Máy tính để bàn hay còn gọi là PC đã trở thành một công cụ quen thuộc và không thể thiếu với cuộc sống của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên cho dù rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận về chiếc PC của mình, ngay cả những người chuyên về công việc máy tính. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một vài điều bí ẩn thú vị xoay quanh chiếc PC.
1. Kết nối PC với TV HD không cho hình ảnh đẹp như mong muốn.
Khi kết nối một chiếc TV HD với card đồ họa trên chiếc PC thông qua cáp HDMI thường cho hình ảnh với tỉ lệ sai lệch, màu sắc bị phai nhạt và hình ảnh bị mờ. Điều này có thể giải thích bởi các lý do sau:
Thứ nhất, rất nhiều chiếc TV HD không được thiết kế để hiển thị các chi tiết một cách tốt nhất (như các đoạn văn bản và dòng kẻ) ở khoảng cách gần. Tuy nhiên nó có thể hiển thị các chuyển động một cách trơn tru và màu sắc sống động từ khoảng cách trên 5m. Một số TV HD cũng được thiết kế để thay thế màn hình máy tính, do đó bạn nên kiểm tra kỹ xem chiếc TV HD của mình có chế độ thay thế màn hình desktop hay không.
Thứ hai, độ phân giải của chiếc TV HD có thể không phù hợp với cầu hình Windows trên máy tính của bạn. Ví dụ nếu bạn kết nối một chiếc HDTV LG 42LH50 42-inch có độ phân giải 1920x1080 (1080p) với chiếc PC chạy ở chế độ màn ảnh rộng có cùng độ phân giải (1920 x 1200), hình ảnh sẽ bị kéo dãn ra đôi chút và gây cảm giác không thật.
Thứ ba, kết nối PC với TV HD bằng cáp VGA có thể bị nhiễu từ các dây tín hiệu xung quanh gây ảnh hưởng đến chất lượng của tín hiệu được truyền từ máy tính, và làm chất lượng hình ảnh bị giảm rõ rệt. Hãy luôn sử dụng một cáp HDMI để kết nối PC với TV HD nhằm đảm bảo tín hiệu luôn ổn định.
2. Tại sao không thể nâng cấp Windows 32-bit lên 64 bit ?
Việc nâng cấp phiên bản Win 7 32-bit Home lên Professional là một việc đơn giản, tuy nhiên nếu như muốn nâng cấp lên phiên bản Win 7 64 bit bạn sẽ phải cài đặt lại từ đầu. Windows xử lý các thông tin một cách khác nhau tùy thuộc vào việc bạn sử dụng phiên bản 32-bit hay 64-bit. Hệ điều hành 64-bit có khả năng xử lý dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với hệ điều hành 32-bit.
Do đó bạn không thể sử dụng tiện ích Windows Easy Transfer để di chuyển các tập tin và các ứng dụng giữa các phiên bản 32-bit và 64-bit của Windows, các bộ nhớ chuyển và nhận dữ liệu của hai hệ điều hành sử dụng những kiến trúc dữ liệu cơ bản khác nhau.
Hơn nữa, việc chuyển đổi lên hệ điều hành 64-bit đồng nghĩa với việc nhiều phần mềm cài đặt trên hệ điều hành 32-bit của bạn sẽ không thể hoạt động do không tương thích với hệ điều hành mới. Nếu bạn để ý, hầu hết các phần mềm hiện nay đều được thiết kế riêng 2 phiên bản cho hệ điều hành 32-bit và 64-bit.
3. Tại sao khi khởi động, bo mạch chủ không phát ra tiếng bíp ?
Hầu hết các bo mạch chủ đều phát ra một tiếng bíp lớn khi bạn khởi động máy, để thông báo máy đang hoạt động bình thường. Nếu có một sự cố nào đó về phần cứng, bo mạch chủ sẽ tự động phát ra các tiếng bíp liên tục để cảnh báo máy đang gặp sự cố.
Nếu bo mạch chủ của bạn không phát ra tiếng bíp nào, và máy không thể khởi động được, rất có thể bo mạch chủ đó đã chết. Bạn có thể thử khởi động lại sau khi đã kiểm tra các bộ phận bên trong và dây nguồn, nếu vẫn không thể khởi động được, bạn sẽ cần thay một bo mạch chủ mới. Ngoài ra bạn có thể kiểm tra bằng cách xem đèn LED trên bo mạch chủ còn hoạt động hay không.
4. UEFI sẽ thay thế cho BIOS ?
Unified Extensible Firmware Interface (tạm dịch là: Giao diện firmware mở rộng hợp nhất) là công nghệ tương lai, hứa hẹn sẽ thay thế cho BIOS đã lỗi thời. Hoạt động gần giống như BIOS, sau khi bạn khởi động máy tính UEFI khởi động và kiểm tra các phần cứng trong hệ thống, khi tất cả đều sẵn sáng, nó sẽ chuyển quyền sang cho hệ điều hành và người sử dụng.
Tuy nhiên thay vì chỉ lưu trữ trong firmware, như là BIOS, chương trình UEFI được lưu trữ ở thư mục /EFI/ trong bộ nhớ non-volatile (là bộ nhớ đảm bảo cho dữ liệu không bị mất mỗi khi mất điện). Vì vậy, UEFI có thể chứa trong bộ nhớ flash NAND trên bo mạch chủ hoặc cũng có thể để trên một ổ đĩa cứng, hay thậm chí là ngay cả trên một vùng tài nguyên mạng được chia sẻ.
UEFI giúp quá trình khởi động nhanh hơn và an toàn hơn nhờ tính năng Secure Boot. Tuy nhiên tính năng này chỉ hỗ trợ PC khởi động với một hệ điều hành duy nhất là Windows 8. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu UEFI được áp dụng và hoàn toàn thay thế BIOS thì các hệ điều hành khác ngoài Windows 8 sẽ không có đất dụng võ.
5. Tại sao mực máy in lại đắt như vậy ?
Câu trả lời đơn giản là bởi các nhà sản xuất muốn như vậy. Nếu không có mực in, chiếc máy in của bạn không khác gì cái chặn giấy cỡ lớn, và các hãng như Canon, HP hay Lexmark biết điều đó. Bạn có thể mua một chiếc máy in và sử dụng trong nhiều năm, và cho nhiều người cùng sử dụng, nhưng mực in thì khác. Do đó các nhà sản xuất có thể bán một chiếc máy in với giá 100 USD, trong khi các hộp mực in có giá từ 10-40 USD phải mua liên tục. Có thể thấy lợi nhuận của các hãng sản xuất có phần đóng góp không nhỏ từ việc bán mực in.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng việc sản xuất mực in cho các loại máy in đắt tiền không phải đơn giản. Một công nghệ rất phức tạp trong việc sử dụng các chất lỏng ở nhiệt độ cao, được làm khô ngay lập tức trên bề mặt giấy sau khi được bắn qua một ống kim nhỏ với vận tốc hơn 40 km/h. Nếu chất lượng mực in không tốt, rất dễ gây tắc mực và chất lượng in ra cũng không được đảm bảo.
Một điều thú vị nữa là chi phí thay hộp mực cho các máy in đắt tiền lại rẻ hơn các loại máy in rẻ tiền. Do đó nều bạn có nhu cầu in ấn cao, sử dụng nhiều mực in thì việc chọn những chiếc máy in đắt tiền là điều hợp lý. Nếu nhu cầu in ấn của bạn không cao, có thể lựa chọn một máy in rẻ tiền và sử dụng mực in của hãng thứ 3 với chi phí rẻ hơn khá nhiều tất nhiên là phải chấp nhận mất bảo hành.
(còn tiếp ...)
Tham khảo: PCWorld