Theo Ancient Origins, cuộc khai quật kéo dài nhiều thập kỷ tại Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc đã hai lần hé lộ những kho chứa đầy áo giáp đá, loại cổ vật được chế tác rất kỳ công nhưng khó hiểu.
Lần thứ nhất là vào năm 1988, trong khu vực gọi là "Hố K9801". Lần thứ 2 là vào năm 2019, một khu vực lớn hơn nhiều với diện tích 144 m2, chứa tới 32.392 cổ vật.
Một trong những bộ áo giáp chế tác kỳ công được khai quật từ quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng - Ảnh: BẢO TÀNG ĐỊA LÝ QUỐC GIA
Điều đặc biệt là một số bộ áo giáp đá trong kho chứa thứ 2 chỉ mới gần như hoàn thiện, với các mảnh đá vừa mới được khoan và đánh bóng. Bên cạnh đó còn có một số công cụ cho thấy đây là một công xưởng chế tác áo giáp đá.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Direct, dẫn đầu bởi Giáo sư Xuewei Zhang từ Phòng thí nghiệm Khảo cổ sinh học thuộc Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) đã vén màn bí ẩn về những bộ giáp đá ma quái này.
Phần nón của bộ áo giáp đá - Ảnh: BẢO TÀNG ĐỊA LÝ QUỐC GIA
Phân tích mới cho thấy áo giáp được làm bằng đá vôi chất lượng cao với số mối nối tối thiểu. Các bộ giáp gần hoàn thiện cho thấy chúng bị cố tình để lại trong trạng thái như vậy, bên trong ngôi mộ.
Quy trình sản xuất áp giáp đã được thiết kế y hệt quy trình sản xuất áo giáp da mà binh lính nhà Tần sử dụng, gồm 9 bước.
Các nhà nghiên cứu cho biết những chiếc áo giáp này được sản xuất không phải để phục vụ cho quân đội hiện hữu thời kỳ đó, mà với chủ ý làm các món đồ tùy táng, phục vụ Tần Thủy Hoàng và đội quân của ông trong những trận chiến ở "thế giới bên kia".
Họ nói rằng điều này phản ánh sự tôn kính và kỳ vọng về cuộc sống ở thế giới bên kia mà những người thực hiện việc xây dựng lăng mộ thời kỳ đó dành cho vị hoàng đế. Điều này cũng gián tiếp phản ánh vị thế và cuộc đời của Tần Thủy Hoàng trong thời kỳ trị vì lừng lẫy.