Các hãng game mobile Trung Quốc điên đảo vì tìm IP hot

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/02/2015 05:00 PM

Trong suốt năm vừa ngoái, vô số game mobile Trung Quốc đều có gắng khai thác lấy những IP hay bản quyền trí tuệ sản phẩm hot làm “phù hộ thân” để kiếm lời.

Nếu như nói năm 2013 là “năm vàng của game mobile Trung Quốc”, vậy thì năm 2014 hẳn phải là “năm IP game mobile Trung Quốc”. Trong suốt năm vừa ngoái, vô số game mobile Trung Quốc đều có gắng khai thác lấy những IP (intellectual property) hay bản quyền trí tuệ sản phẩm hot làm “phù hộ thân” để kiếm lời.

Vậy rốt cuộc IP là gì mà chúng lại trở nên hot đến như thế? Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng tất cả những nội dung trong game như nhân vật, bối cảnh hay cốt truyện đều có liên quan mật thiết tới các sản phẩm được gắn mác bản quyền trí tuệ nào đó. Tác dụng của một IP hot là rất lớn và có ảnh hưởng tới nhiều hình thức giải trí khác nhau, ví như các tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung hay Cổ Long đã trở thành nguồn đề tài vô tận để khai thác không ngừng nghỉ suốt bao năm qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tương tư như vậy nhưng là ở khía cạnh đề tài game, các sản phẩm dựa trên IP hot và có chút chất lượng chắc chắn sẽ có khả năng “hút máu” và “sức sống” mãnh liệt hơn hẳn so với những cái tên khác ở cùng thời kỳ đó. Có thể nói rằng, nếu một công ty game có thể nắm trong tay một IP tốt, tức là họ đã nắm trong tay vô số hình tượng nhân vật, câu chuyện, bối cảnh và quan trọng nhất chính là bộ phận người chơi trung thành, nhiệt tình với IP đó.

Vì lí do đó, đa số công ty game mobile Trung Quốc đều không ngừng tìm kiếm những IP game mobile chất lượng, và càng những công ty lớn, có tiền thì càng nắm trong tay nhiều IP hot. Trong ngày 7 tháng 1, công ty 360, nền tảng phân phối ứng dụng lớn nhất Trung Quốc, đã phát hành “Sách bìa lục xu hướng ngành công nghiệp game mobile Trung Quốc” (gọi tắt: “Sách Lục”) với nhiều số liệu quan trọng và hấp dẫn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong “Sách Lục” có nêu rõ, trong năm 2013, một số IP tiểu thuyết hot có giá khoảng 100 vạn tệ (khoảng 3,5 tỷ VNĐ), nhưng cho đến năm 2014, giá cả đã leo thang lên hơn 300 vạn tệ (khoảng hơn 10 tỷ VNĐ). Bất kể là tiểu thuyết, phim điện ảnh, phim truyền hình, hoạt họa, tiết mục văn nghệ… đều có trở thành một IP hot với cái giá trên trời.

IP game mobile xuất sắc là một dạng tài nguyên hiếm mà lại có khả năng sinh lời vượt trội, do đó mà những công ty hàng đầu như Tencent, ChangYou, Giant, Shanda, Perfect World… đều không tiếc tiền mua cho bằng được. Hiện nay, ChangYou đang sở hữu bản quyền 10 võ hiệp Kim Dung, Giant đang có hơn 40 IP game mobile, China Mobile lại đang giữ IP của nhiều bộ manga nổi tiếng. Nhìn chung, các hãng đều có con bài riêng ở bất kể hình thức mua hay tự phát triển để tiến quân vào thị trường game mobile màu mỡ. Dưới bối cảnh như thế, cái khó, cái khổ sẽ càng đè nặng lên vai của những nhà phát triển vừa và nhỏ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, “Sách Lục” cũng có ghi nhận vài con số kỷ lục và thú vị về thị trường IP game mobile Trung Quốc trong năm 2014 ví như: Tần Thời Minh Nguyệt là IP game mobile đắt nhất, có 628 game mobile có chữ “Tam Quốc” trong tên gọi khi tìm kiếm trên nền tảng 360, thẻ bài là thể loại game mobile có nhiều IP cải biên nhất.

 

>>Đế chế Game mobile/casual sẽ sụp đổ trong năm 2015?