Quá khứ, hiện tại, và tương lai của "lão làng" Nintendo (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/12/2015 0:00 AM

Tiếp nối kỳ trước, chúng ta sẽ đến với những năm tháng hoạt động còn lại trong lịch sử của hãng Nintendo tính tới thời điểm hiện tại và kế hoạch tương lai ra sao.

Tiếp nối kỳ trước, chúng ta sẽ đến với những năm tháng hoạt động còn lại trong lịch sử của hãng Nintendo tính tới thời điểm hiện tại và kế hoạch tương lai ra sao.

Đầu thập niên 90

Super Nintendo Entertainment System (SNES) được tung ra vào năm 1990 tại Nhật Bản, sau đó là tại Bắc Mỹ vào năm 1991. Được đánh giá là vượt trội so với đối thủ chính của nó là Sega Genesis, console này duy trì mức ảnh hưởng của mình trong suốt một thập kỷ. SNES bao gồm những tựa game như Super Mario World, Street Fighter và SimCity, được vận hành trên engine 16-bit.

Xuyên xuyết giai đoạn này, những phiên bản khác của Game Boy đã được tung ra – như Game Boy Pocket, Game Boy Color, Game Boy Advance, và Super Game Boy. Mỗi phiên bản mới lại thu hút thêm hàng triệu fan, xây dựng nên một tượng đài cho dòng sản phẩm Game Boy này.

Giữa tới cuối thập niên 90

Nintendo giới thiệu sản phẩm mới Virtual Boy vào năm 1995 – đây là bước đi đầu tiên và cũng là duy nhất của họ vào mảng game VR. Thật không may, nó đã trở thành một thất bại thảm hại, chỉ kịp ra mắt tại Nhật Bản và Mỹ, song đã hứng chịu vô số chỉ trích về hình ảnh xấu và gameplay hạn chế.

Nhưng công ty đã sớm vực lại. Năm 1996, thế giới đã được chứng kiến sự xuất hiện của Nintendo 64 – một “quái thú” công nghệ hiện đại thực sự. Đây là console tân tiến nhất từng được Nintendo phát triển, đạt doanh số tới 32,9 triệu máy trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là console cuối cùng được công ty phát triển cho các gamer “hardcore”. Sự xuất hiện của Sony PlayStation vào giữa thập niên 90 đã báo trước sự kết thúc này.

Nếu Sony và Nintendo dẹp qua một bên những khác biệt của mình, và hợp tác phát triển Nintendo PlayStation, có lẽ mọi chuyện đã rất khác.

Nintendo sau đó tung ra GameCube để cạnh tranh với PlayStation và Dreamcast của Sega, song lại không gây được nhiều sự chú ý. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của công ty sử dụng đĩa game và hướng tới tương lai với khả năng hỗ trợ gameplay online.

Những năm 2000

Nintendo DS (viết tắt của Dual Screen – màn hình đôi) được phát hành năm 2004, đúng vào thời gian nghỉ lễ. Sản phẩm đã nhanh chóng trở nên phổ biến, củng cố nhóm khách hàng trọng tâm của Nintendo là những gamer casual trẻ tuổi hơn. (Dấy lên câu hỏi vì sao Nintendo vẫn chưa coi smartphone là một thị trường quan trọng của công ty?)

Vô số những phiên bản mới của DS theo sau đó tới tận năm 2014, như DS Lite, DSi, DSi XL, 3DS, 2DS, và 3DS XL.

Nintendo Wii được tung ra năm 2006 – đặc biệt tập trung vào nhóm gamer casual trẻ tuổi. Tính năng thu hút nhất của nó chính là sự tương tác – bộ điều khiển cảm ứng chuyển động độc đáo đã tạo chỗ đứng riêng biệt cho Nintendo Wii, và nói rộng hơn là cho Nintendo trong ngành công nghiệp game.

Năm 2012

Wii U được giới thiệu tới công chúng vào năm 2012 – với mục tiêu chính là giành lại mảng “hardcore” mà công ty đã mất vào tay Xbox và PlayStation. Cuộc thử nghiệm này đã không thể thành công khi mà cả Sony và Microsoft đều tung ra console thế hệ mới riêng của họ: PS4 và Xbox One. Mặc dù tới cuối năm 2014, Wii cũng bán được 7 triệu máy – song đây vẫn được xếp hạng là console kém nổi tiếng nhất của Nintendo.

Năm 2015

Cuối cùng Nintendo đã có bước đi đầu tiên vào mảng game smartphone, với việc thông báo mua lại 10% cổ phần của “người khồng lồ” game mobile Nhật Bản - DeNA vào tháng 3. Các nhà phân tích vẫn bất ngờ không rõ vì sao công ty lại chờ đợi một thời gian dài và nghi ngờ về tính hiệu quả của nước đi này như vậy.

Tháng 10 năm 2015, Nintendo thông báo cho tới năm 2017 sẽ cho ra mắt tổng cộng 3 tựa game mobile mới. Game đầu tiên, với tên Miitomo, được lên kế hoạch phát hành vào tháng 3 năm 2016, và một điều làm bất ngờ nhiều người là tựa game này sẽ không có nhân vật Mario.

Vậy tương lai của Nintendo sẽ ra sao?

Đối với công ty đã có một quá khứ hoàng kim như Nintendo, trong thập kỷ vừa qua, có thể nói là nó đã mất đi một vài ánh hào quang của mình. Những câu hỏi về việc công ty đang chậm thích nghi trong kỷ nguyên smartphone đã được đặt ra liên tục, nhưng điều đó không có nghĩa là “ông lớn” này không thể để lại dấu ấn. Những tựa game huyền thoại như Super Mario và Zelda sẽ không bao giờ mất đi tác động đối với các gamer – sức thu hút của chúng không phụ thuộc vào độ tuổi hay khu vực địa lý. Cùng với đó, sự thống trị của Nintendo trong mảng tay cầm khả năng cao vẫn sẽ tiếp diễn – nhiều “kẻ thách đấu” xuất hiện như PS Vita đã phải nhận thất bại thảm hại.

Để đánh giá một cách khách quan, hãy cùng xem lại những điểm sau đây: Nintendo DS, Game Boy, và Game Boy Color đã bán được tổng cộng 270,74 triệu máy trên toàn thế giới. Nintendo DS là console phổ biến thứ 2 của mọi thời đại, với doanh số chỉ thấp hơn một chút so với PlayStation 2.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Console sắp tới của Nintendo, với tên gọi dự đoán là NX, được kỳ vọng sẽ thay thế Wii và mang tới một điều hoàn toàn mới cho thị trường. Có rất nhiều tin đồn về những tính năng đột phá của sản phẩm này, nhưng công ty vẫn chưa hé lộ bất cứ thông tin chi tiết nào.

Chủ tịch Nintendo Kimishima Tatsumi gần đây còn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng việc nói rằng họ “không xây dựng phiên bản tiếp theo của Wii hay Wii U,” và console này sẽ hoàn toàn “độc đáo và khác biệt”. Sự khác biệt đó là gì, hiện giờ vẫn chỉ là phỏng đoán, song nhiều nhà phân tích đang cho rằng, NX sẽ kết hợp cả set-top box và các tính năng của smartphone, và doanh thu dự tính trong năm đầu tiên có thể lên tới 20 triệu máy.

Theo Techinasia