- Theo Trí Thức Trẻ | 26/12/2015 0:00 AM
Nối theo bài trước, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn lại những sự kiện tiêu biểu, gây chấn động hàng đầu ngành công nghiệp video game trong năm 2015.
Nintendo “mobile tiến”
Suốt nhiều năm trời, các gamer, nhà phân tích và nhà phê bình đều băn khoăn chung một câu hỏi: Khi nào thì Nintendo mới tấn công vào thị trường game mobile màu mỡ? Mang những cái tên biểu tượng như Mario hay Zelda vào mảng game mobile gần như sẽ đem lại thành công chắc chắn cho công ty. Đây có thể nói là một nước đi hiển nhiên của Nintendo, song phải đến năm nay, điều này mới thành sự thật. Vào tháng 3, công ty thông báo sẽ hợp tác với nhà phát hành game mobile danh tiếng DeNA để tạo ra những game mới trên smartphone và các thiết bị di động khác. Được biết, Nintendo sẽ phụ trách hoàn toàn mảng sáng tạo trong khi DeNA cung cấp công nghệ cần thiết để vận hành game như những dịch vụ trực tiếp trên các thiết bị di động.
Game đầu tiên, Miitomo, một game mô phỏng đời sống miễn phí, tương tự như Tomodachi Life, sẽ được phát hành vào tháng 3 năm 2016. Nintendo và DeNA cũng đang làm việc với 4 tựa game thuộc nhiều thể loại khác nhau nữa chưa được công khai. Nếu như Miitomo nhận được phản ứng tốt từ công chúng, nó có thể đem đến lực đẩy lớn cho Nintendo và gây biến động mạnh cho thị trường game mobile. Đây có thể sẽ là cứu cánh cho “ông lớn” này trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn do doanh số thấp của console Wii U.
“Của hiếm” Nintendo PlayStation được tìm thấy
Giờ đây, khi mà cụm từ “cuộc chiến console” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc đối với mọi gamer, thật khó có thể tưởng tượng được việc hai nhà phát hành game lớn này bắt tay với nhau. Song, đó chính là điều mà Sony và Nintendo đã làm vào năm 1988. Hai công ty đã có thời gian hợp tác ngắn hạn để sản xuất SNES-CD, một console bổ sung phần hỗ trợ CD cho đầu máy Super Nintendo Entertainment System. Bản thử nghiệm với tên PlayStation sau đó bị loại bỏ bởi những bất đồng bản quyền giữa Sony và Nintendo, đồng thời chấm dứt cuộc hôn nhân ngắn ngủi giữa hai “ông lớn” này.
Hơn 20 năm sau, anh Dan Diebold đã đăng tải những bức ảnh của chiếc console chưa từng được ra mắt này cho Imgur. Theo như Engadget, đây là một trong những thứ mà cha của Diebold đã thắng được trong một cuộc đấu giá sau khi công ty của ông, Advanta Corporation phá sản vào năm 2009. Một trong những thành viên ban quản trị của Advanta, ông Olaf Olafsson, từng là CEO tại Sony Interactive Entertainment. Mặc dù cha của Diebold không hề biết giá trị của chiếc máy này tại thời điểm đó, ông vẫn mua về nó, và đã lưu giữ lại được một phần của lịch sử ngành game.
Steam giới thiệu tính năng trả phí cho mod
Vận hành dưới niềm tin rằng những nhà sáng tạo nên được hưởng lợi thỏa đáng, Valve – nhà sở hữu dịch vụ phân phối điện tử Steam – đã đưa ra thông báo rằng từ tháng 4, công ty sẽ cho phép các modder thu phí cho các add-on, phần mở rộng và item họ đưa lên Steam Workshop đối với những game như The Elder Scrolls V: Skyrim. Modder sẽ nhận được một phần lợi nhuận từ đó, phần còn lại sẽ về tay Steam và nhà phát hành game. Bằng cách này, người chơi có thể hỗ trợ những mod chất lượng tốt và giúp chúng phát triển. Một vài trong những game PC có tiếng nhất – Counterstrike, DOTA 2, Team Fortress và DayZ – vốn dĩ ban đầu đều là mod của những game sẵn có.
Tuy nhiên, nước đi này đã không đạt được kết quả khả quan cho lắm. Gamer làm khuấy động mạng xã hội, phàn nàn về thay đổi này, gọi những modder là “kẻ tham lam” khi thu phí đối với một dịch vụ ban đầu là miễn phí. Và Valve đã phải quyết định xóa bỏ tính năng trả phí cho mod chỉ vài ngày sau khi giới thiệu về nó. Từ đó đến nay, họ vẫn giữ im lặng về vấn đề này.
Lấy lại tiền từ những game lỗi trên Steam
Thông thường trong thế giới điện tử, nếu như bạn mua một cái gì đó, nó là của bạn vĩnh viễn, không có hoàn lại. Song Valve đã thay đổi điều đó trong năm nay khi họ bắt đầu hoàn tiền cho những game được mua trên dịch vụ phân phối Steam. Vào tháng 6, Valve đã thông báo rằng họ cho phép hoàn lại game vì bất cứ lý do gì, nhưng chỉ trong 14 tiếng đầu tiên sau khi thực hiện thanh toán và bạn chỉ được phép đã chơi ít hơn 2 tiếng.
Quyết định này đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong chính sách của Valve và giúp Steam thâm nhập được vào thêm nhiều quốc gia Châu Âu yêu cầu phải có chính sách hoàn tiền theo luật pháp. Đây được coi là một nước đi tích cực, vì lợi ích của người tiêu dùng, nhưng cũng có những mặt hạn chế. Nhiều người tin rằng chính sách hoàn tiền này sẽ gây hại cho các nhà phát triển game, đặc biệt là các nhà phát triển độc lập, với phương châm tạo ra những trải nghiệm “mỳ ăn liền” nhanh chóng như Gone Home hay The Stanley Parable.
Lệnh cấm game console đã tồn tại 14 năm ở Trung Quốc bị gỡ bỏ
Lần đầu tiên trong vòng gần 15 năm, gamer trên khắp lãnh thổ Trung Quốc có thể mua một chiếc Xbox, PlayStation, hoặc Wii. Bộ Văn hóa Trung Quốc đã đưa ra thông báo vào tháng 7 rằng các công ty như Microsoft, Sony, và Nintendo giờ đây có thể sản xuất và bán console ở bất cứ đâu trên đất nước này. Trước đây, việc mua bán chỉ được giới hạn trong khu vực phát triển kinh tế Thượng Hải. Trung Quốc ban lệnh cấm console lần đầu tiên năm 2000 bởi sợ rằng các thiết bị console sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ em.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của ngành game, và việc gỡ bỏ lệnh cấm console tại đây sẽ mang đến một sự thúc đẩy lớn cho toàn ngành. Nhưng nhiều khả năng rằng Sony, Microsoft, và Nintendo sẽ gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong thị trường này. Vắng bóng console, gamer Trung Quốc đã chuyển sang PC và mobile làm nền tảng giải trí của họ trong suốt 15 năm qua, mang về doanh thu lên tới hàng tỷ USD.
Chiến thắng cho những người bảo tồn video game
Tháng 10 vừa qua, Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua những điều luật mới về việc miễn bản quyền DRM, và một trong những sự miễn trừ này ảnh hưởng tới việc người chơi gìn giữ những game kinh điển.
Tổ chức EFF (Electronic Frontier Foundation) cho biết họ đã đấu tranh cho sự miễn trừ giúp cho phép người chơi điều chỉnh bản copy của mình với một game để không cần phải có server chính thống nữa nếu như sau này server gốc của game có bị đóng cửa. Bên cạnh đó cũng cho phép quyền “jailbreak” các thư viện, kho lưu trữ hoặc điều chỉnh game console để có thể vận hành những game cũ bình thường. Thông thường, theo như Luật Bảo vệ Bản quyền Tác giả DMCA năm 1998, sẽ là bất hợp pháp nếu tự ý điều chỉnh một console. Tuy nhiên, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã giới hạn sự miễn trừ cho các game mà không thể chơi được nữa sau khi đóng cửa server, ngoại trừ những game mà chỉ có tính năng multiplayer là bị mất.
Gìn giữ lịch sử game là một vấn đề quan trọng khi mà công nghệ liên tục phát triển và những hình thức truyền thông cũ đang phai mờ dần. EFF nhận định rằng luật mới này của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ cho phép thế hệ sau này có thể vẫn trải nghiệm được nhiều tựa game kinh điển.
Theo VentureBeat