Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game

PV  - Theo PLXH / PLXH | 01/12/2013 06:00 PM

Sự quan tâm của chính phủ đã tạo nên nét rất riêng biệt trong ngành công nghiệp giải trí mobile game, và đưa nó lên thành nét văn hóa đặc trưng của người Phần Lan.

Ở Phần Lan có hơn 150 công ty game, hơn 2000 người tham gia vào lĩnh vực này và đại đa số là những công ty sản xuất Mobile Game. Trong số các công ty đã nổi tiếng khi vừa mới thành lập thì đã có hơn 40% thành lập chỉ chưa đầy 2 năm mà những trò chơi đã khiến cả thế giới phải phát cuồng như Angry BirdsClash of Clans và Alan Wake… Điều đó đã đem đến một thắc mắc: tại sao một đất nước khu vực Bắc Âu nhỏ bé với dân số thưa thớt chỉ hơn 5 triệu mà lại có thể trở thành Đế quốc của Mobile Game?
 
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi nhà thiết kế trò chơi tên Jaakko Iisalo đã vẽ trên trang giấy của mình 1 chú chim đáng yêu với bộ lông vũ tươi tắn đứng trên mỏm đá nham thạch.  Có lẽ ông cũng không ý thức được rằng ý tưởng bất chợt và vô tình này đã góp phần vào công cuộc xây dựng nên một đế quốc của ngành giải trí trên toàn cầu đó là Rovio.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 1
Jaakko Iisalo
 
Rovio thành lập năm 2003, là công ty chuyên sản xuất game trên nền tảng di động, hiện có khoảng 52 phần mềm trò chơi do công ty chế tác. Năm 2009, khi Jaakko Iisalo hoàn thành xong những bản vẽ phác thảo liên quan tới chú chim Angry, Rovio đã quyết định lấy đó làm hình tượng để thiết kế 1 trò chơi di động mới, nhưng khi đó chẳng ai có thể ngờ được rằng chú chim nhỏ bé này lại có thể mang về 70 triệu USD cho công ty Rovio vào năm 2012.
 
Không nhiều người tin rằng họ sẽ thành công nên hầu như Rovio phải tự lực cánh sinh chi khoảng 41 nghìn EUR để phát triển game này. Tháng 12 năm 2009, trò chơi với hình tượng chú chim đáng yêu do Iissalo thiết kế lấy tên là Angry Birds chính thức ra mắt trên toàn thế giới. Tính đến tháng 6 năm 2013 với lượng tải lên tới 1.7 tỷ lượt, Angry Birds trở thành game được tải nhiều nhất trên ứng dụng của Apple ở 77 quốc gia và khu vực, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ hơn 150 triệu EUR cho Rovio.
 
Housemarque là công ty sản xuất game có bề dày lịch sử lâu đời nhất và vẫn tồn tại đến ngày nay. Game Supreme Snowboarding của công ty này đã thu về hơn chục triệu đô la vào thập niên những năm 90. Trò chơi Max Payne của Remedy Entertainment đã tạo huyền thoại về số lượng đĩa tiêu thụ lên tới 7 triệu 500 nghìn chiếc trên toàn thế giới. Và còn cả loạt game Flatout của Bugbear Entertainment, trở thành game đua xe hay nhất trong năm 2000.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 2
Supreme Snowboarding
 
Sau thành công vang dội của Angry Birds, ở Helsinki cũng xuất hiện 1 loạt các công ty game không hề thua kém. Lấy ví dụ như Clash of Clans của Supercell, công ty này hiện chỉ có 58 nhân viên nhưng mỗi ngày có thể thu về 2.4 triệu USD. Tạp chí nổi tiếng Forbes đã đánh giá đây là công ty game có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Ngày 4 tháng 12 năm 2012, Supercell đã tổ chức tiệc chúc mừng Clash of clans trở thành game đem lại doanh thu cao nhất trên Apple store.
 
Tại sao các công ty Mobile Game ở Phần Lan lại hoạt động sôi nổi đến vậy? Phải thừa nhận rằng, Phần Lan đặc biệt là Helsinki có văn hóa PC game đậm nét. Từ năm 1980, khi những chiếc máy tính để bàn vừa mới xuất hiện thì những người đam mê công nghệ máy tính đã tự mình viết chương trình trò chơi; nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính. Bởi thập niên những năm 90 là thời đại của Nokia. Nokia là thương hiệu nổi tiếng ở Phần Lan và được chính phủ giúp đỡ, ủng hộ nhiều nhất.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 3
Flatout
 
Nokia – Ngôi trường hoàn hảo cho doanh nghiệp Mobile Game
 
Khi đề cập đến ngành công nghệ thông tin ở Phần Lan thì Nokia là cái tên mà chúng ta không thể không nhắc tới. Trên thực tế, Nokia đã đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển ngành game. Tuy nhiên vai trò này sau đó đã bị hầu hết mọi người bỏ qua, đặc biệt là phương tiện truyền thông sau sự trỗi dậy của gã khổng lồ Apple. Sự suy yếu của Nokia luôn được giới truyền thông đem ra mổ xẻ nhưng những di sản mà nó để lại dường như đã bị lãng quên.
 
Tuy nhiên trên thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp và các công ty trên thế giới mà nói thì Nokia là một ngôi trường hoàn hảo nhất để người ta học tập. Và đối với Phần Lan, Nokia đã đào tạo ra nhiều nhân tài cũng như cung cấp nguồn đầu tư dồi dào cho lĩnh vực công nghệ thông tin, đó là chìa khóa thành công cho sự phát triển ngành công nghiệp game trong tương lai.
 
Nokia cũng đã từng hy vọng ngấp nghé đặt chân vào lĩnh vực game giải trí. Năm 2003, Nokia đã thành lập N-gage, bộ phận chuyên nghiên cứu sản xuất các phần mềm trò chơi trên nền tảng di động với thế hệ máy điện thoại chuyên chơi game mang tên N-gage. Thực tế đã chứng minh việc Nokia bắt tay vào làm game là 1 quyết định sai lầm, những trò chơi của N-Gage hoặc quá đơn giản, hoặc quá phức tạp đã không hấp dẫn được giới trẻ. Sau sự ra đời của những chiếc điện thoại thông minh cùng với thế hệ máy tính bảng thì Nokia buộc phải đóng cửa N-Gage.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 4
Máy điện thoại chuyên chơi game N-gage
 
Mặc dù thất bại nhưng N-Gage cũng có tác dụng hữu ích riêng. Trong quá trình làm game, Nokia vì muốn có được hiệu suất cao trong công việc nên đã giang tay giúp đỡ cho rất nhiều công ty nhỏ ở Helsinki, trong đó bao gồm cả cha đẻ của Angry Birds – Rovio, công ty này đã nhận được đơn đặt hàng và sự đầu tư từ Nokia. Mặc dù những thiết kế game của Nokia đều thất bại nhưng những công ty như Rovio lại có tiền vốn và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quá trình sản xuất game của Nokia. Cũng nhờ Nokia mà một loạt các công ty Mobile Game đã lên ngôi ở Helsinki, khởi nguồn cho kỷ nguyên của game di động và dần thay thế cho thời đại PC game vốn là bá chủ vào những năm 90. Người ta gọi đó là những công ty game thế hệ thứ 2.
 
Khi thất bại, Nokia đã phải cho nghỉ việc rất nhiều nhân viên, nhưng điều này lại đem lại cơ hội tuyển dụng cho các công ty Mobile Game khác ở Helsinki (khi Nokia cường thịnh, các công ty khác khó có thể thu hút được nhân tài về mình). Và thế là, những nhân tài trong các lĩnh vực như quản lý, thị trường hay công nghệ đều ồ ạt chọn các công ty Mobile Game ở Helsinki làm bến đỗ.
 
1 số nhân viên cũ của Nokia tự lập nghiệp và Nokia đã mở 1 chương trình đặc biệt mang tênNokia Bridge Programme nhằm mục đích giúp đỡ họ. Chương trình này đã cấp 25 nghìn EUR vốn khởi động để những nhân viên cũ của họ lập nghiệp. Rumilus Design là một trong những đại diện tiêu biểu. 4 người thành lập công ty này đều là những nhân viên cũ của Nokia, mùa xuân năm 2012, họ đã quyết định tham gia vào chương trình hỗ trợ này và thành lập công ty chuyên về Mobile Game. Rumilus đã tung ra loạt game Collapsticks trên Windows Phone trở nên rất nổi tiếng chỉ trong thời gian ngắn.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 5

Nokia thực sự đã để lại nhiều dấu ấn trong ngành game ở Phần Lan, nhưng nhân tố chính giúp cho văn hóa game Phần Lan phát triển mạnh mẽ đó là chính phủ.
 
Sự hỗ trợ của chính phủ với 3 đối tượng khác nhau
 
Để giúp các doanh nghiệp mới thành lập, chính phủ Phần Lan đã thành lập cơ quan đổi mới công nghệ Tekes. Hiện Tekes mỗi năm có thể cấp tổng cộng 600 triệu EUR hỗ trợ 1500 doanh nghiệp sản xuất game và 600 dự án nghiên cứu. Vì mục đích của Tekes là tạo ra phúc lợi kinh tế – xã hội lâu dài nên tiền tài trợ không yêu cầu hoàn trả thậm chí là cả quyền lợi về sở hữu trí tuệ, do vậy mà rất nhiều các công ty và cá nhân doanh nghiệp đều tiếp nhận sự giúp đỡ của Tekes.
 
Tekes quả thực đã giúp đỡ rất nhiều cho ngành công nghiệp game ở Phần Lan. Ví như Rovio đã được Tekes tài trợ tổng cộng 400 nghìn EUR trong gần 2 năm từ 2005 đến 2007. Đó cũng là giai đoạn khó khăn của công ty này, nên nếu không có sự giúp đỡ của Tekes thì sẽ không có Angry Birds. Mùa thu 2012, Tekes còn lập dự án hỗ trợ mang tên Skene tập trung cho việc sản xuất game. Theo kế hoạch, Skene sẽ cấp khoảng 10 triệu EUR cho ngành công nghiệp game Phần Lan mỗi năm.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 6

Bởi tiền vốn mà Tekes cung cấp đều là từ chính phủ, mà nguồn tài chính của chính phủ lại chủ yếu đến từ nguồn thuế cá nhân của người dân Phần Lan, do vậy mà Skene có quy định và yêu cầu nghiêm ngặt với đối tượng hỗ trợ. Hiện nay, dự án Skene tập trung hỗ trợ cho 3 đối tượng tương ứng với 3 cấp độ khác nhau.
  • Đầu tiên là dự án hỗ trợ cho các công ty mới thành lập còn chưa có kinh nghiệm, giúp họ nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
  • Tiếp theo là những công ty đã thành lập và đã có 1 số những sản phẩm được phát hành ở Helsinki. Những công ty này có sự ổn định về kinh tế và biết cách dùng nhân tài, cái mà họ cần là mở rộng và phát triển nghiệp vụ chuyên môn. Đối với họ thì tiền vốn là nhân tố quan trọng nhất.
  • Cuối cùng là những công ty nổi tiếng, thậm chí là cả những công ty mang tầm cỡ quốc tế. Những công ty này không thiếu nhân tài và vốn, điều mà họ mong muốn là sự phát triển đa dạng.
Người Phần Lan từ chối tư tưởng bảo thủ
 
Và cuối cùng người viết muốn nói với độc giả về người dân Phần Lan. Phần Lan là đất nước nhỏ bé, dân số ít ỏi, nên người Phần Lan rất thích giao lưu với bạn bè năm châu, và quốc tế hóa cũng rất sớm. Chính nhờ sự giao lưu mở cửa trong thời gian dài nên người Phần Lan luôn hứng thú với những thứ mới mẻ. Vì thế, khi iPhone của Apple lật đổ Nokia trên thị trường smartphone thì người Phần Lan không có cái gọi là cảm giác chán nản, mà ngược lại họ lại vui mừng đón nhận và cũng hưởng ứng theo trào lưu.
 
Người Phần Lan rất thích thú làm mới văn hóa và ghét những tư tưởng bảo thủ. Đặc điểm này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực thiết kế. Năm 2012, Helsinki được bình chọn là thủ đô của thiết kế, đây là danh hiệu khen thưởng cao quý nhất đối với người dân Phần lan. Nếu có cơ hội đến Phần Lan, hãy nói chuyện với thanh niên ở đây, họ sẽ nói họ không thích tham gia làm chính trị hay cơ quan nhà nước, hầu như đều thích mở cho mình văn phòng thiết kế riêng. Ở Phần Lan, chỉ có học sinh sinh viên không xuất sắc mới muốn trở thành công nhân viên chức nhà nước.

 Phần Lan – Vương quốc của Mobile Game 7
Max Payne
 
Sự giao thoa về văn hóa đã đem lại cho Phần Lan những lợi ích to lớn. Hiện tại, Phần Lan có gần hơn 200 công ty game, trong đó 30% tập trung ở thủ đô Helsinki. Ngành công nghiệp có gần 1600 người tham gia này mỗi năm đã mang lại giá trị kinh tế khoảng mấy tỷ EUR cho đất nước. Rất nhiều công ty tuy có quy mô nhỏ nhưng lại có thể tạo ra những sản phẩm tầm cỡ thế giới như Angry Birds hay Clash of Clans. Mặc dù ở Phần Lan các công ty có quy mô khác nhau nhưng thái độ của nhà nước đối với họ là bình đẳng, mỗi công ty đều được Nhà nước ủng hộ và giúp đỡ.
 
Paananen_CEO của Supercel nói Helsinki là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất game mobile. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã thu hút 60 triệu EUR tương đương với 80 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, ngoài ra thì mối quan hệ đan xen giữa các nhà sản xuất game cũng là yếu tố không thể không nhắc tới. Ở Helsinki, các công ty game sống dưới bầu không khí hòa thuận và hữu hảo. Mục tiêu của họ là hướng ra thị trường thế giới nên không có cái gọi là chủ nghĩa bảo hộ hay cạnh tranh thù địch.
 
Rất nhiều người có thể nhảy việc từ công ty này sang công ty khác ở Helsinki, họ đều biết đối phương làm gì và cần gì. Ở Phần Lan, các nhà sản xuất game ở phương diện nào đó thì là đối thủ nhưng trên 1 số lĩnh vực thì họ lại là bạn hợp tác. Minh chứng như Rovio sau khi thu về khoảng 31 triệu EUR (tương đương với 42 triệu USD) sau đầu tư đã giúp đỡ các đối thủ của mình như Supercell, GreyArea thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là hành động được mọi người ca ngợi trên thế giới. Cùng năm đó, Accel Partners – một hãng đầu tư nổi tiếng đã đầu tư khoảng 9 triệu EUR (tương đương với 12 triệu USD) cho Supercell, trong đó Rovio cũng nắm giữ cổ phần.
 
Người viết cho rằng đây chính là những yếu tố khiến văn hóa game ở phần Lan nói chung và Helsinki nói riêng phát triển. Có thể nói, tuy game là một ngành thương mại nhưng nó lại có thể đem đến niềm vui cho con người. Chỉ khi ở trong 1 môi trường thoải mái, cạnh tranh lành mạnh thì mới có thể tạo ra được những trò chơi hay, sản phẩm chất lượng. Sự giúp đỡ của của những người trong ngành, và đặc biệt là sự quan tâm của chính phủ đã tạo nên nét rất riêng biệt trong ngành công nghiệp giải trí game, và đưa nó lên thành nét văn hóa đặc trưng của người Phần Lan, điều mà ít nơi có thể làm được.

Theo Innoflex.vn