Khi cần chạy 2 hệ điều hành nên chọn máy ảo hay cài song song?

PV  | 14/04/2012 0:00 AM

Có hai cách để chạy hệ điều hành thứ hai trên hệ thống của bạn: Một là cài đặt trên một phân vùng mới và cài đặt song song (Dual Boot), hai là cài đặt trên một máy ảo (Virtual Machine). Cách nào tốt hơn?

Có hai cách để chạy hệ điều hành thứ hai trên hệ thống của bạn: Một là cài đặt trên một phân vùng mới và cho 2 HĐH hoạt động song song (Dual Boot), hai là cài đặt trên một máy ảo (Virtual Machine). Cách nào tốt hơn?
 
Không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho câu hỏi trên, vì mỗi cách đều có ưu và nhược điểm riêng, do đó tùy vào nhu cầu công việc cụ thể mà bạn chọn cách phù hợp nhất để cài đặt hệ điều hành thứ hai.
 
Dual Boot hỗ trợ chơi game tốt hơn và thích hợp làm việc trên máy tính trong thời gian dài
 
Bạn bắt buộc phải tạo một phân vùng mới để cài đặt hệ điều hành thứ hai theo cách cài đặt song song, bên cạnh phân vùng chứa hệ điều hành sẵn có trước đó. Theo đó, Dual Boot cho phép bạn chạy hai hệ điều hành trên một máy tính hoàn toàn tách biệt nhau. Khi khởi động máy, bạn cần chọn hệ điều hành muốn sử dụng, và nó sẽ khởi động như là hệ điều hành duy nhất trên máy tính. Với cách này, bạn có thể tận dụng tối đa hiệu năng phần cứng để chơi game hay làm việc cùng lúc với nhiều ứng dụng “nặng ký”.
 

 
Nhược điểm duy nhất của việc cài đặt song song hai hệ điều hành là bạn phải khởi động lại máy tính mỗi khi muốn chuyển sang sử dụng hệ điều hành khác, và bạn cũng không thể chạy cả hai cùng lúc. Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu cũng khó khăn hơn, nhất là khi bạn cài đặt hai hệ điều hành khác nhau về nền tảng (như Windows với Mac hay Windows với Linux,…). Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể cài đặt thêm các ứng dụng đồng bộ dữ liệu để khắc phục hạn chế này.
 
Máy ảo rất tốt cho việc dùng thử phần mềm và hệ điều hành
 
Các ứng dụng ảo hóa như Virtualbox hay Parallels sẽ giúp bạn cài đặt hệ điều hành thứ hai lên một ổ đĩa ảo. Dữ liệu bên trong ổ đĩa ảo được lưu trữ dưới dạng một tập tin trên ổ cứng hiện tại của bạn. Bằng cách này, bạn có thể sử dụng cả hai hệ điều hành cùng lúc mà không cần khởi động lại máy, hệ điều hành thứ hai sẽ hoạt động dựa trên nền hệ điều hành thứ nhất và xuất hiện dưới dạng cửa sổ ứng dụng trên màn hình. Hầu hết các ứng dụng tạo máy ảo đều hỗ trợ rất tốt việc chia sẻ dữ liệu giữa máy ảo và máy thật, thậm chí bạn có thể sử dụng thao tác kéo thả để sao chép hoặc di chuyển dữ liệu một cách nhanh chóng.
 
Sử dụng máy ảo để trải nghiệm phần mềm hay dùng thử hệ điều hành mới là điều nên làm. Thứ nhất, máy ảo giúp bạn bỏ qua các bước khởi tạo phân vùng vốn phức tạp (trong khi Dual Boot bắt buộc bạn phải phân vùng đĩa cứng trước khi cài đặt hệ điều hành thứ hai). Thứ hai, nếu xảy ra sự cố (virus, cài đặt sai, xóa nhầm dữ liệu,…) trên hệ điều hành thứ hai thì cũng không làm ảnh hưởng đến hệ điều hành hiện tại. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng máy ảo để thực hành các bài tập về mạng, vì máy ảo cung cấp sẵn card mạng ảo khi cài đặt, giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa máy ảo và máy thật, hoặc giữa các máy ảo với nhau trở nên đơn giản hơn.
 

 
Tuy nhiên, hệ điều hành chạy trên máy ảo hoạt động chậm hơn so với Dual Boot. Bởi vì bạn đang chia sẻ tài nguyên máy tính cho cả hai hệ điều hành trong cùng một lúc, việc không tận dụng được hiệu năng tối đa của phần cứng cũng khiến việc chơi game trên máy ảo bị ảnh hưởng. Thông thường, chỉ nên sử dụng máy ảo nếu máy tính của bạn đủ mạnh, nhất là dung lượng bộ nhớ RAM (từ 8GB đến 12GB).
 
Kết
 
Nhiều người cho rằng cài đặt song song tốt hơn so với cài đặt trên máy ảo, nhưng cũng có nhiều người suy nghĩ ngược lại. Tuy nhiên xét cho cùng, việc lựa chọn Dual Boot hay ảo hóa khi chạy hệ điều hành thứ hai phụ thuộc rất nhiều vào công việc cụ thể của bạn, ngoài ra còn phải quan tâm đến yếu tố phần cứng. Trước khi có một máy tính đủ mạnh, đừng nên sử dụng máy ảo.
 
Tham khảo: LifeHacker