Triển lãm Tokyo Game Show phải chăng đã "mất chất" năm xưa?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/09/2015 0:00 AM

Chắc chắn rằng giờ đây Tokyo Game Show đã không còn là một sự kiện game quốc tế nữa, mà mục tiêu của sự kiện đã được nhắm riêng tới thị trường nội địa Nhật Bản.

Tokyo Game Show năm nay đã mở rộng sân khấu trưng bày chính, chiếm 1/3 diện tích hội trường khổng lồ của Makuhari Messe. Không gian này trước đây được dành cho các quầy hàng lưu niệm và thức ăn, nhưng nay đã được chuyển sang một khu vực riêng biệt hoàn toàn. Với các gian giới thiệu chiếm toàn bộ 3 sảnh, và sảnh thứ 4 chủ yếu dành cho sân khấu của sự kiện công chúng, TGS 2015 dường như muốn khẳng định vị thế về quy mô của mình. Mặc dù tính chất quốc tế của sự kiện có vẻ đang dần giảm xuống, nhưng với mục đích chính là một triển lãm tiêu dùng cho khách hàng nội địa, TGS vẫn thu hút được lượng người tham dự khổng lồ.

Mặc dù trước quy mô lớn như vây, chúng ta vẫn cảm thấy Tokyo Game Show 2015 có gì đó khá “ảm đạm”. Có lẽ một phần là bởi cách bố trí các gian hàng hơi “khác thường” của sự kiện lần này, thay vì tập trung các nhà phát hành lớn với những tựa game “bom tấn”, họ lại được xếp rải rác bên cạnh hàng loạt những gian hàng nhỏ hơn. Chỉ có sảnh trung tâm là hội tụ những “ông lớn” như Sony, Sega, và gian hàng GranBlue Fantasy của Cygames. Mặc dù phân bố như vậy sẽ giúp kiểm soát đám đông, song đáng tiếc là nó sẽ mất đi một chút về độ “hoành tráng”.


Tokyo Game Show 2015

Tokyo Game Show 2015

Ngoài ra sự vắng bóng của “ông lớn” Microsoft cũng ảnh hưởng không nhỏ tới không khí của sự kiện. Đây mới chỉ là lần thứ hai Microsoft quyết định không tham gia TGS kể từ khi hệ thống Xbox được phát hành (năm 2012, họ cũng đứng ngoài). Bất kể gặp khó khăn thế nào trong việc tiêu thụ console ở Nhật Bản, Microsoft vẫn luôn có màn thể hiện ấn tượng tại TGS, với mục đích hướng tới truyền thông quốc tế cũng như thị trường địa phương. Việc đứng ngoài sự kiện năm 2012 khiến hàng loạt các tít báo cho rằng Microsoft đã “từ bỏ” Nhật Bản, song “ông lớn” này vẫn quay trở lại mạnh mẽ vào năm 2013. Vậy nên sự vắng mặt của họ năm nay đã thay đổi bầu không khí của sự kiện. Nintendo vẫn “tẩy chay” TGS trong nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc Sony là nhà sản xuất nền tảng duy nhất góp mặt tại sự kiện – và không như năm 2012, khi mà các nhà phát hành bên thứ ba vẫn giới thiệu các tựa game trên Xbox 360Wii U, năm 2015 này đã chẳng có nền tảng game gia đình nào được xuất hiện ngoại trừ PS4.

Sự vắng mặt của Microsoft không phải là một điều quá khó hiểu, nếu xét tới tình hình của công ty tại thị trường Nhật Bản giờ đây còn “vô vọng” hơn cả trong kỷ nguyên Xbox 360. Khi đó, sự thành công của Xbox 360 trên thị trường quốc tế ít nhất cũng giúp thu hút được những gamer Nhật Bản chuộng game phương Tây, ảnh hưởng truyền thông cũng vớt vát lại được phần nào dù doanh số địa phương khá thấp. Còn hiện tại, dù doanh số của Xbox One không hẳn là thấp, song nó đã bị che lấp hoàn toàn bởi PlayStation 4, khiến sản phẩm này gần như không có vị thế gì tại thị trường Nhật Bản. Thêm vào đó, vì chính TGS cũng có xu hướng chuyên tâm vào thị trường nội địa, nên Microsoft cũng không có lý do gì để tham dự và thu hút truyền thông quốc tế.

Ở chiều ngược lại, Sony vẫn xuất hiện với gian giới thiệu hoành tráng nhất, gồm nhiều tựa game đa dạng, nhiều “bom tấn” sắp ra mắt cho khách tham dự chơi thử, kỳ công nhất là quầy giới thiệu PlayStation VR và The Last Guardian. Quả thực không có sự cạnh tranh nào hết, chiến thắng đã mặc định dành cho “ông lớn” này.


Tokyo Game Show 2015

Tokyo Game Show 2015

Lý do cuối cùng khiến TGS 2015 dù mở rộng về diện tích nhưng lại thu hẹp về quy mô chính là game mobile. Tiếp tục sự thống trị từ TGS 2014, mobile vẫn tiếp tục bành trướng và cùng với game PC miễn phí trở thành trọng tâm của sự kiện năm nay. Gian hàng GranBlue Fantasy được đề cập ở trên chính là gian hàng lớn nhất tại TGS 2015, tuy chỉ dành cho duy nhất một game nhưng lại chiếm diện tích ngang bằng với toàn bộ không gian giới thiệu PlayStation của Sony.

Tựa game mobile RPG này cũng chiếm toàn bộ không gian quảng cáo sự kiện tại nhà ga Kaihin Makuhari, chưa kể những suất quảng cáo giờ vàng trên TV suốt những tháng vừa qua. Ở phía bên kia của hội trường là những gian giới thiệu lớn của Clash of Clan (Supercell), Star Wars Battlefront (Electronic Arts), và Wargaming cũng không chịu kém cạnh với hai không gian rộng giành cho World of Tanks và World of Warships, thậm chí còn cho đỗ hẳn một chiếc xe tăng thật trước hội trường triển lãm. Đó là chưa kể tới những GREE, DeNA, DMM… khu vực game mobile và game social có tới vài tá gian hàng, chiếm diện tích bằng cả bốn hay năm quầy của các nhà phát hành lớn cộng lại.

Trái ngược với mảng game mobile, không có một game console nào được triển lãm với quy mô lớn như GranBlue Fantasy hay Clash of Clans ngoại trừ Metal Gear Solid V. Tựa game này cũng chiếm hẳn ¾ gian giới thiệu của Konami, phần còn lại dành cho Pro Evolution Soccer (Winning Eleven tại Nhật Bản) và Power Pro Baseball (chủ yếu để quảng bá phiên bản mobile của hai thương hiệu này). Kể cả “bom tấn” Monster Hunter X của Capcom cũng trở thành một chú lùn bên cạnh những tựa game mobile lớn khác – mặc dù đây hoàn toàn không phải là một sự kiện hội tụ đủ các tựa game mobile hàng đầu, một số game luôn đứng top như Monster Strike hay Puzzle & Dragons còn không xuất hiện tại TGS 2015.


Tokyo Game Show 2015

Tokyo Game Show 2015

Trên hết, có vẻ như các nhà phát hành đang đi trên cùng một lối mòn trong quá trình phát triển game console. Hầu như tất cả các tựa game console lớn có mặt tại triển lãm đều là bản mở rộng của một franchise nổi tiếng, với rất ít thay đổi đột phá. Sega đang sản xuất một game Yakuza mới và đưa Phantasy Star Online 2 lên PS4; Atlus hướng tới Persona 5; Koei Tecmo và Namco Bandai gần như chỉ bám vào những anime thành công như Attack on Titan, Naruto,… Sự “đột phá” duy nhất bạn có thể thấy là sự thay đổi diện mạo của một số tựa game lớn theo kiểu gần như “đạo nhái”, khi mà Counter-Strike mặc trang phục của Resident Evil, Minecraft được sửa đổi cho giống Dragon Quest.

Một điểm nhấn khác tại sự kiện là công nghệ thực tế ảo VR, không chỉ đến từ PlayStation VR, mà còn cả Oculus, với gian giới thiệu cả hai sản phẩm mới nhất là Oculus Rift và Samsung Gear VR, mặc dù thiết kế gian hàng có hơi tệ khiến bất cứ ai không xếp hàng để thử bộ headsets sẽ không thấy được điều gì cả. Ngoài ra, nhiều quầy nhỏ hơn cũng giới thiệu những bản demo VR, bộ điều khiển VR, phụ kiện VR. Không chỉ ở phương Tây, có vẻ như bất cứ thị trường “hardcore”, công nghệ cao nào cũng nhắm tới VR là “vị cứu tinh” trước làn sóng game mobile và game social. Thế nhưng VR vẫn chưa có một tựa game đỉnh nào cho chính mình, sự xuất hiện của công nghệ này ở đây tuy đem lại nhiều kỳ vọng, nhưng có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng để chiếm lĩnh thị trường. Thử nghiệm những thiết bị VR tại TGS cho ta cảm giác như đang chạm tới tương lai, song chỉ để nhắc nhở chúng ta rằng tương lai đó vẫn còn đang cách khá xa.

Chắc chắn rằng giờ đây TGS đã không còn là một sự kiện game quốc tế nữa, mà mục tiêu của sự kiện đã được nhắm riêng tới thị trường nội địa Nhật Bản, và nếu bạn không có ý định thâm nhập vào thị trường này, đây có lẽ không phải là nơi bạn bắt buộc phải đến. Nội dung chính mà chúng ta có thể rút ra từ sự kiện lần này là sự hùng mạnh của Sony, cùng với mảng game mobile đang trong thời kỳ hoàng kim của nó, các nhà phát hành vẫn chưa chắn chắn về tương lai ngành game nên hầu như ai cũng chọn cho mình giải pháp an toàn.

Theo Gamesindutry

 

Tokyo Game Show 2015 - Game mobile tràn ngập khắp mọi nơi