sao Hoả.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học khác cũng không dễ dàng nhảy ngay lên “con tàu ý tưởng” này. Alessandro Morbidelli làm việc tại Đài quan sát Côte d'Azur ở Nice, Pháp, cho rằng : “Tôi không nghĩ rằng một hành tinh ở rất gần chúng ta mà lại lớn và sáng như vậy lại không được phát hiện.

Do vành đai Kuiper ở khá gần, nên việc khám phá ra thêm các thiên thể khác sẽ giúp ủng hộ hoặc bác bỏ phát hiện này. Và dù thế nào, gia đình Mặt Trời nhỏ bé của chúng ta sẽ tiếp tục “tăng dân số” khi tìm ra thêm những người họ hàng xa trong vũ trụ rộng lớn.

Tham khảo Sciencealert