Màn ra mắt của các máy console PlayStation 4 (Sony) và Xbox One (Microsoft) tại Trung Quốc đã không được phô trương rầm rộ như mọi khi. Có lẽ bởi cả hai công ty đều nhận thức được ngay từ đầu về cuộc chiến khốc liệt tại đây, và sự thất vọng họ sẽ phải đối mặt với nếu như để cộng đồng đặt kỳ vọng quá cao. Tuần trước, công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners đã đưa ra dự đoán rằng cả hai nền tảng cộng lại sẽ bán ra được nhiều hơn nửa triệu máy trong năm nay. Một con số không tồi, song tại một thị trường video game rộng lớn như Trung Quốc, nó chỉ giống như hạt muối bỏ biển mà thôi.
Tất nhiên đây chưa phải là doanh số chính thức. Cần lưu ý rằng về cơ bản, các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra dự đoán dựa trên nhiều cơ sở, và cơ sở này chưa chắc đã đúng bằng cơ sở khác, bởi vậy chúng ta không nên coi tất cả mọi thứ mà họ đưa ra là dữ liệu cứng. Tuy nhiên, nhận định cơ bản của Niko Partners là tương đối chính xác và không gây ra nhiều tranh cãi. Rõ ràng, hai hệ thống game console mới phát hành chưa gây ra được ảnh hưởng lớn tại thị trường Trung Quốc.
Có rất nhiều lý do dẫn tới điều này. Đầu tiên, không hề “khát” những sản phẩm chất lượng, thị trường game console giới hạn tại Trung Quốc thực tế đang trong trạng thái bão hòa. Đây là “thị trường nhập khẩu đen” chiến lược của nhiều hệ thống đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản. Trung Quốc vẫn chưa thực sự bùng nổ với chuyện phát hành chính thức các hệ thống console, bởi lẽ những phần mềm được phép phát hành ở quốc gia này vẫn còn cực kỳ hạn chế. Bất cứ ai quan tâm tới console sẽ phải nhập game thông qua “chợ đen”, vậy nên khả năng cao là người dân cũng sẽ mua luôn phần cứng máy bằng con đường này.
Ảnh minh họa
Hơn thế nữa, khác biệt văn hóa là một trở ngại lớn cần phải vượt qua. Game console trên thực tế là một sản phẩm khó tiêu thụ, đặc biệt là cho các gia đình, tại những quốc gia mà chúng chưa hề có uy tín. Sự phát triển của console ngày nay tại các thị trường phương Tây phần lớn là nhờ thế hệ phụ huynh hiện tại đã quen thuộc với chúng tại nhà khi họ còn nhỏ. Nhớ về những năm 80, 90 của thế kỷ trước, rất nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại về game console bởi nội dung bạo lực, cho rằng chúng về cơ bản là những chiếc máy tính mà không hề có bất kỳ giá trị giáo dục nào. Đó chính là vấn đề của console ngày nay tại Trung Quốc, giờ đây tình hình còn trầm trọng hơn bởi sức ép cực lớn của nền giáo dục phổ thông tại đây, khiến phụ huynh càng lo ngại hơn nếu cài đặt một thiết bị giải trí giết thời gian như vậy tại nhà.
Ngoài ra, người Trung Quốc, cả thanh thiếu niên và người lớn đều vốn đã chơi rất nhiều game. Tại đây, game PC cực kỳ phổ biến, game mobile cũng rất được ưa chuộng. Trung Quốc hoàn toàn không phải là một vùng đất mới của video game, mà là một thị trường cực kỳ phát triển, phức tạp và có giá trị khổng lồ. Vậy nên một thiết bị phần cứng đắt tiền mới muốn có chỗ đứng tại đây chắc chắn phải thể hiện được sức hấp dẫn đặc biệt. Ít nhất là bởi những kiểm duyệt nội dung tại địa phương, cả PS4 lẫn Xbox One đều không làm được điều này, và khả năng cao là cũng không thể làm được trong tương lai.
Để gây ấn tượng tại một thị trường rộng lớn như vậy, phải cần đến một nỗ lực phi thường trong khâu tiếp cận và phát triển hình ảnh tại địa phương, không chỉ về game, mà còn phải là cả một chuỗi dịch vụ độc đáo và sản phẩm bên ngoài game. Và dễ thấy, cả hai công ty đều không thực sự có kế hoạch hay khả năng làm điều này. Khả năng cao là Sony và Microsoft sẽ chỉ tiêu thụ được vừa đủ với nhu cầu sẵn có tại Trung Quốc, mà không phát triển hay gia tăng kỳ vọng lên được
Ảnh minh họa
Điều này có quan trọng không? Đương nhiên là có. Bởi lẽ Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, với tầng lớn trung lưu – những người có sở thích lớn về đồ điện tử, đang phát triển ngày càng nhanh. Tỷ lệ lợi nhuận của Apple tại Trung Quốc ngày càng nhân rộng, và bất cứ công ty sở hữu phần cứng game chất lượng cao nào cũng sẽ muốn làm được điều tương tự. Nếu như không xây dựng thị trường ở Trung Quốc, tiềm năng phát triển của ngành console rõ ràng sẽ bị giới hạn đáng kể. Hiện tại, ở những quốc gia giàu có mà console đang thịnh hành, việc tăng doanh số sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi tỷ lệ sinh giảm (như ở Nhật Bản, các nước châu Âu, Bắc Mỹ). Vì vậy, thất bại trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc sẽ là một vấn đề nan giải.
Nếu như bạn coi Trung Quốc như một “cánh chim đầu đàn” thì vấn đề này còn nghiêm trọng hơn. Đây là một quốc gia đặc biệt về nhiều mặt như luật lệ, môi trường truyền thông, văn hóa, dân số khổng lồ. Nhưng xét nhiều khía cạnh khác, nó đang trên con đường phát triển không khác biệt mấy so với những quốc gia cũng có tầng lớp trung lưu thành thị giàu có ngày càng tăng nhanh. Nếu như khó khăn chính tại Trung Quốc là luật lệ và kiểm duyệt nội dung, thì có lẽ Sony và Microsoft sẽ may mắn hơn ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và nhiều quốc gia khác đang phát triển nhanh chóng, tạo nên cộng đồng khách hàng ngày càng lớn hơn, sẵn sàng chi tiền cho giải trí. Trong trường hợp đó, Trung Quốc có lẽ là “kẻ ngoài cuộc”, một quốc gia có những điều kiện đặc biệt không thể là mảnh đất sống cho console.
Nếu vấn đề tại Trung Quốc có nguồn gốc cơ bản hơn, đó có thể sẽ là một điềm gở hơn rất nhiều. Vấn đề có thể là các quốc gia đang phát triển đã quá quen với những nền tảng và hệ thống game khác trước khi console được tiếp cận, để lại quá ít khoảng trống để không có bất cứ công ty console nào có đủ tiềm năng tài chính hay ưu thế văn hóa để chen chân vào được. Như vậy, ngành console sẽ bị giới hạn lớn về mặt địa lý, chỉ quanh quẩn trong những thị trường mà nó vốn đã phổ biến, tạo nên hạn chế tăng trưởng rất lớn trong tương lai.
Ảnh minh họa
Nhưng như vậy chưa phải là tận thế. Những quốc gia giàu có đang ưa chuộng console chắc chắn là sẽ không biết mất qua một đêm được, và khả năng cao là họ sẽ tiếp tục duy trì lượng người dùng lên tới hàng chục, có khi hàng trăm triệu trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ tới. Hơn thế nữa, tương lai thị trường game thế giới chắc chắn sẽ đa dạng hơn bây giờ rất nhiều, văn hóa khác nhau, bối cảnh khác nhau, sở thích khác nhau,… chắc chắn việc một game được chơi và ưa chuộng trên toàn cầu là điều vô cùng hiếm.
Vẫn sẽ có những thị trường cho game được gắn mác là “chỉ” thành công tại Bắc Mỹ, Châu Âu…, nhưng đó sẽ chỉ là mối đầu tư phụ, dựa trên những thị trường chủ đạo, khả năng tự tăng trưởng là vô cùng giới hạn. Kết luận đó cũng giúp ta cân nhắc về chi phí phát triển console hiện nay – bạn không thế đầu tư phần lớn số tiền của mình làm điều gì đó trừ khi hoặc là cộng đồng khách hàng của bạn lớn hơn, hoặc họ sẵn sàng chi tiền nhiều hơn, và ngành console hiện nay gần như không cho thấy cả hai dấu hiệu này.
Những số liệu chính thức từ Trung Quốc sẽ rất đáng để quan tâm – nhưng có lẽ dự đoán của Niko Partners sẽ không sai lệch nhiều cho lắm. Liệu các công ty console có quyết tâm dốc sức tấn công thị trường Trung Quốc, hay một quốc gia đang phát triển khác hay không trong những năm tới, có thể sẽ là nhân tố quyết định đến vị thế của console so với toàn ngành game trong tương lai.
Theo Gamesindustry
Twitch vượt mặt YouTube về doanh thu video game