16 lí do tại sao người chơi bỏ game (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 04/05/2015 0:00 AM

Để đưa ra lời trả lời cho câu hỏi: “Tại sao người chơi bỏ game?”, các chuyên gia ở GameAnalytics đã đào sâu nghiên cứu và đưa ra một số lí do thú vị.

Khắc phục tốt những lí do trong kỳ trước có thể giúp ngăn chặn người chơi bỏ game ngay từ giai đoạn đầu. Tất nhiên, chúng ta cũng muốn níu giữ người chơi cho tới những màn cuối cùng của sản phẩm, nhưng thực thế là sẽ chỉ có một lượng nhỏ người chơi đủ kiên nhẫn và ham muốn thấy cái kết của game mà thôi. Do đó, GameAnalytics tiếp tục đưa ra những lí do thú vị khiến người chơi bỏ game giữa chừng:

8. Đột nhiên tăng độ khó

Game quá khó có thể gây ảnh hưởng tới trải nghiệm của người chơi, nhưng nói vậy không có nghĩa rằng bạn phải thiết kế ra một sản phẩm dễ tầm con nít. Tuy nhiên, độ khó của game cần mang tính công bằng ở mọi giai đoạn, và luôn có độ thử thách nhất định, khiến người chơi có mong muốn chinh phục. Ta có thể kể đến những sản phẩm thành công nhưng có độ khó cao điển hình như Demon’s Soul, Dark Souls, Super Meat Boy hay The Binding of Issac.

9. Nhân vật trở nên quá mạnh

Trở nên “bất khả chiến bại” sẽ thật thú vị nếu như nó chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn cố định. Đừng quên rằng thử thách trong game phải luôn tương xứng với kỹ năng của người chơi để giữ chân họ lâu dài trong một mạch chảy xuyên suốt. Nếu như nhân vật đại diện cho người chơi có thể trở nên quá mạnh, đến độ mất cân bằng thì chắc chắn họ sẽ sớm “quit game” bởi chả còn gì thú vị và hấp dẫn nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

10. Phụ thuộc vào việc “cầy cuốc”, thiếu “chất” bên trong

“Cầy cuốc” là một công cụ hữu dụng, nếu sử dụng tốt, nó có thể thúc đẩy kỹ năng của người chơi và gia tăng thêm sự gắn bó lâu dài, với những phần thưởng vật chất như vũ khí hay trang bị hấp dẫn. Nhưng “cầy cuốc” là chưa đủ để tạo nên một game hay. Ta có thể lấy điển hình ở Blizzard, bậc thầy của “cầy cuốc”, vẫn phải dành rất nhiều thời gian phát triển tập trung vào những yếu tố như cơ chế gameplay chính, hình ảnh và bối cảnh cho từng sản phẩm của họ.

11. Yêu cầu đầu tư nhiều thời gian mới thấy hay

Đây là một vấn đề cố hữu ở những game online, đặc biệt là thể loại MMORPG thế hệ trước khi người chơi luôn mất rất nhiều thời gian trải nghiệm thì mới có thể cảm nhận được cái hay, hết chiều sâu sáng tạo của sản phẩm. Ta cần ghi nhớ rằng, không phải tất cả người chơi thời nay đều có nhiều thời gian cần thiết để đầu tư vào game. Final Fantasy XIII là một game console điển hình có phần hướng dẫn quá dài và tuyến tính lên tới 20 – 30 giờ, và đó chính là một những điểm bị chỉ trích nặng nhất từ phía người chơi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với những game xã hội và miễn phí, chúng lại thường gặp phải các lí do khác khiến người chơi bỏ đi như sau:

12. Một cộng đồng độc hại

Bởi tính chất kích thích người chơi tương tác qua lại và kết nối với nhau trong game xã hội, các nhà phát triển nên cẩn trọng theo dõi cộng đồng người chơi của mình đang lớn lên và tiến hóa ra sao. Bởi một cộng đồng “hung hãn” và không thân thiện sẽ dọa nát, đuổi hết người chơi mới đi. Những game xã hội thực sự cần có quản lý cộng đồng thật tốt.

13. Tài nguyên quá khan hiếm

Đây là một “căn bệnh” thường thấy ở game miễn phí (free-to-play) mà người chơi thường gọi là pay-to-win hay free-to-pay. Nếu chúng ta đưa bộ phận người chơi không trả phí quá ít tài nguyên để phát triển và trải nghiệm game, chắc chắn họ sẽ cảm thấy chán ngán và mệt mỏi dù là ở giai đoạn đầu hay sau. Chiến lược kinh doanh xoay quanh việc bắt ép người chơi phải trả phí để có trải nghiệm tốt chắc chắn sẽ không dẫn đến đâu và chỉ khiến họ tìm kiếm một lựa chọn khác mà thôi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

14. Thiếu hoạt động và sáo rỗng

Các người chơi game xã hội luôn muốn được tham gia vào nhiều dạng hoạt động đa dạng và có tương tác với người khác. Mỗi lần chơi đều cần cảm thấy sống động và đầy phần thưởng khuyến khích, cho dù nó kéo dài đến đâu.

15. Trừng phạt những người chơi không hoạt động

Người chơi cần có những lúc được nghỉ giải lao. Trong bất cứ thời điểm nào đó, họ có thể phải dừng chơi vì một chuyện khác quan trọng hơn, ví như đi du lịch nước ngoài, về quê… Vì vậy, nếu khi họ quay trở lại game và phát hiện ra rằng họ đã mất tất cả mọi thứ, chắc chắn họ sẽ quit game. Thay vào đó, bạn có thể tạo ra những phần thưởng dành cho người chơi cũ khi họ đăng nhập trở lại sau một thời gian dài vắng bóng.

16. Các bản cập nhật chậm chạp

Nếu bạn muốn duy trì người sử dụng trong một thời gian dài, bạn cần giữ họ luôn bận rộn hoặc cho họ một lí do để quay trở lại game. Thông thường, các bản cập nhật nên có thời gian khoảng từ 1 – 3 tháng là hợp lý. Nếu các bản cập nhật quá chậm, có khả năng người chơi sẽ không chỉ xóa game, mà còn lãng quên luôn sự tồn tại của game.

 

>>Những sự thực về ngành công nghiệp máy tính và video game Mỹ 2015