Chia sẻ bàn phím và chuột giữa các máy tính trong mạng LAN

Khánh Hoàng  | 30/04/2011 12:00 PM

Nếu bạn đang phân vân trong việc tìm phương pháp chia sẻ bàn phím và chuột với các máy tính cùng mạng với nhau thì bài viết sau đây sẽ giúp bạn điều đó.

Ngày nay việc dùng chung một số thiết bị ngoại vi giữa hai máy tính trong cùng một mạng LAN đã không còn quá lạ lẫm với nhiều người. Nếu công việc của bạn yêu cầu việc phải dùng qua lại giữa hai PC, trong đó bạn chủ yếu thao tác phím và chuột ở một máy, vậy thì tại sao bạn lại không thử dùng chung hai thiết bị đó để tiết kiệm không gian bàn làm việc và chi phí? Điều này là có thể và hoàn toàn miễn phí với việc sử dụng chương trình tiện ích Input Director (ID)
 
Tổng quan về Input Director 
 
ID là một tiện ích chạy trên nền Windows, có tác dụng cho phép người dùng sử dụng chung bàn phím và chuột giữa các máy tính với nhau (Thường là hai máy hoặc hơn). Người dùng có thể chuyển đổi qua lại việc sử dụng các thiết bị đầu cuối vào giữa hai máy bằng phím tắt hoặc di chuột qua màn hình máy cần sử dụng (Giống với khi bạn sử dụng song song hai màn hình). Input Director chạy được trên nền Windows 2000 (Service Pack 4), Windows XP (Service Pack 2), Windows 2003, Windows Vista, Windows 2008 hoặc Windows 7. Và quan trọng nhất là các máy của bạn phải trong một mạng LAN. 
 
Cài đặt và cấu hình Input Director 
 
Trước khi nói đến thao tác chính giúp bạn làm chủ được ID, tôi xin nói qua về khái niệm Máy chủ - Máy khách có trong bài viết này. Máy chủ trong bài viết này theo cách hiểu đơn giản nghĩa là máy có bàn phím và chuột. Máy khách ngược lại, dùng bàn phím và chuột của máy chủ qua phần mềm ID.
 
Bước 1: Bạn vào trang download của ID tại đây và tải về phiên bản mới nhất v1.2.2. Sau đó cài vào cả máy chủ và khách. 
 
Bước 2: Bước này sẽ giúp bạn biết được tên máy chủ và máy khách (Hostname) để thuận tiện trong việc tiến hành cấu hình. Rất đơn giản, bạn click phải vào biểu tượng My Computer tại desktop > Chọn Properties > Chọn thẻ Computer Name và bạn sẽ nhận được thông tin cần tìm nằm tại ô Full computer name.
 
 
Ngoài tên máy chủ và máy khách, bạn cũng có thể cần biết thêm IPSubnet Mask của chúng. Ta làm như sau.
 
Vào Start > Run > Gõ vào lệnh cmd sau đó OK.
 
Cửa sổ Command Prompt mở ra, bạn đánh vào đó lệnh ipconfig /all bạn sẽ thấy được kết quả cần tìm như sau. 
 
 
Bước 3: Cấu hình Input Director trên máy khách (Slave) 
 
Tại máy khách, bạn mở chương trình ID từ Desktop hoặc từ menu Start. Chương trình mở ra với rất nhiều tab con, hãy chọn đến tab Slave Configuration và chỉnh như hình. 
 
 
Việc cấu hình này có tác dụng giới hạn số lượng máy chủ có tác động đến máy khách của bạn. Nếu bạn muốn xác định cụ thể máy chủ nào có quyền thì hãy click vào nút “Add”, sau đó nhập tên máy chủ (Xem lại Bước 2) hoặc IP máy chủ. 
 
Tiếp đến bạn click vào tab “Main” sau đó click vào nút “Enable as Slave”.
 
 
Nếu cấu hình thành công, bạn sẽ thấy biểu tượng ID của máy khách màu xanh tại thanh trạng thái.
 
 
Bước 4:Cấu hình Input Director trên máy chủ (Master)
 
Tương tự, bạn hãy mở chương trình ID trên máy chủ. Kế đến bạn di chuyển chuột đến tab “Master Configuration”.
 
 
Tại đây bạn sẽ nhập thông tin về máy khách mà bạn sẽ chia sẻ cùng thiết bị đầu vào. Bạn click vào nút “Add” tại đó để bắt đầu nhập dữ liệu.
 
 
Tại ô Hostname: Bạn nhập vào tên máy khách hoặc IP máy khách (Xem bước 2).  Ô Port bạn để nguyên. 
 
Trong trường hợp số lượng máy khách lớn hơn 1, bạn hãy thiết lập phím nóng riêng biệt cho từng máy để việc sử dụng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ta có thể thiết lập số lượng màn hình của máy khách tùy công việc của bạn (một số người dùng vì nhu cầu có thể dùng song song 2 màn hình…). 
 
Cuối cùng bạn click OK. ID sẽ kiểm tra thông tin bạn đã nhập và sẽ tiến hành kết nối đến máy khách nếu dữ liệu hợp lệ. Giả sử với máy khách có Hostname là bob, ta có kết quả như sau:
 
 
Cuối cùng bạn click vào tab “Main” sau đó click vào nút “Enable as Master” để kết thúc quá trình cấu hình máy chủ.
 
 
Nếu cấu hình thành công, bạn sẽ thấy biểu tượng ID của máy chủ màu đỏ tại thanh trạng thái.
 
 
Vậy là từ nay bạn có thể chia sẻ bàn phím và chuột song song giữa hai máy tính một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Chúc các bạn thành công ! 
 
Tham khảo: Input Director
Xem thêm:

thủ thuật