Quốc gia nào là nơi lí tưởng để phát hành game mobile ở Châu Á?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/02/2016 11:00 PM

Châu Á chiếm tới 55% doanh thu của ngành game mobile toàn cầu, đây là ngôi nhà của những thị trường phát triển như Nhật Bản, những thị trường đang bùng nổ như Trung Quốc, và rất nhiều thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Châu Á chiếm tới 55% doanh thu của ngành game mobile toàn cầu, đây là ngôi nhà của những thị trường phát triển như Nhật Bản, những thị trường đang bùng nổ như Trung Quốc, và rất nhiều thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Vậy nên, tìm được chỗ đứng tại mảnh đất “màu mỡ” này là mục tiêu bất kỳ studio mobile nào cũng mong muốn, và một chiến lược thâm nhập Châu Á là điều vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn về 3 “ông lớn” của Châu Á, những quốc gia Đông Nam Á hàng đầu về game, và “mỏ vàng” Ấn Độ rộng lớn để bạn đưa ra quyết định tập trung vào thị trường nào khi phát hành một game mobile tại Châu Á.

3 “ông lớn”

Chắc chắn đó phải là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, bộ 3 “nguyên tử” này đang chiếm tới 90% doanh thu game mobile của cả châu lục.

Trung Quốc

Là thị trường game mobile lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện đang có tới hơn 360 triệu mobile gamer, với tỷ lệ dân số sở hữu smartphone tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, với việc phân phối thị trường bị chia cắt và sự “tôn sùng” dành cho nội dung mang tính Trung Hoa, bạn cần phải tiếp cận một cách tập trung và địa phương hóa để phát hành một game mobile thành công tại Trung Quốc.

Nhật Bản

Vốn là thị trường tiên phong của ngành game Châu Á, Nhật Bản sở hữu những gamer rất “bạo chi”. Tuy nhiên, với năng lực và nền văn hóa game nội địa mạnh (từ năm 2001 đến 2013, không có bất cứ một game ngoại nào nằm trong top 100 game), số game thành công tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên thực tế, top 2 game đứng đầu đã chiếm tới 70 – 80% doanh thu mobile của cả quốc gia.

Hàn Quốc

Hàn Quốc sở hữu một thị trường mobile cực kỳ phát triển, với tỷ lệ dân số sở hữu smartphone vô cùng cao. Phân phối và quảng bá ứng dụng đại đa số được thông qua Duam KaKao, ứng dụng tin nhắn “thống trị” tại thị trường này. Mặc dù người tiêu dùng Hàn Quốc dễ tiếp nhận “hàng ngoại” hơn là ở Nhật Bản, song sự cạnh tranh cũng là vô cùng khốc liệt khi mà các studio địa phương liên tục cung cấp nội dung mới và cập nhật mỗi 2 tuần.

Đông Nam Á

Mặc dù hiện tại mới chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường mobile game thể giới, song Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng cực lớn với nhóm người dùng chi tiền trẻ đầy hứa hẹn, theo dự đoán sẽ tăng trưởng gấp đôi vào năm 2017. Sau đây là những thị trường đáng chú ý nhất của khu vực:

Việt Nam

Quốc gia sản sinh ra game mobile đình đám nhất năm 2013 – Flappy Bird, Việt Nam hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng smartphone nằm trong top đầu của thế giới. Nội dung dựa trên văn hóa Trung Hoa là khá phổ biến, và MMORPG có thể nói là một nước cờ “chắc thắng” tại thị trường này.

Indonesia

Chỉ cần một thông số này là đủ để bạn hiểu: Người Indonesia dành 29% thời gian của mình để chơi game (gấp đôi mức trung bình toàn thế giới)! Vậy số thời gian khổng lồ này được dành cho những game như thế nào là điều rất đáng để bạn theo dõi, tìm hiểu.

Malaysia

Khoảng ¼ người Malaysia là gốc Trung Quốc, vậy nên một game theo phong cách Trung Hoa sẽ có nhiều khả năng “tạo sóng” ở đây hơn.

Thái Lan

Thái Lan là quốc gia của những “nhà mạng xã hội”, vậy nên những tính năng liên kết xã hội và những chiến thuật mạnh bạo trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Line là chìa khóa tất yếu để thành công.

Philippines

Thị trường smartphone lớn thứ 3 của Châu Á này vẫn chỉ có tỷ lệ dân số sở hữu smartphone vào khoảng 40%. Điều này cộng với trình độ tiếng Anh của người dân tương đối cao, đồng nghĩa với tiềm năng bùng nổ lớn trong những năm tới.

Singapore

Với GDP trên đầu người cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á, Singapore là ngôi nhà của vô số các studio game mobile. Có thể nói đây là một thị trường ưa chuộng “hàng ngoại”, vậy nên quốc đảo này sẽ là nơi lý tưởng cho các nhà phát hành muốn thâm nhập vào Châu Á.

Về tổng thể, Đông Nam Á là một khu vực rất mở cửa để phát hành game mobile, với gamer hoạt động tích cực trên các mạng xã hội phương Tây như Twitter, Facebook, và Instagram. Bên cạnh đó, độ thông thạo tiếng Anh cao cũng như rào cản kiểm soát thấp hơn Trung Quốc biến Đông Nam Á trở thành một thị trường lý tưởng cho những nhà phát hành bắt đầu tấn công vào Châu Á. Một lời khuyên để thành công hơn tại Đông Nam Á ư? Đó chính là tính tương thích với các thiết bị chất lượng thấp hơn, bởi các quốc gia trong khu vực này đa số không được giàu có như 3 “ông lớn” trên.

Ấn Độ

Ấn Độ vẫn thường được coi là “Trung Quốc tiếp theo”, với dân số “khủng”, người dân đang ngày càng trở nên giàu có và sẵn sàng chi trả vào game, hiện nay đây chính là thị trường game mobile tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khi gamer mobile Trung Quốc đang trưởng thành, tiêu nhiều hơn và tải về những game nặng hơn trên các thiết bị tân tiến hơn, người dùng Ấn Độ mới chỉ đang bắt đầu khám phá ra sự kỳ diệu của thế giới game mobile. Người tiêu dùng Trung Quốc đã quá quen với việc thanh toán online trên Alibaba, người dùng smartphone Ấn Độ vẫn chưa thoải mái lắm trong việc chi tiền cho thứ gì đó trên điện thoại của họ. Theo dự tính, thị trường game mobile Ấn Độ sẽ chỉ thu về 0,7 tỷ USD trong năm 2016, tức là ngang với Trung Quốc vào năm 2010.

Vậy bạn nên phát hành game mobile của mình ở quốc gia Châu Á nào?

Thị trường game mobile Châu Á bao gồm cả các quốc gia đã trưởng thành và đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết doanh thu tiềm năng đều bị hạn chế đối với game ngoại do sự thống trị của những studio nội và thị trường chưa trưởng thành.

Chỉ có Trung Quốc là thị trường có thể mang lại mức tăng trưởng, doanh thu cao nhất nếu như bạn tiếp cận được một cách phù hợp để vượt qua những rào cản kiểm soát. Hiện tại là như vậy, song toàn ngành game mobile Châu Á có một tương lai đầy hứa hẹn, sẽ trở thành một điểm đến sáng giá cho mọi nhà phát hành, mọi studio game biết đưa ra ưu tiên, cách tiếp cận hợp lý với từng quốc gia.

Theo Oniixmobile