[Tiểu sử game] Blizzard tròn 25 tuổi - Cùng nhìn lại một trong những tượng đài vĩ đại nhất của ngành game thế giới

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/12/2016 05:22 PM

Qua hơn 2 thập kỷ, Blizzard đã đem tới cho người hâm mộ những series game huyền thoại, không ai không biết tới

Cuối tháng 12 này, Blizzard, tượng đài của làng game thế giới sẽ chính thức bước sang tuổi 20. Thế nhưng nếu tính đến thời điểm ngày đầu tiên ba chàng cử nhân đại học California là Allen Adham, Micheal Morhaime và Frank Pearce thành lập studio game mang tên Silicon & Synapse, tiền thân của Blizzard, hãng game huyền thoại này đã tròn 25 tuổi.


Những khai quốc công thần của Silicon & Synapse.

Những "khai quốc công thần" của Silicon & Synapse.

Với sự thành công và thu nhập hàng năm khổng lồ từ World of Warcraft hay mới đây nhất là Overwatch, Blizzard có được lợi thế là nghiên cứu và phát triển sản phẩm của mình lâu dài mà không sợ thiếu nguồn thu. Tuy nhiên, nếu bạn nói WoW là cốt lõi của thành công của Blizzard, hãy nhớ rằng Blizzard đã từng làm ra những sản phẩm hoàn hảo trước thời của WoW.

Ban đầu, Silicon & Synapse chỉ thực hiện việc port các game bốn nút lên nền SNES theo hợp đồng với các nhà phát hành game lớn như Interplay thời đó. Thế nhưng đã mê game, những nhà phát triển sẽ nhanh chóng muốn tự tạo ra cho bản thân studio những tuyệt phẩm mà họ đầu tư mồ hôi công sức để hoàn thành.

Những ngày đầu tiên

Có thể thấy, dường như Blizzard có 3 quy luật của chính mình như sau: thứ nhất, luôn đem lại sản phẩm xuất sắc nhất. Nghiên cứu, phát triển và phát triển cho đến khi thỏa mãn và tự hào với chính sản phẩm của mình. Thứ hai, Blizzard không có ý định chạy theo những bộ phim tên tuổi để làm sản phẩm ăn theo. Có lẽ, đây là bài học từ hai sản phẩm của hãng khi còn non trẻ (dưới cái tênSilicon & Synapse) là J.R.R. Tolkien's The Lord of the Rings, Vol. I (Amiga, 1990; Snes, 1994) và The Death and Return of Superman (Snes, 1994).


The Lost Vikings

The Lost Vikings

Hai trong số những thành công lớn đầu tiên của Blizzard Entertainment đó là The Lost Vikings (Snes, 1992) và Rock n Roll Racing (Snes, 1993), góp phần tạo đà cho hãng, lúc còn tên là Silicon & Synapse để trở thành một trong những studio thành công của ngành công nghiệp game. Nếu bạn đã có tuổi thơ gắn bó với những chiếc máy “điện tử đĩa mềm” hay giả lập Zsnes trên PC, hẳn hai cái tên này sẽ khiến bạn hào hứng.

The Lost Vikings dễ dàng trở thành một trong những tựa game platformer đáng chú ý nhất thời đó, bởi hệ thống gameplay độc đáo: 3 vị Viking, mỗi vị một tài, phải phối hợp nhau để tìm đường chạy trốn khỏi con tàu UFO. Phiền một nỗi, game chỉ cho một người chơi, và điều khiển mỗi vị Viking một lượt. Cách chơi thử thách, hình ảnh tươi sáng và vui nhộn, nhạc nền hứng khởi, tựa game này đã khiến không ít người chơi mất ăn mất ngủ.


Rock n Roll Racing

Rock n Roll Racing

Còn Rock n Roll Racing lại là “món ăn yêu thích” mỗi khi có dịp ngồi chơi cùng bạn bè. Thời đó, hiếm khi có một tựa game vừa giữ được yếu tố thử thách lẫn vui nhộn, với những màn đua độc đáo và cân bằng, hệ thống đua xe / bắn súng được thiết kế tốt, hoản hảo đến độ những chiếc băng của Rock n Roll Racing vẫn luôn có người lùng mua trên mạng ngày nay.

1994: Warcraft

Khi nhắc đến game, người Việt khó lòng có thể bỏ qua ba cái tên huyền thoại mà Blizzard phát triển: Warcraft, StarCraft và Diablo.


Warcraft: Orcs and Humans

Warcraft: Orcs and Humans

Năm 1994, Warcraft: Orcs and Humans chính thức ra mắt, đánh dấu một trang sử mới của Blizzard. Mặc dù không phải là tựa game RTS đầu tiên, nhưng Orcs & Humans đã đặt nền móng đầu tiên của chuẩn cho tựa game RTS sau đó nói riêng và game ngày nay nói chung: có hệ thống campaign với cốt truyện; cùng với hệ thống multiplayer cho những người chơi tỉ thí với nhau. Orcs & Humans là một thành công, có thể coi là đột phá của studio non trẻ Blizzard, nhưng thành công đó chưa là gì so với Warcraft II.


Warcraft 2: Tides of Darkness

Warcraft 2: Tides of Darkness

Ra mắt chỉ 1 năm sau phần đầu, Warcraft II: Tides of Darkness khiến ngành công nghiệp choáng váng với năng suất của Blizzard. Chỉ nói riêng đồ họa, phần II này đã vượt qua người anh của nó nhiều lần với đồ họa chi tiết, không chỉ thay đổi giao diện mà còn hình ảnh của nhân vật, công trình. Không những thế, gameplay của phần II này cũng có nhiều cải tiến so với phần đầu. Và nên nhớ, trong quãng từ khi phát hành Warcraft năm 94 tới Warcraft II năm 95, Blizzard còn có 2 sản phẩm được ra mắt là The Lost Viking II và Justice League Task Force.

Dòng game Warcraft còn tiến hóa thêm một bước dài nữa với Warcraft III, với đồ họa 3D hoàn toàn, cùng sự kết hợp “ngọt ngào” giữa RPG và RTS, đề cao các anh hùng của game hơn. Bằng tiêu chí đặt chất lượng lên cao, Blizzard đã nói không với kiểu làm game dựa hơi với những thành công có sẵn của phần trước. Và kết quả đem lại của tuân thủ quy luật này, đó là Blizzard có nguồn tài chính kha khá để ngẫm nghĩ về thế giới mới sau khi đã phát hành Warcraft II.


Warcraft 3: Reign of Chaos

Warcraft 3: Reign of Chaos

Trước năm 1994, Blizzard chỉ được biết đến như những kẻ làm game console. Chính Warcraft phiên bản đầu tiên đã định hình lại hoàn toàn studio game có trụ sở tại California này. Cùng với Dune, ra mắt năm 1992 của Westwood, Warcraft phiên bản đầu đã góp phần định hình thể loại game chiến thuật thời gian thực hiện đại: Xây dựng căn cứ, gửi các đạo quân thu gom tài nguyên trên bản đồ, và sử dụng chính căn cứ và tài nguyên để xây dựng quân đội chiến đấu với các đối thủ khác.

Nếu so sánh với Warcraft 2 hay những tựa game chiến thuật thời gian thực khác ra mắt sau đó, Warcraft: Orcs and Humans có cách chơi và giao diện tối giản, nhưng thứ khiến cho nó thành công, cũng chính là thương hiệu trải qua bao thập kỷ vẫn không nhạt nhòa: Story lore quá ấn tượng và đồ sộ, với câu chuyện của từng trận đánh, truyền thuyết của từng nhân vật. Cũng chính nhờ những câu chuyện đầy tính sử thi, mà Blizzard có được một cộng đồng fan đông đảo và nhiệt thành như ngày hôm nay.

1996: Diablo

Ban đầu, dự án Diablo được phát triển như một game nhập vai theo lượt. Thậm chí ý tưởng tạo ra một game nhập vai có cơ chế chiến đấu theo thời gian thực đã khiến trưởng bộ phận thiết kế Diablo bất đồng đến mức ông, David Brevik miễn cưỡng làm lại hệ thống combat bằng cách... tăng lượt đánh của người chơi cũng như quái vật trong game lên tới 20 lượt mỗi giây, đủ nhanh để người chơi tưởng rằng game đang diễn ra theo thời gian thực!


Diablo

Diablo

Vào thuở sơ khai khi mà vũ trụ của thế giới Diablo còn chưa hình thành, chỉ tồn tại duy nhất một thứ đó là viên ngọc trai. Bên trong viên ngọc đó tồn tại một linh hồn đang say ngủ với sức mạnh vô biên, là tổng hợp của mọi thứ: thiện và ác, áng sáng và bóng tối, vật chất và phi vật chất,...

Linh hồn đó mang tên Anu. Trong giấc ngủ vĩnh hằng của mình, Anu dần dần nhận thức được những gì ở bên trong bản thân mình, bao gồm cả tốt lẫn xấu. Mong muốn trở nên thuần khiết và hoàn hảo, Anu quyết định vứt bỏ toàn bộ những phần xấu xa, tà ác của bản thân, và từ đó những xung đột bên trong nó chấm dứt.

Thế nhưng những gì mà Anu vứt bỏ không biến mất, chúng dần tập hợp lại với nhau, hòa quyện lại tạo nên Prime Evil. Dưới hình hài của một con rồng có 7 đầu, Prime Evil hay với tên gọi khác là Tathamet là hiện thân của tất cả những gì xấu xa nhất, đối lập hoàn toàn với Anu. Và chính vì sự mâu thuẫn ấy không thể tồn tại được bên trong viên ngọc trai mà một cuộc chiến giữa Anu và Tathamet là điều không thể tránh khỏi.


Diablo 2

Diablo 2

Đó chính là những sự kiện đầu tiên đặt nền móng cho series game lấy tên chúa quỷ hung hãn nhất toàn bộ dòng game nhập vai này. Nếu như Warcraft là cuộc chiến quy mô lớn giữa các chủng tộc, giữa những kẻ có âm mưu quyền lực, thì Diablo lại giống như một cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa thiên thần và ác quỷ, giữa bản ngã con người và nhân tính. Nó cá nhân hơn rất nhiều so với Warcraft, và quy mô cũng chẳng hề kém cạnh so với tựa game huyền thoại ra mắt năm 1994.


Diablo 3

Diablo 3

1998: StarCraft

E3 1996, Blizzard đem đến đứa con mới của mình, với đồ họa còn đơn giản hơn so với phiên bản chính thức sau này nhiều, hé lộ cái tên StarCraft. Tuy nhiên, người xem đã không đánh giá cao màn trình diễn của Bliz, cho rằng StarCraft chỉ là bản “thay da” của Warcraft. Đi về với thái độ khiêm nhường và lắng nghe, Blizzard bỏ ra thêm 2 năm ròng nghiên cứu và phát triển Starcraft.


StarCraft

StarCraft

Khi Starcraft chính thức ra đời, không ai nhận ra đó là Starcraft đã từng đem đi trình diễn tại E3 năm 1996 nữa. Tựa game này nhanh chóng có mặt trên mọi desktop của gamer (và các tiệm net) trên thế giới, thậm chí đến mức thống trị Hàn Quốc cho tới bây giờ. Thế nhưng, khác với Warcraft, phải 12 năm sau Starcraft mới gặp được người em Starcraft II của mình.


StarCraft 2

StarCraft 2

Với Starcraft II, Blizzard đã đi một nước cờ liều lĩnh với phần chơi đơn khác so với phần đầu. Nếu như cả 3 chiến dịch của 3 phe Terran – Protoss – Zerg được gói gọn trong một chiếc đĩa CD, thì ở Starcraft II, mỗi chiến dịch của mỗi phe được gói trong một bản riêng. Cho tới giờ, cả ba chiến dịch, Wings of Liberty, Heart of the Swarm và Legacy of the Void đã lần lượt được ra mắt, nhận được những lời khen ngợi và đánh giá rất cao từ cộng đồng fan hâm mộ.


Quy mô khủng khiếp của giải đấu StarCraft tại Hàn Quốc

Quy mô khủng khiếp của giải đấu StarCraft tại Hàn Quốc

12 năm ròng! Trong 12 năm ấy, rất nhiều công sức, thời gian và tiền của đã được Blizzard nuôi các dự án khác, trong đó có những dự án cho hậu bản của Starcraft. Khó quên nhất là dự án Starcraft: Ghost, phát triển 4 năm ròng, được bao nhiêu tờ báo tung hô, hứa hẹn và làm bao người chơi nín thở, để rồi cuối cùng Blizzard tuyên bố dự án “dừng vô hạn”.

2004: World of Warcraft

Giờ đây nếu nhắc tới tựa game online thu phí thành công nhất thế giới, chúng ta sẽ ngay lập tức nghĩ tới World of Warcraft. Thế giới của WarCraft sau khi thống trị thể loại chơi đơn đã vươn tầm ra thế giới mạng với sự xuất hiện của World of WarCraft 12 năm về trước với tổng số tài khoản đăng ký lên đến 11,5 triệu game thủ. Chỉ riêng tại thị trường Mỹ đã có khoảng 8,59 triệu bản game được bán ra kể từ năm 2004.


World of Warcraft phiên bản đầu tiên

World of Warcraft phiên bản đầu tiên

Với việc áp dụng thành công mô hình dịch vụ trực tuyến Battle.net đối với Diablo, StarCraft và WarCraft III cùng sự thành công của EverQuest – tựa game trực tuyến rất thành công của Sony nhiều năm trước, Blizzard tin rằng đưa WarCraft sang thế giới trực tuyến hoàn toàn không phải là điều xa vời.

Sự xuất hiện của tựa game MMORPG World of WarCraft không tạo ra một cuộc cách mạng trong thể loại game nhập vai trực tuyến mà lại thống trị thể loại này với những ưu điểm vượt trội so với các đối thủ khác, kể cả EverQuest II – tựa game đầy tham vọng của Sony.


World of Warcraft Legion, phiên bản mới nhất ra mắt năm 2016

World of Warcraft Legion, phiên bản mới nhất ra mắt năm 2016

Vào năm 2005, doanh thu của WoW vượt mặt tất cả các tựa game trên hệ PC khác. Hai năm sau đó, rút kinh nghiệm từ phiên bản đầu tiên và biết lắng nghe ý kiến của cộng đồng game thủ, Blizzard tung ra phiên bản mở rộng đầu tiên The Burning Crusade với 2 chủng tộc mới cùng nhiều vùng đất mới. Chỉ trong ngày đầu tiên, đã có hơn 2,4 triệu bản game được bán ra.

2016: Overwatch

Sau năm 2012, với sự ra mắt của Diablo III, Blizzard dường như kín tiếng hơn bao giờ hết. Họ vẫn tung ra những sản phẩm mới như Hearthstone: Heroes of Warcraft, hay Heroes of the Storm, thế nhưng hai tựa game hướng đến cộng đồng game thủ eSports với phong cách thẻ bài và MOBA này không thể nào có quy mô ấn tượng như những cái tên trên đây mà chúng ta vừa được điểm lại những trang lịch sử.

Cũng cần nhắc lại, từ năm 2007 đến năm 2014, Blizzard đổ rất nhiều tài nguyên, tiền bạc và nhân lực để phát triển dự án Titan, một tựa game được cho là sẽ có quy mô cũng như chiều sâu ấn tượng hơn gấp nhiều lần so với World of Warcraft hay bất kỳ tựa game nào mà họ từng phát triển. Thế nhưng để làm ra một game online có quy mô cỡ như vậy hoàn toàn không phải điều đơn giản, ít nhất là với công nghệ ở thời điểm hiện tại. Project Titan sau 7 năm phát triển ròng rã bị dẹp vào xó một cách không thương tiếc.

Điều này không có nghĩa là Blizzard không học hỏi được điều gì từ thất bại lần này. Có thể bạn chưa biết, nhưng bản thân Overwatch giống như một món đồ được “thửa” lại từ những thứ rác rưởi bỏ đi gần như vô giá trị. Vâng tôi đang đề cập đến Project Titan, dự án game online Blizzard từng đổ tiền tấn vào để biến nó thành một World of Warcraft cực kỳ thành công thứ hai. Và từ đống đổ nát của Project Titan, dưới bàn tay thần kỳ của Blizzard, một siêu phẩm khác được hình thành. Đó chính là Overwatch.

Về cơ bản, tựa game trông giống như một MOBA phong cách FPS, với những nhân vật đầy màu sắc cùng những kỹ năng khác nhau, tuy không mạnh mẽ như nhau nhưng lại mạnh mẽ theo từng thời điểm, từng tình huống. Nhưng rồi càng chơi, game thủ lại càng nhận ra Blizzard quá cao tay. Họ không chỉ tạo ra một thứ mới mẻ, mà thậm chí còn lôi cuốn cả những game thủ kỳ cựu của dòng game bắn súng.

Tựa game mới toanh trong hai thập kỷ gần đây của Blizzard, không tính những phần mới của các series huyền thoại như StarCraft hay Diablo, thật sự là một thứ gì đó mới mẻ dù rằng bản thân những nhân vật của Overwatch có một nét gì đó quá quen thuộc với các fan của Blizzard: Reinhardt đúng phong cách một Barbarian, mạnh mẽ, cao cả, anh chàng Soldier: 76 và cô nàng Mercy chẳng khác gì bộ đôi Marine và Medic trong StarCraft. Ấy là chưa kể Roadhog với kỹ năng y chang Butcher, hay Bastion giống như một phiên bản Siege Tank ngộ nghĩnh yêu thiên nhiên cả.

Và ở lễ trao giải The Game Awards năm nay, nhân vật chính không ai khác chính là Blizzard Entertainment cùng tựa game bắn súng, hành động góc nhìn thứ nhất Overwatch. Trong khi Blizzard được vinh danh trong hạng mục nhà phát hành của năm thì “đứa con cưng” Overwatch cũng đại thắng ở một loạt giải thưởng quan trọng như: Game hay nhất trong năm, Game multiplayer hay nhất, Game eSport hay nhất. Những phần thưởng thực sự xứng đáng với đẳng cấp và quy mô của tựa game hành động tuyệt đỉnh ra mắt hồi tháng 05 vừa qua.

Kết

Blizzard Entertainment là một studio hiếm có của ngành công nghiệp: Nghiêm khắc với mình và những sản phẩm của mình. Họ đang là một trong những studio kiếm được nhiều lợi nhuận hàng năm nhất ngày nay, nhưng để đạt được thành công đó, Blizzard đã phải tận tâm với khách hàng và chất lượng thương hiệu. Bảo vệ cho sự hoàn hảo của thương hiệu cũng là bảo vệ niềm tự hào của chính mình, và thà mất tiền hơn để làm một con sâu làm rầu nồi canh.

Cũng chính vì triết lý nghiêm khắc như thế này mà Blizzard có được cho mình một danh sách dài những giải thưởng, cùng với đó là những tuyệt phẩm mà họ đem tới cho làng game thế giới.