Các sản phẩm phần mềm miễn phí (bao gồm cả nguồn đóng và nguồn mở) là một phần tất yếu của thế giới phần mềm hiện nay. Chúng đang cực kỳ phổ biến, đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển công nghệ, đặc biệt là tại các quốc gia không có điều kiện về kinh tế để sử dụng các phần mềm có giá cao.
Song, có một nghịch lý là tại Việt Nam, các phần mềm miễn phí lại không thực sự phổ biến và chinh phục người dùng. Tại sao vậy?
Phần mềm miễn phí là không tốt?
Có một quan niệm cực kỳ lạ của đa phần người Việt về các phần mềm miễn phí (đặc biệt phần mềm mã nguồn mở) là chúng đều có chất lượng không cao. Thật dễ dàng để nhận ra điều này trong suy nghĩ của người dùng chỉ với vài câu hỏi đơn giản. Mặc dù tâm lý này không phải là sai nhưng xét cho cùng thì cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ.
Tất nhiên, khó có thể so sánh được Open Office (phần mềm miễn phí) với Microsoft Office (có giá hàng trăm USD cho mỗi bản) về tính năng, giao diện và cả sự tiện dụng. Tuy nhiên, với nhu cầu của người dùng thông thường (gõ văn bản, chỉnh sửa văn bản, trình bày...) thì quả thật hai phần mềm này không khác nhau nhiều cho lắm. Thậm chí, với những máy cấu hình thấp, Open Office còn có ưu thế lớn khi nhẹ hơn phần mềm của Microsoft rất nhiều.
Quá nhiều điều kiện kèm theo khi sử dụng phần mềm miễn phí
Hầu hết các phần mềm miễn phí (đặc biệt là những phần mềm tốt) đều có điều kiện sử dụng kèm theo. Đây là cách mà các nhà phát triển phần mềm sử dụng để có doanh thu và là mục đích chính của các phần mềm miễn phí mã nguồn đóng. Điều kiện kèm theo này thường là sử dụng thanh công cụ do nhà phát triển yêu cầu (các thanh công cụ này đa phần ghi lại cách sử dụng Internet của người dùng), cung cấp thông tin cá nhân (thường là email, tên, tuổi,...), click vào quảng cáo...
Nói chung, các điều kiện này thường là không quá phức tạp nhưng nó ít nhiều gây khó chịu cho người dùng và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta thường nói không với các phần mềm miễn phí.
Những rắc rối trong quá trình sử dụng
Thường thì các phần mềm miễn phí, đặc biệt là các phần mềm mã nguồn mở, đều không ổn định. Điều này khá dễ hiểu bởi so với các phần mềm thu phí, các lỗi, sự bất tiện trong quá trình sử dụng ít được quan tâm hơn.
Ngoài ra, với các phần mềm mã nguồn đóng, người dùng có thể yên tâm mỗi khi cập nhật bởi nó được làm và chịu trách nhiệm bởi hãng phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc phiên bản sau luôn tốt hơn phiên bản trước (tất nhiên, có vàu trường hợp lỗi nhưng không nhiều). Đơn giản, người dùng chỉ cần tìm bản mới nhất và sử dụng.
Nhưng với phần mềm mã nguồn mở, điều này là không đúng. Do được nhiều người cùng phát triển nên có rất nhiều phiên bản khác nhau và bản mới hơn chưa chắc đã là bản tốt nhất. Hơn thế nữa, người dùng cũng thường chỉ lựa chọn được phiên bản tốt nhất thông qua... kinh nghiệm và chia sẻ của người đi trước mà không có thước đo chung nào.
Và do phần mềm lậu đang quá phổ biến
Nguyên nhân quan trọng nhất của việc các phần mềm miễn phí bị ruồng rẫy chính là do
sự phổ biến, đa dạng và tiện dụng của phần mềm lậu. Thời buổi này, nếu không phải 100% phần mềm thu phí đều có crack thì ít ra cũng phải 99%. Đặc biệt, các phần mềm tốt, đắt tiền và được ưa chuộng bao nhiêu thì phần mềm lậu xuất hiện gần như song song, nhanh chóng bấy nhiêu. Hơn nữa, do việc mua phần mềm lậu quá dễ dàng cũng khiến cho giá trị của các phần mềm miễn phí mất đi. Hãy thử tưởng tượng, nếu không có phần mềm lậu, bạn phải mua Microsoft Office với giá lên tới 500$ (cho bản full) thì chắc chắn, nhiều người sẽ lựa chọn sử dụng Open Office (miễn phí).
Đương nhiên, ai cũng hiểu trong hoàn cảnh mà phần mềm thu phí có giá 7.000 VNĐ như hiện nay thì khó có cơ hội cho các phần mềm miễn phí (đặc biệt là mã nguồn mở) phát triển tại Việt Nam.