Tổng hợp tin tức thị trường game Hàn Quốc đáng chú ý năm 2014

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/02/2015 0:00 AM

Sau đây, chúng ta cùng điểm lại một số tin tức đáng chú ý về thị trường game Hàn Quốc trong năm 2014.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao?

Nhắc đến đất nước Hàn Quốc, chắc hẳn các bạn trẻ đều nghĩ ngay tới K-pop, một lĩnh vực đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và dữ dội, đại diện tiêu biểu cho sự hưng thịnh của ngành công nghiệp văn hóa xứ kim chi. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng K-pop cũng là món hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn nhất trong số sản phẩm văn hóa.

Vậy cái gì mới là số 1? Câu trả lời chính là game

Theo như Tập đoàn tài chính của nhà nước Hàn Quốc cho biết, doanh thu xuất khẩu game của Hàn Quốc trong năm 2012 đã đạt mức 2,6 tỷ USD, đóng góp tới 57% vào tổng thu nhập từ các sản phẩm văn hóa xuất khẩu đất nước này. Con số trên cũng gấp 11 lần số tiền 235 triệu USD có được từ xuất khẩu nội dung K-pop trong cùng năm 2012.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 1

Biểu đồ doanh thu xuất khẩu của ngành game Hàn Quốc

Trong kim ngạch xuất khẩu game năm 2012, doanh thu từ xuất khẩu game online chiếm 91,4%, đạt 2,41 tỷ USD , xếp thứ 2 là game mobile với 169 triệu USD và tăng trưởng hơn năm 2011 tới 402,1%. Tuy khoảng cách doanh thu xuất khẩu giữa game online và mobile là rất lớn, nhưng phía các nhà phân tích nói rằng nó đang được thu hẹp nhanh chóng bởi ngày càng có nhiều người sử dụng smartphone và đường truyền internet mobile tốc độ cao.

Ngành công nghiệp game có thể kết hợp với nhiều ngành công nghiệp khác ví như điện ảnh, hoạt hình, nhân vật hình tượng và thiết kế”, ông Kim Hee-tae, một nhà nghiên cứu ở tập đoàn, nói. “Nó có thể tạo ra giá trị tăng thêm rất lớn”.

Nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc

Theo tin tức từ cuối tháng 3 năm 2014, công ty internet lớn nhất Trung Quốc là Tencent đã chính thức công kế hoạch bỏ ra 500 triệu USD để mua lại 28% cổ phần của CJ Games. Nếu thương vụ này được diễn ra một cách suôn sẻ, nó sẽ biến Tencent trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại công ty game lớn nhất Hàn Quốc hiện nay.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 2

Các nhà phân tích cho biết rằng thương vụ này phản ánh sự công nhận quốc tế của khả năng cạnh tranh từ những nhà sản xuất game Hàn Quốc.

Ông Mã Hóa Đằng, chủ tịch của Tencent, phát biểu rằng mối quan hệ này là sự kết hợp của kỹ năng phát triển game tiên tiến của CJ Games với khả năng vận hành và làm đại lý mạnh mẽ của Tencent tại Trung Quốc. “Chúng tôi mong muốn hợp tác với CJ Games để mang lại những trải nghiệm kỳ thú và chất lượng cao ở lĩnh vực game mobile cho cơ sở người sử dụng của mình”, ông Mã nói.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 3

Trung Quốc là nhà tiêu thụ lớn nhất của game Hàn Quốc, đất nước này đã chi ra 1,01 tỷ USD để nhập khẩu game Hàn Quốc trong năm 2012. Xếp ở vị trí thứ 2 là Nhật Bản với 703,3 triệu USD và tiếp đó là khu vực Đông Nam Á với 496,3 triệu USD, theo như dữ liệu từ Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc.

Tăng cường hỗ trợ từ phía nhà nước

Vào đầu tháng 4 năm 2014, chính phủ Hàn Quốc nói rằng họ sẽ cho xây dựng một quỹ đầu tư trị giá 200 tỷ won với đối tác Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất nội dụng văn hóa Hàn Quốc, bao gồm cả các nhà phát triển game, thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 4

Theo kế hoạch được soạn thảo bởi cơ quan chức năng phía Hàn Quốc, Hàn Quốc và Trung Quốc đều sẽ đóng góp 100 tỷ won, số tiền được tới từ kho bạc của chính phủ và các công ty tư nhân. Các sản phẩm được tạo ra với nguồn tài chính tới từ quỹ chung này có thể vượt qua những quy định nhập khẩu nghiêm ngặt của Trung Quốc vì chúng sẽ được công nhận là sản phẩm hợp tác của hai đất nước.

Trung Quốc là một trong những thị trường nội dụng lớn nhất thế giới, nhưng các công ty Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc thâm nhập bởi những rào cảo thương mại nghiêm ngặt”, ông Cho Hyun-jae, Thứ trưởng bộ văn hóa Hàn Quốc, cho biết. “Chúng tôi hi vọng rằng quỹ này sẽ giúp các sản phẩm nội dung của Hàn Quốc tiến vào thị trường Trung Quốc”.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 5

Động thái này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều ngân hàng lớn của Hàn Quốc như EximBank và Industrial Bank of Korea mở rộng hỗ trợ tài chính tới hàng trăm tỷ won cho ngành công nghiệp giải trí và nội dung.

Những khó khăn

Với những gì đã nói ở trên, có vẻ như tất cả mọi đều đang “thuận buồm xuôi gió” và sẽ giúp đẩy mạnh ngành công nghiệp game Hàn Quốc. Nhưng chính nhiều người trong ngành lại nói rằng họ nghi ngờ tác dụng thực sự của các động thái này nếu như không bỏ đi những cái được ví như “viên gạch” đang kìm hãm sức tăng trưởng của ngành game Hàn Quốc.

Ngành game Hàn Quốc thời gian qua ra sao? 6

Vấn đề lớn nhất hiện nay đó là chính phủ Hàn Quốc đang coi game là thủ phạm chính đứng đằng sau nhiều rắc rối xã hội có liên quan tới thanh thiếu niên. Do đó, nhà nước đã công bố một loạt các quy định gây khó khăn cho ngành game”, ông Kim Sung-kon, giám đốc Hiệp hội giải trí kỹ thuật số và quốc tế Hàn Quốc, cho biết. “Tôi không chắc ngành game có thể sống sót dưới môi trường pháp lý như thế này”.

Trong năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã đưa một lênh giới nghiêm cấm người dân từ 18 trở xuống truy cập vào game online qua đêm. Từ đó cho tới nay, ngành game Hàn Quốc đã phải chịu thêm nhiều đạo luật hạn chế và sự công kích của một số cá nhân coi game như một dạng tệ nạn xã hội khác nữa.

Game Hàn Quốc rất tự tin trước sự xâm nhập của Trung Quốc

Theo lời từ các chuyên gia phân tích và người trong ngành cho biết, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp game được dự kiến rằng sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà phát triển game Hàn Quốc thay vì đe dọa họ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các công ty game Hàn Quốc nói rằng, điều quan trọng lúc này là có thể cung cấp nhiều nội dung game với chất lượng tốt hơn khi ngành công nghiệp game toàn cầu đang trở nên thống nhất và không biên giới.

Game Hàn ngày càng tự tin

Trong nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nước ngoài màu mỡ nhất của những công ty game Hàn Quốc.

Nhưng trong thời gian gần đây, nhiều công ty game lớn mạnh tại Trung Quốc đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang thị trường game Hàn Quốc. Họ không chỉ phát hành game thông qua những nhà phân phối game Hàn Quốc mà còn chủ động đầu tư nhiều hơn.

Vào hồi đầu tháng 3 năm 2014, hãng IT khổng lồ Tencent có đưa ra thông báo rằng họ sẽ đầu tư 500 triệu USD vào CJ E&M Games, thông qua đó tìm đường đến với thị trường game online của Hàn Quốc. Hiện nay, CJ E&M Games đang là cổ đông lớn thứ hai của Kakao, nhà vận hành của nền tảng game mobile lớn nhất Hàn Quốc là Kakao Game.

Tencent đầu tư 500 triệu USD vào CJ Games

Tencent đầu tư 500 triệu USD vào CJ Games

Thêm đó, các nhà phát triển game hàng đầu Trung Quốc khác như Perfect World và KongZhong cũng đã bắt đầu phát hành những sản phẩm ăn khách của mình tại quê nhà sang thị trường láng giềng. Những hãng game tới từ Trung Quốc đang không ngừng tấn công trên mọi nền tảng từ gMO, webgame, game social cho tới game online client truyền thống.

Thị trường game mobile nội địa Hàn Quốc đã liên tục đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm nay, nhờ vậy mà tạo lý do cho các công ty game Trung Quốc nhăm nhe tới nó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo cơ sở nghiên cứu thị trường game mobile Distimo cho hay, Hàn Quốc đang nắm giữ 10% thị trường game mobile toàn cầu trong năm 2013, có doanh thu đạt 1,28 tỷ USD, xếp thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nhật Bản. Trên hệ thống Play Store của Google, Hàn Quốc đang giữ vị trí thứ 2 về doanh số ứng dụng game, theo sau Nhật Bản.

Không còn biên giới

Nhiều doanh nghiệp game lớn tại Hàn Quốc nói rằng khi mà tiến bộ công nghệ trên nền tảng game online và game mobile ngày càng phát triển, dần xóa mờ biên giới ràng buộc giữa các quốc gia và khu vực, đó là lẽ tự nhiên để các công ty game có thể dễ dàng mở rộng phạm vi kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các công ty game Hàn Quốc, bao gồm cả Nexon, đax mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc cũng giống như cách các công ty Trung Quốc đang bắt đầu làm tại đây. Đúng là chất lượng của game Trung Quốc đã được cải thiện nhiều trong vài năm qua”, một nhân viên của Nexon nói. “Chúng tôi đang mở cửa để phát hành nhiều sản phẩm hay mà không phân biệt tới quốc tịch của nó và ở trong bối cảnh tương tự đó, Nexon, với tư cách là một nhà phát triển game lớn, có thể tập trung nhiều sức lực hơn để sản xuất ra những game có chất lượng tốt nhất”.

Một người trong ngành game Hàn Quốc có nói với The Korea Times rằng bộ phận những nhà phát triển game cỡ nhỏ và vừa có thể sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng phạm vi ảnh hưởng hơn với sự gia tăng của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực phát hành game.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoại trừ việc một vài game Trung Quốc vẫn còn quá non về mặt chất lượng để đe doa tới các game Hàn Quốc, sự hiện hiện của nhiều nhà phát hành Trung Quốc trên thị trường đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội hơn cho những nhà phát triển game nhỏ tại Hàn Quốc, đặc biệt là bộ phận đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác với nhà phát hành nội địa. Tuy nhiên, một số nhà phát hành Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh khó nhằn hơn”.

Hàn Quốc là đất nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo mới được công bố hồi cuối tháng 6 bởi nhà cung cấp internet Akamai Technologies của Mỹ cho thấy, trong quý 1 vừa qua, tốc độ đường truyền internet trung bình trên toàn cầu tiếp tục có tăng trưởng ổn định. Cụ thể hơn, so với quy trước thì có tăng 1,8%, và so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 24%, đạt tốc độ trung bình là 3,9 Mbps.

Bảng xếp hạng các quốc gia/khu vực theo tốc độ internet trung bình của Akamai

Bảng xếp hạng các quốc gia/khu vực theo tốc độ internet trung bình của Akamai

Như chúng ta có thể thấy ở danh sách trên, hiện nay, Hàn Quốc là đất nước có tốc độ internet trung bình nhanh nhất thế giới, giữ tốc độ tăng trưởng theo quý là 8% và theo năm tới 145%, đạt 23,6 Mbps, cao hơn hẳn Nhật Bản với 14,6 Mbps ở vị trí thứ 2. Bên cạnh đó, 3 khu vực top đầu đều đến từ Đông Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông, phần còn lại đều là những quốc gia nằm ở khu vực có đời sống cao ở Bắc Âu.

Báo cáo của Akamai còn chỉ ra rằng, nhìn từ góc độ toàn cầu thì có tới 98 khu vực đã có biểu hiện gia tăng tốc độ internet trong quý 1 vừa qua, trong đó có tới 39 quốc gia đạt tỷ lệ tăng trưởng hơn 10%. Ngoài ra, cũng có 39 quốc gia có sự sụt giảm tốc độ internet trung bình, trong đó Pháp giảm ít nhất với tỷ lệ 0.1%, giảm nhiều nhất là Nepal với 28%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, trong quý 1/2014 vừa qua, băng thông cao tốc toàn cầu(băng thông trên 10Mbps) đã lần đầu tiên đột phá mức độ phổ cập 20%, khiến lượng người sử dụng tăng trưởng 9,4%. Hàn Quốc tiếp tục là đất nước có tỷ lệ phổ cập internet băng thông cao tốc cao nhất thế giới, đạt tỷ lệ tăng trưởng 8,2% trong quý vừa qua.

Tuy nhiên, dựa trên số liệu của Akamai cũng cho thấy, tốc độ internet nhanh nhất trung bình trên toàn cầu trong quý 1 đã giảm 8,6% và đạt 21,2 Mbps. Ngoài ra, có nhiều quốc gia đang gia tăng tốc độ internet để chuẩn bị tốt cho dịch vụ clip 4K, trong đó thì Hàn Quốc đã có 60% kết nối hoàn toàn thích hợp với clip 4K.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về phương diện mạng internet di động, trong tổng số 56 quốc gia được tính toán, Hàn Quốc là nước có tốc độ kết nối di động nhanh nhất, đạt 14,7 Mbps. Cần lưu ý rằng, Hàn Quốc cũng là khu vực duy nhất có tốc độ kết nối internet di động trung bình vượt hơn 10 Mbps, có thể nói rằng Hàn Quốc là quốc gia có tiêu chuẩn băng thông cao tốc hàng đầu thế giới.

Có 20 quốc gia khác có tốc độ internet di động trung bình trong khoảng 4 Mbps đến 10 Mbps, phù hợp với tiêu chuẩn phổ thông.

Akamai có đưa ra dự kiến rằng tốc độ internet trung bình toàn cầu sẽ đạt 4 Mbps trong quý 2 năm nay.

Công ty game mobile Hàn Quốc "bị ép" sát nhập để cạnh tranh

Trong năm vừa qua, thị trường game mobile Hàn Quốc đã chứng kiến vài thương phụ mua lại và sát nhập của những tên tuổi lớn. Bao gồm CJ Netmarble và CJ Games kết hợp lại để thành lập Netmarble Games Corporation; Gamevil mua lại Com2uS ở cuối năm 2013. Trong khi không phải là một công ty game truyền thống nhưng khả năng phân phối game tới một lượng lớn người chơi mà Kakao cũng đã sát nhập với Daum.

Với sự canh tranh ngày càng tăng từ cả thị trường nội địa Hàn Quốc và những nước hàng xóm ở Châu Á, các nhà phát hành game xứ kim chi đang bị buộc phải sát cánh lại với nhau để giữ vững tăng trưởng. Họ cũng đang phải phụ thuộc nhiều hơn và những ứng dụng xã hội trên di động để ổn định lượng người chơi thay vì các phương thức quảng cáo truyền thống. Dường như mọi người đang trở nên quá bận rộn với chiếc điện thoại của mình và không còn quan tâm tới các tấm biển quảng cáo ở nơi công cộng như bến xe hay bến tàu điện ngầm nữa.

Top công ty có doanh thu game mobile cao nhất Hàn Quốc trong tháng 9/2014 theo App Annie

Top công ty có doanh thu game mobile cao nhất Hàn Quốc trong tháng 9/2014 theo App Annie

Theo như báo cáo mới từ cơ sở App Annie, các vụ sát nhập trên đang bắt đầu mang lại thành quả, đặc biệt là nhìn vào bảng xếp hạng top doanh thu hồi tháng 9 vừa qua. Một vài game trong top đầu đã đạt được thành công lớn qua những thương vụ đình đám thời gian qua.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến Gamevil mua lại Com2uS. Việc kết hợp thế mạnh của cả hai công ty đã tạo lực đẩy lớn giúp sản phẩm Summoners War leo top nhanh chóng kể từ thời điểm chính thức phát hành từ tháng 4. Bên cạnh đó, Netmarble Games Corporation cũng đang dẫn đầu top công ty có doanh thu cao nhấp, sở hữu 3 trong top 10 game mobile hàng đầu tháng 9 tại Hàn Quốc trên cả hệ thống iOS và Android.

Top ứng dụng có doanh thu cao nhất Hàn Quốc trong tháng 9/2014 theo App Annie

Top ứng dụng có doanh thu cao nhất Hàn Quốc trong tháng 9/2014 theo App Annie

Với mức độ cạnh tranh quyết liệt trong bản xếp hạng doanh thu game mobile tại Hàn Quốc, bản báo cáo của App Annie cũng chia sẻ rằng thị trường game mobile Hàn Quốc là một trong những thị trường có độ cạnh tranh kinh khủng nhất trên thế giới. Thậm chí, thị trường game online PC truyền thống ở nước này còn dễ dự đoán hơn rất nhiều.

Để thích ứng với tình cảnh đó, các công ty đang gia tăng sức mạnh của các ứng dụng xã hội ví như nền tảng KakaoGames của KakaoTalk nhằm giúp người chơi tìm kiếm game dễ dàng hơn.

Vì sao ngành game Hàn Quốc lại bắt đầu "giống" Trung Quốc?

Với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay, quy mô thị trường game mobile Trung Quốc đã chính thức vượt qua người hàng xóm là Hàn Quốc. Số tiền đầu tư khổng lồ của thị trường game Trung Quốc đều chảy vào lĩnh vực game mobile, và ngay cả ngành game mobile Hàn Quốc cũng đang ngày càng ỷ lại vào thị trường game mobile Trung Quốc. Đến nay, ngành game mobile Hàn Quốc đã bắt đầu phát triển những phương pháp “noi theo” ngành game mobile Trung Quốc, và đây cũng là một hiện tượng mà khó ai có thể ngờ tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát sinh hiện này không chỉ đơn giản do bản thân ngành game Hàn Quốc đang gặp khúc mắc ở phương hướng phát triển, mà nó còn đến từ chuyện nhân sĩ làm game Hàn Quốc đang quy kết Chính Phủ Hàn Quốc đã có những quy định pháp luật quá hà khắc và khô khăn đối với ngành game.

Dựa theo báo cáo mới được phát hành bởi GPC vào ngày 10 tháng 10 cho thấy, quy mô thị trường game Trung Quốc năm 2013 đã đạt 83,17 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm 2012, và gấp hơn 5 lần so với năm 2008. Trong đó, quy mô thị trường game client đạt 53,66 tỷ nhân dân tệ, chiếm 64,5% thị phần ngành game Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong vài năm gần đây, số lượng người chơi game ở Trung Quốc cũng đã có sự gia tăng bùng nổ. Ở thời điểm năm 2008 thì số lượng người chơi game mới ở khoảng 67 triệu người, nhưng đến năm 2013 thì con số này tăng lên 495 triệu người, gấp 7,4 lần trong vòng 5 năm. Số lượng người sử dụng game mobile Trung Quốc cũng thuận theo đó mà tăng trưởng nhanh chóng, trong năm 2013 thì đã có 310 triệu người sử dụng, tăng 248,5% so với năm 2012. Hơn nữa, thu nhập thị trường game mobile Trung Quốc năm 2013 cũng đã đạt 11,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 246,9% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, dựa theo báo cáo của Viện chấn hưng văn hóa Hàn Quốc cho biết, quy mô thu nhập ngành game Hàn Quốc năm 2012 đạt 2,64 tỷ USD, trong đó thu nhập kiếm được từ thị trường Trung Quốc đã là 1,02 tỷ USD và giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành game Hàn Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở phương diện thu nhập từ xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài của ngành game Hàn Quốc, thị trường Trung Quốc đang chiếm tỷ lệ ngành càng cao. Từ năm 2008, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành game Hàn Quốc với tỷ lệ 26,7%, cao hơn hẳn so với Nhật Bản trước đây với 20,8%. Kể từ đó cho tới nay, con số này ngày càng được gia tăng, năm 2009 đạt 34,9%, năm 2010 đạt 37,1%, 2011 đạt 38,2%, năm 2012 đạt 38,6, và đến năm 2013 thì đã vượt hơn 40%. Ngày nay, tổng thu nhập của ngành game Hàn Quốc có đến gần 1/2 là tới từ thị trường Trung Quốc.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent… đều hướng về thị trường game Hàn Quốc để tiến hành đầu tư. Các chuyên gia từ ngành game Hàn Quốc chia sẻ rằng nếu cứ để hiện trạng này tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì nhân tài và kỹ thuật của ngành game Hàn Quốc dần dần đều bị thị trường Trung Quốc lũng đoạn hết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng này đã đi đến mức không dễ gì giải quyết được bởi theo chính sách của ngành game Hàn Quốc thì mở rộng doanh thu lên cao đương nhiên là tốt, nhưng lại đang có phần ỷ lại quá vào thị trường Trung Quốc, cuối cùng dẫn tới chuyện sức ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc ngày càng cao. Mặc dù hiện nay bàn chuyện ngành game Trung Quốc có thể thâu tóm thế giới là hẵng còn quá sớm, nhưng Alibaba, Tencent cùng nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc khác đều đang có tốc độ phát triển rất nhanh và đang ngày càng có tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, nên khả năng trên không phải là hoàn toàn không có khả năng xảy ra.

Hơn nữa, Hàn Quốc có chính sách hà khắc đối với ngành game cũng góp phần khiến cho tình trạng trên diễn ra theo hướng tiêu cực hơn. Chính sách hiện nay của Hàn Quốc đã khiến cho nhiều tựa game nội địa không thể nào đi vào vận hành được, và khiến thị trường tư bản của các tập đoàn đầu tư game dần dần biến mất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngược lại, nó đã tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp game Trung Quốc có thể bỏ tiền đầu tư rồi mua lại những công ty game Hàn Quốc, và khiến game Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc ngày càng nhiều. Hiện nay, năng lực nghiên cứu và phát triển của ngành game Trung Quốc đã có phần ngang bằng và vượt trội hơn Hàn Quốc, trước đây đều là game Trung Quốc sao chép game Hàn Quốc, nhưng bây giờ thì tình thế đã có phần đảo ngược.

Game Hàn Quốc tích cực thâu tóm các thị trường mới nổi

Dựa theo số liệu điều tra từ “Sách bìa trắng ngành game Hàn Quốc 2014” do Bộ thể thao văn hóa và du lịch kết hợp cùng Viện nghiên cứu kỹ thuật số Hàn Quốc hợp tác thực hiện và mới phát hành gần đây cho thấy, quy mô ngành game Hàn Quốc năm 2013 đạt khoảng 9,719 tỷ won (khoảng 190,000 tỷ VNĐ), giảm 0,3% khi so với con số 9,752 ở năm 2012. Qua đó, ta thấy rằng ngành game Hàn Quốc đang có dấu hiệu giảm sút và cần tìm kiếm những giải pháp mới.

Ở Hàn Quốc, game vốn là một ngành công nghiệp mũi nhọn nên sự sụt giảm của nó đã gây nên sức ảnh hưởng to lớn tới tổng thể ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Từ góc nhìn kinh tế học Hàn Quốc mà nói, nếu sức tăng trưởng ngành công nghiệp bị giảm 1%, nó sẽ tương đương với chuyện 100,000 người bị mất việc làm.

ArcheAge

ArcheAge

Trong tháng 1 năm 2013, nhân sự của ngành game Hàn Quốc đã bị giảm mất 3000 người, đặc biệt là nhóm các chuyên gia nghiên cứu và phát hành. Có thể thấy rằng, thị trường game Hàn Quốc đang ở trong một giai đoạn vô cùng khó khăn.

Dưới bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp game Hàn Quốc chỉ có thể phát triển hướng ngoại. Ngoài những đối tác truyền thống ở Trung Quốc hay Đông Nam Á ra, game Hàn Quốc đang bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường mới nổi như Nam Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Allods Online là một sản phẩm rất thành công của ngành game online Nga

Allods Online là một sản phẩm rất thành công của ngành game online Nga

Trong đó sự lựa chọn hàng đầu của các nhà làm game Hàn Quốc chính là Nga. Hiện nay, Nga đang có 140 triệu nhân khẩu, trong đó có 46 triệu game thủ cơ sở, qua đó biến Nga trở thành một trong những thị trường game mới nổi đáng chú ý nhất trên thế giới. Quy mô thị trường game online PC của Nga trong năm 2013 đã đạt 1 tỷ USD, lớn gấp 12 lần so với 5 năm trước. Theo dự tính của cơ sở nghiên cứu SuperData cho thấy, quy mô thị trường game online của Nga sẽ đạt 1,9 tỷ USD trong năm 2016.

Dựa trên những số liệu tăng trưởng khả quan đó, các nhà phát triển game Hàn Quốc đã sớm nắm tình hình, tiến quân vào thị trường của Nga và đạt được những thành tích hơn cả mong đợi. Gần đây nhất, tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm ArcheAge của hãng XL Games. Sau khi chính thức đi vào giai đoạn open beta rộng rại tại thị trường Nga kể từ cuối tháng 2 năm 2014, ArcheAge đã đạt thành tích 100,000 DAU (số lượng người sử dụng mỗi ngày), dự kiến mang lại doanh thu 30 triệu USD từ riêng thị trường Nga tính đến hết năm nay.

Họp báo ra mắt ArcheAge tại thị trường Nga

Họp báo ra mắt ArcheAge tại thị trường Nga

Ngoài game online PC, thị trường game mobile của Nga cũng đang có những bước phát triển rất đáng chú ý. Dựa theo số liệu từ báo cáo của công ty phân tích thị trường Newzoo cho thấy, quy mô doanh thu thị trường game mobile Nga hiện đang đứng thứ 12 trên thế giới và đã đi vào giai đoạn phát triển rất “chín”. Hơn nữa, với tốc độ phổ cập trang thiết bị di động nhanh chóng trên toàn quốc, thị trường game mobile của Nga vẫn còn rất nhiều đất trống để phát triển trong tương lại.

Bên cạnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang là một trong những thị trường nhận được nhiều chú ý nhất của các hãng game Hàn Quốc. Theo như thông tin từ các kênh truyền thông địa phương cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang có 36 triệu người sử dụng internet, trong đó có 25 triệu người sử dụng game và có gần 50% người chơi game có tiền sử trả phí hay nạp tiền.

Trước mắt, thị trường game Thổ Nhĩ Kỳ đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 40%, xu hướng phát triển có nhiều điểm tương đồng với ngành game Hàn Quốc hồi đầu thế kỷ 21. Thêm nữa, các game online của Hàn Quốc sản xuất cũng rất phổ biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, tiêu biểu có thể kể tới vài cái tên như Wolfteam của Softnyx, Metin 2 của Ymir Entertainment, hay Silkroad của JoyMax, Dragon Nest của Eyedentity Games… Ngoài ra, thị trường game mobile tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu hình thành và có tốc độ phổ cập nhanh chóng, vì thế mà các hãng game Hàn Quốc chắc chắn cũng sẽ không bỏ qua.

Silkroad là một trong những game online Hàn Quốc tạo được dấu ấn tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Silkroad là một trong những game online Hàn Quốc tạo được dấu ấn tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù, không ít những hãng game Hàn Quốc gặt hái được thành công tại các thị trường mới nổi như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nam Mỹ…, nhưng đầu tư lớn vào các quốc gia trên cũng có rất nhiều nguy hiểm và rủi ro. Thêm vào đó là sự phát triển thần tốc cũng như cạnh tranh tới từ các thị trường quen thuộc của Hàn Quốc như Trung Quốc và Đông Nam Á lại càng khiến ngành game Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, phương án tốt nhất đối với các hãng game Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại là tiến hành hợp tác với các nhà phát hành địa phương trước tiên, sau đó tìm hiểu rõ về thị trường mới và rồi từ từ gia tăng đầu tư.

 

>>Tổng hợp tin tức thị trường game Trung Quốc đáng chú ý năm 2014