Wii U - Hệ thống console "ế" nhất trong lịch sử Nintendo

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/02/2015 05:00 PM

Nhưng trong khi Wii U có thể tự hào với nhiều sản phẩm phần mềm chất lượng, hệ thống console này vẫn còn xa mới tới tầm những “cú hit” mà chúng ta thường mong chờ từ Nintendo

Năm 2014 dường như là năm của Wii U, khi cả giới nhà phê bình và người hâm mộ đều đưa những lời tán dương có cánh dành cho những game đỉnh như Mario Kart 8, Super Smash Bros. và Bayonetta 2. Nhưng trong khi Wii U có thể tự hào với nhiều sản phẩm phần mềm chất lượng, hệ thống console này vẫn còn xa mới tới tầm những “cú hit” mà chúng ta thường mong chờ từ Nintendo, và có lẽ họ sẽ phải đưa ra vài quyết định khó khăn trong tương lai gần.

Kể từ khi được phát hành trong năm 2012, Wii U mới chỉ bán được 9.2 triệu máy theo như báo cáo tài chính mới nhất do chính Nintendo công bố, và có thể coi đây vừa là tin tốt, lại vừa là tin xấu. Tin tốt là Nintendo đang hướng tới năm lợi nhuận hoàn toàn đầu tiên kể từ 2012. Nhưng tin xấu là doanh số bán hàng đó cho thấy Wii U không chỉ đang kém dòng sản phẩm Wii nguyên gốc xét trên lượng tiêu thụ, mà nó còn đang đứng sau tất cả các dòng console lớn của Nintendo từ trước tới nay.

Trong đó bao gồm NES, SNES, N64 và ngay cả Gamecube, hệ thống console kém thành công nhất từng được phát hành bởi Nintendo, nhưng với doanh số chỉ nhỉnh hơn 9 triệu, “niềm vinh hạnh” đó giờ thuộc về Wii U. Ngược lại, người dẫn đầu của thế hệ console hiện tại, Sony, đã bán ra 18.5 triệu máy PS4, dù được ra mắt thị trường sau hẳn một năm.

Vấn đề thực sự ở đây là Wii U dường như đã đạt tới ngưỡng của nó, và không còn có thể tạo lực hút cho một cuộc dậy sóng trong tương lai, như một số người chơi lạc quan vẫn tin tưởng. Doanh số bán phần cứng và phần mềm đã giảm 11% so với cùng kỳ 9 tháng năm ngoái, và hai trong số những game hot nhất của bất kỳ thế hệ console Nintendo nào là Mario Kart và Super Smash Bros cũng đã được ra mắt.

Điều đó khiến hai cái tên còn lại được mong chờ nhất của Nintendo trong năm 2015 chính là Starfox và The Legend of Zelda, giả sử rằng Nintendo có thể cho ra mắt đúng hạn theo dự kiến. Và đối với cả hai sản phẩm trên, khả năng cao là chúng sẽ không thể bán vượt doanh số của Mario Kart và Super Smash Bros, hoặc thúc đẩy doanh số phần cứng đi lên khi mà những sản phẩm trước đó cũng không thể làm được.

Vậy nếu như Wii U đã đạt tới ngưỡng của nó, Nintendo sẽ phải làm gì? Đó là một vế nan giải khác của phương trình này.

Họ có thể tiếp tục vận hành hệ thống lâu nhất có thể trong tương lai, đảm bảo rằng cố gắng thu được nhiều lợi nhuận nhất trong khả năng từ sự đầu tư này, và tiếp tục phát triển những game tốt cho nó. Tất nhiên, các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ tiếp tục tiến xa hơn họ trên phương diện kỹ thuật, và trừ khi Nintendo dốc thật nhiều công sức vào việc hàn gắn mối quan hệ với các nhà phát hành bên thứ ba, chắc chắn Wii U sẽ tiếp tục bỏ lỡ mọi sản phẩm đa nền tảng được ra mắt trong tương lai.

Sự thiếu hụt về tính đa dạng trong các nhà phát triển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nintendo, và đã biến Wii U trở thành thứ yếu với người chơi, khi họ sẽ dành phần lớn thời gian cho PC, Xbox hoặc Playstation, và chỉ thỉnh thoảng mở Wii U lên để chơi bất kỳ game mới nào được Nintendo phát triển. Nhưng khó mà có ai sử dụng Wii U làm hệ thống chơi game chủ đạo của mình.

Lựa chọn khác là cho ra đời một hệ thống console mới, và chính Nintendo đã thừa nhận là đang bí mật phát triển một phần cứng mới và chưa tiết lộ chút thông tin chi tiết nào cả. Nhưng có khả năng lớn là họ sẽ cho ra đời một console mới ở khoảng giữa vòng đời của PS4 và Xbox One, có lẽ trong vòng một hoặc hai năm tới, với mục đích cố gắng thu hẹp khoảng cách với cả hai hệ thống đối địch trên phương diện kỹ thuật.

Một lần nữa, đây không chỉ đơn giản là làm ra những game có hình ảnh đẹp hơn. Các sản phẩm của Nintendo đều tuyệt đẹp và độc đáo kể cả với khả năng đồ họa từ thế hệ cũ. Điều họ phải làm là cho ra đời một hệ thống đủ mạnh để chạy tất các các game third-party, và chứng minh rằng console của Nintendo là hệ thống console duy nhất bạn cần sở hữu trong nhà.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại mang những vấn đề của riêng nó. Thứ nhất, Nintendo có lẽ sẽ không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của việc cố gắng “tiến hóa” gameplay một lần nữa để giữ lại những ánh hào quang kỳ diệu của thời đại Wii. Trong khi cơ chế điều khiển cảm ứng chuyển động đã tạo nên một kỳ tích cho Wii và khiến nó trở thành một cơn sốt toàn cầu, gamepad của Wii U đã tạo nên một hiệu ứng trái ngược hoàn toàn, và có tương đối ít những chương trình ứng dụng nổi bật.

Hơn thế nữa, nó lại còn tạo thêm một rào cản cho những nhà phát triển muốn làm game cho Wii U, và với những người đang làm, họ cũng không thể tận dụng tốt thiết bị này khi mà rõ ràng nó không thể phù hợp với game của họ, như trường hợp của Watch Dogs phiên bản Wii U đã bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Nintendo có lẽ đã không học được gì nhiều từ Wii. Trước đó, SNES, Gamecube và N64 có thể đã thiết kế lại tay điều khiển, nhưng chúng đã không cố gắng thay đổi phương thức chơi game truyền thống. Thay vào đó, những console này đã lấy nền đồ họa nâng cấp và những game tuyệt vời làm điểm chủ chốt để tăng doanh số bán hàng. Nhưng bây giờ, sau thành công đã qua của Wii, Nintendo có lẽ đang rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ rằng bất cứ hệ thống mới nào cũng cần một “sự đổi mới” như vậy, hoặc họ bị bó buộc tư duy rằng ít nhất phải thử.

Nhưng ngay cả khi Wii đã đạt được thành công vang dội với cơ chế motion controls, nó chứng minh rằng loại hình này (và tất nhiên cả loại console này) chỉ là một mốt nhất thời, chứ không hẳn là một đột phá trong lối chơi game. Console thành công nhất của thế hệ mới, chính là cái đã bỏ đi tất cả những khái niệm về điều khiển cảm ứng chuyển hay bất kỳ chiêu trò cầu kỳ nào khác trong gameplay, PS4.

Thêm vào đó, phát hành một console mới, kể cả khi không có những chiêu trò như vậy, là một viễn cảnh tương đối gian nan trong thị trường hiện tại. Nhiều khách hàng đã bị thuyết phục rằng Wii U là sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo, và với họ, việc nhanh chóng quay lại mua một console hoàn toàn mới là một bài toán kinh doanh phức tạp.

Tương tự như vậy, Nintendo rất khó có thể lôi kéo khác hàng từ Sony hay Microsoft, khi mà trên thực tế hai console gần đây nhất của họ không để lại ấn tượng thật sự tốt. Không phải Nintendo không tạo ra được những game xuất sắc cho hệ máy của mình, nhưng phần cứng hệ thống của họ tỏ ra quá yếu nếu so sánh với những đối thủ cạnh tranh. Và cũng thật khó để tin tưởng rằng Nintendo sẽ cho ra mắt một hệ thống console với cấu hình phần cứng ấn tượng trong tương lai gần.

Có vẻ như chỉ có hai con đường phía trước, khi mà bất kể có bao nhiêu sản phẩm chất lượng sẽ được phát hành trong tương lai đi chăng nữa, thời điểm để Wii U trở thành một console “hit” đã trôi qua. Như vậy có nghĩa là Nintendo phải hoặc phát triển một console mới thật ấn tượng và thiết yếu cho người chơi và những dạng khách hàng tương tự (non-gamers), khiến cho bất cứ ai cũng phải mua nó; hoặc họ sẽ phải rút khỏi cuộc chơi về mảng console gia đình.

Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng Nintendo đã và đang tạo ra những game xuất sắc nhất thế giới, và chính phần cứng của họ lại thường là nguyên nhân kéo họ đi xuống. Một ngày nào đó, có lẽ Nintendo sẽ phải cân nhắc một cách nghiêm túc rằng liệu họ có đủ khả năng để cạnh tranh trong ngành công nghiệp phần cứng không, hay nên chuyển trọng tâm hoàn toàn sang mảng mà không ai có thể tranh giành vị trí số một với họ, làm game.

 

>>Các hãng game mobile Trung Quốc điên đảo vì tìm IP hot