Trước khi chọn mua bất cứ món đồ công nghệ nào, đặc biệt biệt là các sản phẩm giá trị lớn, ai cũng tham khảo và nhận tư vấn từ các nguồn khác nhau. Một trong số các nguồn được nhiều người tin tưởng và sử dụng nhất chính là kênh tư vấn của cửa hàng. Điều này đơn giản bởi nó hoàn toàn miễn phí, nhiệt tình vào có vẻ là rất đầy đủ thông tin. Hơn nữa, cảm giác vừa được tư vấn, vừa được "sờ tận tay" và nghe "ca tụng" làm nhiều người thường tin tưởng vào kênh tư vấn này.
Nhưng tại saoGenK.vn lại khuyên các bạn không nên tin hoặc chí ít là cảnh giác trước những tư vấn của người bán hàng, cửa hàng hoặc các tài liệu phát hành ở nơi này này? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
Kiến thức không đầy đủ
Trừ những công ty lớn (có bộ phận tư vấn riêng, chuyên nghiệp) thì các cửa hàng bán lẻ, đại diện phân phối... thường đội ngũ bán hàng không có kiến thức sâu sắc về công nghệ, thậm chí cả món hàng mình đang bày bán.
Đến đây, nhiều người sẽ phản đối rằng họ có kiến thức mới bán được hàng và tư vấn. Nhưng thật ra, số lượng cửa hàng có nhân viên hiểu biết về công nghệ rất hiếm. Điều này bởi lẽ tiền thuê một người vừa có kỹ năng bán hàng, vừa có hiểu biết về công nghệ không phải rẻ (thường gấp từ 3 - 4 lần một nhân viên bán hàng thông thường). Với những cửa hàng lớn, doanh thu cao thì không vấn đề gì cả nhưng với các cửa hàng nhỏ lẻ, đây thường là khoản chi phí được cắt giảm.
Vậy tại sao họ lại tư vấn được? Dễ hiểu thôi, một là học thuộc những lời ca ngợi "đúng ngành" như kiểu: "Cái laptop này nhanh lắm", "cái điện thoại này sóng tốt lắm", "tai nghe này nghe nhạc phê lắm"... Hai là học qua một chút về các thông số kỹ thuật (nhớ tên, cách gọi thông thường) để "tư vấn" cho khách hàng. Kiến thức căn bản này cộng thêm với miêu tả của thiết bị là quá đủ để họ "tư vấn" cho đa phần người dùng.
Để biết được nhân viên bán hàng có kiến thức thật không hề khó. Hãy thử hỏi "vặn" họ một, hai câu về ý nghĩa thật và ảnh hưởng của các thông số này, rồi bạn sẽ hiểu được vấn đề và xét xem có nên tin họ hay không?
Chưa có kinh nghiệm sử dụng
Ai cũng biết rằng muốn hiểu rõ về bất cứ đồ công nghệ nào thì cách duy nhất và chính xác nhất là sử dụng nó (GenK.vn đang đề cập ở khía cạnh người dùng chứ không phải NSX hay người sửa chữa).
Là nhân viên bán hàng, họ không thể sử dụng hết các sản phẩm được bày bán. Thậm chí, khả năng họ chưa từng được sử dụng bất cứ thứ gì họ đang nhận tư vấn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tất cả những gì các nhân viên tư vấn cho chúng ta là những điều họ muốn chúng ta nghe (để mua sản phẩm). Vì vậy, không nên tin những người này.
Không khách quan
Điều quan trọng nhất khiến GenK.vn khuyên các bạn không nên tin bất cứ một người bán hàng chính là yếu tố khách quan. Lý do "không khách quan" khiến cho ngay cả những người có kinh nghiệm nhất, có kiến thức sâu sắc nhất cũng không phải là đối tượng ta nên nghe tư vấn.
Đương nhiên, ở đây bài viết không có ý "đả kích" người bán hàng. Họ đơn giản chỉ là làm nhiệm vụ và đạt được mục đích của mình: Bán được hàng. Không xét những cửa hàng nhỏ lẻ, có ý định... lừa khách hàng, tất cả các cửa hàng khác bằng nhiều cách khác nhau vẫn tìm đủ mọi hướng khiến khách hàng tin và sản phẩm của mình.
Họ luôn làm người dùng tin tưởng, làm bạn mua sản phẩm cần bán, những tư vấn kiểu: "Đây là sản phẩm tốt nhất trong tầm tiền", "con tương đương có giá lớn hơn nhiều",... là những cách thông thường họ sử dụng. Tất nhiên, những tư vấn của họ sẽ khiến bạn tưởng sản phẩm bạn đang nhắm là thứ "tốt nhất". Những thông số họ sử dụng để "lừa" bạn có thể tham khảo thêm
tại đây.
Ngoài ra, một số cửa hàng còn có những biện pháp tư vấn nhằm làm người dùng mua các sản phẩm đang "ế" (bởi nhiều nguyên nhân như giá khá cao, tính năng không được hấp dẫn...).
Tất nhiên, bài viết không nói tất cả những người bán hàng đều không đáng tin nhưng chúng ta nên cẩn trọng với kênh tham khảo này trước khi quyết định mua hàng.