Thông thường, chúng ta vẫn thường nghĩ trò chơi điện tử là một thế mạnh của con trai. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thí nghiệm kiểm tra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex lại cho thấy điều ngược lại.
Trò chơi điện tử chỉ dành cho con trai? Hãy nghĩ lại đi!
Theo đó, một nhóm học sinh 12-13 tuổi bao gồm cả nam và nữ được trải qua 8 tuần tham gia vào một trò chơi nhập vai 3D. Tại đây, các học sinh tưởng tượng và tự xây dựng các kịch bản mình muốn dựa trên các mệnh lệnh đơn giản. Trò chơi này được thiết kế mô phỏng gần giống trò chơi Never Winter Night 2.
Để giúp đỡ các em, tiến sĩ Kate Howland và Judith Good đã tạo ra một chương trình có tên Flip, giúp dịch các mã lệnh thành kịch bản tiếng Anh. Nhờ đó các tình nguyện viên nhí có thể hiểu được kịch bản mà các em đã tự lập ra để tiếp tục phát triển.
Kết quả thật đáng kinh ngạc: nhóm nữ xây dựng được rất nhiều kịch bản trò chơi phức tạp với nhiều điều kiện. Điều này vượt trội hoàn toàn so với nhóm tình nguyện viên nam, những người chủ yếu xây dựng kịch bản trò chơi rất đơn giản.
Đừng đùa với nữ giới chúng tôi!
Lý giải điều này, tiến sĩ Judith Good cho rằng, nguyên nhân chính là việc nữ giới mạnh hơn nam giới ở khả năng ngôn ngữ cũng như sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Điều này biểu thị rất rõ lúc tuổi còn nhỏ khi các em gái biết nhiều ngôn từ hơn hẳn so với các em nam.
Khả năng tưởng tượng và ngôn ngữ...
... giúp nữ giới vượt trội trong việc lập trình trò chơi điện tử
Nói cách khác, các câu chuyện của phái yếu thường phức tạp và nhiều tình tiết khác nhau. Vì vậy, khi lập trình trò chơi điện tử, cốt truyện và kịch bản trò chơi họ xây dựng cũng có xu hướng đa dạng hơn so với nam giới.
Kết quả này khá tương đồng với một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Computers & Education. Theo đó, con gái ham mê và có xu hướng thích khám phá các chương trình giả lập, thích sáng tạo và xây dựng các câu chuyện phức tạp kể cả trong thực tế hay tưởng tượng.
Một điểm thú vị khác, số lượng nữ giới là fan trò chơi điện tử ngày càng gia tăng. Chỉ riêng ở Vương quốc Anh, số phụ nữ chơi game trên smartphone thậm chí còn nhiều hơn nam giới, đặc biệt là ở độ tuổi từ 25 – 44.
>> Game thủ lành mạnh có thói quen chơi game ra sao?