Chi tiết từng thị trường game mobile ở khu vực Đông Nam Á

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/04/2015 0:00 AM

Thị trường game Đông Nam Á đang là khu vực có tiềm năng và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dựa trên báo cáo của cơ sở nghiên cứu Newzoo kết hợp Casual Connect.

Như đã từng đề cập trước đây, thị trường game Đông Nam Á đang là khu vực có tiềm năng và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dựa trên báo cáo của cơ sở nghiên cứu Newzoo kết hợp Casual Connect. Sau đây, chúng ta sẽ đến với từng chi tiết thú vị được đưa ra trong bản báo cáo công bố trước thềm sự kiện Casual Connect Asia được diễn ra tại Singapore trong khoảng thời gian 19 – 21 tháng 5 tới.

Tại sao lại tập trung vào Đông Nam Á?

Lợi nhuận của thị trường game Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi, đạt mức 2,2 tỷ USD vào năm 2017

Đông Nam Á trong tương lai sẽ là mặt trận chủ đạo đối với các thương hiệu công nghệ lớn nhất toàn cầu trong mảng game bởi những lý do chính sau đây:

1. Khu vực game phát triển nhanh nhất thế giới

2. Tiềm năng phát triển kinh tế và kết nối trực tuyến khổng lồ

3. Vốn đã là một thị trường game “tỷ-đô”

4. Game mobile đang thống trị

5. Sở hữu các kênh phân phối phương Tây uy tín

6. Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến

Khu vực phát triển game nhanh nhất

Tiềm năng phát triển kinh tế, dân số đông, và kết nối internet (mobile) tăng nhanh đảm bảo một tỷ lệ tăng trưởng 2 chữ số về lợi nhuận game cho Đông Nam Á trong nhiều năm tới. Khu vực này đang phát triển vượt bậc so với các khu vực tương đương như châu Mỹ - Latin. Các dự đoán cho thấy 85% tăng trưởng của ngành game năm 2017 sẽ bắt nguồn từ châu Á.

Theo những cách nhất định Đông Nam Á tương tự với châu Âu như một vùng đồng nhất, không chỉ xét về kích thước dân số, mà quan trọng hơn, là về sự đa dạng của cá nhân từng quốc gia. Từ góc nhìn thị trường game, điều này dẫn tới những khác biệt lớn về đối tượng người chơi, sở thích về thể loại và thói quen chi tiêu.

Đông Nam Á - lựa chọn tốt hơn so với Trung Quốc?

Đông Nam Á có vẻ như là thị trường dễ thâm nhập hơn Trung Quốc và đã trở thành một mặt trận cạnh tranh quyết liệt giữa những đối thủ trên toàn cầu trong mảng game.

Một lý do cho điều này là toàn bộ các quốc gia trong khu vực đều quen thuộc với tiếng Anh như là ngôn ngữ dành cho kinh doanh quốc tế và văn hóa phổ biến. Tại Singapore và Philippines, tiếng Anh còn là ngôn ngữ chính thống. Tại Maylaysia, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 phổ biến còn các vùng khác cũng sử dụng rộng rãi tiếng Anh trong kinh doanh.

Đồng thời Đông Nam Á cũng chia sẻ nhiều tính năng trên các mạng xã hội giống hệt phương Tây. Có tới 95% người sử dụng mạng xã hội di động hay các ứng dụng chat tại Việt Nam thường xuyên hoạt động trên Facebook. Tỷ lệ % người dùng Facebook thấp nhất trong khu vực là tại Indonesia, nhưng vẫn đạt 78%. Twitter và Instagram cũng được sử dụng với tỷ lệ cao ở mọi vùng.

Game mobile tại Đông Nam Á

Tổng quan, một nửa những game đứng top tại Đông Nam Á là tựa game phương Tây. Game phương Tây phổ biến nhất tại Philippines, nơi chúng chiếm tới 65% top đầu. Và chỉ 35% những game đứng top tại Thái Lan là tựa game phương Tây, đây là tỷ lệ thấp nhất tại Đông Nam Á.

King và Supercell cho tới nay vẫn là 2 “gã khổng lồ” phương Tây thống trị thị trường, với những tựa game “hit” của mình có mặt trong mọi bảng xếp hạng top 20.

Indonesia: Thành thị và làm việc

Một điểm mạnh trong cơ cấu nhân khẩu của Indonesia chính là thành phần dân số trẻ , lực lượng lao động lớn, đây là yếu chìa khóa thúc đẩy sự phát triển tiêu dùng tại quốc gia này. Với dân số 252,8 triệu ngừơi trong năm 2014, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và đông thứ 4 thế giới. Hơn một nửa số dân đó sống tại môi trường đô thị, chỉ riêng Jakarta đã có 10 triệu dân, khiến đây là thành phố đông dân nhất trong khu vực. Dân số khổng lồ, tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và sự thâm nhập internet di động chính là những lý do quan trọng để đầu tư vào Indonesia.

Indonesia có tỷ lệ người chơi game mobile chi tiền cao. Chiến thuật là thể loại game mobile phổ biến nhất, với tỷ lệ tương đương giữa người chơi chi tiền và không chi tiền trong top 5 thể loại game mobile hàng đầu.

Malaysia: Gamer đa màn hình

Tại Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia mà chơi trên nhiều màn hình phổ biến nhất. Trong tất cả các gamer ở Malaysia, 26,5% chơi trên cả 4 màn hình: Màn hình máy tính (PC), màn hình cá nhân (smartphone), màn hình giải trí (console) và màn hình nổi (tablet/handheld console). Con số này cao hơn trung bình toàn cầu (23,9%).

Trong đó, màn hình máy tính và màn hình cá nhân được sử dụng thịnh hành nhất với tỷ lệ lần lượt là 93,2% và 87,4% tổng số người chơi.

Tại Malaysia, nhiều người chơi game mobile sẵn sàng chi tiền vào game. Đây là quốc gia có mức tiêu trung bình hằng năm cao thứ 2 tại Đông Nam Á: 32,61 USD/người chơi/năm.

Philippines: Online ngày càng nhiều

Từ khoảng 2004 đến 2014, tỷ lệ truy cập internet tại Philippines đã tăng hơn 800%, tỷ lệ nhanh nhất tại Đông Nam Á, về cơ bản là nhờ vào “quả bom” internet di động.

Những yếu tố tác động khác bao gồm: đầu tư từ các công ty di động vào việc phủ sóng xuyên các đảo, chương trình giáo dục tin học tại trường học, và cơ sở vật chất máy tính, thiết bị ngày càng nhiều. Thâm nhập internet đạt 42% vào năm 2014 (42 triệu người online), so với 5% cách đây chỉ mới 10 năm.

Philippines có tỷ lệ người chơi game mobile chi tiền thấp hơn so với phần còn lại của khu vực, và tỷ lệ ngang bằng giữa người chơi chi tiền và không chi tiền trong cả top 5 thể loại game mobile hàng đầu.

Singapore: Các “đại gia” chi tiêu

Singapore có tỷ lệ người chơi game mobile chi tiền vào game ít nhất với 29%, song lượng tiền trung bình họ bỏ vào game cao hơn gấp nhiều lần so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, với 189 USD/năm tính trên mọi nền tảng. Xét riêng từng nền tảng, người chơi trên tablet và điện thoại di động bỏ ra nhiều tiền nhất. Điều này không mấy ngạc nhiên khi mà Singapore là quốc gia có chỉ số GDP trên đầu người (PPP) cao thứ 3 thế giới.

Game chiến thuật là thể loại phổ biến nhất đối với người chơi không chi tiền, trong khi đó game hành động/ thám hiểm được những gamer chi tiền ưa chuộng nhất.

Thái Lan: Lợi nhuận game “khủng” nhất

Về lợi nhuận game, Thái Lan đứng số 1 với 230,3 triệu USD trong năm 2014. Càng ấn tượng hơn, tới năm 2017, con số này được dự đoán sẽ đạt 490,9 triệu USD, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 30,9% và đưa Thái Lan lọt top 20 quốc gia có lợi nhuận game cao nhất thế giới.

Hiện nay, lợi nhuận từ game mobile đang chiếm 31% tổng số, song được dự đoán sẽ chiếm quá nửa toàn bộ lợi nhuận từ game ở thị trường Thái Lan vào năm 2017. Gần ½ gamer mobile tại Thái Lan chi tiền vào game, và các game đua xe là thể loại phổ biến nhất đối với cả 2 loại người chơi chi tiền và không chi tiền.

Việt Nam: Game mobile trên đà tăng trưởng

Mặc dù game mobile là thể loại sở hữu lượng người chơi cao nhất, lợi nhuận từ nó chỉ chiếm 18% tổng số lợi nhuận từ game tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thể loại này sẽ có mức tăng trưởng trung bình hàng năm rất ấn tượng: 87,7%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, và tới năm 2017 sẽ trở thành thể loại lớn nhất ở đất nước hình chữ S. Thêm vào đó, lợi nhuận từ mobile phone và tablet sẽ vươn tới 161,6 triệu USD (khoảng 3,500 tỷ VNĐ) vào năm 2017, chiếm hơn 50% tổng lợi nhuận game.

Tại Việt Nam, game đua xe là thể loại game mobile phổ biến nhất đối với cả 2 loại người chơi. Những người chơi không chi tiền thường thích những game mang tính giáo dục, rèn luyện trí não nhiều hơn người chơi chi tiền.

 

 

>>Ngành game toàn cầu sẽ vượt mốc 2 triệu tỷ VNĐ trong năm 2015