CHUYÊN TRANG VỀ CALL OF DUTY TRÊN GAMEK.VN
TỰA GAME ĐÃ VÀ ĐANG GÂY SỐT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Theo đó, cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) ngày 6/7 cho biết sẽ xem xét liệu thoả thuận giữa gã khổng lồ công nghệ và chủ sỡ hữu thương hiệu Call of Duty đình đám có gây tổn hại tới cạnh tranh làm tăng giá và thu hẹp lựa chọn đối với khách hàng hay không.
Trước mắt cơ quan này sẽ phối hợp với các đối tác toàn cầu và đặt ra thời hạn ban đầu là ngày 1/9 tới đây để xem xét quyết định mở cuộc điều tra chuyên sâu.
CMA từ lâu đã có quan điểm tiếp cận cứng rắn với các giao dịch, đặc biệt là từ những gã khổng lồ công nghệ. Ngoài ra, thương vụ này cũng đang trong tầm ngắm của Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC).
Trong khi đó, Lisa Tanzi, cố vấn chung của Microsoft cho biết: "Công ty đã trình bày kế hoạch điều hành hoạt động kinh doanh lĩnh vực trò chơi, cũng như nêu rõ tại sao công ty tin rằng thoả thuận này sẽ mang lại lợi ích cho game thủ, các nhà phát triển và cả ngành công nghiệp game nói chung".
Dự kiến thoả thuận giữa hai bên sẽ hoàn tất vào năm 2023.
Đối với FTC, họ đang tập trung điều tra vào sự kết hợp giữa danh mục game của Activision và mảng phần cứng máy chơi game của Microsoft. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng thúc giục FTC "soi kỹ" tác động của thoả thuận này đối với người lao động tại hãng làm game, những người đã yêu cầu công ty phải giải trình trước các cáo buộc quấy rối tình dục và phân biệt đối xử.
Với việc thâu tóm Activision, Microsoft tham vọng tăng cường số lượng trò chơi mà hãng có thể cung cấp độc quyền thông qua dịch vụ Game Pass trên Xbox, cũng như tiếp cận lĩnh vực trò chơi trên thiết bị di động. Nhà phát triển game đang là chủ sở hữu của nhiều thương hiệu game đình đám gồm Call of Duty, Candy Crush, Guitar Hero, Destiny…
Activision không phải mục tiêu duy nhất của Microsoft trong kế hoạch mở rộng dịch vụ Game Pass. Năm 2020, họ đã thâu tóm ZeniMax Media, công ty sở hữu nhà phát hành game Bethesda Softwork, nơi phát triển những tựa game nổi tiếng như The Elder Scrolls và Doom.