Có một câu danh ngôn nổi tiếng trong quá khứ mà tôi cho rằng khá đúng đối với dân công nghệ: “To measure is to know” – Lord Kelvin, tạm dịch là “đo thì biết”. Không hề đùa! Cách tốt nhất để đánh giá một sản phẩm là tự tay kiểm nghiệm, cảm nhận và đo đạc nó. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng là chuyên gia và khái niệm“lấy hàng ra khỏi kệ dùng thử rồi trả lại” là một yêu cầu quá ư xa xỉ. Vì thế, việc bạn và tôi có thể làm là tham khảo các thông số mà nhà sản xuất “đo” sẵn để “biết” khả năng sản phẩm tới đâu.
Bởi thế, mỗi khi có nhu cầu mua sắm công nghệ, đa số chúng ta đều bị cuốn vào hằng hà sa số những số liệu, tỉ lệ và phần trăm trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Các thông số đại loại như đáp tần, tỉ lệ tương phản, gamut màu… được đặt lên bàn cân so sánh với các sản phẩm khác (với tiêu chí số to là tốt). Dĩ nhiên đó là điều chúng ta đương nhiên phải làm khi cân nhắc lựa chọn. Vậy thì bài viết đang “nói” về cái gì? Chắc nhiều người sẽ tưởng tôi đùa khi bảo rằng các thông số kỹ thật ta đang dùng để tham khảo tham khảo phần lớn đều được thổi phồng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, thậm chí vài thứ còn… chả có ý nghĩa gì cả.
Có một thực tế rất haylà ngày nay, với việc các bộ phận tiếp thị ngày càng tinh quái trong việc xào nấu và công bố các thông số kỹ thuật, các con số vốn hữu ích ngày càng trở nên vô nghĩa trong việc tham khảo.
Những ai sống cùng thời hoặc ham mê tìm hiểu hẳn còn nhớ đến công nghệ “Blast Processing” – pha "quăng bom" cực lớn của Sega vào thời kì 1992, đã "dìm hàng" cho đối thủ Super Nintendo trông thảm hại thế nào. Nó nổi tiếng đến mức một thời trở thành thuật ngữ ám chỉ các quảng cáo công nghệ lố bịch.
20 năm trôi qua, khi mà giờ đây người tiêu dùng đã am tường hơn về công nghệ, ít nhất là không còn bị lừa phỉnh bởi các mĩ từ như “tiên tiến”, “siêu việt”, thì công nghệ tiếp thị bán hàng lại tiến thêm một bước mới. Các nhà sản xuất – thay vì cố nặn óc nghĩ ra những lời quảng cáo sáo rỗngkhônglừa được ai – quyết định để các con số bốc phét thay mình.
Vâng, chúng ta đã nghe nhiều về các “con số biết nói”, và giờ đây chúng còn biết "bốc phét"! Nguyên nhân dẫn đến sự “tiến hóa” này cũng khá rối rắm.
Đầu tiên, chúng ta đều biết các con số có ý nghĩa và ảnh hưởng mạnh thế nào đến quyết định lựa chọn cuối cùng. Một nghiên cứu gần đây của Journal of Consumer Research (tạm dịch “Tạp chí nghiên cứu người tiêu dùng”) chỉ ra rằng các thông số định lượng có khả năng thuyết phục đến mức ngay cả khi có quyền tự tay kiểm định và đánh giá, người ta vẫn có xu hướng chọn sản phẩm có nhiều thông số và (dĩ nhiên) có thông số lớn hơn (megapixels là một ví dụ nhãn tiền).
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ yếu tố cạnh tranh. “Thế giới công nghệ đang đầy ắp những mánh lới quảng cáo bịp bợm bởi chính tính cạnh tranh khốc liệt của nó” – dẫn lời Raymond Soneira, chủ tịch của DisplayMate Technologies. Ông – tác giả của bài viết đăng trên tạp chí MaximumPC được nhiều người coi là “kim chỉ Nam trong việc bóc trần ý nghĩa của các thông số” – cho rằng sự phát triển của thế giới công nghệ cho phép các nhà sản xuất có thể diễn thêm nhiều trò với các con số. Và sự thực thì đúng là như vậy.
“Phần lớn người tiêu dùng không có hiểu biết cặn kẽ về công nghệ, vì thế họ dễ bị dẫn dắt, phỉnh phờ hay tệ hơn là bị lừa.” – Ông nói.
Nguyên nhân thứ 3 – quan trọng nhất dẫn đến “các con số bốc phét” – chính là hệ quả của nguyên nhân thứ 2: nó đã trở thành yếu tố thiết yếu đến nỗi nếu quyết định đứng ngoài cuộc chơi đồng nghĩa với anh đang tự sát! Hoặc cố neo níu với những tính năng thiết thực khiến sản phẩm của anh trông kém cỏi hơn, hoặc không công bố cái gì - tất nhiên sẽ làm người ta nghi ngờ… Có vẻ quá dễ dàng để đưa ra lựa chọn.
David Moulton – một kĩ sư âm thanh kì cựu, kiêm nhà soạn nhạc và đạo diễn chỉ ra rằng: “Khi các kĩ sư làm ra sản phẩm, họ sử dụng các phép thử với mục đích đánh giá khả năng hoạt động của chúng. Tuy nhiên khi đến tay bộ phận kinh doanh, các kết quả lại được sử dụng như là tiêu chuẩn để quyết định giá trị, và chúng nghiễm nhiên trở thành cơ sở để bán hàng.”
Vậy, khi tham khảo các “cơ sở”, bạn sẽ cần phải tỉnh táo để biết phải bỏ qua yếu tố nào. Tôi sẽ đưa ra danh sách tiêu biểu một số thông số kỹ thuật bị thổi phồng, nhằm giúp bạn đọc tham khảo phòng khi có nhu cầu mua sắm ở bài viết sau (Phần II).