Những lý do khiến người Việt "chuộng" phần mềm không có bản quyền

S&L  | 12/02/2011 0:00 AM

Cùng trả lời cho câu hỏi tại sao người Việt thích dùng phần mềm lậu đến vậy?

Tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền tại Việt Nam thì không có gì là... quá lạ. Thậm chí, đa số người dùng còn chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên. Thậm chí, việc sử dụng phần mềm có bản quyền ở một số nơi còn được coi là... chuyện lạ.
 
Đương nhiên, lý do chính của việc vi phạm bản quyền phần mềm là do giá cả của bản thân các sản phẩm này so với mức thu nhập của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả, có những lý do khác để giải thích cho vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm ở nước ta.
 
Quá khó mua
 
 
Có một sự thật khó có thể phủ nhận đó là: Để mua phần mềm có bản quyền tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Phải biết rằng, hiện hầu hết các hãng phần mềm lớn, nổi tiếng và có sản phẩm tốt đều chưa có đại lý chính thức tại Việt Nam.
 
Ngoài ra, việc các hình thức thanh toán trực tuyến như PayPal vẫn chưa được nhiều người Việt biết đến và sử dụng cũng. Đây là một rào cản lớn cho việc mua bản quyền phần mềm. Hiện nay, muốn mua bản quyền, người dùng chủ yếu phải qua các dịch vụ trung gian - vốn cũng không phát triển và nhiều nguy cơ do nhu cầu thấp.
 
Việc khó mua bản quyền xuất phát từ nhiều yếu tố và là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các hãng phần mềm lớn trên thế giới vốn đã và đang dành sự quan tâm ít ỏi đến thị trường Việt Nam khi mà tỷ lệ vi phạm bản quyền là quá lớn.
 
Không có các dịch vụ phân phối khiến cho người dùng khó mua sản phẩm và họ phải tìm cách để dùng được phần mềm. do đó, xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền. Rõ ràng, không dễ để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này và người dùng Việt Nam sẽ còn phải chấp nhận trong một thời gian dài sắp tới.
 
 
Trong khi đó, quá dễ mua phần mềm lậu
 
Trái ngược hẳn với phần mềm có bản quyền, phần mềm lậu lại cực kỳ dễ mua, dễ tiếp cận. Để tìm được một cửa hàng bán đĩa lậu với đủ các loại phần mềm trên đời từ game, giả lập cho đến cả hệ điều hành là điều vô cùng dễ dàng với người dùng máy tính. Điều này lại đặc biệt đúng ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh khi không ở đâu là không có các cửa hàng loại này. Thậm chí, nếu lười, chỉ cần 1 cú điện thoại, bạn sẽ có tất cả.
 
 
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng hãy thử xem xét việc mua phần mềm có bản quyền: Bạn phải đi đến đúng nhà phân phối chính hãng (hầu như không có tại Việt Nam) hoặc đến các công ty cung cấp, bán lẻ (rất ít) để mua phần mềm. Hay phức tạp hơn, với đa phần trường hợp, bạn phải sử dụng thẻ tín dụng để có thể mua online. Thật quá phức tạp và chênh lệch so với việc chạy ra hàng đĩa và "rước" về.
 
Phần mềm bẻ khóa quá hoàn hảo
 
Đây có lẽ là nguyên nhân chính của vấn đề sử dụng phần mềm không bản quyền tại Việt Nam cũng như khắp mọi nơi trên thế giới hiện nay. Sự phát triển của công nghệ hack, bẻ khóa... đã khiến cho người dùng càng ngày càng ưa chuộng phần mềm lậu.
 
Nếu như trước đây, các bản crack thường lỗi tùm lum và rất dễ bị NSX "phát hiện" và vô hiệu hóa thì các bản crack ngày nay càng ngày càng hoàn hảo. Chúng hầu như không thể bị phát hiện trừ khi bạn download phần mềm để kiểm tra của NSX. Tất nhiên, tôi nghĩ là không ai lại dại dột làm điều này.
 

Ngoài ra, nếu như trước đây phần mềm lậu thường xuất hiện khá lâu sau khi phần mềm chính tới tay người dùng thì ngày nay, mọi việc dường như ngược lại. Phần mềm lậu thậm chí còn ra mắt... trước cả phần mềm chính thức, hoặc "tệ" hơn, nó ra mắt chỉ vài ngày sau khi phần mềm đến tay người dùng. Chính sự "đi tắt đón đầu" này đã khiến cho phần mềm lậu ngày càng được người dùng yêu thích.
 
Phần mềm bản quyền quá "khó tính"
 
Một số phần mềm bản quyền thường tỏ ra "khó tính" khi sử dụng. Thật ra, những tính năng này được thiết kế nhằm mục đích tối ưu hóa, bảo vệ người dùng trước các nguy cơ đến từ các hành vi "có hại". Tuy nhiên, đáng buồn là tại Việt Nam và cụ thể là trong các máy sử dụng phần mềm lậu, các điều "không đúng" này lại là các hành vi hết sức bình thường. Đương nhiên, các hacker trong quá trình crack và tạo ra các bản phần mềm bẻ khóa đã bỏ đi các tính năng này và vô tình, các phần mềm bẻ khóa được người dùng yêu thích hơn.