Sóng điện thoại có thực sự gây hại cho não?

S&L  | 18/02/2011 0:00 AM

Những lầm tưởng tai hại về công nghệ mà nhiều người vẫn tưởng là thật, rằng phải chăng sóng điện thoại có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não bộ con người?

Cẩn thận không phải là thừa nhưng cẩn thận quá đôi khi lại làm người ta hoảng sợ, lo lắng trước những điều nhảm nhí. Thậm chí, không ít trường hợp, cẩn thận quá làm người ta phạm sai lầm trong quá trình sử dụng đồ công nghệ. Và cảnh báo về ảnh hưởng của sóng điện thoại di động đến sức khỏe con người là một trong số những điều như vậy.
                  
Đâu là sự thật về tính đúng đắn của cảnh báo này? Sóng điện thoại liệu có ảnh hưởng xấu tới cơ thể con người không? Bạn có nên "sợ hãi" mỗi khi nghe điện thoại hay đi ngủ với chú dế yêu "chễm chệ" ở đầu giường hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.
                   
   
Sóng di động - "Sát thủ" vô hình với... não bộ?
            
Không rõ bắt nguồn từ đâu, thông tin về tác hại của sóng điện thoại tới... não bộ đã lan truyền nhanh chóng và trở thành một trong những cảnh báo về công nghệ điện thoại di động được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Thậm chí, có không ít người đã đưa ra cả dẫn chứng gồm các công trình nghiên cứu về vấn đề này để tạo sự tin tưởng cho người dùng. Đại đa số đều đưa ra cảnh báo cũng như tin tưởng rằng sóng điện thoại có hại cho não và chúng ta không nên để điện thoại gần đầu hay nghe điện thoại quá lâu.
               
    
Nếu mẹ bạn là người phụ nữ cổ điển và cẩn thận, chắc chắn các bạn (đặc biệt là khi còn nhỏ tuổi) đều nhận được lời khuyên về việc không nên nghe điện thoại quá lâu (do sóng điện thoại không tốt cho sức khỏe) hay để điện thoại gần người khi đi ngủ (nguyên nhân tương tự). Sẽ không quá khó khăn để tìm được lời cảnh báo tương tự ở bất cứ đâu trên Internet, trong các buổi tư vấn sức khỏe, các cuộc nói chuyện... Nếu hỏi 10 người, có lẽ phải đến 9 người đồng ý với quan điểm trên.
              
Sự thật không phải vậy! 
                 
Tuy nhiên, tin vui là 99,99999% thông tin và cảnh báo kia... là nhảm. Chưa có bất cứ công trình nghiên cứu đáng tin cậy nào khẳng định tác hại của sóng điện thoại tới sức khỏe. Đại đa số các nghiên cứu khoa học về vấn đề trên đều khẳng định điều... ngược lại. Nếu bạn phản pháo rằng nghiên cứu khoa học chưa chắc đã chính xác thì trong 23 năm qua (thời gian điện thoại di động xuất hiện vào phổ biến), chưa có bất cứ ghi nhận trường hợp nào gặp vấn đề sức khỏe với sóng.
               
     
Thật ra, bất cứ thiết bị điện tử nào khi dùng cũng có bức xạ. Điều đáng nói là tất cả thiết bị di động đều có mức bức xạ cực kỳ thấp và khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người hầu như không có. Cụ thể, để tính toán ảnh hưởng của bức xạ tới con người, người ta có một đại lượng được viết tắt là SAR (Specific Absorption Rate) - chỉ số hấp thụ năng lượng vô tuyến tại khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể được tính bằng W/kg. Để tìm hiểu thêm về SAR, các bạn có thể click vào đây.
      
Theo chuẩn châu Âu, chỉ số SAR an toàn khi nó < 2W/kg. Và phải cực kỳ... cố gắng lắm thì chiếc điện thoại của chúng ta mới có thể đạt được con số này tại điểm ảnh hưởng mạnh nhất. Phải biết thêm là với các quốc gia phát triển, một vấn đề nhỏ nhất ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, họ cũng sẽ làm nghiêm ngặt. Thường thì các chỉ số an toàn này luôn nhỏ hơn sức chịu đựng tối đa của con người cỡ 100 lần.
           
  
Hơn nữa, không có quốc gia/tổ chức y tế nào cảnh báo người dùng về ảnh hưởng của sóng di động với sức khỏe. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không đưa ra bất cứ cảnh báo nào liên quan tới ảnh hưởng sức khỏe của sóng di độngcho dù không ít câu hỏi được đặt ra cho họ về vấn đề này.
          
Vì vậy, lý do duy nhất để chúng ta không nghe điện thoại quá lâu là đỡ tốn tiền, mất thời gian. Lý do khiến chúng ta không nên để điện thoại ở đầu giường khi đi ngủ là khả năng nằm đè lên nó hay làm rơi chứ hoàn toàn không liên quan đến sóng hoặc các vấn đề liên quan.