Với xu hướng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhiều công ty game lớn tại Trung Quốc đã niêm yết tên mình trên sàn giao dịch chứng khoán tại Mỹ nhằm thu hút thêm vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên sau 1 thời gian nghiên cứu và hoạt động theo hình thức này, họ đã có những suy nghĩ khác.
Gần đây, công ty Giant Interactive công bố rằng chủ tịch Sử Ngọc Trụ đã khởi động một kế hoạch để mua lại tất cả cổ phiếu ở nước ngoài của công ty với số tiền ước tính lên khoảng 2,9 tỷ USD. Nhưng Giant không phải là công ty game Trung Quốc duy nhất tìm cách để rời bỏ thị trường chứng khoán Mỹ, các phương tiện truyền thông có đưa tin từ đầu năm nay cho thấy rằng The9 cũng đã nói chuyện với các nhà đầu tư với mục đích gom đủ tiền để mua lại công ty và hủy bỏ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Vậy tại sao các công ty Trung Quốc lại có xu hướng tư hữu hóa? Các công ty thường niêm yết tên mình lên sàn chứng khoán để tìm kiếm thêm nguồn vốn và ở Trung Quốc thì việc niêm yết ở nước ngoài được coi là 1 dấu ấn tượng trưng cho sự thành công đối với 1 công ty công nghệ.
Việc ông Sử Ngọc Trụ tin tưởng có thể mua lại được công ty cho thấy, có vẻ như Giant không thực sự cần nguồn đầu tư từ công chúng hay đội ngũ sáng lập cần chứng minh gì thêm về thành công của công ty họ. Có thể Giant (và có lẽ The9) đang tìm cách để thoát khỏi những quy định hạn chế của các thị trường Mỹ, như các báo cáo hàng quý, hồ sơ bắt buộc và liên tục phải xoa dịu các cổ đông.
Hủy bỏ niêm yết cũng phần nào bảo vệ các công ty từ những biến động không thể đoán trước của thị trường, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng đôi khi thấy giá cổ phiếu của họ giảm hoặc tăng phụ thuộc vào tâm trạng của nước Mỹ đối với Trung Quốc ngày hôm đó chứ không phải do công việc họ đang làm.
Đặc biệt là nếu các công ty cảm thấy họ đang bị định giá thấp bởi nhà đầu tư, hủy bỏ niêm yết sẽ mang lại nhiều điều lợi như nó giúp họ ra khỏi thị trường đầy biến động, giảm chi phí vì họ không phải đối phó với các nhà đầu tư và ủy ban chứng khoán nữa, và mang lại cho họ quyền sở hữu hoàn toàn của 1 công ty mà họ tin rằng nó rất có giá trị.
Dù lý do cho động thái tư hữu hóa có là gì, có vẻ như các nhà đầu tư Mỹ sẽ có ít sự lựa chọn hơn nếu họ đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào thị trường game của Trung Quốc trong tương lai gần. Những công ty lớn vẫn còn trụ lại thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay có thể kể tới Shanda Games, Perfect World, NetEase và ChangYou.