Tại sao một số nhà phát triển game lựa chọn con đường "solo"?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/03/2015 0:00 AM

Điều gì đã thúc đẩy một nhà phát triển lựa chọn con đường solo thay vì gia nhập một công ty game thông thường?

Chúng ta đang trải qua một thời kỳ được coi là hoàng đạo đối với việc phát triển và phát hành game indie (game độc lập). Thuận theo xu thế đó, các studio độc lập đang mọc lên như nấm sau mỗi đêm mưa, và một nhà phát triển non trẻ đang mong muốn tìm việc làm lại có thừa sự lựa chọn. Vậy điều gì đã thúc đẩy một nhà phát triển lựa chọn con đường solo thay vì gia nhập một công ty game thông thường?

Có một số người nói rằng lí do chính là bởi các nhà phát triển solo thường khó hòa hợp với đồng nghiệp. Nhưng đó chỉ là một nhận định chủ quan mà thôi. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu lý do từ chính sự chia sẻ của hai nhà phát triển solo tới từ Singapore.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Áp lực gia đình

Keh Chin Leong, 26 tuổi, là một nhà phát triển mới cho ra đời game mobile có tên gọi We Are Not Alone. Được biết, Keh đã bắt đầu phát triển tựa game này kể từ năm 2011khi anh vẫn đang là sinh viên đại học, và mất 4 năm để hoàn thiện nó.

Ngồi trên ghế giảng đường, Keh chỉ có thể dành chút thời gian rảnh rỗi ở các kỳ nghỉ lễ và giữa những môn học để tập trung cho tựa game của mình. “Về cơ bản, tôi đã rất nhiều ngày nghỉ cuối tuần để tự phát triển game. Thực sự, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều dịp cuối tuần và bây giờ vẫn vậy,” anh Keh nói.

Sau khi tốt nghiệp và bắt đầu một nghề nghiệp full-time, anh đã phải nhận cả những công việc yêu cầu làm cả vào cuối tuần. Đồng thời, anh cũng cảm thấy khó khăn trong chuyện tìm kiếm một họa sĩ có thể thực hiện đúng những gì mình muốn. Ngay cả khi sản phẩm We Are Not Alone được chính thức phát hành, nó vẫn thiếu tinh năng multiplayer, và Keh đang cố gắng hoàn thiện một cách sớm nhất.

We Are Not Alone

We Are Not Alone

Vậy tại sao anh Keh lại lựa chọn con đường phát triển solo mà chẳng có mấy lợi thế này?

Tôi đã có ý tưởng phát triển một dự án startup của riêng mình ở Singapore, nhưng lại quá khó để kiếm được một cộng sự ăn ý,” Keh nói. “Gia nhập vào một dự án startup khác là ý định tiếp theo mà tôi nghĩ tới, nhưng việc thiếu kinh nghiệm liên quan tới game đã trở thành rào cản lớn. Một lí do nữa khiến tôi không thể bắt đầu là thiếu đi sự ủng hộ từ gia đình.”

Cuối cùng, anh Keh đã học IT thay vì lập trình game bởi đó là con đường phù hợp nhất dựa trên kết quả học tập của mình. Mặc dù có thể chuyển ngành sau khi tốt nghiệp, nhưng anh bị mắc kẹt với công việc là một cố vấn ứng dụng IT bởi lí do cuộc sống. “Tôi đã không có định lựa chọn khóa học phát triển bởi theo ấn tượng của tôi thì ngành công nghiệp game ở Singapore chưa thực sự phổ biến, và sẽ rất khó để tìm kiếm một công việc ổn định,” anh Keh chia sẻ. Anh cũng phải đóng góp tài chính vào gia đình mình, và phải tìm một nguồn doanh thu ổn định hơn.

Mục đích riêng

Khác với trường hợp của Keh Chin Leong, Ori Takemura, nhà đồng phát triển của game mobile Shapist và là nhà sáng lập của Qixen-P Design, cũng là một nhà phát triển solo. Trong khi đã có mối quan hệ cộng sự trong quá trình phát triển sản phẩm Shapist, nhưng Takemura chia sẻ rằng hiện anh cũng là một nhà phát triển solo tự do.

Shapist

Shapist

Thi thoảng tôi muốn thử nghiệm làm những thứ điên rồ, liên tục thay đổi kịch bản, và tạo ra một sản phẩm thật tốt. Tôi muốn thử nghiệm về cách thiết kế và cảm xúc con người, không nhất thiết phải tạo ra lợi nhuận,” anh Takumura giải thích. “Khả năng duy nhất để làm những chuyện là hoặc có một nhà phát triển cũng đam mê giống bạn hoặc tự mình làm. Do đó, lựa chọn của tôi bây giờ là cân bằng các dự án bằng cách tự mình thực hiện những ý tưởng điên điên đó.”

Sau sản phẩm Shapist, anh Takemura đã chuyển sang phát triển một tựa game tương tác nhỏ, và một game giải đố mới. Tuy nhiên, anh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi làm việc solo, ví như thiếu chuyên môn trong một lĩnh vực là có thể cản trở cả quá trình phát triển. Vì vậy, anh Takemura có chia sẻ rằng sẽ tìm một cộng sự mới để bù đắp vào đúng khuyết điểm của mình.

Con đường solo có những ưu điểm riêng, và hợp tác với những cá nhân có cùng chí hướng cũng vậy. “Tôi nghĩ rằng hợp tác với mọi người cho từng dự án là một việc cần thiết,” anh Takemura nói thêm. “Sẽ tốt hơn nếu có một người ở cùng địa phương làm cộng sự, bởi tôi tin rằng có thể cùng test game với nhau một cách trực tiếp là rất quan trọng.”

Quá trình phát triển game

Quá trình phát triển game

Trên đây mới chỉ là một vài lí do cụ thể khiến nhiều nhà phát triển game trẻ lựa chọn con đường solo, đặc biệt là ở những nước chưa có ngành game thực sự phát triển và phổ biến ví như Singapore mà thôi. Rất có thể ở những quốc gia khác, người ta lại phải đối mặt với những lí do khác hay đơn cử là ý muốn cá nhân muốn được thỏa mãn đam mê của mình.

Theo Techinasia

 

 

>>Liệu Sega có thể quay trở lại ngôi vị đầu bảng ngành game?