Phụ nữ Việt Nam | 11/09/2023 11:11 AM
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại này kéo dài gần 300 năm và đỉnh cao là thời kỳ "Khang – Càn thịnh thế" với sự trị vì của ba vị hoàng đế tài giỏi gồm Khang Hi, Ung Chính và Càn Long. Trên thực tế, nhiều bộ phim truyền hình cổ trang làm về triều đại này.
Các hoàng đế nhà Thanh có nhiều phi tần trong hậu cung. Vào triều đại này, việc phân cấp trong hậu cũng được đặt ra rõ ràng. Số lượng từ hoàng hậu, phi tần, quý nhân… đều đã được quy định cụ thể.
Theo đó, trong hậu cung của nhà Thanh chỉ được phép có một hoàng hậu, một hoàng quý phi, hai quý phi, bốn phi và sáu tần. Khi những vị phi tần này chết hoặc phạm sai lầm, bị giáng chức, những người khác có thể được thăng chức thay thế họ. Ngoài ra, những cấp bậc thấp hơn như quý nhân, thường tại, đáp ứng thường không có giới hạn cụ thể về số lượng.
Vào thời nhà Thanh, các phi tần trong hậu cung được chia thành những cấp bậc khác nhau. Do đó, vương triều này cũng có quy định về tiêu chuẩn thăng cấp trong cung. Nếu vị phi tần đó sinh được hoàng tử thì đây có thể là "thành tích" quan trọng để hoàng đế thăng cấp cho họ. Ngoài ra, địa vị của gia tộc cũng quyết định các phi tần có tiêu chuẩn thăng tiến trong hậu cung.
Các mỹ nhân trong hậu cung của hoàng đế nhà Thanh hầu hết sẽ được tuyển chọn từ con cháu của Bát Kỳ Mãn Châu trong độ tuổi 13 - 17. Ngoài ra, còn có các cô gái người Hán, người Mông Cổ cũng được lựa chọn tiến cung. Việc được chọn vào trong cung đã không dễ, nhưng việc được thăng tiến ở nơi toàn mỹ nhân có gia thế lớn lại càng khó hơn.
Các cấp phi tần khác nhau trong hậu cung của nhà Thanh cũng quyết định mỗi người có mức thu nhập, tiêu chuẩn ăn uống, số lượng người hầu, môi trường sống… không giống nhau.
Chẳng hạn, về mức thu nhập cơ bản, hoàng hậu được nhận khoảng 1.000 lạng bạc mỗi năm, hoàng quý phi là 800 lạng bạc. Ngoài ra, quý phi mỗi người sẽ nhận được 600 lạng bạc, hàng phi được 300 lạng, hàng tần được 200 lạng bạc. Còn lại, đối với quý nhân được cấp phát 100 lạng bạc, người ở vị trí thường tại nhận được 50 lạng bạc và cuối cùng đáp ứng nhận được 30 lạng bạc mỗi năm.
Đương nhiên, trên đây chỉ là mức thu nhập cơ bản của các phi tần. Bởi thu nhập của họ không cố định. Nếu vào dịp lễ lớn, sinh nhật của phi tần hoặc khi sinh được hoàng tử, hoàng đế sẽ có thêm tiền thưởng cho các mỹ nhân này. Phần thưởng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tâm tình của hoàng đế.
Với số tiền trên cùng với các khoản tiền thưởng, bổng lộc, thu nhập của các phi tần trong cung dường như không ít, nhưng họ phải chi tiêu rất nhiều. Thực tế ở trong cung không có chợ. Vậy, các phi tần không được ra khỏi cung thì họ hàng tháng tiêu tiền ở đâu?
Theo ghi chép trong sử sách, bổng lộc và tiền bạc hoàng đế ban tặng đều được các phi tần dùng để chi tiêu vào những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ nhất, đầu tư vào việc ăn diện, làm đẹp.
Việc lớn nhất và quan trọng nhất với các phi tần mỗi ngày chính là chờ đợi hoàng đế sủng ái. Đương nhiên, để được hoàng đế để mắt tới, những mỹ nhân này luôn phải mặc đẹp và quan tâm tới việc làm đẹp.
Trên thực tế, dù được cấp phát trang phục, trang sức theo quy định về cấp bậc, nhưng không phải phi tần nào cũng hài lòng với những món đồ này. Để gây ấn tượng với hoàng đế, các phi tần sẽ tự chọn hoặc may thêm cho mình các bộ trang phục lộng lẫy, nổi bật.
Vào thời điểm đó, dù không có nhiều thương hiệu thời trang hay mỹ phẩm lớn, nhưng cũng có những loại hàng thuộc đồ cao cấp nhất. Các phi tần có thể bỏ tiền bạc ra cho người may trang phục từ những loại vải cao cấp được hoàng đế ban tặng. Ngoài ra, họ cũng có thể chi tiền vào việc thuê những người thợ chế tác trang sức riêng, đặt làm mỹ phẩm từ các nguyên liệu quý hiếm. Rõ ràng từ việc mua nguyên liệu cho đến phái người làm đều cần phải có tiền.
Thứ hai, tốn tiền cho thái giám, cung nữ nghe ngóng thông tin.
Ngoài việc đầu tư làm đẹp, may quần áo lộng lẫy, các phi tần trong hậu cung của nhà Thanh còn phải tốn nhiều tiền trong việc mua chuộc người hầu là các cung nữ, thái giám.
Theo đó, những mỹ nhân này thường xuyên sai thái giám hoặc cung nữ đi dò hỏi tin tức của hoàng đế để tìm cách tiếp cận. Đặc biệt, họ còn phải "chịu chi" nhiều khoản tiền để mua chuộc các thái giám thân cận của hoàng đế để tăng cơ hội được sủng ái. Những người thái giám này có thể sẽ nói tốt cho vị phi tần đó vài câu trước mặt hoàng đế khi có dịp thích hợp.
Các phi tần cũng cố gắng bỏ ra một số tiền không nhỏ để lôi kéo các vị quan đại thần trong triều nhằm tạo dựng chỗ dựa vững chắc trong cuộc tranh giành quyền lực ở hậu cung và giúp đỡ gia đình củng cố địa vị.
Thứ ba, chi tiền mua đồ dùng không có trong cung.
Một số phi tần trong hậu cung còn tốn tiền hàng tháng cho các thái giám, cung nữ để mua các đồ dùng không có trong cung nhằm mục đích giải trí. Đồ dùng trong cung tuy được cấp phát định kỳ cho các phi tần theo đúng cấp bậc, nhưng không phải thứ gì cũng có.
Cuộc sống trong cung cũng khá buồn tẻ với nhiều quy tắc, nên một số mỹ nhân cũng có nhu cầu muốn tìm kiếm các đồ vật mới mẻ ngoài dân gian để giải tỏa căng thẳng. Đồng thời đây cũng có thể là những món đồ thu hút sự chú ý của hoàng đế.
Cuối cùng, chi nhiều tiền để khen thưởng thái giám, cung nữ
Cuộc sống của các phi tần trong hậu cung nhà Thanh không hề đơn giản và dễ dàng như những gì mọi người thường thấy trên phim. Trên thực tế, chi phí mà họ phải bỏ ra hàng tháng rất cao.
Đơn cử như việc khen thưởng cho thái giám, cung nữ theo hầu vào các dịp lễ, dịp Tết rất tốn kém. Nếu các phi tần ban thưởng quá ít tiền thì sẽ bị người hầu coi là keo kiệt, từ đó những người này sẽ không làm việc tận tâm và trung thành. Ngược lại, nếu thưởng nhiều quá thì khiến các mỹ nhân không xoay xở được vì cuộc sống trong cung cần chi tiêu nhiều.
Hơn nữa, vào các dịp lễ, dịp Tết, hay sinh nhật những nhân vật đứng đầu hậu cung như thái hậu, hoàng hậu, đặc biệt là hoàng thượng, các phi tần cũng phải tiêu tốn nhiều tiền để chuẩn bị các món quà xa xỉ, nhằm tăng cơ hội thăng tiến.