Phương pháp luyện tập để có trí nhớ tốt hơn

PV  | 12/04/2012 0:00 AM

Có thể bạn chưa bao giờ nghe nói đến điều này: Những người có trí nhớ phi thường với khả năng ghi nhớ thứ tự một bộ bài đã bị xáo trộn, hay hàng trăm con số ngẫu nhiên trong vòng vài phút, họ không hề có bất cứ năng lực nào đặc biệt.

Những người có trí nhớ phi thường với khả năng ghi nhớ thứ tự một bộ bài đã bị xáo trộn, hay hàng trăm con số ngẫu nhiên trong vòng vài phút, họ không hề có bất cứ năng lực nào đặc biệt. Bộ não của họ hoàn toàn chẳng khác gì của chúng ta, nhưng bí mật của họ nằm ở cách thức tập luyện. Dưới đây là một vài thủ thuật được Nelson Dellis, nhà vô địch lần thứ 15 của giải đấu USA Memory Championship chia sẻ.
 
Trước khi đi vào những phương thức tập luyện cụ thể bên dưới, bạn đọc có thể tạm thời thử sức mình với những con số ở bảng dưới đây. Hãy dành 5 phút để bộ não hoạt động hết ga, và xem bạn nhớ được bao nhiêu trong số 500 con số này.
 

 
Biến những thứ khô khan thành hình ảnh sống động
 
500 con số ở trên có thể là cơn ác mộng kinh hoàng với bất kỳ ai ở đây, nhưng đừng vội nản chí, nếu biết cách, bạn có thể biến chúng từ những viên sỏi khô khan thành món ăn dễ nuốt hơn rất nhiều. Về cơ bản, có 2 bước để bạn ghi nhớ bất cứ thứ gì, từ một số điện thoại bất kỳ trong danh bạ cho đến việc bạn đỗ xe ở đâu sáng nay.
 
1. Biến những thứ mà bộ não của bạn không muốn ghi nhớ thành những hình ảnh sinh động.
 
2. Tìm một nơi để "neo" lại những hình ảnh đó.
 

 
Hãy lấy ví dụ với cái tên Nelson ở trên. Bạn có thể dễ dàng liên tưởng đến một nhân vật nổi tiếng khác cũng có cái tên này - Nelson Mandela. Tiếp theo, với bước thứ 2, hãy cố hình dung 1 đặc điểm nào đó để "neo" lại cái tên này. Ví dụ như với cái mũi quá khổ của Nelson, bạn có thể tưởng tượng ra cảnh Nelson Mandela đang.....thoát y trên cái mũi của Nelson - nhà vô địch đang đứng ngay trước mặt bạn. Hãy nhớ rằng, càng để những hình ảnh này lố bịch bao nhiêu, bạn sẽ càng nhớ được thông tin lâu bấy nhiêu.
 
Riêng với những cái tên, đừng bao giờ nhìn vào cách viết, mà hãy tập trung vào cách phát âm. Phá vỡ cái tên đó thành từng âm tiết đơn lẻ và biến nó thành những hình ảnh. Với cái tên Nelson, bạn có thể tách nó ra thành 2 phần Nel - quỳ (phát âm gần với Knee) và Son - mặt trời (đồng âm với Sun), và từ đó, bạn có thể nghĩ đến hình ảnh một người đang quỳ gối và chỉ tay vào mặt trời.
 

 
Cái "neo" được dùng có thể là bất cứ thứ gì, một chi tiết nào đó trên bộ quần áo, mắt, bộ ria mép... Bất cứ thứ gì tạo ấn tượng nhất cho bạn
 
Như vậy, khi bạn gặp ai đó và nghe họ tự giới thiệu tên mình, hãy cố tách cái tên đó thành từng âm tiết một, biến những âm tiết này thành những hình ảnh sinh động và đặt chúng vào một cái "neo" nào đó. Khi gặp lại nhau vào lần sau, chỉ cần nhìn vào chi tiết này, bạn sẽ lập tức nhớ về những hình ảnh rất lố bịch mà mình đã tưởng tượng ra, và từ đó dễ dàng nhớ lại tên của người đó.
 
Lấy ví dụ với một bệnh nhân mà tác giả vừa gặp sáng nay, với cái tên Thủy - trùng với tên một cô nàng rất hot ở lớp cấp 2 của tôi. Cái "neo" mà tác giả chọn ở đây là cặp môi rất khiêu khích, và chỉ cần tưởng tượng 1 chút, ví dụ như cảnh 2 cô nàng quấn lấy nhau môi trong môi, tác giả đã có thể dễ dàng nhớ lại được cái tên này. Khá là lợm giọng, nhưng cũng rất dễ nhớ.
 
Kết nối các liên tưởng
 
Để nhớ được 1 dãy dài dằng dặc các con số, hay thứ tự một bộ bài nào đó, kỹ thuật tách-và-neo cũng cần được áp dụng, nhưng bạn cần đẩy nó lên một tầm cao khác.
 
Kỹ thuật thường được áp dụng có tên gọi là Dominic System, được phát minh bởi Dominic O'Brien, một nhà vô địch khác của giải đấu Memory Champion. Về mặt nguyên lý, những con số sẽ được chuyển thành những cái tên viết tắt của một ai đó, và chúng được "neo" với một chi tiết hoặc hành động đặc trưng của người đó để chúng ta có thể dễ dàng hình dung hơn. Hãy lấy ví dụ với số 00. Bạn sẽ chuyển 2 chữ số này thành OO - và nhiều người sẽ dễ dàng liên tưởng đến cái tên Ozzy Osbourne. Chi tiết được sử dụng ở đây có thể là cảnh Ozzy đang nhai nát bét đầu một con dơi nào đó, và rõ ràng cái này thì dễ nhớ hơn nhiều so với một số 0 giữa cả biển số.
 

 
Để cách thức này có hiệu quả, bạn cần phải cá nhân hóa những liên tưởng này. Càng gần gũi và càng "dị", chúng sẽ càng dễ nhớ hơn. Hãy thử áp dụng cách thức này trong việc ghi nhớ thứ tự của 52 quân bài. Lấy ví dụ với quân J Bích, có lẽ bạn sẽ liên tưởng ngay đến cái tên Justin Bieber. Chi tiết đính kèm có thể là mái tóc khá nữ tính của chàng ca sĩ đầy tai tiếng này. Tiếp theo, với quân Mười Rô, vâng , 2 từ viết tắt MR không thể không làm tác giả nhớ ngay đến đức mẹ Maria thần thánh, và chi tiết đính kèm ở đây chắc không cần phải bàn tiếp.
 
Cách làm này sẽ làm bạn rất nhanh chóng nhớ được thứ tự của các quân bài. Hãy tưởng tượng rằng nhân vật trong lá bài thứ nhất đang thực hiện hành động trong lá bài thứ 2, với chi tiết trong lá bài thứ 3. Ví dụ như Justin Bieber (J Bích), đang....tự sướng (Mười Rô) với cái quần đùi của Axl Rose (Át Rô).
 

 
Sẽ mất một khoảng thời gian cho việc nhanh chóng thiết lập ra sự liên tưởng và mối liên hệ giữa các lá bài (hay những con số, hay bất cứ thứ gì khác), và nó thực sự làm bạn ngày càng trở nên sáng tạo hơn. Những nhà vô địch trong cuộc thi Memory Champion có thể dễ dàng ghi nhớ thứ tự của 52 lá bài chỉ trong chưa đầy 2 phút. (Nelson, nhà vô địch gần đây nhất cần chưa đến một phút).
 
Thực hành mỗi ngày
 
Hãy tự mình xây dựng nên một kho tàng trí nhớ, bắt đầu ngay từ nơi quen thuộc nhất - căn nhà của bạn. Chú ý đến mọi chi tiêt, biến chúng thành những hình ảnh sống động, và hơi kỳ quái một chút thì càng tốt. Tạo ra mối liên hệ nào đó giữa những chi tiết này với nhau, để chúng liền mạch thành một câu chuyện không có hồi kết. Nếu bạn không phải là người có trí tưởng tượng tốt, hãy cố gắng kết hợp càng nhiều giác quan càng tốt - màu sắc, tiếng động, mùi vị.... Tập quan sát nhiều hơn và chú ý nhiều hơn. Hãy nhớ rằng, chính sự thiếu tập trung là kẻ thù lớn nhất của trí nhớ.

 Tham khảo: LifeHacker