Hình thức game miễn phí (free-to-play) vốn được sinh ra tại châu Á, và cũng thật dễ hiểu tại sao thị trường game ở khu vực này đang có tốc độ phát triển vượt trội đến vậy. Trên thực tế, trong năm 2013 vừa qua thì rất nhiều game online miễn phí đã có doanh thu khủng khiếp lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí gần 1 tỷ USD như sản phẩm CrossFire của SmileGate.
Trong
danh sách top 10 game miễn phí năm ngoái thì cũng có tới 5 cái tên đến từ châu Á. Một điểm đáng lưu ý nữa là Tencent, chủ sở hữu phần lớn cổ phần của Riot Games, đã có doanh thu hơn 5,3 tỷ USD từ game trong năm 2013, biến nó trở thành công ty game lớn nhất thế giới, vượt mặt cả Activision Blizzard với 4,8 tỷ USD.
Qua đó, chúng ta có thể dễ dàng thấy được rằng châu Á sẽ sớm trở thành ông vua của ngành game. Và trên thực thế thì đúng là như vậy, câu hỏi được đặt ra lúc này là các công ty game châu Á sẽ chiếm lĩnh thị trường đến đâu? Bà Alina Soltys, một nhà phân tích cao cấp của The Corum Group, chỉ ra rằng có tới 9 trên top 10 phi vụ mua bán trong ngành game năm 2013 có chủ mua đến từ Châu Á, so với tỷ lệ 8/10 của năm 2012.
Dự báo doanh thu thị trường game toàn cầu trong năm 2014 theo từng khu vực
“Trung Quốc là phân khúc thị trường có mức tăng trưởng vượt ngoài dự đoán trong năm 2013”, ông Peter Warman, giám đốc của Newzoo, nói. “Khi châu Á tiếp tục phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và các hình thức kinh doanh cùng thiết bị game ở cả Đông lẫn Tây trở nên liên kết chặt chẽ hơn, thị trường game sẽ chính thức trở thành một sân chơi toàn cầu”.
Tại Mỹ, tổng thể ngành game đã bị sụt 1% trong quý vừa qua, một phần lý do bởi Nintendo đang có bước trượt dài, ngay cả khi Sony và Microsoft đang có bước tăng trưởng nhờ các hệ thống console. Microsoft đang hi vọng mình có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa khi chính thức bán Xbox One tại thị trường Trung Quốc trong tháng 9 tới.
Còn ở Trung Quốc, nước này đang có khoảng 80,000 nhà phát triển ứng dụng và đang có tần suất ra mắt khoảng 100 game mới mỗi ngày, theo như báo cáo thị trường của GPC. Mặc dù game client PC vẫn đang đóng vai trò đầu tàu và đóng góp tới 64,5% doanh thu, nhưng game mobile đang có tốc độ tăng trưởng cực nhanh, đạt 250% trong năm ngoái và đã đóng góp 13,5% doanh thu cho toàn ngành game Trung Quốc.
Ngoài ra,
châu Á cũng là khu vực sôi động nhất với rất nhiều vụ mua bán và sát nhập được đến từ các công ty châu Á như Nexon, Tencent, SoftBank… Trong đó, phải kể tới những phi vụ lớn thời gian gần đây như SoftBank mua lại 51% của SuperCell với 1,53 tỷ USD, và Tencent mua 40% của Epic Games với 330 triệu USD, hay chi ra 500 triệu USD vào công ty CJ Games.
Bên cạnh đó, chương trình Kickstarter cũng đã trợ giúp nhiều công ty đến từ châu Á có thể tìm kiếm được cơ hội và tạo được tiếng nói cho riêng mình. Tuy nhiên, cũng có một vài công ty lớn ở châu Á như DeNA và Gree của Nhật Bản đã bị sụt giảm doanh thu do chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Hiện nay, các công ty game phương Tây vẫn đang là bộ phận sáng tạo ra những sản phẩm ăn khách bậc nhất như Assassin’s Creed hay Call of Duty, trong khi châu Á có vẻ như lại là người tìm ra phương thức kiếm tiền nhanh nhất từ thị trường game kỹ thuật số đang có tốc độ phát triển chóng mặt. Điều đó phần nào sẽ giúp mang lại sự cân bằng trên thế giới. Nhưng mỗi khu vực đều phải tạo chỗ đứng vững trãi bằng tiềm lực tài chính của mình hoặc không sẽ thấy mình chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong tương lai.