Khám phá game từ góc độ của các nhà sản xuất (P1)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/07/2015 0:00 AM

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá một quá trình phân tích hiệu quả, với mục đích học hỏi, đó chính là khám phá game qua con mắt của nhà sản xuất.

Có nhiều cách để chúng ta trau dồi hiểu biết của mình về thiết kế game. Chúng ta có thể đọc sách, các bài báo, xem các cuộc trò chuyện… Chúng ta cũng có thể phân tích game! Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá một quá trình phân tích hiệu quả, với mục đích học hỏi, đó chính là khám phá game qua con mắt của nhà sản xuất. Đối với các nhà nghiên cứu và phân tích game, một nguồn thông tin tốt hơn về nghiêm cứu game là trang web Game Studies (gamestudies.org).

Khi nghiên cứu về một game hoặc một thành phần của nó, mục tiêu là hiểu rõ hơn về cách game đó vận hành, cách nó được xây dựng và tại sao nó được làm ra như vậy. Nói cách khác, nghiên cứu game là để hiểu được ý đồ của nhà sản xuất, không phải để hình thành ý kiến cá nhân, mà là để lọc ra những tính chất của nó. Nếu chúng ta đánh giá một game chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân, nó sẽ chỉ là một bài phê bình game.

Quá trình này cho chúng ta cơ hội để “ngược dòng” thiết kế một số thành phần của game, những cơ chế và lựa chọn thiết kế nguyên bản. Đồ họa bóng bẩy là ứng dụng của những ý tưởng từ cả một đội ngũ thiết kế tận tâm, chúng được tạo nên từ những mạng lưới ý tưởng nhất quán mà bạn có thể học tập để cải thiện sản phẩm của chính mình. Đây chính là những nguồn cảm hứng vô cùng sâu sắc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Yếu tố nào của một game mà bạn mong muốn tìm hiểu? Chính xác thì bạn muốn biết thứ gì? Điều đó còn tùy. Có rất nhiều khía cạnh chi tiết và tổng quan mà chúng ta muốn tìm hiểu. Có thể bạn chỉ muốn biết xem cơ chế nhiều người chơi vận hành như thế nào, cấu trúc cốt truyện ra sao, đồ họa được xây dựng bằng cách nào, hay bạn muốn nắm được kiến thức về một cơ chế cụ thể…

Một bài phân tích có thể khái quát hoặc cụ thể, có thể mất ít hoặc nhiều thời gian. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, nó cũng nên trả lời những câu hỏi, đáp ứng những nhu cầu của bạn.

Bằng cách nào?

Hiển nhiên, để nghiên cứu một game, trước hết chúng ta phải chơi thử nó đã. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải chơi hết cả quá trình. Với lượng công việc mà chúng ta phải giải quyết khi là nhà sản xuất, sẽ không thể dành hàng ngày chơi thử nghiệm đầy đủ các tính năng của game. Không nên dành nhiều hơn vài tiếng trong thế giới ảo, mà thay vào đó hãy xem video và các tư liệu online khác để bổ sung cho những gì còn thiếu ở phần thử nghiệm của bạn.

Khi chúng ta phân tích game, mục tiêu là hướng về tính khách quan hơn một chút. Trải nghiệm của chúng ta khi chơi đơn là hoàn toàn chủ quan, và nó sẽ luôn là như thế. Tuy nhiên, quan trọng là phải bỏ qua tính cá nhân khi chúng ta thiết kế game. Điều tương tự cũng chính xác khi chúng ta muốn nắm bắt được cách thức mà game được làm ra. Bởi lẽ, dù sao thì nó cũng được làm ra cho một cộng đồng người chơi đa dạng, chứ không phải chỉ cho mình chúng ta.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đừng hiểu nhầm, tất nhiên là những câu hỏi của chúng ta về một game thường bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng trải nghiệm đó là riêng biệt, và chúng ta không thể biết được nó liên hệ như thế nào với trải nghiệm của mọi người khác.

Bốn yếu tố chủ đạo

Bất kể muốn đào sâu vào một khía cạnh cụ thể hay toàn bộ một game, chúng ta có thể khám phá qua những điều mà ông Jesse Schell, một nhà thiết kế game có tiếng, gọi là “các nguyên tố”. Theo như Jesse trong cuốn sách "Nghệ thuật Thiết kế Game" của mình, có 4 yếu tố tạo nên chỉnh thể một game:

1. Những cơ chế. Nói đơn giản chúng là những hệ thống có luật lệ thực hiện quá trình nhận tương tác từ người chơi và chuyển thành những phản hồi trong game.

2. Cốt truyện

3. Thẩm mỹ. Đó là những hình ảnh, âm thanh,… thậm chí là kiểu phông chữ.

4. Và công nghệ. Đối với video game, điều này tương ứng với các thiết bị đầu vào, nền tảng xác định, engine game và tất cả những thuật toán hay hệ thống cấp thấp được bạn sử dụng.

Chúng có thể được nghiên cứu lần lượt hoặc tổng hợp để trả lời những câu hỏi cụ thể. Có thể bạn sẽ muốn hiểu được animation (chuyển động hoạt hình) của một nhân vật trong game đối kháng: “Làm thế nào mà nhà phát triển làm cho animation của những cú đấm đó có cảm giác mạnh như vậy?” Câu trả lời nằm ở phần thẩm mỹ, bạn có thể nhìn thấy được từng khung hình chuyển động liên tục như thế nào. Nhưng animation của nhân vật cũng có liên hệ với khía cạnh kỹ thuật của game. Các nhà phát triển đã xây dựng một “cây” animation với những dịch chuyển ảnh hưởng tới kết xuất đồ họa trên màn hình. Xác định được khi nào sự dịch chuyển xảy ra có thể là chìa khóa dẫn tới mô phỏng lại cảm giác tương tự.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ví dụ, trong Halo Reach, đội ngũ animation tại Bungie đã lồng vào một chu trình dịch chuyển từ trạng thái đi bộ đến trạng thái chạy của nhân vật. Điều này tạo nên khác biệt vô cùng to lớn với những hệ thống đơn giản hơn! Và với một khoản chi phí tương đối nhỏ nữa. Công ty này đã phát hành một bản phân tích cụ thể về những lựa chọn kỹ thuật của mình mà chúng ta có thể tham khảo.

Animation là một trường hợp đặc biệt mà công nghệ có thể được nắm bắt phần nào qua quan sát. Thông thường, khía cạnh kỹ thuật của hệ thống được sử dụng trong game hầu như không thể thấy được qua sản phẩm cuối cùng. Những lựa chọn kỹ thuật có thể ảnh hưởng tới cảm giác của game sau khi hoàn thiện, nhưng chúng không để lại dấu vết gì để tiến hành phân tích. Tuy nhiên khi nghiên cứu về kỹ thuật, chúng ta vẫn có thể tìm được câu trả lời trong những buổi thuyết trình tại GDC, báo mạng, sách…

Còn 3 yếu tố nữa mà chúng ta có thể khám phá. Vậy hãy bắt đầu với nguyên tố dễ quan sát nhất trước.

Thẩm mỹ

Rõ ràng, phân tích yếu tố thẩm mỹ của một game là công việc trực diện nhất. Trước hết, đây là yếu tố hữu hình nhất. Ai cũng có thể dùng mắt để quan sát đồ họa và dùng tai để nghe âm thanh. Chỉ có một điều duy nhất chúng ta cần lưu ý, đó là yếu tố thẩm mỹ nên vừa xuất phát từ gameplay và cốt truyện, vừa phục vụ chúng. Mỗi yếu tố hình ảnh hoặc âm thanh đều cung cấp cho chúng ta thông tin về thế giới ảo mà mình đang khám phá, cũng như những mục tiêu và khả năng của mình với tư cách là người chơi.

Yếu tố thẩm mỹ mang đến những thông điệp không thành lời. Môi trường xum xuê và tươi tốt trong Flower (sản xuất bởi That Game Company) nói với bạn rằng hãy từ từ thư giãn đi. Những cảnh tượng trong Super Meat Boy nhắc nhở bạn rằng mình đang tiến hóa trong một thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Đồ họa cho bạn biết về cốt truyện của game, bởi vũ trụ trong game luôn khơi gợi tính tò mò của một nhà thiết kế, ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ phải kể đến Skyrim.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau màn giới thiệu mở đầu, người chơi tự nhiên sẽ đi theo con đường tới thành phố thứ nhất. Đầu tiên, bạn sẽ cảm tưởng như mình đang tự ý khám phá mảnh đất này, bạn có thể rẽ khỏi đường chính bất cứ lúc nào. Không có gì ràng buộc phải không, nhưng chúng ta vẫn sẽ ở lại trên con đường mà các nhà phát triển đã vẽ ra. Tại sao? Tất cả là bởi thiết kế đồ họa thông minh của game.

Một khi rời khỏi thành phố Helgen đổ nát, bạn sẽ đi trên một con đường tuyệt đẹp dẫn tới một dòng sông ở bên dưới, nó chảy thẳng tới thành phố Riverwood. Sự hấp dẫn bắt đầu lộ ra khi một nhân vật bảo bạn tiếp tục di chuyển sang một thành phố lớn hơn gần đó. Dòng sông sẽ dẫn bạn tới một thác nước nhìn ra một thung lũng rộng lớn, nơi pháo đài Whiterun hiện lên sừng sững.

Không phải chỉ con đường chính và la bàn đưa bạn đến với điểm tập hợp lớn tiếp theo, mà còn là dòng sông nữa. Trải nghiệm này khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về phần đồ họa của game và các nó mời gọi bạn khám phá thế giới rộng lớn trong đó.

Phần hướng dẫn khám phá đầu tiên kích thích sự tò mò của người chơi và đánh dấu sự bắt đầu chính thức của cuộc hành trình đi sâu vào thế giới RPG rộng lớn.

(còn tiếp)

 

ChinaJoy 2015 công bố chủ đề chính và những thay đổi quan trọng