- Theo Trí Thức Trẻ | 31/08/2015 0:00 AM
Thị trường ứng dụng hiện nay rộng lớn hơn bao giờ hết, và khả năng phát hiện ứng dụng là một công việc hết sức khó khăn. Trên cả Google Play và App Store đều có tới hơn 1,500,000 ứng dụng, vậy nên, để được nổi bật giữa đám đông, bạn sẽ phải bỏ ra khá nhiều công sức. Hầu hết các nhà phát triển cần phải đầu tư tiền bạc vào marketing để thu hút người dùng nếu như muốn đạt được thành công. Nhưng trước tiên bạn phải tránh được những sai lầm chết người trong quá trình thu hút người dùng. Dưới đây là 7 sai lầm thảm họa nhất và cách để phòng tránh khi thu hút người chơi game mobile.
1. Không phát hành thử nghiệm (soft launch)
Quá trình thu hút người dùng bắt đầu với công đoạn chuẩn bị. Phát hành thử nghiệm có thể liên quan phần nhiều với tổng quan thiết kế game, xong đây cũng là một điều cực kỳ quan trọng mà bạn cần phải làm trước khi thực hiện công việc thu hút người dùng.
Chẳng có nhà phát triển game nào muốn đốt cả đống điền vô nghĩa để kéo người dùng đến với một tựa game chưa hoàn thiện cả. Khả năng cao sẽ thất thu lợi nhuận nếu như game của bạn chưa được thử nghiệm và điều chỉnh bởi cộng đồng. Chỉ cần thực hiện thêm một bước thử nghiệm bạn sẽ hoàn thiện được các tính năng của game và khi đó cơ hội thu về lợi nhuận sẽ được đảm bảo hơn nhiều.
Ảnh minh họa
Phát hành thử nghiệm, là tung tựa game đó ra tại một thị trường tương tự, nhỏ hơn để tìm kiếm một vài chuẩn đối sánh về thương mại hóa, duy trì người dùng và các thông số khác. Quan trọng hơn, phát hành thử nghiệm giúp các nhà phát triển game nắm được điều gì người dùng thích và không thích. Biết được nhiều hơn về các yếu tố làm thỏa mãn những người dùng tâm huyết nhất của bạn sẽ giúp cải thiện thương mại hóa, và có được tỷ lệ thương mại hóa cao sẽ giúp bạn linh hoạt hơn khi thu hút người dùng.
2. Không đặt tiêu chuẩn cho thành công từng bước
Rõ ràng mục tiêu chính của hầu hết các chiến dịch thu hút người dùng sẽ là tạo ra thu nhập và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên xuyên suốt quá trình này sẽ có khá nhiều yếu tố nhỏ, chi tiết và mỗi bước tiến hành nên được giám sát cụ thể. Tiến hành thực hiện một chiến dịch cũng giống như xây một ngôi nhà nhiều tầng, và nếu bạn không đặt nền móng cho từng tầng một, nó có thể sập ở bất cứ chỗ nào. Nhưng nếu đặt tiêu chuẩn và giám sát từng bước, bạn sẽ dễ dàng thay đổi, điều chỉnh bất cứ bước nào chưa đạt được hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị thu được của cả chiến dịch.
Bạn đang chạy một bài kiểm tra A/B (so sánh 2 phiên bản khác nhau trong cùng một thị trường), vậy mục tiêu là để tăng tỷ lệ nhấp (clickthrough) hay tỷ lệ chuyển đổi (conversion)? Sau chiến dịch, bạn sẽ so sánh 2 nguồn này với nhau. Liệu bạn có đủ kiên nhẫn để trung thành với những người dùng thân thiết có tỷ lệ duy trì chơi tốt hơn hay bạn quan tâm tới những người chi tiền nhiều hơn một chút? Đặt ra mục tiêu cho từng bước tiến hành sẽ giúp định hướng cả quá trình.
Ảnh minh họa
3. Không nắm được giá trị của người dùng
Câu hỏi nảy lên trong đầu tất cả mọi người khi chạy một chiến dịch thu hút người dùng là: “Tôi có thể đầu tư bao nhiêu để vẫn có lãi?” Một sai lầm phổ biến trong marketing về game mobile chính là không biết được lượng lợi nhuận mà người dùng tạo ra trước khi chạy chiến dịch. Người dùng chính là giá trị, là thước đo lợi nhuận của ứng dụng, vậy nên không thể không nắm rõ hành vi của họ thông qua những thông số chi tiết.
Dù bạn sử dụng ARPU, LTV (Lợi nhuận trung bình trên người dùng, Giá trị lâu dài) hay một thông số nào khác để xác định giá trị người dùng, quan trọng là phải có một tiêu chuẩn để xác định số tiền có thể đầu tư một cách hợp lý. Sẽ là vô cùng ngu ngốc nếu bạn đầu tư tới 2 USD để thu hút người dùng mới nếu trung bình người dùng của bạn chỉ chi 1 USD trong suốt quá trình chơi của họ.
4. Chỉ sử dụng một mạng lưới
Có vô số mạng lưới và nền tảng quảng cáo cho mục đích thu hút người dùng trong thế giới mobile. Đặt tất cả số trứng (lượng cài đặt) của bạn vào một giỏ (mạng lưới) hiếm khi đem lại cơ hội tối đa cho chiến dịch thu hút người dùng của bạn. Và nếu cái giỏ của bạn thủng thì rủi ro “mất cả chì lẫn chài” là vô cùng lớn.
Ảnh minh họa
Đầu tiên, sự đa dạng giúp chỉ số CPI (Cost per Install – chi phí cho một lần cài đặt) thấp hơn và cho phép bạn thử nghiệm nhiều nguồn khác nhau. Hơn thế nữa, nếu chạy chiến dịch trong một khoảng thời gian kéo dài, bạn sẽ đối mặt với rủi ro làm bão hòa mạng lưới đó. Bão hòa có nghĩa là khi mà ứng dụng của bạn được giới thiệu đến nhiều người dùng hơn, tỷ lệ chuyển đổi sẽ dần dần suy giảm.
Lấy ví dụ, ứng dụng A của bạn có tỷ lệ chuyển đổi khá ấn tượng là 10%, có nghĩa là nếu quảng cáo ứng dụng A được giới thiệu đến 10 người dùng, sẽ có 1 người cài đặt nó. Sau đó họ tiếp tục chơi game, và 9 người dùng còn lại sẽ thấy quảng cáo về ứng dụng A một lần nữa. Và khả năng họ cài đặt ứng dụng lần này sẽ giảm so với lần đầu tiên, dẫn tới tổng tỷ lệ chuyển đổi của bạn sẽ giảm xuống dần dần.
Để tránh bão hòa, hãy chạy quảng cáo của bạn trên nhiều mạng lưới khác nhau. Bạn sẽ phải đau đầu hơn một chút khi thiết lập nhiều chiến dịch, song hiệu quả mà nó mang lại sẽ là xứng đáng với công sức đó.
(còn tiếp)
5 sai lầm lớn nhất của các studio phát triển game độc lập