Bài học thất bại của một nhà sản xuất game (Phần 2)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 21/11/2013 04:00 PM

Kinh doanh cần phải có một hành trang đầy đủ không chỉ là sự tự tin mà còn cần hơn một cái đầu tỉnh táo.

Một là chúng tôi bắt đầu lạc quan một cách mù quáng, tinh thần lạc quan này diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Trước khi sản phẩm chính thức được phát hành, chúng tôi đã hình dung ra một viễn cảnh rất tươi đẹp: NPH đối tác sẽ chuẩn bị một đội ngũ hùng hậu cho việc vận hành sản phẩm, đây sẽ là một sản phẩm có vị trí chiến lược, NPH sẽ đầu tư rất nhiều vốn để mở rộng sản phẩm này… Chúng tôi quên mất rằng đối tác tuy là một NPH đạt được không ít thành công nhưng đó là với Client Game còn với Webgame họ chỉ là một kẻ chập chững vào nghề.
 
Sự lạc quan thái quá này kéo theo một sai lầm khác đó là mở rộng quy mô sản phẩm tràn lan với việc vội vàng xây dựng thêm một hạng mục mới vẫn chưa được kiểm chứng nghiêm túc, sau đó lại nóng vội mở rộng quy mô của công ty lên đến gần 40 người. Tình cảnh công ty sau đó đã chứng minh rằng việc xây dựng hạng mục mới và mở rộng quy mô công ty một cách vội vàng không chỉ phân tán trọng tâm và tinh lực trong quá trình phát triển sản phẩm, mà còn khiến công ty phải chịu thêm gánh nặng về tài chính.
 
Thương vụ đàm phán đại lý độc quyền ở Trung Quốc đại lục kết thúc, phía NPH đã đưa ra một kế hoạch marketing đồ sộ cùng chiến lược phát triển sản phẩm trong 3 tháng đầu khiến tất cả chúng tôi đều có cảm giác thành công đã đến ngay trước mắt. Cùng lúc đó Giám đốc tài chính của chúng tôi lại bắt đầu tiến hành đàm phán phát hành game tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan và MaCao, điều này đã khiến chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa về tương lai phát triển cực kỳ tươi sáng của công ty.
 
10 NPH tỏ ý rất quan tâm đến bản quyền phát hành game đầu tiên của chúng tôi tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan và MaCao, trong đó có 2 NPH của Đài Loan đặc biệt quan tâm đến sản phẩm này. Để có thể giành được bản quyền phát hành, có công ty đã phái hẳn một giám đốc thương mại đến Thâm Quyến dài hạn, phó tổng giám đốc một công ty khác thì đích thân từ Đài Loan đến tận công ty chúng tôi để đàm phán hợp tác lâu dài.

 Bài học thất bại của một nhà sản xuất game (Phần 2) 1

Nếu như công ty đầu là một NPH có tiếng ở Đài Loan thì công ty thứ hai chỉ là một NPH tầm trung. Cho dù NPH tầm trung kia đã thể hiện rằng họ rất có thành ý muốn hợp tác, thậm chí đã chuẩn bị kế hoạch phát hành chi tiết, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định trao bản quyền phát hành tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan và MaCao cho NPH có tiếng của Đài Loan kia.
 
Về sau việc phát hành game tại Hồng Kông, Đài Loan và MaCao gặp nhiều khó khăn đã chứng minh một sai lầm nữa chúng tôi phạm phải ở đây: Tin tưởng mù quáng vào NPH nổi tiếng với mức phí bản quyền đại lý lớn mà bỏ qua cơ hội hợp tác với NPH tốt nhất, thích hợp nhất cho mình.
 
Trong lúc chờ đợi phiên bản Hồng Kông, Đài Loan và MaCao của sản phẩm ra đời, chúng tôi đã chứng kiến sản phẩm chính thức phát hành tại Trung Quốc đại lục. Trong tuần đầu ra mắt, phía NPH đã chi ra hơn 3 triệu NDT tiền quảng cáo khiến hình ảnh sản phẩm của chúng tối phủ sóng toàn bộ các phương tiện thông tin đại chúng lớn. Còn chưa kịp tận hưởng cảm giác hạnh phúc thì số liệu phát hành chỉ đạt mức trung bình đã dội cho chúng tôi một gáo nước lạnh. Ngay sau đó bên NPH lại chi hơn mấy triệu NDT tiền quảng cáo nhưng hiệu quả đem lại càng thấp…
 
Đầu tư lớn nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn khiến chúng tôi đều rất buồn bực, phía NPH cũng không mấy dễ chịu. 2 bên đã liên tục tổ chức các cuộc họp, phân tích số liệu, tìm hiểu nguyên nhân, hoạch địch kế hoạch cải tiến tối ưu hóa sản phẩm. Song trong quá trình này lại vấp phải một sai lầm khiến chuyện tốt trở thành chuyện dở, thật đúng là “Trong họa có phúc, trong phúc cũng có họa”.
 
Sau một tháng nghiêm túc bàn bạc, chúng tôi đã cùng đi đến nhất trí xây dựng phương án thay đổi theo từng giai đoạn cho sản phẩm. Do quá tin tưởng vào năng lực vận hành và kinh nghiệm kinh doanh của đối tác đồng thời không để ý đến việc nắm chắc tiến độ hoàn thành mà chúng tôi đã nhận lại hậu quả đáng tiếc. Phía NPH thay đổi phiên bản game kéo dài hơn nửa năm trong đó rất nhiều thứ bị xóa bỏ thay mới nhiều lần. Việc thay đổi quá nhiều không những dẫn đến sự mệt mỏi cho đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi mà còn gây mất lòng tin ở người chơi. Cũng trong thời gian thay đổi liên tục không mục đích rõ ràng mà chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội vàng để mở rộng sản phẩm.
 
Bây giờ nghĩ lại, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho sản phẩm sau khi chính thức phát hành hơn nửa năm mà vẫn không có tiếng vang gì nổi bật là do chúng tôi đã khuyết thiếu quy hoạch, phân tích chi tiết về sản phẩm, thiếu kỹ thuật xử lý và phân tích số liệu, quá tin tưởng và dựa dẫm vào NPH.

 Bài học thất bại của một nhà sản xuất game (Phần 2) 2

Thời điểm đó, nếu như chúng tôi có thể kịp thời suy nghĩ thấu đáo toàn cục, tiến hành những điều chỉnh hợp lí với công ty để vượt qua cửa ải khó khăn thì có lẽ vẫn còn cơ hội, nhưng lại thêm một sai lầm khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh trời tuyết thêm sương! Đúng là như vậy, liên tiếp phạm phải các sai lầm mà trong tình hình lúc đó tưởng như là quyết định đúng đắn, nhưng đến giờ nghĩ lại đó là những bài học đắt giá trên con đường lập nghiệp kinh doanh game.
 
Sản phẩm đầu tiên gặp khó khăn khôn cùng, chúng tôi lại đặt hy vọng vào sản phẩm thứ 2, chính là sản phẩm đã bị chết yểu. Sản phẩm này không những tiêu hao một lượng lớn nhân lực và tài chính của công ty mà còn khiến công ty đang trong tình cảnh chịu áp lực to lớn về tài chính phải gánh thêm một khoản tài chính khổng lồ.
 
Trong tình thế gặp khó khăn về tài chính, công ty lại không có nguồn thu ổn định, vậy mà vẫn cố gắng duy trì sản xuất cùng lúc 2 dự án, thực đúng là phạm vào đại kỵ. Chúng tôi đã từng được cảnh báo về tình trạng này nhưng thật đáng tiếc khi đó chúng tôi giống như một con bạc khát nước đem ký thác tất cả hy vọng lên một sản phẩm mới còn chưa biết tương lai phát triển như thế nào, không đủ tỉnh táo để suy nghĩ về mục tiêu của mình.
 
Kết quả không cần nghĩ cũng có thể dự đoán được: sản phẩm cũ tiếp tục đi xuống, doanh thu không đủ duy trì hoạt động bình thường của công ty còn sản phẩm mới cũng không đủ kinh phí để hoàn thiện. Nhiều NPH cũng bày tỏ sự quan tâm với sản phẩm thứ hai này nhưng chưa hoàn thiện thì chưa rót vốn, trong khi để sản phẩm này có khả năng mang ra thử nghiệm ở bên ngoài cần ít nhất hơn 100 triệu NDT tiền vốn.
 
Hai sai lầm lớn đó đã đưa chúng tôi đi đến hoàn cảnh hiện tại không thể cứu vãn. Sản phẩm không đủ sức thu hút, các thành viên không có sự đồng tâm một lòng như hồi mới thành lập công ty, cả đội ngũ sản xuất game chỉ có thể trở thành một sự nuối tiếc to lớn trong lòng mỗi người chúng tôi.
 
Lần đầu lập nghiệp kinh doanh game thất bại, nhưng trong hành trang cuộc đời của tôi, thất bại chỉ là một gạch đầu dòng bằng bút chì, kinh nghiệm kinh doanh hơn 2 năm đã khiến tôi vỡ ra nhiều điều, rất nhiều thứ trở nên vô cùng rõ ràng:
 
  • Kinh doanh không chỉ cần dân chủ, nhân nhượng, có lúc cũng cần độc tài và quyết đoán!
  • Kinh doanh là một con đường đầy chông gai, cần phải có một hành trang đầy đủ không chỉ là sự tự tin mà còn cần hơn một cái đầu tỉnh táo.
  • Kinh doanh giống như một công trình xây dựng lớn, nếu không bỏ công sức đặt nền móng vững chắc, thì cho dù lầu các có đẹp đẽ thế nào cuối cùng cũng chỉ là những tầng không, khó có thể tồn tại lâu dài.
  • Kinh doanh không phải là đặt cược, không có thống kê và phân tích số liệu một cách khoa học, làm bất cứ điều gì cũng sẽ giống như thầy bói xem voi.
  • Kinh doanh chính là một cuộc sống khác, chỉ có quy hoạch thỏa đáng, mới có thể đánh đâu thắng đó, từng bước đi lên, đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Innoflex.vn