3 cách PlayStation đã thay đổi ngành công nghiệp game mãi mãi

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/09/2015 0:00 AM

Hơn hai mươi năm trước, Sony đã cho ra đời hệ thống console đầu tiên của mình - PlayStation và thay đổi ngành công nghiệp game mãi mãi.

Hơn hai mươi năm trước, Sony đã cho ra đời hệ thống console đầu tiên của mình và thay đổi ngành công nghiệp game mãi mãi. Sau đây, chúng ta sẽ bàn luận về 3 cách mà hệ thống kinh điển, tiêu thụ hơn 100 triệu máy trên toàn cầu – PlayStation đã cải tổ thế giới game ra sao.

Cách tân tay điều khiển

Ngành game thường nhắc tới Nintendo trong vai trò là người sáng tạo ra những điểm cách mạng trong thiết bị tay điều khiển (controller). Nhà sản xuất của Mario đã phổ biến hóa nhiều tiêu chuẩn như D-pad, 4 nút ấn xếp thành hình kim cương, phím phụ trên vai, và cần xoay analog stick. Tuy nhiên, chính PlayStation mới là người định ra bước đột phá cho tay cầm điều khiển.

Ảnh minh họa

Trong khi hầu hết các tay điều khiển giai đoạn đó đều chỉ có 1 hoặc 2 nút phụ trên vai, hệ thống PlayStation lại có tới 4 nút phụ (L1, L2, R1 và R2). Bước thay đổi tưởng chừng nhỏ nhặt này đã trở thành tiêu chuẩn mới cho hầu như tất cả tay điều khiển từ đó cho tới nay.

Quan trọng hơn, Sony đã cho ra mắt 1 tay điều khiển hoàn toàn tân tiến cho PlayStation vào năm 1997 với tên gọi “Dual Analog Controller”. Đây là tay điều khiển hiện đại đầu tiên nhờ vào sự sáng tạo của 2 cần xoay analog stick. Thông qua nó, người chơi có thể điều chỉnh camera tốt hơn trong những game hành động và nền tảng, đồng thời khiến thể loại bắn súng dễ chơi hơn hẳn trên các hệ thống console.

Chứng minh đĩa cứng (disc) là tương lai

PlayStation không phải là hệ thống console đầu tiên trên thế giới sử dụng đĩa cứng, bởi trước đó đã từng có Sega CD, Sega Saturn, CD-I và rất nhiều cái tên khác nữa. Tuy nhiên, nó là hệ thống đầu tiên tạo được thành công khi sử dụng đĩa CD thay vì băng (cartridge) truyền thống. Điều đó cho phép hệ thống console có thể chơi được CD nhạc, một tính năng độc đáo mà Nintendo 64 vốn dùng băng không thể thực hiện.

Ảnh minh họa

Bám lấy các cuộn băng còn khiến Nintendo thua thiệt về những mặt khác nữa, khi chi phí sản xuất đĩa CD rẻ hơn mà lại có giới hạn lưu trữ lớn hơn hẳn, nhờ vậy là thu hút nhiều nhà phát hành bên thứ 3. Đó cũng chính là một trong những lí do khiến hàng loạt thương hiệu sản phẩm từng trung thành với Nintendo, như Final Fantasy, đã chay sang phía lá cờ PlayStation. Ngày nay, tất cả các hệ thống console đều sử dụng đĩa cứng và định dạng kỹ thuật số.

Cho thế giới thấy rằng ngành game không chỉ là cuộc đối đầu giữa 2 công ty

Vào thời điểm đầu của thập niên 90, thế giới game console là cuộc so tài giữa Nintendo với Sega. Các công ty này đã trở nên quá lớn mạnh, thống trị toàn bộ thị trường đến độ khó có thể tưởng tượng được bất cứ ai khác có đủ năng lực để bước chân vào lĩnh vực này. Một vài người đã thử như 3DO, CD-I và Atari Jaguar, nhưng chúng đều nhận lấy thất bại ê chề với cái chết chóng vánh. Ai ai cũng nghĩ rằng Sega và Nintendo sẽ tiếp tục là tương lai của ngành công nghiệp game.

Nhưng PlayStation của Sony đã thay đổi thực tế đó. Nó đã trở thành một câu chuyện thần kỳ, thành công đến mức áp đảo doanh số của cả Sega Saturn lẫn Nintendo 64. Chỉ trong vòng đời của một thế hệ console, một công ty mới đã thâm nhập vào thị trường và trở thành vị thủ lĩnh tối cao.

Ảnh minh họa

Thành tựu của Sony đã giáng một cú mạnh mẽ vào ngành game. Sega, kết hợp từ những sai lầm chiến lược và không còn có khả năng để cạnh tranh đã trở thành một nhà phát hành bên thứ 3 đơn thuần, hoàn toàn rút khỏi mặt trận phát triển phần cứng. Microsoft, vì thấy được sự khả thi cho một công ty ngoại lai có thể bước chân vào thị trường console, đã cho ra mắt hệ thống Xbox của riêng mình ở ngay thế hệ console tiếp theo. Qua đó dẫn tới thực tại của chúng ta ngày hôm nay, một thế giới thường bàn tán về sự đối đầu giữa Sony với Microsoft thay thế Nintendo với Sega.

Theo VentureBeat

 

Thị trường webgame Trung Quốc đã đến độ chín và trên đà giảm dần