Tập hợp tin tức thị trường bao quát ngành game năm 2015

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/01/2016 0:00 AM

Lần này, chúng ta sẽ với sự tổng hợp tin tức thị trường bao quát nhiều khía cạnh của ngành game thế giới trong năm 2015 đáng chú ý thời gian qua.

Những câu chuyện chấn động nhất ngành game thế giới năm 2015

Năm 2015, chúng ta đã được chứng kiến nhiều cơn địa chấn xảy ra trong ngành công nghiệp video game . Đây là năm mà những nhà thiết kế game huyền thoại công khai rời bỏ studio của họ, những nhà phát hành danh tiếng chi hàng tỷ USD vào game mobile , và ngành game nói lời tạm biệt với một biểu tượng trong ngành. Dưới đây, ta sẽ cùng điểm lại những thông tin gây nên làn sóng quan tâm lớn nhất trong thế giới video game trong năm qua.

Cái chết của một biểu tượng của Nintendo

Năm nay, fan của Nintendo trên toàn thế giới đã phải nói lời tạm biệt với vị cố chủ tịch đáng kính của công ty, ngài Iwata Satoru. Ông Iwata mất vào tháng 6, ở tuổi 55 do biến chứng từ khối u. Trong suốt 13 năm nắm quyền chủ tịch, ông là người đã giám sát màn ra mắt của DS, thiết bị tay cầm thành công nhất của Nintendo. Ông cũng giúp phát hành Wii, sản phẩm đã bán được hơn 100 triệu máy tính tới ngày nay.

Sau cái chết của ông Iwata, các giám đốc điều hành Miyamoto Shigeru và Takeda Genyo đã tiếp quản công ty cho tới khi một vị chủ tịch mới lên nắm quyền. Vào tháng 9, Nintendo thông báo về người thay thế ông Iwata là Kimishima Tatsumi, một cựu chuyên viên ngân hàng 65 tuổi, đã từng đứng đầu vận hành Nintendo tại Mỹ.

Kojima Hideo và Konami đã “đường ai nấy đi”

Đối với nhiều người, chuyện nhà phát triển của Metal Gear Solid – Kojima Hideo rời khỏi nhà phát hành Konami là một điều mà họ không bao giờ có thể nghĩ tới. Tuy nhiên, đó chính là điều đã xảy ra trong năm nay. Những tin đồn về sự ra đi của Kojima khỏi công ty bắt đầu vào tháng 3 khi mà những thông tin về studio của ông, Kojima Productions, bị loại bỏ khỏi website của Konami và khỏi hộp của Metal Gear Solid V: The Phantom Pain. Sau đó Konami quyết định kéo P.T. xuống khỏi PlayStation Store. P.T. – tức là “Playable Teaser” – là một bản demo để quảng bá cho dự án Silent Hills mới mà ông Kojima đang thực hiện, hợp tác với nhà làm phim Guillermo del Toro và diễn viên Norman Reedus.

Ngay khi The Phantom Pain được lên kệ, ông Kojima Hideo đã rút lui khỏi ánh mắt của công chúng. Đầu tháng này, người dẫn chương trình Geoff Keighley của The Game Awards đã tiết lộ rằng Kojima bị cấm tham dự chương trình bởi những luật sư của Konami. Sau đó, vào ngày 15/12/2015, có tin rằng Kojima đã chính thức rời Konami và đang kết hợp với Sony để sản xuất một PlayStation độc quyền.

PlayStation 4 – Kẻ chiến thắng trong cuộc chiến console ở thời điểm hiện tại

Sony đang duy trì một khoảng cách ổn định trước Microsoft trong thứ được gọi là “cuộc chiến console” này. Mặc dù thiếu sự độc quyền về bên thứ nhất, Sony đã bán được hơn 30 triệu máy PlayStation 4 trong năm nay. PS4 đã liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng của NPD, vượt qua Xbox One và Wii U về doanh số trong hầu hết các tháng mùa hè. Tuy nhiên, việc phát hành Call of Duty: Black Ops III đã thúc đẩy cả PS4 và Xbox One. Theo nhà phân tích của NPD, ông Liam Callahan, tháng 11/2015 là tháng thành công nhất cho các phần mềm của Xbox One, PS4 và Wii U từ trước tới nay, vượt qua tháng thành công thứ 2 là tháng 12/2014 tới 34%.

Nhưng việc Sony có một năm thành công không có nghĩa là Microsoft không được như vậy. Công ty nhận định họ đã đạt doanh thu kỷ lục cho console Xbox One và các game digital trên Xbox Store trong tuần lễ “Black Friday”. Xbox Store được cho là đã tăng 57% doanh số với Xbox One và Xbox 360. Số lượng đăng ký Xbox Live Gold cũng tăng hơn 40% và doanh số bán lẻ của Xbox One tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Microsoft cho biết, đây là tuần lễ “Black Friday” lớn thứ hai của họ trong 15 năm qua.

Activision mua lại nhà sản xuất của Candy Crush – King

“Ông lớn” Activision, ngôi nhà của Call of Duty và World of Warcraft, đã mua về King Digital với số tiền khổng lồ 5,9 tỷ USD vào tháng 11 vừa qua. King Digital là nhà phát hành của 2 dòng game mobile nổi tiếng Candy Crush Saga và Farm Heroes Saga. Theo như CEO của Activision, ông Bobby Kotick, tổng doanh thu và lợi nhuận từ sự hợp nhất này đã củng cố vững chắc vị thế của Activision, là công ty đơn lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất trong ngành giải trí tương tác này.

Nước đi này cũng cho thấy những nỗ lực to lớn trong việc thâm nhập sâu vào thị trường game mobile của Activision. Ngoại trừ thành công với game thẻ bài Hearthstone: Heroes of Warcraft, NPH này vẫn đang khá chậm tiến trong việc đánh chiếm thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên giờ đây, khi đã sở hữu King, họ đã có một loạt game danh tiếng và những chuyên viên kỳ cựu về mobile, sẵn sàng sản sinh ra những “bom tấn” mới.

Nhà soạn nhạc Marty O’Donnel thắng kiện Bungie

Mặc dù mâu thuẫn giữa những nhà sáng tạo và những người sử dụng sản phẩm sáng tạo đó không có gì là mới, nhưng cuộc chiến luật pháp kéo dài 18 tháng giữa nhà soạn nhạc Marty O’Donnel và Bungie, studio đứng đằng sau Halo và Destiny , là một sự việc đáng chú ý, cho ta cái nhìn hé mở vào bên trong của một trong những nhà phát triển lớn nhất ngành game.

Mâu thuẫn xảy ra khi nhà phát hành Activision quyết định thay thế nhạc của O’Donell trong một trailer của Destiny. Ông O’Donell tức giận cho rằng nhà phát hành đang nhúng tay vào quá trình sáng tạo, và từ đó mọi chuyện bắt đầu bùng nổ. Tháng 4/2014, Bungie quyết định sa thải O’Donell và tước cổ phiếu của ông. Nhà soạn nhạc này sau đó đã khởi kiện công ty cũ của mình, và vào tháng 12/2015, một phiên tòa được mở ra, và chỉ ra rằng Bungie đã phá vỡ hợp đồng với O’Donnell khi sa thải ông. Cổ phiếu của O’Donnell được hồi phục và ông đã nhận được 142,500 USD cho những thành quả công việc của mình trong năm 2014 trước khi bị sa thải, thêm vào đó là 95,000 USD lương chưa được trả trong một vụ kiện riêng biệt khác.

Nintendo “mobile tiến”

Suốt nhiều năm trời, các gamer, nhà phân tích và nhà phê bình đều băn khoăn chung một câu hỏi: Khi nào thì Nintendo mới tấn công vào thị trường game mobile màu mỡ? Mang những cái tên biểu tượng như Mario hay Zelda vào mảng game mobile gần như sẽ đem lại thành công chắc chắn cho công ty. Đây có thể nói là một nước đi hiển nhiên của Nintendo, song phải đến năm nay, điều này mới thành sự thật. Vào tháng 3, công ty thông báo sẽ hợp tác với nhà phát hành game mobile danh tiếng DeNA để tạo ra những game mới trên smartphone và các thiết bị di động khác. Được biết, Nintendo sẽ phụ trách hoàn toàn mảng sáng tạo trong khi DeNA cung cấp công nghệ cần thiết để vận hành game như những dịch vụ trực tiếp trên các thiết bị di động.

Game đầu tiên, Miitomo, một game mô phỏng đời sống miễn phí, tương tự như Tomodachi Life, sẽ được phát hành vào tháng 3 năm 2016. Nintendo và DeNA cũng đang làm việc với 4 tựa game thuộc nhiều thể loại khác nhau nữa chưa được công khai. Nếu như Miitomo nhận được phản ứng tốt từ công chúng, nó có thể đem đến lực đẩy lớn cho Nintendo và gây biến động mạnh cho thị trường game mobile. Đây có thể sẽ là cứu cánh cho “ông lớn” này trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn do doanh số thấp của console Wii U.

“Của hiếm” Nintendo PlayStation được tìm thấy

Giờ đây, khi mà cụm từ “cuộc chiến console” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc đối với mọi gamer, thật khó có thể tưởng tượng được việc hai nhà phát hành game lớn này bắt tay với nhau. Song, đó chính là điều mà Sony và Nintendo đã làm vào năm 1988. Hai công ty đã có thời gian hợp tác ngắn hạn để sản xuất SNES-CD, một console bổ sung phần hỗ trợ CD cho đầu máy Super Nintendo Entertainment System. Bản thử nghiệm với tên PlayStation sau đó bị loại bỏ bởi những bất đồng bản quyền giữa Sony và Nintendo, đồng thời chấm dứt cuộc hôn nhân ngắn ngủi giữa hai “ông lớn” này.

Hơn 20 năm sau, anh Dan Diebold đã đăng tải những bức ảnh của chiếc console chưa từng được ra mắt này cho Imgur. Theo như Engadget, đây là một trong những thứ mà cha của Diebold đã thắng được trong một cuộc đấu giá sau khi công ty của ông, Advanta Corporation phá sản vào năm 2009. Một trong những thành viên ban quản trị của Advanta, ông Olaf Olafsson, từng là CEO tại Sony Interactive Entertainment. Mặc dù cha của Diebold không hề biết giá trị của chiếc máy này tại thời điểm đó, ông vẫn mua về nó, và đã lưu giữ lại được một phần của lịch sử ngành game.

Steam giới thiệu tính năng trả phí cho mod

Vận hành dưới niềm tin rằng những nhà sáng tạo nên được hưởng lợi thỏa đáng, Valve – nhà sở hữu dịch vụ phân phối điện tử Steam – đã đưa ra thông báo rằng từ tháng 4, công ty sẽ cho phép các modder thu phí cho các add-on, phần mở rộng và item họ đưa lên Steam Workshop đối với những game như The Elder Scrolls V: Skyrim. Modder sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ đó, phần còn lại sẽ về tay Steam và nhà phát hành game. Bằng cách này, người chơi có thể hỗ trợ những mod chất lượng tốt và giúp chúng phát triển. Một vài trong những game PC có tiếng nhất – Counterstrike, DOTA 2 , Team Fortress và DayZ – vốn dĩ ban đầu đều là mod của những game sẵn có.

Tuy nhiên, nước đi này đã không đạt được kết quả khả quan cho lắm. Gamer làm khuấy động mạng xã hội, phàn nàn về thay đổi này, gọi những modder là “kẻ tham lam” khi thu phí đối với một dịch vụ ban đầu là miễn phí. Và Valve đã phải quyết định xóa bỏ tính năng trả phí cho mod chỉ vài ngày sau khi giới thiệu về nó. Từ đó đến nay, họ vẫn giữ im lặng về vấn đề này.

Lấy lại tiền từ những game lỗi trên Steam

Thông thường trong thế giới điện tử, nếu như bạn mua một cái gì đó, nó là của bạn vĩnh viễn, không có hoàn lại. Song Valve đã thay đổi điều đó trong năm nay khi họ bắt đầu hoàn tiền cho những game được mua trên dịch vụ phân phối Steam. Vào tháng 6, Valve đã thông báo rằng họ cho phép hoàn lại game vì bất cứ lý do gì, nhưng chỉ trong 14 tiếng đầu tiên sau khi thực hiện thanh toán và bạn chỉ được phép đã chơi ít hơn 2 tiếng.

Quyết định này đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong chính sách của Valve và giúp Steam thâm nhập được vào thêm nhiều quốc gia Châu Âu yêu cầu phải có chính sách hoàn tiền theo luật pháp. Đây được coi là một nước đi tích cực, vì lợi ích của người tiêu dùng, nhưng cũng có những mặt hạn chế. Nhiều người tin rằng chính sách hoàn tiền này sẽ gây hại cho các nhà phát triển game, đặc biệt là các nhà phát triển độc lập, với phương châm tạo ra những trải nghiệm “mỳ ăn liền” nhanh chóng như Gone Home hay The Stanley Parable.

Lệnh cấm game console đã tồn tại 14 năm ở Trung Quốc bị gỡ bỏ

Lần đầu tiên trong vòng gần 15 năm, gamer trên khắp lãnh thổ Trung Quốc có thể mua một chiếc Xbox, PlayStation, hoặc Wii. Bộ Văn hóa Trung Quốc đã đưa ra thông báo vào tháng 7 rằng các công ty như Microsoft, Sony, và Nintendo giờ đây có thể sản xuất và bán console ở bất cứ đâu trên đất nước này. Trước đây, việc mua bán chỉ được giới hạn trong khu vực phát triển kinh tế Thượng Hải. Trung Quốc ban lệnh cấm console lần đầu tiên năm 2000 bởi sợ rằng các thiết bị console sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ em.

Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của ngành game, và việc gỡ bỏ lệnh cấm console tại đây sẽ mang đến một sự thúc đẩy lớn cho toàn ngành. Nhưng nhiều khả năng rằng Sony, Microsoft, và Nintendo sẽ gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong thị trường này. Vắng bóng console, gamer Trung Quốc đã chuyển sang PC và mobile làm nền tảng giải trí của họ trong suốt 15 năm qua, mang về doanh thu lên tới hàng tỷ USD.

Chiến thắng cho những người bảo tồn video game

Tháng 10 vừa qua, Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua những điều luật mới về việc miễn bản quyền DRM, và một trong những sự miễn trừ này ảnh hưởng tới việc người chơi gìn giữ những game kinh điển.

Tổ chức EFF (Electronic Frontier Foundation) cho biết họ đã đấu tranh cho sự miễn trừ giúp cho phép người chơi điều chỉnh bản copy của mình với một game để không cần phải có server chính thống nữa nếu như sau này server gốc của game có bị đóng cửa. Bên cạnh đó cũng cho phép quyền “jailbreak” các thư viện, kho lưu trữ hoặc điều chỉnh game console để có thể vận hành những game cũ bình thường. Thông thường, theo như Luật Bảo vệ Bản quyền Tác giả DMCA năm 1998, sẽ là bất hợp pháp nếu tự ý điều chỉnh một console. Tuy nhiên, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã giới hạn sự miễn trừ cho các game mà không thể chơi được nữa sau khi đóng cửa server, ngoại trừ những game mà chỉ có tính năng multiplayer là bị mất.

Gìn giữ lịch sử game là một vấn đề quan trọng khi mà công nghệ liên tục phát triển và những hình thức truyền thông cũ đang phai mờ dần. EFF nhận định rằng luật mới này của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ cho phép thế hệ sau này có thể vẫn trải nghiệm được nhiều tựa game kinh điển.

Tổng quan ngắn gọn thị trường game mobile Trung Quốc năm 2015

2015 là một năm đột phá, hào hứng và đặc biệt căng thẳng ở thị trường game mobile Trung Quốc. Xen giữa sự tăng trưởng bùng nổ là dấu ấn thống trị của Tencent và sự trưởng thành của thị trường, 2015 cũng là một năm rối như tơ vò. Dưới đây, chúng ta sẽ đến với những tóm lược ngắn hạn và tổng quan về thị trường game mobile Trung Quốc trong năm qua.

Trung Quốc là số 1

Tin tức nổi bật trong thời gian qua chính là ngành công nghiệp game mobile Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ, trở thành thị trường lớn nhất thế giới với doanh thu đạt 5,5 tỷ USD dựa theo báo cáo của Niko Partners. Tuy nhiên dựa theo một báo cáo khác của SuperData Research thì Nhật Bản mới là thị trường game mobile lớn nhất với 6,2 tỷ USD doanh thu. Nhưng theo như số liệu được công bố từ Hội nghị Thường Niên Ngành Công nghiệp Game Trung Quốc thì thị trường game mobile Trung Quốc đạt tới 7,94 tỷ USD doanh thu trong năm 2015. Hiện nay, doanh thu của Trung Quốc đang chiếm 1/5 thị trường game mobile toàn cầu.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong năm 2015, Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường iOS sôi động nhất. Với lượng cài đặt tăng trưởng 30% giữa quý 1 năm 2014 và quý 1 năm 2015, Trung Quốc đã giành lấy vị trí số 1 đối với tỷ lệ tải xuống của App Store iOS. Sự tăng trưởng này là nhờ cơn sóng iPhone quét qua Trung Quốc một cách mạnh mẽ, khi Apple cho mở nhiều cửa tiệm chính hãng trên khắp cả nước.

Trung Quốc (hay … Tencent) mua tất cả

Năm 2015 cũng là thời điểm chúng ta được chứng kiến các công ty Trung Quốc mua trọn ngành công nghiệp game mobile. Điển hình nhất là Tencent chính thức mua 100% Riot Games, chiếm phần lớn cổ phần ở Miniclip, đầu tư vào KiK Interactive, và dồn 126 triệu USD vào Glu. Còn những công ty Trung Quốc khác? Trong tháng 1, Alibaba mua 10% cổ phần của Kabam, Youzu cũng có động thái tạo quỹ đầu tư trị giá 330 triệu USD với hi vọng trở thành công ty toàn cầu và Cheetah Mobile mua lại MobPartner của Pháp.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thêm một tuổi

Xét trên kích cỡ và hành vi người sử dụng, thị trường game mobile Trung Quốc chắn chắn đang trên đà trưởng thành. Và đối với việc tăng trưởng, ta luôn có cả hai mặt lợi và hại song hành với tuổi đời.

Hại:

Cạnh tranh dữ dội hơn: Khi ngày càng có nhiều nhà phát triển phương Tây gia tăng ưu tiên vào thị trường Trung Quốc, và các công ty bản địa ngày càng có kinh nghiệm và trình độ hơn, cuộc cạnh tranh cho vị trí top đầu sẽ quyết liệt hơn.

Mong đợi các game tinh vi: Với quy mô lượng người chơi ngày một tăng và khôn ngoan hơn, họ sẽ mong đợi những tựa game mobile phức tạp và tinh vi hơn, đồng nghĩa với sự tăng cường của cơ sở hạ tầng của cụm máy chủ địa phương, sự kiện trực tiếp và chiến lược marketing. Tất cả dạng dịch vụ này sẽ rất khó để thực hiện từ mọi nơi trên thế giới, và kết giao với một đối tác địa phương là con đường thành công duy nhất để mang những game đỉnh đến Trung Quốc.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lợi:

Không ngại dữ liệu lớn: Một người sử dụng mobile trung bình Trung Quốc không còn mua thiết bị smartphone đầu tiên của họ nữa, mà thay vào đó là nâng cấp lên đời 2 hay đời 3. Các thiết bị mới có cấu hình tốt hơn và có bộ nhớ rộng hơn gấp bội. Thêm vào đó, mạng băng thông rộng và 3G/4G ở Trung Quốc cũng đã phổ cập bao quát hơn, khiến người sử dụng dễ dàng tải về những dự liệu có kích cỡ lớn.

Thích gameplay thử thách hơn: Các gamer Trung Quốc vốn nổi tiếng với sở thích những game siêu dễ. Tuy nhiên, khi họ ngày càng quen thuộc với game mobile hơn, các cơ chế gameplay phức tạp và thử thách cũng được chào đón.

ARPU cao hơn: Một thị trường trưởng thành đồng nghĩa với một thị trường chi tiêu mạnh. Đây đơn giản là một tin tức tốt lành.

Top 10 game PC/console bán chạy nhất trong năm 2015

Lại một năm nữa đã qua đi, và bây giờ là lúc chúng ta kiểm lại thành quả mà ngành công nghiệp game đã gặt hái được. 2015 là năm thứ 2 liên tiếp, doanh số bán lẻ video game mới tại Mỹ đạt 13,1 tỷ USD (hơn 293,000 tỷ VNĐ). Đó là nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của những hệ thống mới được phát hành, trong khi Xbox 360 và PlayStation 3 đang dần đi vào “dĩ vãng”. Nhưng thực sự, điểm mấu chốt vẫn là ở những tựa game này:

Top 10 game bán chạy nhất năm dựa theo doanh số của NPD Group

1. Call of Duty: Black Ops III ( Xbox One , PS4 , 360, PS3, PC )

2. Madden NFL 16 (PS4, Xbox One, 360, PS3)

3. Fallout 4 (PS4, Xbox One, PC)

4. Star Wars: Battlefront (Xbox One, PS4, PC)

5. Grand Theft Auto V (PS4, Xbox One, 360, PS3, PC)

6. NBA 2K16 (PS4, Xbox One, 360, PS3)

7. Minecraft (360, Xbox One, PS3, PS4)

8. FIFA 16 (PS4, Xbox One, 360, PS3)

9. Mortal Kombat X (PS4, Xbox One)

10. Call of Duty: Advanced Warfare (Xbox One, PS4, 360, PS3, PC)

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi một lần nữa Call of Duty đứng trong top những game PC/console bán chạy nhất năm. Dòng game này là đột phát lớn nhất của thế hệ trước, và chưa có đối thủ nào có thể thực sự “soán ngôi” nó trên PS4 và Xbox One cho tới thời điểm này.


Call of Duty: Black Ops III

Call of Duty: Black Ops III

Ngoài ra, việc Fallout 4 nằm ở gần đỉnh của danh sách cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Các game của Bethesda hầu hết đều trở thành những “bom tấn” tức thời, bên cạnh đó, tựa game này cũng được rất nhiều game thủ chờ đón từ trước. Nhưng nó cũng chưa thể vượt qua được Madden, một cái tên luôn có mặt trong top 3.

Star Wars đã chen chân vào được trong top 5, thậm chí nó còn được bán chạy trên Xbox One hơn là trên PS4. Có lẽ một phần là bởi hợp đồng đính kèm với PS4; những bản copy đó không được tính vào danh sách này.

Cuối cùng, danh sách này cho thấy nhiều dòng game quen thuộc – FIFA, Minecraft, Mortal Kombat – nhưng cũng có một vài “người cũ” vắng mặt như Assassin’s Creed hay Need For Speed. Có lẽ đó là cái giá mà chúng phải trả vì chất lượng không thuyết phục từ phiên bản ngay trước đó.

Tuy nhiên, cũng theo số liệu từ NPD, doanh số video game năm 2015 có suy giảm so với năm 2014. Chỉ riêng tháng 12 năm 2015, doanh số phần mềm, phần cứng giảm 1,5%, nhưng cũng được bù đắp lại một phần nhờ tăng trưởng doanh thu từ phụ kiện 10%. Tổng thể, doanh số phần cứng giảm 4%, cả với console và portable.


Madden NFL 16

Madden NFL 16

Tháng 12/2015 có doanh số thấp hơn 6% so với năm 2014 do ảnh hưởng của sự suy giảm phần cứng thế hệ console thứ 7 là 71%, và phần cứng portable là 32%. Tuy nhiên, doanh thu từ thế hệ phần cứng thứ 8 có tăng 4%. Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy triển vọng của những console mới. Theo nhà phân tích Liam Callahan của NPD, tổng doanh số của Xbox One và PS4 sau 26 tháng vượt qua PS3 và Xbox 360 là 47%. Tháng 12 là thời điểm thành công rực rỡ nhất về tổng doanh số phần cứng đối với Xbox One, PS4 và Wii U.

Về phần mềm vật lí, tổng thể doanh số năm 2015 giảm 2% so với năm 2014, mặc dù doanh số phần mềm console có tăng 2%.

Phần mềm portable giảm 34%, trong khi phần mềm thế thệ thứ 8 tăng 52%; điều này giúp bù lại cho sự suy giảm của thế hệ thứ 7 là 53%, và dẫn tới tăng trưởng mạng lưới 73 triệu USD về doanh thu phần mềm.”

Tính riêng tháng 12/2015, doanh thu phần mềm game mới giảm 3%, trong đó phần mềm portable giảm tới 40%, còn phần mềm console chỉ giảm 1%. Cụ thể hơn, phần mềm thế hệ thứ 8 tăng trưởng 48%, trong khi thế hệ thứ 7 tiếp tục giảm 54%.

Đây cũng là năm có doanh thu tốt nhất từ trước tới nay đối với phần mềm thế hệ thứ 8 (bao gồm PS4, Xbox One, Wii U).


Star Wars: Battlefront

Star Wars: Battlefront

Sony Computer Entertainment America cũng đưa ra bình luận của mình về những số liệu thống kê của NPD như sau:

Khi nhìn lại một năm tuyệt vời vừa qua, chúng tôi muốn cảm ơn người hâm mộ và các đối tác đã giúp PlayStation 4 trở thành console bán chạy nhất tháng 12 và cả năm 2015. PS4 cũng có doanh số phần mềm bên thứ 3 lớn nhất trong năm 2015 tại Mỹ, theo như NPD.”

Sự ưa chuộng và yêu thích dành cho nền tảng này vẫn được duy trì trong suốt năm qua, giúp cho tổng doanh số của PS4 từ khi phát hành đã lên tới 35,9 triệu máy. Chỉ riêng trong mùa nghỉ lễ, hơn 5,7 triệu máy PS4 và 35 triệu game PS4 đã được bán trên toàn thế giới. Chúng tôi mong chờ vào một năm thành công nữa, và sẽ mang đến nhiều game chất lượng hơn từ các đối tác phát hành và SCE Worldwide Studios tới người hâm mộ trong năm 2016.”

Tổng quan thị trường game mobile và người sử dụng trong năm 2015

Để chào mừng năm 2016, chúng ta sẽ đến với chi tiết bản báo cáo "Tổng quan Thị trường Game Mobile 2015 và những người sử dụng định hình nên nó" được thực hiện bởi cơ sở nghiên cứu thị trường Newzoo . Bản bảo cáo là sự tóm lược sắc nét những điểm nổi bật nhất trong năm qua, ví như thị trường game mobile toàn cầu đã đạt giá trị tới 30,5 tỷ USD, so vói 24,5 tỷ USD trong năm 2014.

 

Phân tích hành vi trong game của người chơi Trung Quốc