Nhìn lại các tin tức thị trường game Đông Nam Á đáng chú ý gần đây

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/11/2015 0:00 AM

Thị trường game Đông Nam Á thời gian gần đây ra sao? Có điểm gì nổi bật và đáng chú ý? Chúng ta cùng điểm lại với loạt tin trong bài tổng hợp này.

Game thủ Singapore là những người chịu chi nhất khu vực Đông Nam Á

Một nghiên cứu bởi công ty điều tra thị trường game Newzoo cho thấy, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng chi tiêu cho game hàng năm tại khu vực Đông Nam Á . Cụ thể hơn, người dân Singapore chi trung bình 189 USD (khoảng 4 triệu VND)/năm vào game trên mọi nền tảng, hơn gấp năm lần quốc gia chi tiêu cao thứ nhì của khu vực – Malaysia, với 33 USD/năm.

Newzoo lý giải điều này qua chất lượng sống cao và nền kinh tế mạnh của Singapore – dù có tỷ lệ game thủ mobile trả phí thấp nhất trong khu vực với 29%. Bản báo cáo điều tra về lượng tiền mà game thủ bỏ ra và tổng lợi nhuận game tại 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam .

Những số liệu thống kê bao gồm mọi thể loại – game mobile phone, tablet, casual webgame, console và PC, và mọi hình thức chi trả như thanh toán in-app hoặc mua toàn bộ một ứng dụng hoặc game console. Xét trên quy mô toàn cầu, Nhật Bản chiếm ngôi vương với trung bình 322 USD/người chơi, còn Singapore đứng hạng 7.


Chơi game cũng là thú vui được ưa thích của giới trẻ Singapore

Chơi game cũng là thú vui được ưa thích của giới trẻ Singapore

Ông Marc Einstein, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, tin rằng cơ sở hạ tầng internet của Singapore cùng với sự phân phối rộng rãi của tablet và smartphone tại quốc gia này đã tạo ra một thị trường khổng lồ cho game mobilegame online. Marc nhận định rằng có một sự chênh lệch lớn trong các số liệu bởi một lượng rất nhỏ người chơi đầu tư số tiền vô cùng lớn, so với một lượng đông đảo người chơi có xu hướng ưa chuộng game miễn phí hơn. “Có tới 90% lợi nhuận game đến từ 10% người chơi.”

Những nhà phát triển game ở địa phương cho rằng đây là một tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp phát triển game đang nảy nở ở Singapore. Ông David Ng, giám đốc điều hành của công ty phát triển game gumi Asia cho biết: “Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Sigapore là thị trường rất quan trọng đối với việc thu hút người chơi. Tổng lượng người chơi có thể không lớn, nhưng gamer Singapore chi tiền nhiều hơn bởi họ dùng thẻ tín dụng nhiều hơn và dễ dàng chi trả cho các sản phẩm online.

Anh Benjamin Chew, một chuyên viên cố vấn IT, ước tính rằng anh ta đã chi gần 800 USD một năm trên game mobile Castle Clash. Người đàn ông 30 tuổi này cho biết: “Đối với những game như vậy, việc đầu tư tiền thật có những lợi thế to lớn. Tôi đang 'cày top' và việc trả tiền cho những thanh toán in-app giúp cho khả năng cạnh tranh là cao hơn rất nhiều.”


Một cửa hàng game tại Singapore

Một cửa hàng game tại Singapore

Báo cáo này cũng ước tính được rằng 85% mức tăng trưởng của ngành game vào năm 2017 sẽ đến từ Châu Á, và Đông Nam Á sẽ là thị trường dễ thâm nhập hơn so với Trung Quốc cho các nhà phát triển game phương Tây.

Tổng lợi nhuận từ game năm ngoái của Singapore vào khoảng 201,6 triệu USD, trong khu vực chỉ đứng sau Thái Lan (230,3 triệu USD) và Malaysia (214,2 triệu USD). Ủy ban phát triển truyền thông (MDA) cũng nhấn mạnh rằng ngành game là bộ phận truyền thông giải trí phát triển nhanh nhất của Singapore, nhờ vào thị trường game bùng nổ trong khu vực Đông Nam Á.

Bà Angeline Poh, trợ lý giám đốc điều hành MDA, cho biết: “Các nhà phát triển và nhà phát hành game tại đây được hưởng lợi không chỉ từ việc có một thị trường nhà mạnh, mà còn là lợi thế được hoạt động tại một trong những khu vực kết nối tốt nhất thế giới để sáng tạo và cung cấp game cho khách hàng ở cả trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.”

Doanh thu game Đông Nam Á sẽ vượt 150,000 tỷ VNĐ vào năm 2019

Doanh thu game của khu vực Đông Nam Á có thể vượt qua mốc 7 tỷ USD (khoảng 150,000 tỷ VNĐ) vào năm 2019, dựa theo nghiên cứu mới của cơ sở Frost & Sullivan.

Phân tích từ công ty nghiên cứu này cho thấy rằng doanh thu game Đông Nam Á đã chạm mức 1 tỷ USD trong năm 2014, và nó sẽ giữ tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 48% từ giai đoạn năm 2015 đến 2019. Qua đó có thể nhận định rằng, Đông Nam Á – mái nhà chung của hon 600 triệu dân số – sẽ có tốc độ trưởng nhanh hơn các khu vực trưởng thành khác trên thế giới.

Chi tiết hơn, Singapore và Malaysia sẽ là đầu tàu phát triển, đóng góp lớn vào nhịp độ phát triển chung của khu vực, nhờ vào tỷ lệ tăng nhanh của lượng người sử dụng internet băng thông rộng và người sử dụng thiết bị thông minh lần đầu tiên. Tỷ lệ tăng trưởng các kênh truyền thống xã hội cũng góp sức cho ngành game của khu vực được biết đến rộng rãi và phổ biến hơn. Nhưng những thị trường còn kém phát triển như Lào, Cambodia và Myanmar vẫn còn đang trong giai đoạn “trứng nước” mà thôi.


Top ứng dụng mobile ở khu vực Đông Nam Á, theo nghiên cứu của Frost & Sullivan

Top ứng dụng mobile ở khu vực Đông Nam Á, theo nghiên cứu của Frost & Sullivan

Frost & Sullivan nói rằng tỷ lệ smartphone và tablet sẽ trở thành phương tiện sử dụng chính vào năm 2019. Ví dụ như ở Thái Lan, hơn 50% dân số nước này đều sử dụng smartphone, và trong khi lượng người chơi game tablet có nhỏ hơn, nhưng doanh thu trung bình từ mỗi người sử dụng tablet lại gấp 4,2 lần người sử dụng smartphone.

Hiện nay, Android đang là hệ điều hành mobile thống trị ở khu vực và sẽ giữ vững vị trí này trong một khoảng thời gian rất dài nữa nhờ vào giá cả vừa phải và sự phổ biến của lượng smartphone Trung Quốc đối với những thị trường đang phát triển. Điều này sẽ tạo ra thử thách cho những nhà phát triển game khi lựa chọn sự hỗ trợ của phiên bản Android nào.

Chỉ có 6% người sử dụng Google Play ở Indonesia là đang dùng Android 2.3. Tuy nhiên, nền tảng Android đang trở nên ít phân mảnh hóa hơn, và giảm bớt gánh nặng cho các nhà phát triển trong tương lai gần.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phương thức thanh toán vẫn đang là một trong những vấn đề lớn cần tìm cách thức giải quyết ở khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng là cực thấp, và sự phân phối đối với những voucher trả trước của Apple và Google vẫn chưa phổ biến ở hầu hết các nước trong khu vực. Trước mắt, giải pháp thanh toán thương mại điện tử như Bitcoin đang ngày càng trở nên thông dụng hơn.

Các ứng dụng chat mobile như Line là cưc kỳ phổ biến, đặc biệt là ở thị trường Thái Lan. Đối với Singapore, Malaysia, và Philippines thì Whatsapp lại được ưa chuộng hơn, trong khi cư dân Indonesia vẫn sử dụng BBM với dịch vụ của Blackberry. Còn Việt Nam có ứng chat mobile riêng là Zalo. Các ứng dụng chat đang là một công cụ rất hiệu quả để phân phối và quảng cáo game .

Ngoài ra, mạng xã hội như Facebook đã trở thành một nền tảng cực kỳ quan trọng ở Đông Nam Á để các nhà phát hành quảng bá sản phẩm. Hơn nữa, người chơi game mobile Đông Nam Á cũng rất ưa chuộng những sản phẩm phổ biến ở phương Tây ví như Clash of Clans.

Việt Nam là những người chơi game casual "keo kiệt" nhất Đông Nam Á

Đông Nam Á đang là một khu vực đầy tiềm năng của mảng game casual , đặc biệt là nhóm “Big 6” bao gồm: Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Vậy nên nhu cầu nắm bắt, phân tích thông tin về người chơi tại 6 quốc gia này là vô cùng cần thiết, và đó chính là mục tiêu của bài viết này.

Với mọi công việc phân tích, những câu hỏi nào được đặt ra cũng có tầm quan trọng tương đương câu trả lời. Và để nắm được những thông tin hữu ích nhất về thị trường mới nối này, chúng ta sẽ tập trung vào 3 câu hỏi:

1. Những ai đang chơi game casual?

2. Những gamer trung thành nhất ở đâu?

3. Những người dùng giá trị nhất ở đâu?

Và dữ liệu từ Gametop.com, trang game chuyên về thể loại casual desktop (Windows/PC), với hơn 80 triệu người dùng sẽ cho ta câu trả lời.

Tỷ lệ cài đặt/chơi game

Rõ ràng 6 quốc gia mà chúng ta lựa chọn đế nghiên cứu là rất khác nhau trên nhiều phương diện, đặc biệt là quy mô dân số đóng một vai trò quan trọng. Nhưng để biết được ở đâu có nhiều người chơi “hardcore” nhất, ta phải xét đến tỷ lệ số lượng người chơi/số lượng cài đặt game .

Hóa ra, gamer Việt Nam là những người chơi “tâm huyết” nhất của thể loại casual. So với những gamer “hời hợt” nhất tại Indonesia, gamer Việt Nam chơi nhiều hơn gấp 2 lần. Nhóm 4 quốc gia còn lại ở khoảng giữa không có nhiều sự chênh lệch. Hai kẻ “ngoại đạo” nổi bật nhất là Indonesia và Việt Nam, và nếu sử dụng “bộ lọc” là một vài yếu tố nhân khẩu học cơ bản, chúng ta sẽ thấy những số liệu trên thú vị hơn rất nhiều.

Những người chơi này là ai?

“Độ tuổi” và “Giới tính” có lẽ là 2 bộ lọc cơ bản nhất, song chúng vẫn có thể cho bạn biết nhiều điều về thành phần người dùng của mình. Dạng thông tin này sẽ rất có giá trị cho việc xác định trọng tâm chiến lược marketing của bạn.

Biểu đồ dưới đây được sắp xếp theo quy mô thị trường, Singapore là nhỏ nhất và Indonesia là thị trường lớn nhất. Có hai điểm nhấn đáng chú ý nhất qua biểu đồ. Thứ nhất là phụ nữ Singapore không hứng thú lắm với game casual trên desktop, còn tại Malaysia thì điều này hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, phụ nữ Malaysia chơi nhiều hơn cả nam giới. Còn ngược lại, Indonesia là thị trường lớn nhất về quy mô, và cũng là nơi mà gamer nam áp đảo.

Bên cạnh tỷ lệ giới tính, thành phần các nhóm tuổi khác nhau tại từng thị trường cũng là một yếu tố đáng quan tâm.

Một vài đặc điểm rõ ràng từ biểu đồ phía dưới, đó là Singapore thiếu hoàn toàn nhóm người chơi trên 65 tuổi, nhưng lại có tỷ lệ người chơi từ 55 – 64 tuổi cao nhất trong số 6 quốc gia. Malaysia cũng thiếu hụt duy nhất một nhóm tuổi (55 – 64). Thái Lan và Indonesia có lẽ là 2 quốc gia “cân bằng” nhất, tức là có gamer ở mọi nhóm tuổi, và sự phân bố giữa các nhóm tuổi cũng khá cân bằng. Thậm chí, tỷ lệ từng nhóm tuổi ở hai quốc gia này cũng tương đối giống nhau. Malaysia là quốc gia có cộng đồng người chơi trẻ nhất, với 75% người chơi dưới 34 tuổi, và 98% dưới 44 tuổi.

Tiền ở đâu ra?

Sở hữu lượng người dùng và số lượt truy cập lớn trên một trang web là một điều tốt, nhưng cuối cùng thì điều quan trọng nhất vẫn phải là số tiền thực sự mà họ mang lại cho công việc kinh doanh của bạn. Các game trên Gametop đều cho phép tải về miễn phí, còn mô hình kinh doanh chủ yếu dựa vào quảng cáo Google Adsense trên web.

Rõ ràng những quốc gia lớn thì có lợi thế dân số, nhưng trên thực tế thì lại không đơn giản như vậy. Nếu như xét tới giá trị tương đối từ người dùng, bạn sẽ nhận thấy một bức tranh toàn cảnh rất khác biệt.

Đặt 6 quốc gia này cạnh nhau khi xét về giá trị tương đối, chúng ta nhận thấy tình hình ở đây là nơi có những người dùng giá trị nhất đem lại lợi nhuận gấp 10 lần so với nơi có người dùng ít giá trị nhất. Lưu ý rằng những con số này chỉ để biểu thị mối quan hệ giữa các quốc gia, chứ không phải tổng doanh thu thực tế.

Không ngạc nhiên khi Singapore là quốc gia có giá trị thị trường cao nhất dù có quy mô dân số nhỏ. Đây là một quốc gia hiện đại, và các nhà quảng cáo sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình tới đám đông “đại gia” tại đây. Malaysia đứng thứ 2, cách vị trí dẫn đầu không quá xa (khoảng 18% thấp hơn so với Singapore), trong khi các quốc gia còn lại thấp hơn hẳn, đặc biệt là Việt Nam ở vị trí cuối cùng. Đây là một thông số quan trọng cần xem xét bởi lẽ gamer Việt Nam là những khách hàng năng động và trung thành nhất.

Kết luận

Sau đây là những điểm nhấn đáng chú ý nhất về người chơi game casual tại khu vực Đông Nam Á:

- Hãy hướng tới các gamer Malaysia, họ là những người trẻ tuổi nhất trong khu vực.

- Cộng đồng người chơi Singapore có giá trị rất cao, họ là nhóm người chơi lớn tuổi hơn. Hãy thực hiện khảo sát xem họ thích chơi thể loại game gì nhất.

- Gamer Việt Nam chơi rất nhiều, song họ không mang lại nhiều giá trị thực tế cho việc kinh doanh của bạn.

- Indonesia và Philippines là hai thị trường khổng lồ nhờ vào quy mô dân số vô cùng lớn.

- Thái Lan có thể nói là quốc gia “cân bằng” nhất về mọi mặt. Đây là một thị trường tiềm năng, song ngôn ngữ chắc chắn sẽ là một rào cản lớn.

Game mobile là nhân tố chính thúc đẩy thanh toán di động ở Đông Nam Á

Ngày càng nhiều người chơi sử dụng các hình thức thanh toán mobile tại khu vực Đông Nam Á , mặc dù vậy đại đa số người tiêu dùng lại chưa thực sự ưa chuộng chúng. Song theo như công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Forrester, điều này đang dần thay đổi.

Dưới đây là tổng quan về một vài xu hướng của mảng thanh toán mobile và một vài lời khuyên từ Forrester mà những công ty hoạt động trong mảng này cần chú ý để nâng cao khả năng thành công của mình.

Hãy nắm lấy một cơ hội cực lớn

Trong một báo cáo, Forrester cho biết các vụ giao dịch thanh toán online và trên mobile tại Đông Nam Á được dự tính sẽ vượt mức giá trị 22 tỷ USD (khoảng 450,000 tỷ VNĐ) trong năm 2015. Và con số này sẽ còn tăng lên từ từ trong vài năm tiếp theo, dựa trên vài yếu tố sau đây.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ nhất, ngày càng có nhiều người tiêu dùng đang mua những sản phẩm kỹ thuật số qua smartphone của họ. Forrester ước tính rằng số lượng smartphone – phương tiện đầu tiên và có thể là duy nhất của rất nhiều người để tiếp cận internet – sẽ vươn tới con số 175 triệu tại Đông Nam Á năm nay và đạt 230 triệu vào năm 2017. Đâu là nhân tố chính thúc đẩy thanh toán mobile qua thiết bị này? Đó chính là game . Ngành công nghiệp game mobile khu vực được dự đoán sẽ đạt doanh thu trên 7 tỷ USD (khoảng 150,000 tỷ VNĐ) vào năm 2019, bởi công ty nghiên cứu Frost & Sullivan.

Thứ hai, mcommerce (thương mại mobile) sẽ hỗ trợ phát triển các hình thức thanh toán trong tương lai. Các công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào những “chợ” mua bán online và mobile như Carousell tại Singapore và Tarad tại Thái Lan. Đặc biệt trên Tarad, 35% các khoản thanh toán được thực hiện qua mobile.

Thứ ba, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thanh toán mobile. Như chính phủ Malaysia đã bỏ ra tới hơn 240 triệu USD vào Quỹ Đầu tư Chiến lược Nội địa (Domestic Investment Strategic Fund) để phát triển những sản phẩm tài chính mới, trong khi đó Quỹ Tiền tệ Singapore cũng đầu tư khoảng 160 triệu USD vào việc phát triển ngành fintech (công nghệ tài chính) của quốc gia. Vậy nên chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hình thức thanh toán mới, tiện lợi hơn xuất hiện trong tương lai.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thanh toán mobile tại các điểm bán lẻ, tận dụng giao tiếp trong trường gần, sẽ cần một thời gian nữa để bắt kịp xu thế, “vẫn còn cách xa thời điểm bùng nổ bởi chưa được chấp nhận bởi đông đảo các nhà buôn tại khu vực Đông Nam Á,” theo như Forrester giải thích.

Thanh toán mobile được dùng để làm gì?

Tại những thị trường đang phát triển, phần lớn là mạng ngang hàng peer-to-peer (P2P), và trọng tâm là tiền chuyển khoản. Philippines đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục về số lượng tiền chuyển khoản, tính đến năm 2014 đã lên tới 28 tỷ USD. Những công nhân Philippines di trú trên toàn cầu trước đây luôn phải phụ thuộc vào những công ty chuyển tiền như Western Union để gửi tiền về cho gia đình, nhưng bây giờ họ có thể chuyển hướng tới các công ty telcos và fintech khởi khiệp như Xoom, Remitly, và MatchMove với phí dịch vụ thấp hơn.

Mcommerce xuyên biên giới cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thức đẩy thanh toán mobile tại Đông Nam Á. Theo Forrrester, tại Singapore, 55% người tiêu dùng online mua sắm ngay trên điện thoại của họ, với một lượng đơn hàng đáng kể đến từ các quốc gia bên ngoài. Tại Malaysia cũng tương tự như vậy, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng cũng có thể thực hiện các khoản thanh toán trên điện thoại. Tại Thái Lan, các công ty telco như True cung cấp thẻ ảo, trong khi đó tại Indonesia, các công ty fintech khởi nghiệp như Codapay cũng cho phép người dùng mua sản phẩm kỹ thuật số qua thẻ điện thoại.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không phải mọi giải pháp thanh toán mobile sẽ đều thành công

Forrester nhận định rằng, bất cứ hình thức thanh toán mobile nào thành công cuối cùng đều phải phụ thuộc vào việc giải pháp của bạn tốt hơn cái cũ như thế nào về tính đơn giản, tốc độ, bảo mật, và chi phí. Điển hình như thành công của hình thức thanh toán P2P, cho phép gửi và nhận tiền ngay lập tức, vậy nên không cần phải đi đến ngân hàng để đặt tiền hoặc séc.

Một rào cản khác cần phải vượt qua là vấn đề “quả trứng – con gà”, người tiêu dùng sẽ sử dụng một hệ thống thanh toán mà được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà buôn, và ngược lại. Lời khuyên của Forrester là: “Thực hiện quy trình quản lý kinh doanh ‘phải-có’ để thuyết phục người tiêu dùng đăng ký ngay từ đầu, hoặc tạo ra hiệu ứng mạng lưới bằng cách hoạt động tương hợp với những hệ thống khác để vươn tới đại chúng nhanh chóng hơn.”

Cuối cùng, quan trọng là phải có cấp vốn và một mô hình kinh doanh khả thi. Bởi lẽ một hệ thống thanh toán yêu cầu đầu tư lâu dài, chỉ có thể thu về lợi nhuận sau hàng năm trời. Nên nhớ rằng, thanh toán mobile là một ngành kinh doanh ít lãi với số lượng lớn. “Hầu như người tiêu dùng sẽ không trả tiền để sử dụng một hệ thống mới. Các nhà buôn, ngân hàng, và các nhà điều hành hệ thống thanh toán vẫn luôn mâu thuẫn về việc ai sẽ người phải thanh toán hóa đơn chung của họ. Vậy nên chỉ có những hệ thống nào giải quyết được những mâu thuẫn này mới có khả năng thành công cao,” Forrester nhận định.

Việt Nam là thị trường game lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á

Trong giai đoạn đầu tháng 11, công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners đã công bố bản báo cáo “Thị trường Game Đông Nam Á năm 2015” và dự đoán cho tợi tận năm 2019, bao gồm số liệu của nhóm Big 6 với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam từ năm 2014 – 2019. Trong đó, báo cáo của Niko Partners có đề cập tới sự phổ biến của game mobile ở Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức dự kiến, với tổng lượng người chơi sẽ đạt gấp 2 lần so với lượng người chơi game PC ở khu vực vào năm 2019.

Thị trường game Đông Nam Á đang có bước ngoặt nhanh chóng sang game mobile và đó chính là nguồn gốc của đa phần chỉ số tăng trưởng,” bà Lisa Cosmas Hanson, quản lý đối tác và nhà sáng lập của Niko Partners, nói. “Tuy nhiên, game online PC vẫn giữ vai trò quan trọng và sẽ mang lại nhiều doanh thu hàng năm hơn game mobile, đặc biệt là nhờ các sản phẩm thuộc thể loại MOBA, bắn súng và chiến thuật. Các game thi đấu Esports và giải đấu đang thúc đẩy tăng trưởng trên PC và sẽ ảnh hưởng sáng cả mobile nữa.”


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dựa trên bản khảo sát gần 8,400 game thủ ở nhóm Big 6, Niko Partners đưa ra dự đoán rằng doanh thu từ game online PC ở khu vực Đông Nam Á sẽ chạm mức 1,3 tỷ USD (hơn 29,000 tỷ VNĐ) trong năm 2019, và doanh thu từ game mobile cũng sẽ vươn lên mức 1,1 tỷ USD (khoảng 24,600 tỷ VNĐ). Tuy nhiên, bản khảo sát cũng cho thấy rằng xu hướng game mobile đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, dự kiến có gần 400 triệu người chơi vào năm 2019, trong khi chỉ có 219 người chơi game PC thường xuyên. Trước mắt, Việt Nam là thị trường lớn nhất trong khu vực, mặc dù theo sát phía sau là Thái Lan và Indonesia là nước có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất.

Bên cạnh đó, Malaysia đang là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet có chơi game online cao nhất trong năm 2015 ở mức 78%. Còn Philippines là nơi có tỷ lệ tăng tưởng doanh thu game mobile nhanh nhất với mức 31%, trong thời gian 5 năm từ 2014 đến 2019. Ngoài ra, khảo sát còn đưa ra lưu ý rằng Đông Nam Á đang sở hữu một lượng lớn những người chơi “trẻ, nam giới, hardcore”, chủ yếu tập trung vào game online client PC, và có nhiều người chơi game mobile cũng sẽ tiếp cận game PC, nhưng không có chiều ngược lại.

 

Top game mobile iOS ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc trong tháng 10/2015