MMO luôn khác biệt so với những thể loại game khác dựa theo vài khía cạnh nào đó, và những điểm khác biệt đó đủ để cho chúng luôn cần các mô hình kinh doanh hoàn toàn riêng. Trước đây hầu hết các trò chơi đều theo hình thức mua một lần và bạn có thể chơi thỏa thích, bất cứ khi nào bạn muốn. Cho đến sự bùng nổ của game MMO, một mô hình kinh doanh mới đã ra đời khi không những mọi người cần bỏ tiền ra mua game mà sau đó vẫn tiếp tục phải trả một "khoản phí thuê bao" hàng tháng để có thể truy cập mỗi ngày. Phương thức này được biết đến với tên gọi “Pay-to-Play” thường được sử dụng đối với các game online trên thế giới.
Hình thức kinh doanh trên rất hợp lý, bởi vì những công việc như duy trì máy chủ, sửa lỗi và tiếp tục hỗ trợ người chơi là rất quan trọng và cần thiết cho sự thành công của một game MMO, và khoản phí hàng tháng như vậy là cần thiết. Với sự tiến bộ và tăng hiệu quả của mặt công nghệ và thực tiễn kinh doanh, chi phí trên sẽ không cần thiết như trước nữa. Trong khi Blizzard vẫn duy trì mô hình thuê bao của họ đối với sản phẩm World of Warcraft, họ cũng đang cố gắng tránh các khoản chi phí thêm cho những phần khác.
Một phần của xu hướng này là do sự gia tăng của mô hình “Free-to-Play”, và chúng ta có thể thấy rằng một số trò chơi bom tấn thậm chí còn chuyển sang hình thức này sau khi thất bại với mô hình “Pay-to-Play”. Các game như Star Wars: The Old Republic, Rift và TERA có thể làm ví dụ điển hình gần đây, đều đã từ bỏ mô hình trả phí tháng lúc đầu và mở cửa cho người chơi tham gia miễn phí đi kèm với phương thức giao dịch vi mô - bán vật phẩm. Phương thức giao dịch này có thể và thường được coi là dấu hiệu cho cái chết của một tựa game nào đó.
Khi này, nhiều cửa hàng trong game sẽ cho phép người chơi sử dụng tiền thật để trở thành cực kỳ mạnh và vô đối trong một khoản thời gian ngắn, tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa bộ phận lớn người chơi và sinh ra xu hướng “Pay-to-Win”. Các tựa game thành công thực sự chỉ đưa ra những sự lựa chọn căn bản trong các cửa hàng để tăng cường cho game chứ chúng không bao giờ đóng vai trò thiết yếu.
Sau đó, chúng ta có sự kết hợp cả 2 hình thức kinh doanh trên, được gọi là mô hình “Buy-to-Play”. Hình thức này là hiếm nhất trong 3 loại hình dịch vụ phổ biến nhất ngày nay, đơn giản là bạn chỉ cần bỏ tiền mua game và thế là xong. Các cửa hàng trong các game cho phép bạn mua các sản phẩm phụ và nâng cấp, nhưng chúng chỉ đơn thuần dừng lại ở mức này mà thôi. Những vật phẩm như gia tăng kinh nghiệm, gia tăng % tìm đồ, thú cưỡi đặc biệt… thường được bán nhưng các mặt hàng như kỹ năng đặc biệt hay gia tăng sát thương thì sẽ không thể có. Bằng cách cung cấp các loại tùy chọn nâng cấp trên, người chơi có thể gia tăng trải nghiệm của họ, nhưng không phải chịu gánh nặng là mức phí hàng tháng đắt đỏ.
Ví dụ điển hình của phương pháp này chính là sản phẩm đạt danh hiệu game online xuất sắc nhắt năm 2012 – Guild Wars 2. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để mua code kích hoạt hoặc box game, bạn sẽ có được toàn bộ nôi dung trò chơi với tất cả các chủng tộc, các nghề nghiệp, kỹ năng, các vùng đất, tất tần tật mọi thứ mà không phải trả thêm 1 khoản phí nào nữa. Nhà phát triển ArenaNet cũng tiếp tục cung cấp các sự kiện hấp dẫn trong game một cách miễn phí cho mọi người chơi, nhưng họ cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi và những vật phẩm trong các cửa hàng tiền mặt để gia tăng sự trải nghiệm và lợi thế nhất định đối với những người chơi có nhu cầu. Phương pháp này có vẻ là tương lai cho việc phát triển các game MMO được đóng mác AAA.
Trong khi mô hình “Free-to-Play” tiếp tục đấu tranh chống lại sự kỳ thị của những câu hỏi xoay quanh vấn đề chất lượng trong một tựa game miễn phí, phương thức “Buy-to-Play” đang giành được sự tín nhiệm và đầu tư ở cả 2 phía của các game thủ và các nhà phát triển. Gần đây, nhiều trò chơi đã ra mắt dưới hình thức “Free-to-Play” hay các sản phẩm bom tấn mới được chuyển đổi qua hình thức này đã chứng minh rằng “Free-to-Play” cũng có thể mang lại những sản phẩm rất xuất sắc, nhưng việc bỏ tiền ra mua một trò chơi vẫn mang lại chút cảm giác an toàn hơn về mặt chất lượng sản phẩm, tuy rằng điều đó không phải luôn đúng.
Một trong những lợi ích khác của mô hình “Buy-to-Play” là việc người chơi có thể từ bỏ game mà không cảm thấy mình bị mất tiền. Khi bạn đang phải trả một khoản phí hàng tháng cho việc truy cập, bạn gần như cảm thấy rằng đang bị buộc phải chơi càng nhiều càng tốt chỉ để không cảm thấy mình đã lãng phí tiền vì 1 cái gì đó. Với một trò chơi “Free-to-Play”, chất lượng thường là quá thấp để thực sự gây sự chú ý đối với bạn. Mô hình “Buy-to-Play” mang lại những gì tốt nhất của cả 2 hình thức trên, bởi việc mang lại một sự cân bằng đủ để mãn nguyện cả 2 triết lý. Bạn có được chất lượng mà không cần bỏ thêm 1 khoản lệ phí mở rộng và bạn sẽ ít có nghĩa vụ phải chơi hơn mà không làm mất đi chất lượng.
Cho dù miền đất MMO có đang ưa chuộng “Buy-to-Play”, hay đang ngày càng có nhiều game “Free-to-Play” chất lượng cao được ra mắt thì không rõ, nhưng chắc chắn rằng “Pay-to-Play” đang đi đến những ngày cuối cùng trong vòng đời của nó. Thị trường game online trong những năm qua đang có các bước chuyển mình rõ rệt, mô hình kinh doanh nào sẽ thống trị trong tương lai? “Buy-to-Play” hay “Free-to-Play”? Hay một mô hình hoàn toàn khác mà chúng ta chưa biết tới? Thời gian sẽ cho chúng ta biết câu trả lời chính xác nhất.