Tổng hợp tin tức thị trường game console trong năm qua

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/02/2015 0:00 AM

Sau đây, chúng ta cùng điểm lại một số tin tức đáng chú ý về thị trường game console trong năm qua.

PS4 và Xbox One đều sẽ bán được 100 triệu máy

Theo một dự báo mới được cập nhật của cở sở nghiên cứu thị trường DFC Intelligence cho thấy, ngành công nghiệp game toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 68 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 96 tỷ USD trong năm 2018.

Bản dự báo 5 năm này đã được cập nhật nhờ có sự tiến triển mạnh mẽ của thị trường, bao gồm cả sự ra mắt của Grand Theft Auto V lẫn 2 hệ thống console mới từ Sony và Microsoft vào giai đoạn cuối 2013. Người phụ trách của DFC nói rằng, cả 2 hệ thống Xbox One và PlayStation 4 đều sẽ bán được khoảng 100 triệu máy mỗi loại tính đến năm 2020. Trước đây, DFC đã đưa ra dự đoán ngành game chỉ đạt 82 tỷ USD tính đến năm 2018. Cần lưu ý rằng, Wii của Nintendo là hệ thống console duy nhất tiêu thụ được hơn 100 triệu máy ở thế hệ trước.

PS4 và Xbox One đều sẽ bán được 100 triệu máy 1

Xbox One và PlayStation 4

Nghiên cứu này bao gồm doanh thu từ cả game PC, game console và game mobile. Nó cũng bao gồm cả chi tiêu cho phần cứng trên những thiết bị game.

DFC luôn luôn thận trọng trong từng bản dự báo của mình”, chuyên gia phân tích David Cole của DFC nói. “Năm ngoái, chúng tôi đã quan tâm nhiều tới sự cạnh tranh đến từ lượng lớn nội dung free-to-play và sự tăng trưởng thần tốc của mobile. Biểu hiệu nghèo nàn của hệ thống Wii U cũng là một việc rất đáng chú ý”.

Theo lời ông Cole, những tháng cuối cùng của năm 2013 đã cho thấy những dấu hiệu tích cực cho sức tăng trưởng của ngành game trong tương lai.

PS4 và Xbox One đều sẽ bán được 100 triệu máy 2

Sự ra mắt ấn tượng của PlayStation 4

Trước đây, nhiều người đã lo lắng tới khả năng bộ phận người tiêu dùng chính đang mất dần hứng thú với thị trường game" ông Cole nói. “Sự thành công ngoài sức mong đợi của Grand Theft Auto V và sự ra mắt ấn tượng của PS4 và Xbox One đã loại bỏ được tình huống trên”.

Thêm nữa, thị trường game PC và mobile có dự kiến sẽ tăng trưởng với một tốc độ ổn định. Thị trường PC game toàn cầu có thể chạm mức 26 tỷ USD trong năm 2014 sau khi trải qua một năm 2013 khá chậm chạp ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu.

Game console và PC sẽ giảm mạnh doanh thu trong 5 năm tới

Theo một bản báo cáo mới từ cơ quan phân tích Juniper Rearch cho thấy, doanh thu của game console và PC sẽ guy giảm 11% từ 46,5 tỷ USD trong năm 2014 xuống 41 tỷ USD trong năm 2019. Đó là một bước suy giảm mạnh đối với thế hệ game console hiện tại và khiến rất nhiều người trong ngành phải lo lắng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Juniper cũng nói rằng, bất chấp sự trỗi dậy của game mobile, lĩnh vực game console và PC vẫn sẽ chiếm hơn 50% doanh thu của toàn ngành game trong hơn 5 năm tới. Điều đó đồng nghĩa với chuyện doanh thu game mobile sẽ không tăng trưởng nhanh tới mức đủ để lấn át của những thể loại game truyền thống.

Tuy doanh số bán hàng của game console và PC trong ngành vẫn sẽ giữ được phong độ tốt, nhưng các công ty game cũng không nên quá tin tưởng và cường điệu về một mức tăng trưởng bất tận. Bản báo cáo của Juniper có lưu ý tới việc doanh thu được thúc đẩy nhờ sự ra mắt của Xbox One và PS4 từ tháng 11 năm ngoái, nhưng họ cũng cảnh báo rằng đây chỉ là hiện tượng nhất thời mà thôi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về phương diện khác, game cloud sẽ gia tăng doanh thu từ 281 triệu USD trong năm 2014 lên hơn 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Con số khổng lồ đó bao gồm cả doanh thu tới từ các dịch vụ trên nền web như PlayStation Now của hãng Sony.

Ngoài ra, Juniper Research tin tưởng rằng thế hệ game console thứ 9 sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2019, giả định cho thấy vòng đời của mỗi thế hệ console sẽ không thay đổi nhiều. Trên hệ thống PC, các game MOBA như League of Legend sẽ tiếp tục là một trong những thể loại phổ biến nhất. Các thiết bị handheld sẽ đi vào giai đoạn “ngắc ngoải”, chỉ còn đóng góp dưới 2% vào tổng doanh số ngành game trong năm 2018.

Game console đang dần đi đến "ngõ cụt" tiến hóa

Hiện nay, các hệ thống console “next gen” (chính xác hơn là “current gen) như PlayStation 4 hay Xbox One đang gặp phải chút thất vọng về doanh số bán hàng. Rắc rối lớn nhất mà chúng gặp phải chúng là hai cuộc tấn công mạnh mẽ của thế giới game mobile và PC .

Theo thông tin thời gian gần đây, game mobile đang hoàn toàn nắm thế chủ động trước thị trường game console ngay tại Nhật Bản. Đồng thời, khoảng cách về sức mạnh phần cứng giữa thế hệ console hiện tại và PC đang quá chênh lệch. Các hệ thống console đang cố gắng hơn bao giờ hết để trở nên giống với một cỗ PC hiện đại, nhưng với tốc độ tiến bộ công nghệ như hiện nay thì đó là một nỗ lực vô ích.

Smartphone đang ngày càng chứng minh cho mọi người thấy rằng nó xứng đáng là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của lĩnh vực game, và nó hoàn toàn có thể xóa bỏ đi những định kiến lúc ban đầu. Với số lượng hơn 1 tỷ smartphone trên toàn thế giới, nó đang mang lại một lượng khách hàng tiềm năng lớn chưa từng thấy cho ngành game.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự thành công của Nintendo Wii đã đến từ chính khả năng tiếp cận với lượng gamer casual lớn, nhưng giờ đây game mobile đã kế thừa và nâng thành công đó lên một tầng cao mới. Tất nhiên, các gamer truyền thống vẫn sẽ mỉa mai rằng game mobile chỉ toàn thứ “rẻ tiền” và không thể so sánh với những siêu phẩm như The Last of Us , nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng khởi điểm của game console hiện đại cũng không quá phức tạp. Đến khi game mobile đạt đến độ như thế hệ PS3, chắc chắn rằng các sản phẩm sẽ vượt xa khỏi Angry Birds và Candy Crush .

Trong tương lai, xã hội sẽ chấp nhận game mobile và nó sẽ mở cánh cửa dẫn tới thế giới game cho lượng khách hàng lớn gấp bội so với thị trường hôm nay. Trước đây, nhiều người vẫn luôn cho rằng game sẽ vượt mặt tất cả mọi mô hình giải trí khác, nhưng nhờ sự tiện lợi của smartphone mà chuyện đó sẽ đến sớm hơn là điều không ai có thể dự đoán trước được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở mặt khác, PC đang là nền tảng chơi game mạnh nhất trên thế giới. Mỗi thế hệ mới của console đều gia tăng thêm những tính năng online, thêm chức năng multimedia và có đồ họa tốt hơn thế hệ trước, chúng hoạt động giống như một máy tính thu nhỏ. Vấn đề là ở chỗ hầu hết mọi người đều có một hệ thống PC có thể online hay làm multimedia tốt hơn, và với một chút nâng cấp phần cứng thì nó có thể chạy game ở mức cấu hình cao nhất nữa.

Ngày trước, nhiều người có thể tranh cãi rằng console có những tiện ích khác như sự đơn giản, tính an toàn hoặc tiêu chuẩn tốt để trải nghiệm game, tuy nhiên khi console đang ngày càng trở nên giống PC thì những lợi thế đó đang dần mất đi. Các máy console mới đã đẩy cao độ phân giải và khung hình trên giây lên cao làm điểm lôi cuốn khách hàng, nhưng gamer sẽ sớm nhận ra rằng nếu chỉ có vậy thì PC còn ưu việt hơn nhiều. Thực tế, PS4 và Xbox One đã phải rất vất vả để chạy một số game ở mức cấu hình 1080p với 60fps, trong khi những hệ thống PC chuyên dụng cho game ở tầm cao trung có thể dễ dàng phô diễn độ phân giải cao hơn và đạt hơn 120fps.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các hệ thống console mới sẽ còn có thể tự tin trước PC trong bao lâu nữa trước khi lượng người sử dụng của họ quyết định rằng PC là một sự đầu tư tốt hơn? Họ có thể nâng cấp PC theo thời gian, và sử dụng nó cho nhiều mục đích hơn console. Console trong tương lai có thể tập hơn vào yếu tố online nhưng khi các công ty ngừng hỗ trợ thì tính năng online cũng sẽ vô dụng. Trên tất cả, giá game PC đang ngày càng rẻ so với console nhờ có các dịch vụ như Steam, người chơi có vô số lựa chọn với những mức giá rẻ bất ngờ.

Nếu các hệ thống console từ thương hiệu PlayStation và Xbox không thích ứng và sáng tạo hơn, chúng sẽ ngày càng thất thế trước PC về phương diện đồ họa và multimedia. Hãng Nintendo đang ít gặp sức ép từ gọng kìm của smartphone và PC hơn, kể cả khi vị trí của họ đang không mấy thuận lợi ở thế hệ hiện tại. Họ đã chuyển sự tập trung từ cuộc chiến phần cứng mà họ biết sẽ nắm chắc thất bại sang khía cạnh khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với hệ thống Wii, Nintendo đã tìm đến sự sáng tạo và nó đã mang lại thành công mỹ mãn đến độ biến Wii trở thành hệ thống console gia đình bán chạy nhất trong lịch sử. Cho dù Wii U đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Nintendo đang có kế hoạch biến nó trở thành tiêu chuẩn cho thị phần đồ chơi thông minh, nơi Wii U có thể tiếp cận với lượng lớn khách hàng và gặp ít đối thủ cạnh trạnh. Có thể đây là một canh bạc lớn nhưng còn hơn là cố bước chân vào cuộc chiến mà biết chắc phần thua.

Nếu console muốn sống sót, họ sẽ phải sáng tạo và thay đổi đường đi trước khi bước vào một ngõ cụt không lối thoát.

Trung Quốc có đang bí mật phát triển game console?

Trong tháng 12 năm 2014, các kênh truyền thông uy tín ở trong và ngoài Trung Quốc có đưa ra tin đồn về chuyện Alibaba, công ty khổng lồ ở lĩnh vực thương mại điện tử, đang thiết kế một hệ thống console cao cấp của riêng mình để cạnh tranh với Xbox One của Microsoft và PlayStation 4 của Sony tại thị trường Trung Quốc. Tin đồn trên được công bố bởi cơ sở nghiên cứu thị trường Niko Partners thông qua quá trình theo dõi sát sao thị trường game Trung Quốc .

Tuy nhiên, đại diện của hãng Alibaba đã từ chối không bình luận gì về tin đồn nóng hổi này. Bà Lisa Cosmas Hanson, Giám đốc quản lý tại Niko Partners, có nói rằng bà đã nghe ngóng được từ một nguồn tin đáng tin cậy là Alibaba có thể cho phát hành hệ thống console bí ẩn ngay trong năm 2015.

Alibaba là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới

Alibaba là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới

Nhưng, bản thân bà Hanson cũng không dám khẳng định tin đồn trên là đúng hay sai. Và người phát ngôn của Alibaba thì nói rằng họ sẽ không bình luận về những lời đồn trên thị trường. Nếu đây là sự thật, bước đi này có thể gây rung chuyển cả ngành công nghiệp game tại Trung Quốc, nơi game console đã bị cấm trong vòng 15 năm qua.

Trong quãng thời gian từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, Trung Quốc đã chính thức bãi bỏ lệnh cấm cho game console, và Microsoft đã cho ra mắt Xbox One kể từ tháng 9 năm 2014, còn Sony sẽ bắt đầu phát hành PS4 tại thị trường Trung Quốc kể từ ngày 11 tháng 1 năm 2015 sắp tới.

Ông Mã Vân, Chủ Tịch của Alibaba Group

Ông Mã Vân, Chủ Tịch của Alibaba Group, là một trong những người giàu có nhất ngành internet Trung Quốc hiện nay

Hiện nay, Alibaba là một công ty có quy mô toàn cầu, và nếu họ thành công ở Trung Quốc, ai mà biết được điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới lĩnh vực game console ở phần còn lại của thế giới. Có hai nguồn tin khác, bao gồm cả một vị CEO ở một công ty game Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng họ có nghe tới lời đồn tương tự giống của bà Hanson.

Nhưng để cho ra đời một hệ thống console là một công việc rất khó khăn. Hãng Alibaba có thể rút ngắn đường đi của mình bằng cách sử dụng hệ điều hành Android từ Google, nhưng họ sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ trên phương diện đó ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Alibaba sẽ còn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều nhà phát triển và phát hành game để có thể cạnh tranh tốt với Sony hay Microsoft. Bà Hanson tin tưởng rằng Alibaba sẽ không sử dụng hệ điều hành Android hay Linux và tiến thẳng tới một hệ điều hành cao cấp khác.

Game Console vốn luôn được coi là sân chơi của riêng Nintendo, Sony và Microsoft

Game Console vốn luôn được coi là sân chơi của riêng Nintendo, Sony và Microsoft

Alibaba là một trong số ít những công ty có đủ khả năng để tham nhập vào thị trường game console trên thế giới. Từ những báo cáo mới cho thấy, Alibaba có một nguồn tài chính cực kỳ mạnh mẽ và đã kiếm tới 25 tỷ USD (khoảng 500,000 tỷ VNĐ) tiền mặt thông qua lĩnh vực kinh doanh điện tử thương mại của mình. Thời gian gần đây, Alibaba đang hoạt động tích cực hơn trong thị trường game, thậm chí còn đưa ra nhiều chiến lược để cạnh tranh với công ty game lớn nhất Trung Quốc là Tencent.

Trung Quốc ngày một nới lỏng quy định cho game console

Theo thông tin mới nhất từ nhiều trang thông tin địa phương cho biết, các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ mở rộng cánh cửa hơn nữa cho lĩnh vực game console và tạo sự thuận lợi cho Sony và Microsoft bằng cách gỡ bỏ hạn chế về nơi những hệ thống console được phép sản xuất.

Tính từ thời điểm Trung Quốc bắt đầu cho lưu hành game console cho tới nay, công tác sản xuất và vận hành game console mới chỉ giới hạn trong khu vực thương mại tự do ở Thượng Hải với vai trò là một phần trong chương trình thử nghiệm, nhưng chuyện đó đã chính thức kết thúc rồi. Dựa theo thông cáo mới cho hay, công tác sản xuất và vận hành game console có mở rộng trên khắp toàn Trung Quốc, tuy nhiên các chính quyền địa phương sẽ cần xin phép Bộ thương mại Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những bước thay đổi quan trọng này sẽ càng biến Trung Quốc trở thành một thị trường tiềm năng cho game console, mặc cho gốc rễ văn hóa của nó đã ăn sâu vào game PC và game miễn phí (free-to-play). Đương nhiên, Microsoft đang là người vui hơn cả khi hệ thống Xbox One của họ đã có một khởi đầu tương đối thuận lợi hơn hẳn ở thị trường Trung Quốc so với hồi ra mắt tại Nhật Bản, cho dù có phải tạm hoãn mất vài ngày với dự kiến.

Trong khi đó, Sony đã không thể tung ra PlayStation 4 theo đúng lịch trình vào ngày 11 tháng 1 năm 2015 do gặp phải một số khúc mắc chưa thể giải quyết cho tới tận bây giờ. Trong năm 2014, sự xuất hiện một cách hợp pháp của game console tại thị trường game Trung Quốc đã được đánh giá là một trong những xu hướng nổi bật nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều đáng buồn là đại đa phần số game thủ ở Trung Quốc lại chẳng hề quan tâm tới game console, đặc biệt là khi các hệ thống console được phát hành ở đây lại hạn chế bởi những tính năng như khóa khu vực (region lock) và không thực tương thích với các thể loại ưa thích của game thủ Trung Quốc như MMO, MOBA hay RTS .

Game console có thể đã đến với Trung Quốc, nhưng chúng có thể thành công và lôi kéo được người chơi khỏi game PC hay không thì đó lại là câu chuyện khác. Nhưng dù sao, thông tin trên cũng là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy sự cởi mở của Trung Quốc đối với lĩnh vực vốn bị cấm đoán suốt 14 năm qua.

Cuộc chiến game console đã bắt đầu thành hình

Trong cuộc thế hệ console next-gen hay chính xác hơn là thế hệ console thứ 8 hiện tại, Sony đang hoàn toàn áp đảo các đối thủ của mình với PlayStation 4 . Microsoft và Xbox One đang ở xa phía sau với vị trí thứ 2, còn Nintendo và Wii U thì gần như đã nắm chắc phần thua. Nhưng ở mặt trận handhelds, Nintendo mới là số 1 và Sony lại là người ở xa phía sau. Đó là cục diện không ai ngờ của “cuộc chiến console” hiện nay.

Dựa trên các tính toán của VGChartz cho biết, PlayStation 4 đang chiếm 48,1% thị trường console thứ 8 trên phạm vi toàn cầu với khoảng 18,5 triệu máy, Xbox One đứng thứ 2 với khoảng 11 triệu máy đã được bán ra, và Wii U về chót với khoảng 8,9 triệu máy hay tương đương với 23.3%. Sau khi trải qua hai mùa nghỉ lễ giáng sinh, tỷ số đã chính thức được xác lập và đừng mong thị trường sẽ có một biến đổi lớn nào đó trong tương lai, trừ phi xảy ra một phép màu nào đó.

Mặc dù, Nintendo vẫn luôn tự hào rằng họ đang có những tựa game bán chạy bậc nhất như Mario Kart 8 và Super Smash Bros , nhưng vấn đề chính lại nằm ở doanh số yếu kém của hệ thống Wii U. Tuy rằng Wii U có thành tích tương đối tốt ở mùa giáng sinh năm 2014, nhưng chừng đó vẫn là chưa dủ và khiến nhiều người dự đoán là Nintendo sẽ là công ty đầu tiên công bố một hệ thống console mới để thay thế. Thời điểm đó rất có thể sẽ là năm 2016 nếu như Wii U có thể sống sót qua một năm nữa.

Dù sao, Nintendo vẫn có một “nguồn sống” dài hạn nhờ vào thị trường game handheld s. Hiện nay, 3DS vẫn hoàn toàn thống trị lĩnh vực handhelds thế giới với 50,4 triệu máy đã được bán ra, tương ứng với 84% thị trường, còn kình địch PlayStation Vita của Sony mới chỉ có khoảng 9,5 triệu máy, tương ứng với 16% thị trường mà thôi. Nintendo đã có những bước đi hoàn hảo để đè bẹp Sony ở mảng handhelds, và họ đang thu lợi nhuận rất tốt từ sự hỗ trợ mạnh của các nhà sản xuất game thứ ba.

Nhưng Nintendo cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội từ các hệ thống smartphone và tablet, những thiết bị mới nổi và đang chứng tỏ mình là cỗ máy chơi game di động ưu việt, với doanh số lên đến hàng tỷ chiếc trên toàn cầu. Trước mắt, thị phần của Nintendo vẫn đủ để giữ họ trong cuộc chơi nếu biết chi tiêu đúng mực.

Với chiến lược ra mắt đầy thông minh trong năm 2013, Sony đã có thể bứt phá một cách ngoạn mục khi bán PlayStation 4 với mức giá rẻ hơn Xbox One và tập trung vào khả năng chơi game thay vì công năng giải trí gia đình. Nhưng cũng giống với “cuộc chiến console” thế hệ trước, Microsoft đang bắt đầu phản công lại một cách mạnh mẽ.

Ở sân nhà là thị trường Mỹ, Microsoft đã giảm giá Xbox One xuống còn 350 USD, và đạt doanh số bán chạy nhất trong 2 tháng cuối năm ngoái. Hơn nữa, họ lại còn có thể cho ra mắt đúng lịch Xbox One ở thị trường game mới nổi Trung Quốc trong tháng 9/2014, trong khi Sony đã phải hoãn lịch phát hành PlayStation 4 tới hai lần.

Tuy nhiên, Sony vẫn đang là người có lợi thế nhất bởi một lý do nữa. Họ đã quảng bá rộng rãi rằng PlayStation 4 là hệ thống console hoàn hảo nhất cho game thủ, tập trung chủ yếu vào khả năng chơi game của hệ thống và thực sự đã thể hiện được đúng những gì người ta kỳ vọng. Giờ đây, Sony đang chiếm thị phần lớn hơn cả, và điều đó sẽ càng thu hút nhiều nhà phát hành thứ ba mang sản phẩm độc quyền tới cho PlayStation 4 trong tương lai. Và đương nhiên, hệ thống console nào có nhiều sản phẩm độc quyền hấp dẫn và thú vị hơn, hệ thống đó sẽ là người chiến thắng.

Nhìn chung, cả ba nhà phát hành game console lớn nhất thế giới là Nintendo, Sony và Microsoft đều đang kiếm được lợi nhuận theo cách riêng của mình. Thế hệ console hiện nay đang trên đà tăng trưởng và vượt doanh số của thế hệ trước, đương nhiên là trừ Wii U ra, và có thể Nintendo sẽ sớm tính kế để cho ra một hệ thống console mới. Ngành công nghiệp game console toàn cầu cũng đang rất “khỏe mạnh” với sự hỗ trợ tốt từ các công ty bên thứ ba như Activision , Electronic Arts hay Ubisoft .

Trong năm 2015 này, chúng ta sẽ được đón nhận nhiều sản phẩm bom tấn xuất hiện trên cả ba hệ thống. Nintendo có Splatoon, Legend of Zelda: Majora’s Mask 3D, và một hệ thống Nintendo 3DS XL hoàn toàn mới. Microsoft có Rise of the Tomb Raider , Forza Motorsport 6, Halo 5: Guardians, và Ori and the Blind Forest. Và Sony có The Order: 1886 , Uncharted 4: A Thief’s End , Until Dawn và Bloodborne . Tóm lại là đúng như lời một số chuyên gia có nhận xét rằng “Kỷ nguyên vàng mới của ngành game ” đã đến.

Wii U - Hệ thống console "ế" nhất trong lịch sử Nintendo

Năm 2014 dường như là năm của Wii U , khi cả giới nhà phê bình và người hâm mộ đều đưa những lời tán dương có cánh dành cho những game đỉnh như Mario Kart 8, Super Smash Bros . và Bayonetta 2 . Nhưng trong khi Wii U có thể tự hào với nhiều sản phẩm phần mềm chất lượng, hệ thống console này vẫn còn xa mới tới tầm những “cú hit” mà chúng ta thường mong chờ từ Nintendo , và có lẽ họ sẽ phải đưa ra vài quyết định khó khăn trong tương lai gần.

Kể từ khi được phát hành trong năm 2012, Wii U mới chỉ bán được 9.2 triệu máy theo như báo cáo tài chính mới nhất do chính Nintendo công bố, và có thể coi đây vừa là tin tốt, lại vừa là tin xấu. Tin tốt là Nintendo đang hướng tới năm lợi nhuận hoàn toàn đầu tiên kể từ 2012. Nhưng tin xấu là doanh số bán hàng đó cho thấy Wii U không chỉ đang kém dòng sản phẩm Wii nguyên gốc xét trên lượng tiêu thụ, mà nó còn đang đứng sau tất cả các dòng console lớn của Nintendo từ trước tới nay.

Trong đó bao gồm NES, SNES, N64 và ngay cả Gamecube, hệ thống console kém thành công nhất từng được phát hành bởi Nintendo , nhưng với doanh số chỉ nhỉnh hơn 9 triệu, “niềm vinh hạnh” đó giờ thuộc về Wii U. Ngược lại, người dẫn đầu của thế hệ console hiện tại, Sony, đã bán ra 18.5 triệu máy PS4 , dù được ra mắt thị trường sau hẳn một năm.

Vấn đề thực sự ở đây là Wii U dường như đã đạt tới ngưỡng của nó, và không còn có thể tạo lực hút cho một cuộc dậy sóng trong tương lai, như một số người chơi lạc quan vẫn tin tưởng. Doanh số bán phần cứng và phần mềm đã giảm 11% so với cùng kỳ 9 tháng năm ngoái, và hai trong số những game hot nhất của bất kỳ thế hệ console Nintendo nào là Mario Kart và Super Smash Bros cũng đã được ra mắt.

Điều đó khiến hai cái tên còn lại được mong chờ nhất của Nintendo trong năm 2015 chính là Starfox và The Legend of Zelda , giả sử rằng Nintendo có thể cho ra mắt đúng hạn theo dự kiến. Và đối với cả hai sản phẩm trên, khả năng cao là chúng sẽ không thể bán vượt doanh số của Mario Kart và Super Smash Bros, hoặc thúc đẩy doanh số phần cứng đi lên khi mà những sản phẩm trước đó cũng không thể làm được.

Vậy nếu như Wii U đã đạt tới ngưỡng của nó, Nintendo sẽ phải làm gì? Đó là một vế nan giải khác của phương trình này.

Họ có thể tiếp tục vận hành hệ thống lâu nhất có thể trong tương lai, đảm bảo rằng cố gắng thu được nhiều lợi nhuận nhất trong khả năng từ sự đầu tư này, và tiếp tục phát triển những game tốt cho nó. Tất nhiên, các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ tiếp tục tiến xa hơn họ trên phương diện kỹ thuật, và trừ khi Nintendo dốc thật nhiều công sức vào việc hàn gắn mối quan hệ với các nhà phát hành bên thứ ba, chắc chắn Wii U sẽ tiếp tục bỏ lỡ mọi sản phẩm đa nền tảng được ra mắt trong tương lai.

Sự thiếu hụt về tính đa dạng trong các nhà phát triển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nintendo, và đã biến Wii U trở thành thứ yếu với người chơi, khi họ sẽ dành phần lớn thời gian cho PC , Xbox hoặc Playstation , và chỉ thỉnh thoảng mở Wii U lên để chơi bất kỳ game mới nào được Nintendo phát triển. Nhưng khó mà có ai sử dụng Wii U làm hệ thống chơi game chủ đạo của mình.

Lựa chọn khác là cho ra đời một hệ thống console mới, và chính Nintendo đã thừa nhận là đang bí mật phát triển một phần cứng mới và chưa tiết lộ chút thông tin chi tiết nào cả. Nhưng có khả năng lớn là họ sẽ cho ra đời một console mới ở khoảng giữa vòng đời của PS4 và Xbox One, có lẽ trong vòng một hoặc hai năm tới, với mục đích cố gắng thu hẹp khoảng cách với cả hai hệ thống đối địch trên phương diện kỹ thuật.

Một lần nữa, đây không chỉ đơn giản là làm ra những game có hình ảnh đẹp hơn. Các sản phẩm của Nintendo đều tuyệt đẹp và độc đáo kể cả với khả năng đồ họa từ thế hệ cũ. Điều họ phải làm là cho ra đời một hệ thống đủ mạnh để chạy tất các các game third-party, và chứng minh rằng console của Nintendo là hệ thống console duy nhất bạn cần sở hữu trong nhà.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại mang những vấn đề của riêng nó. Thứ nhất, Nintendo có lẽ sẽ không thể cưỡng lại được sự cám dỗ của việc cố gắng “tiến hóa” gameplay một lần nữa để giữ lại những ánh hào quang kỳ diệu của thời đại Wii . Trong khi cơ chế điều khiển cảm ứng chuyển động đã tạo nên một kỳ tích cho Wii và khiến nó trở thành một cơn sốt toàn cầu, gamepad của Wii U đã tạo nên một hiệu ứng trái ngược hoàn toàn, và có tương đối ít những chương trình ứng dụng nổi bật.

Hơn thế nữa, nó lại còn tạo thêm một rào cản cho những nhà phát triển muốn làm game cho Wii U, và với những người đang làm, họ cũng không thể tận dụng tốt thiết bị này khi mà rõ ràng nó không thể phù hợp với game của họ, như trường hợp của Watch Dogs phiên bản Wii U đã bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Nintendo có lẽ đã không học được gì nhiều từ Wii. Trước đó, SNES, Gamecube và N64 có thể đã thiết kế lại tay điều khiển, nhưng chúng đã không cố gắng thay đổi phương thức chơi game truyền thống. Thay vào đó, những console này đã lấy nền đồ họa nâng cấp và những game tuyệt vời làm điểm chủ chốt để tăng doanh số bán hàng. Nhưng bây giờ, sau thành công đã qua của Wii, Nintendo có lẽ đang rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ rằng bất cứ hệ thống mới nào cũng cần một “sự đổi mới” như vậy, hoặc họ bị bó buộc tư duy rằng ít nhất phải thử.

Nhưng ngay cả khi Wii đã đạt được thành công vang dội với cơ chế motion controls, nó chứng minh rằng loại hình này (và tất nhiên cả loại console này) chỉ là một mốt nhất thời, chứ không hẳn là một đột phá trong lối chơi game. Console thành công nhất của thế hệ mới, chính là cái đã bỏ đi tất cả những khái niệm về điều khiển cảm ứng chuyển hay bất kỳ chiêu trò cầu kỳ nào khác trong game play, PS4.

Thêm vào đó, phát hành một console mới, kể cả khi không có những chiêu trò như vậy, là một viễn cảnh tương đối gian nan trong thị trường hiện tại. Nhiều khách hàng đã bị thuyết phục rằng Wii U là sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo, và với họ, việc nhanh chóng quay lại mua một console hoàn toàn mới là một bài toán kinh doanh phức tạp.

Tương tự như vậy, Nintendo rất khó có thể lôi kéo khác hàng từ Sony hay Microsoft, khi mà trên thực tế hai console gần đây nhất của họ không để lại ấn tượng thật sự tốt. Không phải Nintendo không tạo ra được những game xuất sắc cho hệ máy của mình, nhưng phần cứng hệ thống của họ tỏ ra quá yếu nếu so sánh với những đối thủ cạnh tranh. Và cũng thật khó để tin tưởng rằng Nintendo sẽ cho ra mắt một hệ thống console với cấu hình phần cứng ấn tượng trong tương lai gần.

Có vẻ như chỉ có hai con đường phía trước, khi mà bất kể có bao nhiêu sản phẩm chất lượng sẽ được phát hành trong tương lai đi chăng nữa, thời điểm để Wii U trở thành một console “hit” đã trôi qua. Như vậy có nghĩa là Nintendo phải hoặc phát triển một console mới thật ấn tượng và thiết yếu cho người chơi và những dạng khách hàng tương tự (non- game rs), khiến cho bất cứ ai cũng phải mua nó; hoặc họ sẽ phải rút khỏi cuộc chơi về mảng console gia đình.

Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng Nintendo đã và đang tạo ra những game xuất sắc nhất thế giới, và chính phần cứng của họ lại thường là nguyên nhân kéo họ đi xuống. Một ngày nào đó, có lẽ Nintendo sẽ phải cân nhắc một cách nghiêm túc rằng liệu họ có đủ khả năng để cạnh tranh trong ngành công nghiệp phần cứng không, hay nên chuyển trọng tâm hoàn toàn sang mảng mà không ai có thể tranh giành vị trí số một với họ, làm game .

 

>>Tổng hợp tin tức dự đoán thị trường game năm 2015