- Theo Trí Thức Trẻ | 09/07/2020 0:00 AM
Mới đây, nhóm hacker lừng danh Anonymous đã lên tiếng cảnh báo người dùng trên toàn thế giới hãy thận trọng với ứng dụng TikTok. Nhóm hacker nổi tiếng này đã lên tiếng kêu mọi người hãy xóa TikTok khỏi thiết bị của mình ngay lập tức.
Nhóm Anonymous cho biết, TikTok giống như một phần mềm gián điệp để thu thập thông tin người dùng. Anonymous cũng dẫn chứng thêm các thông tin mà TikTok đã thu thập mỗi khi người dùng truy cập vào ứng dụng này, bao gồm những thông tin về smartphone người dùng đang sử dụng, những ứng dụng đã được tải (và xóa), tất cả các thông tin liên quan đến hệ thống mạng... và hơn thế nữa. (Theo Tinh tế).
Chưa dừng lại ở đó, gần đây, TikTok cũng nằm trong danh sách 59 ứng dụng của Trung Quốc bị cấm tại thị trường Ấn Độ. Gần như ngay sau đó, vào hôm thứ Hai, vài ngày sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm đối với TikTok, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng nước này cũng đang xem xét cấm ứng dụng này.
Các tin tức này xuất hiện vài ngày sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm đối với ứng dụng chia sẻ video, xã hội Trung Quốc này. Theo ông Pompeo, chính phủ Mỹ đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Trong vài năm qua, các nhà lập pháp ở Mỹ ngày càng cảnh giác về cách TikTok xử lý dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó, đã có những lo ngại xung quanh mối quan hệ giữa công ty mẹ của TikTok, ByteDance và chính phủ Trung Quốc với cáo buộc rằng thông tin của người dùng ứng dụng được gửi về máy chủ Trung Quốc với mục đích xấu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo
Vào thứ ba, khi trả lời những nhận xét của ông Pompeo, một phát ngôn viên của TikTok đã viết:
100% TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo chủ chốt về an toàn, bảo mật sản phẩm và chính sách công cộng tại Mỹ. Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn là quảng bá trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy nếu được hỏi.
Tuần trước, chúng tôi đã biết rằng nền tảng chia sẻ video của mình đã chính thức bị cấm ở Ấn Độ cùng với 58 ứng dụng khác của Trung Quốc với cáo buộc rằng các ứng dụng này có liên quan đến các hoạt động gây hại cho sự toàn vẹn và chủ quyền quốc gia của Ấn Độ. Đáp lại lệnh cấm này, TikTok tuyên bố rằng công ty tuân thủ tất cả các yêu cầu liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu theo luật của Ấn Độ và họ đã không chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào về người dùng Ấn Độ với chính phủ nước ngoài, bao gồm cả chính phủ Trung Quốc.
Khi được hỏi ông Pompeo có gợi ý người dân Mỹ sử dụng TikTok hay không, ông nói chỉ khi bạn muốn có thông tin cá nhân của mình trong tay một quốc gia khác (ám chỉ máy chủ tại Trung Quốc).
TikTok là nền tảng âm nhạc và mạng xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc, được ra mắt vào năm 2017. Theo Wikipedia, TikTok đang là nền tảng video ngắn hàng đầu tại thị trường châu Á và đã thiết lập được vị thế như một ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất toàn cầu.
Như vậy, ngay sau khi nhóm hacker nổi tiếng Anonymous tố cáo TikTok có thể trở thành một ứng dụng gián điệp thì hàng loạt biến cố tới tấp đến với nền tảng này, từ việc bị cấm tại Ấn Độ cho tới việc có thể "bay màu" tại Mỹ. Điều này sẽ gây tổn thất không nhỏ cho TikTok và biết đâu sẽ là đặt dấu chấm hết trong tương lai cho siêu ứng dụng này. Điều đó không ai biết trước được.