- Theo Helino | 30/01/2020 09:37 AM
Giống như Kitsune, Tanuki là những kẻ thích chơi khăm, biến hình và lừa gạt. Đôi khi chúng đội lốt người, dùng lá cây hay những món đồ bỏ đi khác biến thành tiền để... kiếm thức ăn và rượu. Trong những trường hợp khác, Tanuki biến thành đồ vật để lẻn vào đời sống của những người cả tin. Trong truyện kể nổi tiếng "Cái Ấm Trà May Mắn" (Bunbuku Chagama), cha của 1 gia đình Tanuki đã biến bản thân thành 1 ấm trà bằng gang, để vợ mình bán cho 1 nhà buôn đồ cổ cả tin, lấy tiền cứu đàn con khỏi chết đói.
Cũng trong 1 số dị bản khác, con Tanuki này vốn chỉ là 1 con yêu quái đơn độc. Vì được anh chàng nông dân cứu thoát khi bị mắc bẫy của loài người, nó đã quyết định biến thành 1 ấm trà đẹp để anh bán cho vị trụ trì chùa Morinji. Mọi chuyện vẫn rất bình thường, nhưng khi đến tối, con Tanuki liền quay trở về hình dạng thật sự để chuồn khỏi đó. Và thật không may, nó đã bị nhà sư ấy bắt gặp. Hoảng sợ, ông liền cho gọi tất cả tăng lữ trong chùa đến xem, nhưng khi này thì Tanuki lại biến thành hình dạng ấm trà như trước.
Để giải quyết, nhà sư liền cho gọi anh nông dân tới, nhằm bàn chuyện phá hủy chiếc ấm vì sự đáng nghi của nó. Nghe vậy, Tanuki hoảng sợ biến thành hình dạng nguyên bản rồi chạy đi, nhưng lại quay lại ngay sau đấy và cúi đầu xuống, giải thích tất cả. Sau khi biết chuyện, nhà sư liền cười phá lên và cho rằng mọi người trong làng cũng nên được chứng kiến khả năng biến hình của nó.
Nó xong, ông liền cho 1 chú tiểu đi gõ mõ thông báo khắp làng, rằng họ sẽ tổ chức 1 biểu diễn cực đỉnh tại chùa. Chứng kiến tài nghệ làm xiếc của Tanuki, vô số người từ phương xa đã bỏ công tới xem và tưởng thưởng bằng những màn vỗ tay hưởng ứng cùng những số tiền lớn. Nhờ số tiền này, nhà sư có thể mở rộng chùa và xây dựng những công trình quan trọng cho thôn xóm. Để cảm ơn nó, ông liền đặt tên cho nó là Bunbuku Chagama, có nghĩa là "Ấm trà may mắn" và cho phép nó sống đời đời kiếp kiếp tại chùa.
Mặc dù theo lý thuyết, Tanuki có thể gây hại bằng răng nanh và móng vuốt, nhưng chúng hầu như đều tránh bạo lực và thiên về lừa gạt hơn. Năng lực biến hình của nó vượt xa Kitsune, nhưng Tanuki lại có xu hướng nghịch ngợm hơn là ác ý. Tanuki đặc biệt thích đồ ăn bổ béo và đặc biệt là thức uống, cụ thể là rượu sake, thậm chí từng được biết đến với việc bắt cóc và giả mạo cô dâu hoặc chú rể để tham gia vào tiệc cưới. Tuy nhiên, thi thoảng kế hoạch của chúng lại đổ bể trước khi thành hiện thực vì... chúng quá ngốc.
Hình tượng Tanuki khá nổi tiếng trong nhiều mảng của đời sống, như món ăn truyền thống chẳng hạn. Tanuki Soba và Tanuki Udon là 2 món mì được ưa chuộng nhất Nhật Bản, chúng chứa những mẩu bột rán nhỏ xíu, về cơ bản là "đầu thừa đuôi thẹo" còn lại sau khi người đầu bếp nấu món tempura có giá trị đắt đỏ hơn nhiều. Một số người tin rằng 2 món này được đặt tên như vậy vì ý nghĩ bỏ tiền cho mấy cục bột suông khiến người ta liên tưởng đến việc bị Tanuki lừa.
Món mì Tanuki Soba.
Không chỉ như vậy, tính cách ham rượu chè, ăn uống của chúng cũng vô cùng nổi tiếng trong việc cầu may tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là quán rượu và nhà hàng. Thời xưa, các nghệ nhân thường bọc các quặng vàng (kintama, tức "bi vàng") bằng lớp da còn lông của Tanuki để đập dẹt thành vàng lá. "Tanuki" và "vàng" gắn chặt với nhau trong mối quan hệ ấy, khiến hình ảnh của loài youkai này trở thành bùa cầu may còn phổ biến đến tận ngày nay.