Làm thế nào để khôi phục hình ảnh của game miễn phí?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/04/2015 05:00 PM

Game miễn phí (free-to-play), đặc biệt là trên mobile, đang mang một hình ảnh không tốt, thậm chí bị miệt thị bởi nhiều gamer – song hình ảnh của nó hoàn toàn có thể được khôi phục.

Chơi miễn phí là một mô hình kinh doanh đang nở rộ, chiếm lĩnh mảng game mobile, chuẩn bị định hình khu vực game online, và giờ đây đã có mặt trên các máy console. Sự phát triển dường như không thể ngăn được của mô hình kinh doanh này khiến nhiều game thủ ”hardcore” lâu năm lo lắng – chỉ cần nhìn thoáng qua phần bình luận trên các trang web của người dùng, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều này bất cứ khi nào một game miễn phí được đề cập đến.

Vấn đề hình ảnh của game miễn phí thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi bạn nhận ra rằng nó đang lan rộng tới mức nào. Nhiều game console premium (trả phí trước) nay cũng đã tích hợp thanh toán in-game – đây không phải chỉ là mua một mảng nội dung có thể download được (DLC), mà các item và phần nâng cấp cũng có thể được tiêu thụ. Đó là những cơ chế được “nhập khẩu” trực tiếp từ game miễn phí, cấy ghép vào game premium.

Ảnh vui minh họa về DLC

Ảnh vui minh họa về DLC

Đây có phải là điều khiến nhiều người chơi tức giận? Hãy nhìn những gì đã xảy ra với Diablo III, ban đầu trò chơi bao gồm một nhà bán đấu giá, nơi mà bạn có thể mua và bán item bằng tiền thật (với việc Blizzard được hưởng “hoa hồng” ). Cuối cùng thì điều này khiến cho việc nhặt được item rơi trong game không còn thú vị nữa, và Blizzard cũng đã gỡ bỏ nó để làm hài lòng các fan.

Vấn đề này cũng đang “trong tầm ngắm” của các nhà lãnh đạo ngành game. Khi thảo luận về phương hướng lấn sân vào game mobile của Nintendo, CEO Iwata Satoru cũng nhận định: “Tôi không thích sử dụng cụm từ ‘chơi-miễn-phí’. Tôi nhận ra rằng có một sự không trung thực nhất định với khách hàng từ thuật ngữ này, bởi lẽ cái mà chúng ta gọi là ‘chơi-miễn-phí’, thực chất là ‘bắt-đầu-miễn-phí’ thì đúng hơn.”

Tại Game Connection, Peter Molyneux cũng bình luận về “chơi-miễn- phí”: “Chúng ta đang nện khách hàng của mình bằng một quả búa tạ. Với mô hình này, dường như chúng ta khiến người chơi không thể thoải mái, vui vẻ chơi mà không chi tiền được, ‘kiên nhẫn, hoặc là chi tiền đi!’ Họ bị đối xử như với trẻ con vậy!

Vậy vấn đề hình ảnh này bắt nguồn từ đâu, và có thể giải quyết nó như thế nào?

Đầu tiên, quan trọng là phải nhận ra rằng không phải mọi game miễn phí đều bị định kiến. League of Legends là một thành công vang dội, được dự đoán là sẽ thu về hơn 1 tỷ USD trong năm nay – và đây hoàn toàn là game miễn phí. Rõ ràng là người chơi không có vấn đề gì với cách nạp tiền trong game, và mô hình “chơi-miễn-phí” không những không ngăn cản mà còn đẩy mạnh sự phát triển của game. World of Tanks là một thành công tương tự, với hơn 100 triệu người chơi trên toàn thế giới. Điểm chung của những trò chơi này là gì? Bạn không bị giới hạn là mình chơi được bao nhiêu, và có thể đạt được bất cứ điều gì quan trọng trong game hoàn toàn thông qua việc chơi mà không bị bắt phải chi 1 đồng nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những game mà mọi người hay phàn nàn nhất là game hạn chế gameplay, thường thường là qua cổng-thời-gian (time-gating). Một cơ chế điển hình mà bạn chỉ có một số mạng nhất định, hay năng lượng nhất định, và khi dùng hết bạn phải đợi tới khi nó hồi phục (thông thường mất vài giờ). Trong nhiều game, bạn bắt đầu xây dựng thứ gì đó (một đội quân hay một công trình chẳng hạn) nhưng việc xây dựng sẽ mất thời gian. Vậy nên bạn có thể đợi tới ngày mai để nó xây xong, hoặc chi tiền để xây nhanh hơn.

Một cơ chế khác gây khó chịu cho nhiều người chơi là khả năng mua sức mạnh trong game. Cảm giác khẩu lục của bạn giết zombie không đủ nhanh? Bỏ chút tiền ra mua một khẩu sáu nòng thôi. Điều này có thể chấp nhận được trong một game single player, nhưng khi bạn thi đấu với những người chơi khác nó có thể gây ức chế khi nhận ra rằng mình thua bởi không chi nhiều tiền bẳng người khác. (Tuy nhiên, điều này hoàn toàn được chấp nhận tại Trung Quốc, và trên thực tế đây là cách mà hầu hết game ở đó vận hành. Đây là một khác biệt văn hóa rất điển hình).

Vậy câu trả lời nằm ở đâu? Đây có phải chỉ là một vấn đề về mặt phát triển sản phẩm, một điều mà chỉ các nhà thiết kế game phải sửa chữa? Thực sự thì là không, các nhà thiết kế game nên nghe điều này từ marketing… và các nhà marketing nên hỗ trợ tạo ra một giải pháp phù hợp với bản chất của trò chơi. Những game tốt nhất trong khoản thương mại có mô hình kinh doanh được thiết kế ngay từ đầu. CEO của Wargaming, ông Victor Kislyi thích gọi game của mình là “thắng-miễn-phí” (free-to-win) hơn là “chơi-miễn-phí”, bởi lẽ bạn có thể thắng những trò chơi đó mà không cần phải bỏ ra 1 đồng nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vung chiếc “đũa thần” PR game miễn phí của bạn cũng sẽ không giải quyết được vấn đề này. Có một thực tế phải công nhận là sẽ luôn có những game miễn phí kém chất lượng và hút máu người chơi, đặc biệt là trên nền tảng di động. Cũng giống như mớ hàng nhái với tên na ná nhau ăn theo bất cứ game hit nào, đây là một vấn đề sẽ luôn tồn tại trong mảng game mobile. Chúng ta phải đối mặt với nó, và bằng cách hướng game của mình trực tiếp tới mục đích giải trí và không hạn chế theo những cách gây khó chịu. Nếu bạn định sử dụng chơi-miễn-phí như một mô hình kinh doanh theo cách nào đó, bạn có tiềm năng vươn tới một lượng người dùng khổng lồ - nhưng họ nên được tận hưởng game một cách vui vẻ và hoàn chỉnh mà không bị ép buộc phải chi tiền.

Khó khăn cho các nhà marketing là phải làm việc với người thiết kế game để tìm những cách tích cực để người dùng chi tiền cho game mà vẫn vui vẻ, chứ không phải thở phào nhẹ nhõm khi thoát được sự khó chịu trong game mà bạn tạo ra. Game cốt lõi là để vui, và chi tiền nên là để giúp người chơi vui hơn, chứ không phải để bỏ những rào cản với niềm vui mà đáng nhẽ họ được hưởng.

Khi đó các nhà marketing cần phải truyền đạt cho người chơi (và người chơi tiềm năng) rằng game có một trải nghiệm thú vị trọn vẹn mà không cần phải chi tiền. Đừng cố giấu sự thật rằng có những cách để họ đầu tư vào game – mà bạn nên đề cao chúng. Nếu bạn xấu hổ với suy nghĩ đó, khả năng cao là có điều gì đó không đúng với cách mà bạn thương mai hóa game của mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những game miễn phí chất lượng, khi đủ thời gian, sẽ tự marketing mạnh qua cộng đồng người chơi đang tận hưởng một cách rất hài lòng về trò chơi. Họ sẽ trở thành những nhà truyền bá (không cần trả lương), và rất hiệu quả trong việc rủ bạn bè đăng ký. Sự giúp đỡ của họ bắt đầu từ một game chất lượng với con đường thương mại hóa đúng đắn – và đó là điều bạn đạt được khi nhà thiết kế và marketing game hợp tác cùng nhau.

Khôi phục hình ảnh của game miễn phí yêu cầu nhiều hơn là lớp vỏ bọc marketing hoành tráng, trò chơi phải được xây dựng tử tế từ nền móng. Đó phải là một nỗ lực của tập thể, và mọi người cần phải biết điều đó ngay từ lúc bắt đầu. Các nhà marketing cần phải thuyết phục người lập trình và thiết kế game rằng mình là phần tất yếu của quá trình này, chứ không phải là người họ gọi đến khi kết thúc dự án để kiếm chút tiền.

 

>>Căm ghét game miễn phí là một suy nghĩ "thiển cận"