- Theo Helino | 26/01/2020 11:16 AM
Nếu các bạn có dịp tới Nhật Bản vào những thời điểm mà các sự kiện trong nước đang diễn ra, bạn có thể dễ dàng nhận thấy họ thường mua những Engimono (biểu tượng may mắn) mang tính địa phương, như Shisa của Okinawa, Kiji-uma của Kumamoto, tượng Shigaraki-yaki No Tanuki của quận Shiga, hay Akabeko của tỉnh Fukushima... Nhưng nếu nhắc đến biểu tượng may mắn mang tính quốc dân, người ta chắc chắn sẽ nhắc tới 2 thứ: tượng Mèo Thần Tài và búp bê Daruma.
Vậy, những con búp bê kỳ lạ này có nguồn gốc từ đâu?
1. Nguồn gốc
Daruma là loại búp bê bằng gỗ có thân tròn, được sơn màu đỏ, không mắt, không chân tay, trên bụng được viết chữ "Phước" và có dung mạo dữ tợn: sở hữu ria mép lớn màu đen và đôi mắt trống rỗng. Đây là một trong những món quà lưu niệm nổi tiếng mà du khách thường mang về từ Nhật Bản, nhưng thực tế, nó không chỉ dùng trong ngành du lịch mà bản thân nó cũng vô cùng phổ biến trong hầu hết những gia đình tại nơi đó.
Búp bê này được lấy từ hình tượng đức Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc - 1 giáo phái nhấn mạnh tầm quan trọng của thiền định. Người Nhật cho rằng tay và chân của Ngài đã teo đi, trở nên nhăn nheo và thoái hóa sau quá trình ngồi thiền suốt 9 năm trong 1 hang động.
Bồ Đề Đạt Ma
Trong khoảng thời gian này, Bồ Đề Đạt Ma cũng cắt đi mí mắt của mình do Ngài tức giận vì đã ngủ quên trong lúc thiền. Mí mắt của Ngài rơi xuống đất và đâm chồi nảy lộc thành cây trà xanh đầu tiên của người Trung Quốc. Và thế là, người Nhật Bản đã dựa vào tích này để tạo ra những búp con búp bê gỗ tròn trĩnh và không có chân tay hay mắt.
Cũng theo họ, màu đỏ thường thấy của những con lật đật này cũng được dựa trên màu áo của những thiền sư cấp cao, còn việc bản thân nó không có mắt tương tự hành động Bồ Đề Đạt Ma ngủ quên khi thiền, do đó chưa đạt được sự giác ngộ cao nhất. Việc vẽ mắt lên cho nó tương tự hành động gắn lại mi mắt cho Bồ Đề Đạt Ma, giúp Ngài có thể nhìn rõ trần ai.
Khởi đầu của búp bê Daruma được cho là bắt đầu vào năm 1697, khi vị trụ trì có tên Shinetsu thường vẽ hình ngồi thiền vào mỗi năm mới tại chùa Daruma, thuộc thành phố Takasaki. Cuối thế kỷ 18, một người tên là Yamagata Goro đã tạo ra hình dáng ban đầu của búp bê Daruma theo ngoại hình của nhà sư Togaku, sau này ông đã dán giấy lên nó và thành Daruma như hiện nay.
II. Ý nghĩa
Dù có nguồn gốc cũng như có tạo hình đáng sợ, nhưng búp bê Daruma lại là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Người Nhật khi mua Daruma sẽ ước một điều và vẽ một con mắt. Khi điều ước thành hiện thực, họ sẽ vẽ lên con mắt còn lại. Lý do là bởi việc chỉ có 1 con mắt sẽ khiến con búp bê rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, "không thể giác ngộ". Hành động "tống tiền" này khiến nó phải giúp mong muốn của người vẽ thành hiện thực, và chỉ đến khi đó, họ mới vẽ tiếp con mắt còn lại. Nếu như tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành, con búp bê cũ cũng vẫn được đốt đi, thay bằng 1 con Daruma mới và tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ của gia chủ.
Các búp bê Daruma thường được người Nhật tặng nhau trong những dịp sinh nhật, lễ tết hay khi một người bắt đầu tiến hành những dự định mới thay cho một điều chúc tốt lành nhất dành đến họ. Hàng năm, vào mùa thi cử, có hàng ngàn Daruma được các gia đình hay bạn bè mua tặng cho con em mình với lời cầu chúc may mắn. Các Daruma trở thành vật kỉ niệm sau mỗi dịp ra trường của các bạn học sinh. Họ tặng nhau với những lời chúc tốt đẹp nhất.
Và theo thời gian, dĩ nhiên là không phải chú Daruma nào cũng đáng sợ.
Hầu như người Nhật nào cũng mua một con Daruma cho mình, bởi ngoài việc mang lại sự giàu có cho người sở hữu nó, một vụ mùa bội thu cho người nông dân, giúp những người mẹ sinh nở dễ dàng, nó còn bảo vệ những đứa trẻ tránh khỏi bệnh tật nữa.
Nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng của sự hồi phục, là biểu trưng cho sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt, bởi cho dù bạn có xô chúng như thế nào, búp bê Daruma vẫn sẽ quay lại vị trí ban đầu của nó. Đây chính là cảm hứng cho câu nói “Nanakorobi yaoki, jinsei wa kore kara da” (ngã xuống 7 lần, đứng dậy 8 lần, cuộc sống bắt đầu từ bây giờ) của môn võ Aikido.
Ảnh hưởng của nó cũng được lan tới nhiều lĩnh vực như truyện tranh - phim ảnh (As the Gods Will), hay trò chơi (loạt game Onmyoji).
Chắc cũng chẳng ai muốn nhớ tới con Daruma kinh dị của As the Gods Will đâu nhỉ?
"Daruma Vàng" trong Onmyoji Arena.
III. Sự phổ biến tại Nhật và giá bán
Ngày nay, 80% Daruma được làm ra đều có nguồn gốc tại thành phố Takasaki thuộc tỉnh Gunma. Những ngôi chùa Phật giáo cũng có bán những con Daruma này. Thông thường một con Daruma cỡ nhỏ (cao 5cm) sẽ có giá là 500 yên, và 10000 yên cho Daruma cỡ lớn (60cm), hơi đắt nhưng nhiều công dụng. Về màu sắc, có 4 màu cho bạn chọn, đó là đỏ (màu này phổ biến nhất), vàng, xanh lá cây và trắng.
Như thế, nơi thường tập trung các Daruma nhất chính là chùa chiền. Đặc biệt, chùa Katsuo (Osaka, Nhật Bản) đã được biết tới như "nơi ở" của hàng nghìn búp bê Daruma, khi từ bên trong chùa, đến hành lang, hay triền núi đều xuất hiện con búp bê đỏ truyền thống này.
Sau đây là loạt ảnh về búp bê Daruma tại chùa Katsuo: